Tương lai trong lòng quá khứ
Một bạn Bulgaria than với tôi về nạn chảy máu đồ cổ: “Người ta vơ vét hết các tượng thờ nhỏ trong các gia đình rồi tới cả những con suốt chỉ, kéo sợi cũng sạch nhẵn”.
Những người đàn bà dệt vải ngày xưa chắc không tưởng tượng nổi cái con suốt chỉ của họ có ngày lại trở thành một giá trị văn hóa, một cổ vật được săn lùng, giá bằng cả mấy năm dệt vải kéo sợi của họ. Những người thợ gốm tam thái nhà Mạc làm hàng xuất khẩu thế kỷ XVI cũng không tưởng tượng nổi 400 năm sau một món đồ do tay họ làm ra được bày trang trọng trong Bảo tàng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và có giá 25 triệu USD!. Một nhà báo than thở khi ông thị trưởng Moskva cho đập một tòa nhà cũ rằng: “Phải thật giỏi, thật giàu mới chơi được đồ cổ. Ông thị trưởng tốt bụng và khỏe mạnh như một con voi. Nhưng để con voi đi giữa đống đồ cổ thì thật đáng lo ngại!”. Sư bà trông coi chùa Tây Phương, cầm cuốn sách tôi tặng giới thiệu các kiệt tác điêu khắc cổ Việt Nam, bảo tôi: “Xin các bác đừng viết, đừng chụp ảnh nữa. Chúng nó biết đẹp, quý chúng nó lấy hết.” Tất nhiên VN đang thuộc những nước chảy máu di sản nhiều nhất. Trong tương lai chúng ta sẽ đau xót về các pho tượng bị bán đi, những di tích bị sai hỏng do phục chế, biến dạng do kinh doanh du lịch… như nhìn Mỹ Sơn hôm nay mà biết rằng trước khi bị tàn phá bởi chiến tranh, cách nay chỉ hơn 40 năm nó còn là một quần thể hùng tráng của 70 ngọn tháp nguyên vẹn.
Tương lai của văn hóa Việt Nam gồm một phần căn bản là những di sản (vật thể và phi vật thể) mà quá khứ còn để lại đến hôm nay. Song di sản và bản sắc không phải những món đồ cần cất kĩ trong kho và chút hương thơm được nút kín trong lọ để trang xức cho sang khi đi dự dạ hội, làm dáng, khoe mẽ với “người ta”. Di sản và bản sắc sống trong hiện tại và qua đó đi tới tương lai. Không sống trong hiện tại thì chúng sẽ diệt vong và chúng ta có tội với con cháu. Việc sáp nhập Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (mà theo tôi nên là VH-DL-TT) là rất hay vì công nghiệp không khói chính là một trong những cách thức tốt nhất để di sản và bản sắc văn hóa dân tộc sống được, sống thực trong hiện tại. Tuy nhiên du lịch cũng có thể hủy hoại di sản và bản sắc nếu không được phát triển với một tầm nhìn sâu xa về văn hóa. Cái mâu thuẫn giỏi, giàu mới xài được cổ vật (nghèo thì thường bán rẻ đi, thậm chí vứt bỏ đi) và nguy cơ “con voi vụng về” luôn rình rập. Không phát triển nhanh du lịch thì không có tiền mà tôn tạo di tích, dân chúng mất cơ hội làm ăn. Tôn tạo sai thì mất di tích mà muốn tôn tạo đúng phải có thật nhiều tiền, thật nhiều người giỏi! Quan họ, rối nước, chèo, tuồng, cồng chiêng, sử thi, nhạc cung đình… không có lễ hội du lịch và thương mại hóa thì sẽ biến mất vì cái không gian văn hóa từng nuôi dưỡng chúng nơi sân đình, buôn bản, triều đình phong kiến đã mất đi rồi.
Mặt khác lấy đâu ra cho đủ hiện vật gốc, nghệ nhân gốc để phục vụ hàng triệu khách. Một trăm con đò ca Huế với 700 nghệ sĩ xuất bến một đêm trên sông Hương thì ca Huế “thứ thiệt” chỉ là một ảo tưởng làm người sành ca Huế cười ồ! Thương mại hóa thành sản phẩm du lịch thì tất nhiên chúng sẽ không thể còn nguyên dạng như các nhà nghiên cứu sưu tầm đòi hỏi. Nguy hơn nữa khi du lịch có thể là fast food - ăn nhanh, bất cần chất lượng. Tình trạng phổ biến là ta sẽ tạo ra các di sản “zỏm”, bản sắc “zỏm” hoặc chỉ có tính mô phỏng dành riêng cho du lịch. Văn hóa Kitsch là một thứ văn hóa “zỏm-nhái” mà ta thấy rõ nhất nơi các đồ lưu niệm và sản phẩm du lịch. Với di sản vật thể và phi vật thể thì tối ưu là phục cổ nguyên si để giới thiệu. Và cầu trời cho các nghệ sĩ phát huy được truyền thống trong các sáng tác hiện đại của mình để những hạt hồng cầu di sản thực sự chảy trong mạch máu những con người thời nay! Du lịch biết bảo trợ nghệ thuật hiện đại, từ kiến trúc, mỹ thuật tới sân khấu âm nhạc, thời trang, lễ hội… là du lịch tinh khôn, “đẳng cấp”. Tầm văn hóa của quản trị kinh doanh du lịch thấp thì văn hóa quốc gia khó phát triển, “hình ảnh đất nước” khó hấp dẫn.
Với các di sản thiên nhiên cũng vậy. 3.000 km bờ biển nhưng với kiểu chia lô làm resorts, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân golf,… ồ ạt, không có quy hoạch, kém chất lượng thì một mặt du lịch không thể có lãi cao, mặt khác nguy hơn là người dân thường VN (do không đủ tiền) sẽ bị tước quyền ra tắm biển và thưởng thức các phong cảnh đẹp của đất nước, đó là một sự bất công nhất, là cái hố ngăn cách giàu nghèo to nhất. Không chỉ Vedan và công nghiệp độc hại tàn phá môi trường mà quy hoạch du lịch cũng có thể giết chết vẻ đẹp trời ban cho đất nước Việt Nam!
Ôi cái biện chứng văn hóa - kinh tế: quá khứ - hiện tại - tương lai, bảo tồn - phát huy - khai thác du lịch đang là một thách đố lớn nhất của quốc gia ta. Khó vô cùng. Các vị có biết cho không !
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng