Văn hoá và Tương lai
Báo chí khắp thế giới gần đây nói rất nhiều về thế kỷ XXI như là thế kỷ của văn hoá. Những quan điểm như vậy là không thật đúng. Con người, trên đường đi tìm kiếm chân lý, bỗng nhiên phát hiện ra những khía cạnh khác nhau của sự vật và tuyệt đối hoá nó. Đó thường là khuyết điểm của tính không chuyên nghiệp về mặt tư tưởng. Tôi cho rằng tương lai không phải là của văn hoá, tương lai là của con người với tư cách là một thực thể văn hoá. Trình độ nhận thức của con người đã đạt đến mức con người nhận thấy văn hoá trở thành quan trọng. Đấy chỉ là một trạng thái nhận thức mới của con người về các thành tố tham gia vào quá trình cấu tạo ra cuộc sống của mình.
Nói văn hoá là quyền lực hay tương lai của chúng ta đều không đúng. Văn hoá có tính bền vững của nó. Chúng ta vừa mới bàn về điều này. Văn hoá luôn luôn tồn tại trong đời sống của con người, luôn luôn chiếm giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, bởi vì nó chính là con người. Văn hoá là yếu tố để thể hiện một cách đầy đủ nhất, một cách trọn vẹn nhất, một cách tổng hợp nhất các giá trị con người.
Hệ giá trị là những cấu trúc phổ biến, những cấu trúc không có quốc tịch mặc dù bao giờ cũng có bản sắc riêng của nói đối với từng cộng đồng khác nhau. Chúng ta nghiên cứu cấu trúc của văn hoá là nghiên cứu cái phổ quát, còn văn hoá của ai thì không được quy định bằng hệ giá trị. Trước đây, khi trí tuệ con người còn thấp, chúng ta phấn đấu vì một hệ lý tưởng nào đó được chỉ ra bởi một hệ tư tưởng. Nhưng cuộc sống diễn biến nhanh hơn nhiều so với những gì con người dự kiến. Con người phấn đấu không phải chỉ vì tương lai mà cần phải và cần có quyền sống, quyền hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Thực ra, cần phải nói rằng không thể có thứ hạnh phúc tương lai. Hạnh phúc tương lai là thứ hạnh phúc tưởng tượng, còn hạnh phúc có thật là hạnh phúc diễn ra ngày hôm nay. Hệ giá trị là những tiêu chuẩn để cho con người tìm kiếm hạnh phúc đích thực của nó chứ không phải hạnh phúc trong trí tưởng tượng, hay trong sự tiên lượng về hạnh phúc.
Hệ giá trị là một biểu hiện rất thực tế của văn hoá. Nó dễ bị, hay được, xoá bỏ để thay đổi tạo ra sự phát triển. Đó vừa là phương tiện để con người tự đo mình và vừa có giá trị như một công cụ để có thể đối thoại. Hệ giá trị có thể coi như ngôn ngữ chung để con người chung sống, để con người đi tìm kiếm sự dung hoà, sự cân bằng, sự hoà bình. Hệ giá trị ấy mang tính phổ biến và độc lập tương đối với các giá trị kinh tế.
Đời sống càng ngày càng mở rộng do các khả năng giao lưu. Các quốc gia đang phát triển mới chỉ đặt ra nhiệm vụ hội nhập về kinh tế, nhưng thực ra vấn đề quan trọng hơn cần đặt ra là phải tạo cho con người có năng lực hội nhập về mọi mặt của đời sống. Hội nhập là yêu cầu của đời sống.
Tiêu chuẩn cá nhân, tiêu chuẩn cộng đồng đều có tính độc lập tương đối. Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn hoàn toàn độc lập cộng đồng hoặc là cộng đồng độc lập tuyệt đối với các cộng đồng khác. Tất cả những điều này đều liên quan đến văn hoá.
Nhân loại đang phát triển theo xu hướng hội nhập, từ xưa đến nay chứ không phải chỉ từ cuối thế kỷ 20. Hội nhập là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Và hội nhập trước hết là hội nhập về văn hoá.
Nhưng các cộng đồng đi vào tương lai bằng cách nào? Và ảnh hưởng của văn hoá đến nhận thức của con người, đến việc hình thành công nghệ tìm kiếm tương lai của mỗi một dân tộc, thể hiện như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lại buộc phải trả lời một câu hỏi khác: Tương lai là gì? Tương lai là cuộc sống ngày mai, chất lượng tương lai thì khác nhau nhưng khái niệm tương lai là giống nhau. Nếu người ta tự sát thì không có ngày mai, nếu người ta hạn chế trí tuệ thì chất lượng của ngày mai sẽ kém đi. Vậy làm thế nào để con người học tập được kinh nghiệm của những dân tộc, của những cộng đồng tiên tiến để đi tới một tương lai tốt đẹp hơn, cao sang hơn? Đấy chính là cái mà tất cả mọi nhà giáo dục, nhà chính trị đều mong muốn.
Đế có kiến thức thì người ta vừa lệ thuộc vào ngày mai vừa phụ thuộc vào quá khứ. Nếu không có ngày hôm qua thì không có kinh nghiệm để có ngày mai, chính vì thế các nhà chính trị thường cường điệu bản sắc dân tộc. Nó chính là chìa khoá để có những kinh nghiệm ban đầu cho hành trình từ hôm nay đi đến ngày mai. Thế nhưng, nếu chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào sự lạc hậu và các yếu tố lạc hậu của kinh nghiệm thì chúng ta sẽ đến ngày mai chậm hơn. Lý do thật đơn giản: chúng ta sẽ không thể tự do học hỏi những cách thức tiên tiến cần thiết cho sự phát triển. Từ xưa đến nay, các dân tộc lạc hậu thường là các dân tộc cát cứ. Nước Mỹ hùng vĩ như thế, phát triển như thế, nhưng vẫn còn hai trào lưu đấu tranh gay gắt với nhau: trào lưu "biệt lập chân chính" cho rằng cần phải đóng cửa lại, rằng nước Mỹ cần giải quyết các vấn đề của mình, và trào lưu thứ hai cho rằng nước Mỹ phải mở rộng ảnh hưởng của mình ra toàn thế giới, lấy sức sống của thế giới làm chính sức sống phát triển của mình.
Theo tôi, chúng ta phải thu lượm, hay nói một cách thô kệch hơn, phải nhặt nhạnh tất cả các kinh nghiệm mà chúng ta có thể nhặt nhạnh được trong cuộc sống để tạo ra nhận thức, tạo ra công nghệ tương lai của mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn