Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
Hiện nay chúng ta chưa có ý thức trong việc xây dựng một nền văn hóa đọc cho thiếu nhi.Công việc rất quan trọng này lâu nay dường như chỉ là những việc riêng của các nhà sáng tác, các nhà xuất bản. Dấu ấn của các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo và cả các nhà quản lý văn hóa còn quá mờ nhạt. Có lần tôi vô tình nghe được một người bạn hứa với đứa con lớp 2 của mình như sau: “Cứ một điểm 9 bố sẽ thưởng một quyển Thủy thủ mặt trăng, một điểm 10 thưởng một quyển Conan...”.
Tôi hỏi: “Sao anh không thưởng cái gì khác ngoài sách?”. Trả lời: “Phải thưởng sách, phải khuyến khích sự đọc thì chúng nó mới có thể mở mang đầu óc được chứ”. Đúng là phải đọc thì mới có thể “mở mang đầu óc”, nhưng đọc mấy quyển như Conan, rồi Thủy thủ mặt trăng, thử hỏi: đầu óc các em sẽ được “mở mang” dưới dạng nào? Rất nhiều bậc phụ huynh ý thức được việc đọc là bổ ích với trẻ nhỏ, nhưng đọc cái gì, đọc như thế nào thì dường như hoàn toàn buông xuôi cho sở thích của con cái.
Gần đây trên thị trường sách xuất hiện một quyển có tên: Câu đố cho trẻ em, nhưng nội dung của những câu đố này lại không phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em chút nào. Người viết ngờ rằng có thể tác giả quyển sách này đã đánh vào cái tâm lý tò mò, muốn biết các chuyện “người lớn” của trẻ em để câu khách (?). Và như thế một câu hỏi được đặt ra: Để những quyển sách như thế trôi nổi trên thị trường, trách nhiệm của các nhà quản lý ở đâu?
Một phương diện khác, phương diện sáng tác, xuất bản, phải thấy rằng sáng tác cho thiếu nhi không khó, nhưng để các em chịu đọc, thích đọc lại không dễ chút nào. Văn học VN trải qua bao nhiêu năm, những tác phẩm thiếu nhi thích quanh quẩn vẫn chỉ Dế mèn phiêu lưu ký, thơ Trần Đăng Khoa, Phạm Hổ, một vài truyện của Nghiêm Văn Đa, Phùng Quán và chấm hết. Chính vì các nhà văn không tạo ra được những cái mới, các nhà xuất bản không cho ra đời được những ấn phẩm hấp dẫn, lôi cuốn nên phần lớn trẻ em hiện nay đều trở thành đệ tử trung thành của truyện tranh nước ngoài. Mà tác hại của hầu hết những truyện tranh này đến đâu là điều không cần phải nói.
Để xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi cần sự tham gia có nhiệt huyết từ nhiều phía: các bậc phụ huynh, các nhà quản lý văn hóa, thầy cô giáo, và quan trọng nhất là đội ngũ những người sáng tác. Nên chăng chúng ta cần phát động một phong trào sáng tác cho thiếu nhi, để từ đó tìm ra những tác phẩm thật sự có giá trị và làm các em yêu thích? Và nên chăng đã đến lúc khuấy động một phong trào đọc các tác phẩm văn học VN bằng cách đưa những tác phẩm này vào mỗi nhà trường, từng lớp học?
Đã đến lúc cần phải nhìn nhận việc xây dựng văn hóa đọc cho thiếu nhi một cách nghiêm túc.
Nội dung khác
Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh