Tùy bút nhỏ về hậu hiện đại
Chưa bao giờ tôi lại có cảm giác sốt ruột đối với nền văn chương ở ta như hiện nay. Sốt ruột bởi vì, có một bộ phận lớn văn chương vẫn yên lòng trong những nhận thức cũ, những cách biểu đạt cũ. Sốt ruột vì những cách làm mới cho văn học chưa đủ mạnh để tạo ra những làn sóng ảnh hưởng, cao hơn là những cú hích cho văn học thay đổi theo hướng phát triển.
Trong khi đó thì hàng ngày vẫn cứ thấy các tập thơ, các tập truyện đủ loại lần lượt ra đời. Và nó cứ việc ra đời, còn có được đón nhận hay không cũng không cần biết.
Trong khi đó thì các lý thuyết phương Tây và các tác phẩm văn chương phương Tây đang tràn vào ta như những luồng gió mạnh, có cả cái thích hợp và chưa/không thích hợp; cả cái hay lẫn cái chưa/không hay, và cả cái dở nữa.
Và trong khi đó thì vẫn có người hễ cứ thấy những tìm kiếm khác lạ thì liền bĩu môi dè bỉu, nghi ngờ, chê bai, thậm chí miệt thị.
Tôi không phải là người sùng bái phương Tây một cách vô lối. Tôi cũng cố gắng làm kẻ tự phản biện. Mỗi khi nghe ai, đọc cái gì, trước khi đồng ý hay phản đối, cố gắng tự phản biện đã, tự nhủ lòng không vội vàng, không a dua, không chạy theo thời thượng. Tôi không chạy theo để được tiếng là người không bảo thủ, hay là người hiện đại, người đổi mới. Tôi cố gắng làm người tự tri…
Ấy thế nhưng vẫn cứ sốt ruột, trong khi lý trí bảo đừng sốt ruột.
Tôi thấy hậu hiện đại được mấy thứ, mà tôi muốn diễn đạt theo cách giản dị nhất để dễ chia sẻ.
Hậu hiện đại cổ súy cho việc mỗi người là một chủ thể nhận thức độc lập, cần biết hoài nghi vào những gì đã có sẵn, ổn định, như là những chân lý cuối cùng. Xin nhấn mạnh, hoài nghi không phải là phủ nhận, chối bỏ hoàn toàn. Hoài nghi là để tìm kiếm một cách kiến giải và tạo dựng khác. Nếu không hoài nghi, làm sao có thể có một chủ kiến độc lập. Mà đã không có chủ kiến thì làm sao có phát kiến. Ở ta thường là nghèo phát kiến. Mà chủ yếu là làm theo, mô phỏng, bắt chước. Ngay cả công đoạn này cũng cần thiết. Trí khôn loài người là tài sản vô giá. Nếu không biết học và làm theo thì thật là uổng phí. Học theo rồi mới có kết tinh. Kết tinh là kết quả cuối cùng của một quá trình: chuyển dịch, học theo, và cuối cùng là kết tinh, nghĩa là sáng tạo ra cái mới theo cách của mình.
Hậu hiện đại nó khuyến khích người ta chấp nhận những cái khác biệt. Tại sao anh lại tự cho anh cái quyền duy nhất phát ngôn chân lý? Tại sao người ta nói khác anh, làm khác anh, không giống anh lại bị anh cho là sai? Có thể anh đúng, nhưng cách nói và cách làm của tôi cũng đúng, đúng ở một góc nhìn, một cách nhìn khác. Vậy thì, thế giới này được quyền tồn tại những cái khác biệt một cách thân ái và bình đẳng bên cạnh nhau. Nhờ có sự tôn trọng này, nên ta tránh được những đố kỵ, lườm nguýt, phủ nhận ác ý…
Hậu hiện đại thừa nhận cái bất toàn của thế giới. Không có một cái gì có thể hoàn hảo, tuyệt đối. Nó không đề cao quá mức tính duy lý cho rằng lý trí là đấng tối cao để nhận thức và hành động. Dĩ nhiên nó cũng không khuyên con người đề cao quá mức cảm tính, cảm giác, trực giác, tình cảm…Nó đề cao những kinh nghiệm cá nhân cụ thể, những ấn tượng và thức nhận về cái ở đây, bây giờ, tức thì, không ổn định, ngay sau đó nó lại biến đổi, một khoảnh khắc này đã khác với khoảnh khắc liền kề trước đó. Theo tôi nghĩ, đây là một hướng tìm tòi quan trọng. Lâu nay người viết nào quá tin vào cái hoàn toàn, hoàn hảo, bất biến của thế giới, người đó dễ sinh ra thất vọng.
Hậu hiện đại lại cho rằng đời sống vốn bất an, bất trắc. Không có gì có thể ổn định, vững như bàn thạch. Nó vận động, đổ vỡ, hỗn độn, gây hoang mang, gây bất tín…Những xáo động của thực tiễn trên thế giới và trong nước trong vòng một hai năm nay như chiến tranh, dịch bệnh, lũ lụt, tai nạn lao động và tai nạn giao thông, tệ nạn tham nhũng, khủng hoảng tài chính, ô nhiễm môi trường đã khiến những người có lương tri không thể an lòng. Tuy nhiên, đó là một trạng thái của đời sống hiện đại. Nếu biết vậy, có thể ta sẽ tỉnh táo hơn, thấu triệt hơn về những tai ương của đời sống để mà có những nỗ lực chung cải thiện tình hình.
Hậu hiện đại còn cho rằng, văn chương không chỉ dừng ở chỗ biểu đạt ý nghĩa như lâu nay vẫn hằng như thế, mà văn chương còn là chuyện dụng chữ. Chữ (ngôn từ) trong văn học đi ra từ tổng thể năng lượng tinh thần của mỗi cá nhân. Chữ của mỗi cá nhân cũng lại nằm trong tổng thể chữ (ngôn ngữ) của lịch sử và văn hóa dân tộc, nhân loại. Thế cho nên mới có hiện tượng đọc cái này bất chợt nghĩ đến cái khác, và nghĩ đến cái khác để rồi lại bất chợt nghĩ đến cái khác nữa…Cứ như thế, đọc văn chương luôn luôn là một quá trình năng động và không ngừng diễn giải theo những cách khác nhau, lắm khi đầy bất ngờ. Điều đó làm nên sức hấp dẫn của văn chương.
Hậu hiện đại chấp nhận đồng thời cùng một lúc viết lên nội dung và viết lên cả cái lao động viết của người nghệ sĩ trên trang giấy. Đây là một điều đặc biệt thú vị. Lâu nay, chúng ta vẫn nghiêng về việc kể về thế giới theo những cách kể khác nhau. Nay mở ra thêm cách nữa: viết về chính cái nghĩ về cách viết khi ta đang viết. Tôi đang kể về thế giới và tôi đang kể về cách kể của tôi về thế giới. Thế là, văn chương sẽ mở ra chiều kích mới: kỹ thuật tự sự cũng là nội dung của tác phẩm văn học.
Hậu hiện đại chấp nhận cả hình thức PR trong văn học. Tại sao lại không? Trong cơ chế thị trường, sản phẩm văn hóa không thể là sản phẩm tinh thần thuần túy, mà còn là hàng hóa. Mà đã là hàng hóa thì tuân theo quy luật cung cầu lạnh lẽo của thị trường. Và quảng cáo, bây giờ cao hơn là PR (một hình thức truyền thông thuyết phục người sử dụng tin vào chất lượng thực của sản phẩm, khác với quảng cáo là cách tuyên truyền về chất lượng một cách ngoa ngôn và vô hạn độ) là cách để các tác giả dễ đi vào trường văn trận bút vốn rất khắc nghiệt nếu không muốn bị vô tăm tích.
Nhưng ở đời, không có gì hoàn toàn hay hoặc hoàn toàn dở. Hậu hiện đại lắm cái hay mà cũng không ít những nguy cơ nếu không được bảo hiểm bằng tư cách trí thức, tôi xin nhấn mạnh là tư cách trí thức. Điểm cốt yếu nhất của tư cách trí thức là khả năng phản biện và ý thức trách nhiệm. Ở trong những trường hợp phá đám, lăng nhăng, nói và làm văng mạng, có thể dẫn đến những hậu quả không mong, như cái mà ta vẫn gọi tuy hơi bị mòn về nghĩa, đó là tình trạng vô chính phủ.
Khi đó, sẽ bàn mọi chuyện của đời sống không theo tinh thần phê phán mang tính trách nhiệm nữa, mà là chửi đổng. Làm cứ như là mọi thứ xấu xa, lạc hậu là do ai đó gây nên chứ bản thân mình thì vô can, bản thân mình trong sạch hơn người khác.
Khi đó, một số tìm kiếm hình thức chỉ còn nhằm theo đuổi cái lạ mắt, lạ tai chứ không nhằm theo đuổi cái hay. Lúc đó, hình thức không phải là cái tất yếu, nghĩa là nó nhất thiết phải như vậy khi nó biểu đạt một ý tưởng (ý niệm) như vậy. Đó có thể là một thứ trò chơi hiền lành vô tội, hay là thú nghịch ngợm, một thứ lạ mắt, một thứ diễn trò cốt gây chú ý của đám đông mà thôi.
Khi đó người ta tìm mọi cách để ngụy biện cho tất cả hệ từ vựng thông tục mà đỉnh cao là những từ tục tĩu, mất vệ sinh với một mật độ quá trớn (nếu được sử dụng với một chức năng nghệ thuật và với một mức độ cần thiết thì lại là chuyện khác). Mỗi một từ (ngữ) bao giờ cũng chứa trong nó cả một trường văn hóa bao bọc quanh nó gắn liền với tri thức và cảm xúc của cộng đồng dân tộc. Làm sao có thể viết một cách bất chấp được. Đã đành là văn hóa có tính ổn định và bảo thủ của nó, nhưng cũng không dễ gì xóa sạch ký ức của cộng đồng trong mỗi ngôn từ. Vả lại xóa đi thì liệu có ích gì, và để rồi dẫn tới đâu?…
Một diễn giải về hậu hiện đại như trên đang còn quá ư sơ lược. Nhưng bài viết này không nhằm hướng tới một tiểu luận khoa học. Hiện nay, nếu ai có hứng thú về hậu hiện đại sẽ không khó khăn gì trong việc tìm kiếm các tài liệu hoặc đã được dịch sang tiếng Việt, hoặc các nghiên cứu tiếng Việt và các thứ tiếng khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, hậu hiện đại là cơn gió lạ từ phương Tây đang tràn vào Việt Nam mà chúng ta không thể dửng dưng đứng nhìn nó được. Trên thực tế, đã có một dàn các cây bút trẻ đang tràn đầy nhiệt hứng thể nghiệm lối viết theo tinh thần hậu hiện đại với nhiều cấp độ và chất lượng khác nhau.
Hiện giờ, có một cực là không cần biết đến hậu hiện đại là gì; một cực khác, hậu hiện đại đang có nguy cơ trở thành thời thượng, nơi nơi thấy nói đến hậu hiện đại. Nhưng rõ ràng, không nhiều thì ít, cái cảm quan hậu hiện đại đã có mặt và thấm dần vào cảm quan chung của người Việt, nhất là các văn nghệ sĩ. Tôi vẫn ao ước sẽ có một hậu hiện đại mang màu sắc Việt Nam. Tại sao lại cứ phải y xì Tây chứ. Vâng, một hậu hiện đại riêng của tiếng Việt, rộng ra là văn chương và văn hóa Việt. Nhưng làm thế nào để có được điều đó còn tùy thuộc chung vào nỗ lực không của riêng ai.
Cự lộc, 23.12.2008
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)