Bài thơ cuối cùng của thầy giáo Hoàng Đạo Thúy

09:13 SA @ Thứ Sáu - 24 Tháng Mười Hai, 2010

Ngày 15/4/1946, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Trường Cán bộ Việt Nam (tiền thân là Quân chính kháng Nhật) được đổi thành Võ bị Trần Quốc Tuấn, thực hiện đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung, đại đội trong thời gian 6 tháng. Người đã bổ nhiệm ông Hoàng Đạo Thuý, một nhà giáo yêu nước, nguyên Trưởng phòng thông tin (Bộ Tổng Tham mưu) làm Hiệu trưởng.

Từ Hướng đạo sinh đến Võ bị Trần Quốc Tuấn

Sinh năm 1900 trong một gia đình nho học, khi lớn lên, Hoàng Đạo Thúy đã chọn cho mình nghề sư phạm. Xách chiếc va-ly với vài bộ quần áo và chục quyển sách, ông đi dạy học khắp nơi. Khi thì lên rừng, lúc lại xuống biển, đến đâu ông cũng tìm hiểu nhân tình thế thái, tìm hiểu lịch sử dân tộc.

Năm 1929, học tập phương pháp rèn luyện của thanh niên phương Tây, ông đã cùng bạn đồng chí hướng thành lập “Hội hướng đạo Việt Nam”. Khi thì dã ngoại xa thành phố, những đêm lửa trại, những chuyến xuyên rừng tập tìm phương hướng, hay những bài tập thông tin “moóc-xơ”… đã khơi dậy lòng yêu nước và tạo dựng bản lĩnh sống trong giới thanh thiếu niên trí thức.

Thực dân Pháp và cả phát xít Nhật cố lôi kéo ông phục vụ cho ý đồ của chúng, nhưng ông đã khéo đối phó, cố gắng duy trì hoạt động của Hội. Những năm 40, Hội có tổ chức rộng khắp Đông Dương. Trong số những tráng sinh ngày ấy nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ cốt cán như Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Dương Đức Hiền, Vũ Quý…

Những năm 40, ông về dạy học ở Hà Nội, là dịp có thể nghiên cứu sâu về Thăng Long – Đông Đô, về lịch sử cha ông ta đánh giặc.

Năm 1943, ông Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh cố gắng tiếp cận ông, nhưng không thành do mật thám Pháp theo dõi ráo riết. Sau này, ông Vũ Quý mới tiếp xúc được với ông, hướng phong trào đi theo đường lối Việt Minh.

Thầy Hoàng Đạo Thúy (người khoác áo trắng, đứng giữa) trong họp mặt Võ bị khóa 2-3, Hà Nội 1988.


Tháng 6/1945, chính phủ Trần Trọng Kim mời ông làm Bộ trưởng Thanh niên, ông từ chối. Trong những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, ông được mời lên Tân Trào dự Quốc dân đại hội. Tại đây, ông được gặp Hồ Chủ tịch và các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… cùng những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu.

Gắn đời mình với Cách mạng, với trách nhiệm của người trí thức, với kinh nghiệm hoạt động hướng đạo và uy tín của Tổng ủy viên, ông vận động anh em hướng đạo sinh, tráng sinh tham gia Việt Minh, củng cố chính quyền non trẻ ở các cấp.

Sau 2/9/1945, ông Võ Nguyên Giáp giao cho ông nhiệm vụ tổ chức thông tin liên lạc cho cả nước. Ông trở thành người lãnh đạo đầu tiên của binh chủng Thông tin.

Nghe lời Bác, lấy cơm sạch thừa làm tương

Nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng trường Võ bị, Hoàng Đạo Thúy đã đưa cả vợ con lên phục vụ nhà trường. Ngày khai giảng, 25/6/1946, Cụ Hồ cùng các đại biểu đã trực tiếp đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội. Tới bếp ăn, thấy anh em ăn thừa cơm, Cụ Hồ phê bình là lãng phí của nhân dân. Tiếp thu ý kiến của Người, ngay hôm sau, bà Thúy đã cho lấy cơm sạch còn thừa chế biến làm tương ăn cho bộ đội.

Với trình độ sư phạm, kiến thức lịch sử cùng kinh nghiệm tổ chức hướng đạo, Hiệu trưởng đã cùng Chính trị ủy viên Trần Tử Bình và các ông Vương Thừa Vũ, Vũ Lập, các cán bộ, giáo viên kết thúc đào tạo khóa huấn luyện dài hạn đầu tiên một cách xuất sắc. Ngày 8/12/1946, gần 300 học viên ra trường đã bổ sung ngay cho các đơn vị, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch.

