Lửa đắng

10:08 CH @ Thứ Hai - 20 Tháng Sáu, 2011

"Lửa đắng "cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn vừa được NXB Lao Động ấn hành, dày 600 trang. Đây có thể coi là sự tiếp nối của "Luật đời và Cha con" của tác giả này - đã được tái bản 6 lần trong 2 năm và chuyển thể thành bộ phim truyền hình 26 tập mang tên "Luật đời".

Trong "Lửa đắng", tác giả vẫn tiếp tục kể chuyện về những nhân vật trong "Luật đời", nhưng có thêm hơn 50 nhân vật mới, đề cập đến các vấn đề về chuyển đổi cơ chế quản lý và lãnh đạo một cách tập trung và quyết liệt hơn. Theo tác giả, lúc đầu ông định đặt tên cho cuốn sách là "Thành phố đau đẻ", để nói nỗi đau đớn của sự sinh thành cơ chế mới, nhưng sau đổi thành "Lửa đắng" - xuất phát từ một đoạn nói về cuộc đấu khẩu mà thực chất là cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt giữa 2 nhân vật "quan trọng" trong tiểu thuyết.

Lửa đắng là cuốn tiểu thuyết viết về ngày hôm nay, ở ngay dòng chảy chính của hiện thực, trực tiếp có mặt ở những va đập kiến tạo ra nó, cả những đổ vỡ hào sáng, cả những kết tụ phũ phàng.

Đọc Lửa đắng, người đọc liên tưởng ngay đến Luật đời và cha con, cuốn tiểu thuyết cùng tác giả vừa ra mắt đã được công chúng và những người trong giới đón nhận khá nồng nhiệt. Hai cuốn tiểu thuyết cùng chọn một bồi cảnh, cùng một dàn nhân vật, cùng khắc hoạ cuộc sống ở một thành phố vùng đồng bằng trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, nói một cách khác, thời kỳ đổi mới còn đang ở dạng phác thảo. Bên cạnh sự tương đồng, Lửa đắng không hoàn toàn là phần tiếp theo của Luật đời và cha con mà chỉ là cuốn tiểu thuyết thứ hai trong bộ tác phẩm Luật đời mà tác giả ấp ủ xây dựng như Nguyễn Bắc Sơn đã tâm sự trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí. Cùng hướng tới miêu tả cuộc đấu tranh nhằm giải quyết xung đột giữa cái cũ và cái mới, cụ thể là cuộc đấu tranh để đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, nhưng Luật đời và cha con tập trung vào cuộc xung đột và việc giải quyết xung đột giữa các thế hệ còn Lửa đắng xoay quanh một luận đề khác, vấn đề cải cách hành chính.

Vẫn những nhân vật quen thuộc nhưng trong Lửa đắng, mối quan hệ gia đình đã nhường chỗ cho sự sắp xếp của hệ thống. Qua hơn 600 trang sách, ta thấy các nhân vật đổi vị trí liên tục. Trần Kiên được xoá án kỷ luật, khôi phục chức bí thư quận uỷ đồng thời kiêm chức Chủ tịch quận, được bầu vào Trung ương, được đề bạt Phó Chủ tịch thành phố. Đoàn Hùng từ thư ký trở thành Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận. Thảo Tần xin từ chức Phó hiệu trưởng để trở về với nghề dạy học quen thuộc. Thanh Diệu từ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban để về công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố. Sán leo lên đến chức Phó giám đốc Sở thì bị vạch rõ chân tướng. Vĩnh Bảo nhận chức Trưởng phòng Văn hoá Quận…

Ngoài những nhân vật trên, tác giả cho ta hình dung sự sắp xếp nhân sự còn diễn ra quyết liệt, khẩn trương ở cấp Thành phố và trên cả thành phố. Tất cả những xáo trộn ấy không phải ngẫu nhiên, đó là sự xáo trộn, sự chuyển đổi tất nhiên của những cá nhân trong một cơ chế mới, một hệ thống tổ chức mới, hệ thống tổ chức của thời kỳ đôi mới. Không thể có một dàn nhân sự hoàn hảo trong một hệ thống tổ chức không có chút bất hợp lý nào, nhưng qui luật của cuộc sống đòi hỏi phải tiến tới sự hợp lý và nhất định sẽ tiến tới sự hợp lý, cho dù sự hợp lý luôn chỉ là một cái đích, không bao giờ hoàn toàn đạt được, đó là điều tác giả muốn nhắn gửi tới bạn đọc và đó cũng là tính luận đề ẩn sâu trong Lửa đắng. Người ta nhận ra qua tiểu thuyết những hạn chế, những bảo thủ của thể chế hành chính hiện nay. Đó là tình trạng tất cả qui cho trách nhiệm tập thể, cho cơ chế, cho người tiền nhiệm, nghĩa là tất cả đều có trách nhiệm trước sai lầm, khuyết điểm, mình chỉ là một bộ phận trong đó, không là người chịu trách nhiệm chính… qua không khí nặng nề ở Văn phòng Thành uỷ thành phố Thanh Hoa trước tin Tổng Bí thư sẽ về làm việc đột xuất.

Đó là cách sống dối trên chèn dưới khi báo Thời luận đưa tin về vụ tiêu cực đất đai ở thuỷ cung Thần Tiên. Đó là tình trạng yếu kém, vô trách nhiệm của nhiều cấp cơ quan bảo vệ pháp luật đến ngay Tổng biên tập báo Thời luận bị tạt át xít trả thù cùng không lần ra manh mối. Đó là cuộc hội nghị do Tổng Bí thư chủ trì, dưới ngòi bút Nguyễn Bắc Sơn, phần lớn ngậm miệng giữ ghế, trừ một thiểu số trung thực, dũng cảm nói lên sự thật. Những Lửa đắng phanh phui, phê phán mà không làm người đọc thất vọng. Bên cạnh số người đang tạo ra những trì trệ, cản trở, vẫn toát lên âm hưởng lạc quan từ những phẩm cách như Tổng Bí thư, như Kiên, như Đại, như Đoàn Hùng, Vĩnh Bảo Thanh Diệu, Thảo Tần và nhiều người khác. Cũng trong vấn đề cải cách hành chính, ý tưởng của Trần Kiên nhất thể hoá chức Bí thư Đảng bộ và Chủ tịch Quận đã được Bí thư Thành uỷ, Tổng Bí thư và đông đảo cán bộ, đảng viên ủng hộ nhiệt tình. Chúng ta chưa được biết hiệu quả của việc nhất thể hoá đó như thế nào trong công việc cụ thể, hằng ngày của Trần Kiên nhưng với sự tín nhiệm ngày càng cao mà anh giành được, việc nhất thể hoá đó chắc chắn mang lại nhiều thành công.

Nhiều người và ngay cả Nguyễn Bắc Sơn đều cho rằng hai cuốn tiểu thuyết, một là cuốn Luật đời và cha con và hai là cuốn sách bạn đang có trong tay là tiểu thuyết luận đề, điều đó có phần đúng. Được coi là tác phẩm luận đề khi tác giả có một quan niệm, một nhận thức nào đó và muốn truyền bá tới mọi người bằng nghệ thuật. Ngược lại với luận đề khi tác giả chỉ chú tâm làm nghệ thuật còn giá trị tư tưởng, giá trị nhận thức của tác phẩm chủ yếu sẽ được toát lên từ hình tượng nghệ thuật của tác phẩm không hoàn toàn phụ thuộc, thậm chí ngoài ý muốn của tác giả. Cả hai cách làm nghệ thuật đều cần đến một điều kiện chung là tài năng. Có tài năng thì dù làm nghệ thuật chỉ với mục đích chuyển tải cho một tư tưởng, tác phẩm vẫn cứ sống, vẫn cứ động, vẫn cứ hay. Không có tài năng thì dù có lao tâm khổ tứ phụng sự nghệ thuật, tác phẩm vẫn không có cả nghệ thuật lẫn tư tưởng. Những nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn đều đại diện cho một loại cán bộ, đảng viên, công chức nào đó. Nhưng vượt lên những ước lệ mòn sáo, những nhân vật này không chỉ gánh vác trách nhiệm đại diện của mình mà còn tồn tại như một con người cụ thể, có vui buồn, yêu ghét khát vọng cao cả và dục vọng thấp hèn; tự tin và tự ty; thành công và thất bại. Nếu như cần khẳng định sự thành công của Nguyễn Bắc Sơn trong thể loại tiểu thuyết thì có lẽ điều cần khẳng định đầu tiên là nhà văn đã xây dựng được một dàn nhân vật là những người phần nhiều có chức, có quyền không phải là những hình nộm khô khan minh hoạ cho một triết lý sống; không phải là những hình kỷ hài trống rỗng để tác giả trút vào có quan niệm của mình về họ. Các nhân vật của ông tồn tại như người đang sống quanh ta, bởi thế, có lẽ là lần đầu tiên một cách có hệ thống, trong tiểu thuyết đương đại, người đọc được hé mở tấm màn của chủ nghĩa sơ lược để tiếp cận với lớp người vẫn thường được gọi là "quan" trong xã hội với tấm chân dung chân thực của nó.

Nhân bàn việc này rất đáng chú ý với Lửa đắng, lần đầu tiên trong văn xuôi Việt Nam đã xuất hiện nhóm nhân vật gồm những người ở vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, trong đó nổi lên bốn nhân vật là Tổng Bí thư ông Trân; Bí thư thành uỷ mới; ông Thụ, Trương ban Tư tưởng-Văn hoá và một nhân vật khá độc đáo, nhân vật "Cự", chỉ thấp thoáng những khiến người đọc phải trầm ngâm nghĩ ngợi. Khác với hình tượng lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo thường xuất hiện thoáng qua nhằm nhấn mạnh, minh hoạ cho một tưởng nào đó trong khá nhiều tác phẩm điện ảnh, sân khấu, văn xuôi, Tổng Bí thư và một chừng mực nào đó là ông Trân, đã được tác giả khắc hoạ như một nhân vật của tiểu thuyết bằng xương bằng thịt. Không có điều kiện tiếp xúc nhiều với các nguyên mẫu (nếu như có nguyên mẫu) nhưng Nguyễn Bắc Sơn đã có được nhiều trang viết chân thực về các nhân vật này trong vị trí công tác, trong tiếp xúc, trò chuyện với cán bộ cấp dưới, trong sinh hoạt gia đình. Cũng từ miệng nhân vật, Nguyễn Bắc Sơn đã nói được không ít suy nghĩ của mình về thời cuộc, từ chuyện đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực đất đai; sự trù dập trả thù những người dám đấu tranh chống các thủ đoạn xã hội đen trên báo chí công tác tổ chức cán bộ; công tác xét xử của toà án… Không sa đà vào trữ tình luận đề nhưng nhiều trang viết của Nguyễn Bắc Sơn giàu khả năng khám phá, khái quát hiện thực cùng chính nhờ thủ pháp này.

Là người có may mắn được sống và trải nghiệm nhiều năm trong không gian tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn (phải chăng vì thế mà ông đưa tôi viết đôi lời này) tôi đã đọc liền mạch với sự thích thú Lửa đắng.

Và bây giờ, với nguyên vẹn sự thích thú ấy, xin giới thiệu cuốn tiểu thuyết với bạn đọc


Từ Lửa Đắng ngẫm về bệnh "ăn bẩn" của công chức có quyền

(Thu Thanh, Tuần Việt Nam)

Viết cuốn Lửa Đắng trong một năm, nhưng Nguyễn Bắc Sơn mất năm rưỡi để tác phẩm “chạy” qua 7 nhà xuất bản từ Bắc vào Nam. Những người không sẵn sàng làm “bà đỡ” cho Lửa Đắng, họ e ngại điều gì?

Xung quanh câu chuyện trong tiểu thuyết Lửa Đắng của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn mời các bạn chia sẻ những bài viết suy ngẫm, trăn trở vấn đề của đất nước, thời cuộc hôm nay qua.

Phải chăng Lửa Đắng chạm đến những "vùng cấm", phải chăng Lửa Đắng có điều gì "phạm húy"? Và vì sao, khởi đầu truân chuyên ấy cũng không ngăn được nó ra đời, có một sinh mệnh riêng trong đời sống văn học một cách an bình và tự tại?

Kế thừa tuyến nhân vật cũ của cuốn tiểu thuyết Luật Đời và cha con(đã được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập), mở rộng thêm nhiều nhân vật khác, Lửa Đắng đã sải bước sang một chủ đề mới.

Không chỉ là những vấn đề cá nhân, hôn nhân, gia đình...mà mạnh dạn tấn công trực diện vào đề tài chính trị xã hội nhức nhối ở nhiều bình diện, nhiều lĩnh vực như: cơ chế, thể chế, cải cách hành chính, việc thay đổi, cải tiến những cái đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu trong hệ thống chính trị không còn phù hợp với sự phát triển. Kéo theo nó, là những vấn đề xung quanh không kém phần gai góc như tham nhũng, hối lộ, bầu cử, chạy chức chạy quyền, vấn đề dân chủ, dân biết dân bàn, dân kiểm tra, là vai trò và cả những tổn thất của những người làm báo trong cuộc đấu tranh xây dựng cơ chế mới...

Thông qua hai tuyến nhân vật, một chính diện, một tha hóa, Lửa Đắng đã xây dựng được một cuộc chiến vừa công khai, vừa âm thầm giữa cái cũ và cái mới, giữa những kẻ cản đường và những người đang tiến lên trong xây dựng xã hội.

Những nhân vật cản đường nằm trong bộ máy công quyền, họ có cái thiện và cái không thiện bên trong, vì không thắng nổi nhau trong cuộc vật lộn giữa cái cũ và cái mới nên cái không thiện vẫn kéo họ xuống. Một ông Trưởng ban Kiểm tra của Thành ủy mệnh lệnh, quyền hành vô lối, một ông Bí thư Thành ủy và đa số những người trong thường vụ, vì những lợi ích cá nhân mà bao che, lấp liếm, quanh co, đối phó và đổ lỗi cho tập thể để trốn tránh trách nhiệm.

Điển hình cho những công chức mắc bệnh "tha hóa quyền lực" là Vũ Sán, một công chức biến chất, hạn chế về năng lực, ham tiền, hám gái, dùng thủ đoạn để thăng chức, dùng xã hội đen để dằn mặt báo chí, đáng khinh đến độ nữ cảnh sát điều tra phải thốt lên: "Khinh cơ bản, toàn diện, vững chắc".

Họ làm lên cái lỗi của hệ thống, cái khiếm khuyết trong cơ thể chính trị, hiển hiện trong đời sống mà nhân vật "Tổng bí thư" đã nhận ra: "Một vấn đề có tính phổ biến là sự bất hợp lý, sự quan liêu, sự chồng chéo, sự trì trệ, bùng nhùng, cái không minh bạch, cả cái bẩn thỉu đang ẩn nấp đâu đây trong bộ máy hành chính này". Ông nhận ra cái căn bệnh trong đạo đức của cán bộ, "nhiều người ăn bẩn, ăn chặn, ăn bớt, ăn mảnh, ăn của đút đến thế. Không phải những kẻ, mà là những bọn, thậm chí cả một tập thể". Ông nhận ra cái căn bệnh "lãnh cảm thẩm mỹ cộng đồng" nói lên thói thờ ơ, vô trách nhiệm nhập nhèm, lem nhem trong xây dựng, đất đai, quy hoạch đô thị... Ông cũng nhận ra hệ thống kiểm tra giám sát của Đảng, của chính quyền đều làm chưa tốt chức năng của mình, nên "các đồng chí bị lộ còn ít quá", vì thế mà "các đồng chí chưa bị lộ mới dám làm liều".

Bên cạnh những nhân vật cản đường nằm trong bộ máy công quyền, Nguyễn Bắc Sơn đã thành công khi xây dựng được nhân vật ẩn danh, phiếm chỉ - "người lơ lớ", kẻ luôn đứng sau Vũ Sán, kẻ mà "không ai biết là ai" kể cả khi Vũ Sán đã bị lột trần bản chất. Hắn như con sâu, con mọt, gặm khoét cái cơ thể chính trị - xã hội.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn. Ảnh: cinet.gov.vn

Điều làm người ta phải chột dạ, phải giật mình, là hắn, có thể là bất kỳ ai đó, lẩn quất đâu đó, dù có là số ít thì cũng có sức mạnh phá hủy ghê gớm. Và trong mối quan hệ của hắn, trên hắn, lại có một nhân vật thấp thoáng được gọi là "người ngoài hành tinh", ám chỉ một quyền lực nào đó, một thế lực mà người ta biết là có tồn tại, quyền lực ảnh hưởng ghê gớm, nhưng không thể định danh, định tính, định hình.

Tác giả theo đuổi chủ đề "nhất thể hóa" trong hệ thống chính trị, mà Trần Kiên là nhân vật đại diện. Trăn trở từ thực tiễn lãnh đạo, quản lý khiến anh nung nấu xây dựng một nền hành chính sạch. Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc bị vu cho là chuyên quyền, độc đoán, tập trung quyền lực, có lúc bị kỷ luật, bị bôi nhọ... Trần Kiên vẫn vững vàng, kiên định và đầy bản lĩnh theo đuổi và thực hiện cái gọi là "nhất thể hóa" bí thư và chủ tịch ở ngay quận của mình.

Những người ủng hộ Trần Kiên, Phó Chủ tịch Quận Thanh Diệu, bà Bội Trân, ông Thụ, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương, ông Trân, Bí thư Thành ủy Thanh Hoa mới nhậm chức và cả vị Tổng Bí thư đáng kính... là tuyến nhân vật được Nguyễn Bắc Sơn dành cho nhiều sự ưu ái. Lần đầu tiên trong văn học, những nhân vật ở chóp bu của hệ thống chính trị được khắc họa cụ thể và gần độc giả đến vậy. Họ là những người lãnh đạo tâm huyết, tranh luận và biện luận quyết liệt để bảo vệ cho lý tưởng sống, biết lắng nghe phản biện, biết ủng hộ cái mới, cái hợp lý.

Dù ít nhiều còn mang tính tượng trưng nhưng đây là những nhân vật mà tác giả gửi gắm niềm tin, sự hy vọng và lý tưởng của mình. Những nhân vậy ấy có thể làm yên lòng bạn đọc, yên lòng chính người cầm bút, bởi họ như những chiếc chân cột vững chắc làm trụ, chỗ dựa tinh thần cho những trăn trở nội tại để cho một sự sinh thành cơ chế - dẫu có vật vã, cũng được ghi nhận, được nâng đỡ để mà kiên định hơn.

Thành phố Thanh Hoa có lẽ cũng nên được xem là một nhân vật có nhiều cá tính, mang trong lòng nó tất cả sự bộn bề và nhức nhối mà vị Tổng Bí thư đã gọi tên. Nó khiến ông đau đáu: "Việc này chắc chắn không chỉ có ở Thanh Hoa. Vấn đề là ở bộ máy, ở hệ thống. Là cơ chế vận hành bộ máy ấy". Vị Bí thư trong truyện quả quyết tin rằng giải pháp chính là: "Kiên quyết tháo khớp những đốt nào hoại tử. Nếu được thì lọc máu. Cần nữa thì thay máu".

Ngọn lửa đắng đót, không ngọt ngào nhưng có thể phân định vàng, thau.

Lời cuối sách, tác giả dường như để tạo ra cái barie an toàn, đã viết: "Mọi sự hao hao, na ná, giống giống, thậm chí giống như in giữa tiểu thuyết và cuộc đời, nếu có chỉ là ngẫu nhiên trong sáng tạo của tác giả". Bởi đọc hơn 600 trang, nhiều người có thể thấy một Thành phố Thanh Hoa quen quen và giông giống một thành phố nào đó mà họ biết hoặc họ suy luận, có thể thấy những nhân vật mà "hình như" có một nguyên mẫu nào đó. Nhiều hiện tượng của cuộc sống mà có thể độc giả cũng đã từng trải qua, từng chứng kiến sẽ được lý giải sau khi đọc xong Lửa Đắng.

Gai góc nhưng không sắc lẻm làm người ta sợ hãi, luận đề nhưng không nặng nề lý luận làm người ta mệt, chán, vì tác giả biết cách khéo léo đứng sang bên làm một người kể chuyện, không bình luận, không "tự" lý luận khô khan mà biết lồng các vấn đề khó nói nhất, nhức nhối nhất vào lời của các nhân vật, thông qua những cuộc chuyện trò, tranh luận, những cuộc họp...Đôi lúc, đã biết làm mềm đi các vấn đề tư tưởng, chính trị, thế sự, bằng cách nói dân gian, khẩu ngữ, những câu thành ngữ mới xuất hiện để diễn đạt sinh động những tệ nạn của xã hội mới. Đôi lúc, lại xen vào những đoạn trữ tình ngoại đề, những khắc họa nhân vật có phần lãng mạn và lý tưởng. Đến độ, làm cho người ta đau nhưng không bi lụy. Người ta buồn, nhưng vẫn nhận thấy một thái độ sống tích cực, thái độ xây dựng, dám đấu tranh cho cái mà người ta tin là đúng, là đẹp, là lý tưởng.

Phải chăng, Lửa Đắng chính là ngọn lửa của cuộc đấu tranh giữa những chiến tuyến tư tưởng và lối sống trong cuộc sinh thành cái mới, cơ chế mới. Ngọn lửa đắng đót, không ngọt ngào nhưng có thể phân định vàng, thau.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Luật đời và Cha con

    20/06/2011
  • Dương Hướng thấy gì Dưới Chín Tầng Trời?

    20/06/2011GS. Hoàng Ngọc HiếnGiáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhận định về cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Dương Hướng: “Nếu như tiểu thuyết trước hết là cốt truyện thì tác phẩm “Dưới chín tầng trời” thừa sức hấp dẫn. Vì cốt truyện rất ly kỳ, nhiều tuyến nhân vật quan hệ éo le, số phận ba chìm bẩy nổi …, nhiều tuyến hành động diễn ra các miền Trung, Nam, Bắc, có xóm làng và thành phố, có chiến trường ác liệt ở miến Nam và sinh hoạt nhộn nhạo, rối ren vùng biên giới phía Bắc…Với tôi thì tiểu thuyết trước hết là những nhân vật. Tôi sẽ bình phẩm những nhân vật đáng chú ý”...
  • Thần thánh và bươm bướm

    04/01/2011Tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướmcủa nhà văn, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, NXB Văn học ấn hành viết về nông thôn Việt Nam thời hội nhập với những buồn vui, hy vọng, ảo vọng và mặc cảm của một nông thôn phải quằn quại chia tay với nền văn hóa ký ức để háo hức hướng về tương lai, với những phận người xoay đảo quanh thần thánh và bươm bướm...
  • Thời Của Thánh Thần

    03/11/2010Nhà văn Hoàng Minh Tường có tham vọng lớn là làm một cuộc phẫu thuật lịch sử Việt Nam qua một gia đình nhỏ mà những biến động trong gia tộc có nhiều điểm trùng hợp với lịch sử nước nhà. Tiểu thuyết tái hiện những vết thương thời cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, những dư chấn Giải phóng miền Nam, v.v…
  • Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu

    07/07/2010Tiểu thuyết miêu tả những số phận trải qua mấy chục năm đầy biến động của đất nước nên không thiếu những tình huống éo le, bi thảm, nhưng tác giả cũng dành nhiều tâm huyết miêu tả những cảnh đời bình dị, êm đẹp ở một làng quê, với tình mẹ con, họ hàng, làng xóm đầm ấm – vẻ đẹp truyền thống và là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam…
  • Cuồng phong

    30/06/2010Sau 10 năm viết đi sửa lại, cuốn tiểu thuyết đồ sộ dày tới hơn 700 trang cuối cùng đã được xuất bản. 'Cuồng phong' là câu chuyện về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 dữ dội và chói sáng được kể qua chuyện đời của một dòng tộc...
  • Ngài nghị sĩ

    28/06/2010"Ngài nghị sĩ" của Phạm Chí Dũng là câu chuyện có phần giả tưởng xảy ra ở một nơi nào đó, cách VN không xa. Bi kịch của tham vọng nơi chính trường, màn đen trong não trạng của giới chính khách chi phối cử tri, những cuộc thanh trừ chính trị... đã làm cuốn tiểu thuyết này gây tò mò ngay từ đầu cho người đọc. Tác giả muốn đưa ra vấn đề cần phải hướng đến một xã hội lý tưởng như thế nào, thế nào là văn minh chính trị...
  • Gặp được nhiều người qua "Dòng đời"

    19/01/2007Tuyền LinhGặp mình, gặp người thân, gặp người quen... Gặp gỡ và có thể lắng nghe được nhiều người khi đọc bộ tiểu thuyết "Dòng đời" của tác giả Nguyễn Trung, do NXB Văn nghệ TPHCM và Trung tâm Ngôn ngữ và văn hoá Đông - Tây ấn hành cuối năm 2006, dày 1.000 trang...
  • Đọc “Dòng đời”

    18/12/2006Cao Huy ThuầnLần đầu tiên, văn học Việt Nam có một tiểu thuyết đồ sộ, dựng lên cả một xã hội ba mươi năm hậu chiến với đủ khía cạnh văn hóa, chính trị, kinh tế, đưa ra những bộ mặt tiêu biểu của đủ giai tầng xã hội mới cũ, vẽ lên một bức tranh hoạt họa linh động, bi hài. Phải vừa là chuyên gia, vừa là nhà văn mới viết được một truyện dài như thế, lý sự thâm hậu xen kẽ với tình tiết tài hoa...
  • Dòng đời – Dòng tâm huyết

    18/12/2006Đông LaDòng đờilà tác phẩm có tính sử thi, nhưng không thuần sử, nghĩa là tác giả không chỉ liệt kê và mô tả những sự kiện xảy ra trên đất nước mà chủ yếu ông tái hiện cái hành trình gian khó của sự nảy sinh, sự đơm hoa kết trái, những bài toán và lời giải còn ở phía trước của công cuộc đổi mới. Về nghệ thuật, Nguyễn Trung lựa chọn bút pháp hiện thực rất giản dị, rất trong sáng...
  • xem toàn bộ