Đến khóa 3, ông lại được chỉ định làm Hiệu trưởng, còn ông Lê Đình làm Chính trị viên. Trong khóa học này, tất cả cán bộ, học viên đều không quên được kỷ niệm – thầy Thuý được kết nạp vào Đảng. Đó là ngày 1/5/1947, lễ kết nạp được tổ chức tại cơ quan Tỉnh ủy Bắc Cạn, ngay trong rừng. Ông Hoàng Văn Thái, đại diện Đảng ủy quân sự Trung ương, về dự; 2 ông Nguyễn Văn Bồng và Triệu Huy Hùng được phân công giúp đỡ “Đảng viên dự bị” (trong số học viên khóa 2 và 3 ngày ấy có cả Hoàng Đạo Hùng là con trai của ông).

Để thống nhất trong công tác đào tạo, khóa 2 (theo thầy Nguyễn Sơn ) sau khi kết thúc ở Khu Bốn đã hành quân ra Bắc Cạn hợp nhất cùng khóa 3 vào ngày 10/9/1947. Sắp kết thúc huấn luyện thì giặc Pháp nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn, gần khu vực đóng quân. Ngày 9/10/1947, nhà trường được biên chế thành trung đoàn E79 do thầy Thúy là trung đoàn trưởng. Trung đoàn tổ chức đánh thắng 2 trận Đầm Hồng và Yên Thịnh, phá vỡ kế hoạch hợp điểm của địch tại Bản Thi.

Trong lễ bế giảng tại đình Nghĩa Tá, ngày 28/10/1947, do thành tích học tập và chiến đấu, thầy trò Võ bị khóa 2 và 3 đã vinh dự được Bác Hồ tặng cho 4 chữ vàng “Trung dũng, Quyết thắng”.

Bài thơ cuối cùng

Năm 1966, cụ nghỉ hưu và về với căn nhà nhỏ của tổ tiên để lại ở làng Đại Yên (Hà Nội). Với tình yêu quê hương đất nước, với kinh nghiệm của những ngày tháng rong ruổi dạy học và tham gia cách mạng, với trình độ uyên thâm về lịch sử, cụ đã tranh thủ viết sách. Cụ đã để lại cho đời nhiều cuốn sách quý như “Trai nước Nam làm gì” (1943), “Nghề thầy” (1944), “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội” (1960), “Phố phường Hà Nội xưa” (1974), “Đất nước ta” (1989), vv...

Hàng năm, cứ ngày mồng 3 Tết, các cựu cán bộ, học viên Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1,2,3 và anh em hướng đạo sinh cùng bạn bè cũ đến chúc Tết thầy. Đầu Xuân 1993, đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Lê Quang Đạo đã đến mừng thọ cụ 93 tuổi.

Đúng như những gì về cuộc đời mà cụ đã tổng kết “dạy học 28 năm, làm hướng đạo 15 năm, vào bộ đội 20 năm, cả đời yêu nước, làm việc gì cũng vì nước” và thầy luôn tâm đắc “quãng đời trong quân đội là quãng đời hạnh phúc nhất”.

Khi thấy mình đã yếu lắm, cụ yêu cầu ông Phan Phác (nguyên cán bộ Tổng đội học viên khóa 2 và 3) treo lên phía cuối giường 2 lá cờ “Trung với nước, Hiếu với dân” của Võ bị khóa 1 và “Trung dũng, Quyết thắng” của Võ bị khóa 2 và 3 để được nhìn lần cuối, để nhớ đến Hồ Chủ tịch kính yêu và những đồng đội thân thiết.

Sau ngày cụ mất, lục dưới gối đầu giường, gia đình tìm thấy một tờ giấy đã thấm mồ hôi, ngả mầu vàng có ghi lại bài thơ “Ngủ quên” cụ làm trước đó 1 năm:

Gió thoảng, trăng trong, buổi mát trời
“Ngủ quên, không dậy” việc thường thôi!
Các con chớ giận không từ biệt
Cháu nhớ ông bà ngày tháng trôi

Cái chính chỉ là một lời dặn:
“Giữ lòng trung hậu ở trên đời”
Nhớ thương ghi tạc tình cao cả
Tổ quốc bền lâu với đất trời!

Xuân 1994



Và có một điều không phải ai cũng biết, cụ chính là bố vợ của Giáo sư Tạ Quang Bửu, cố Bộ trưởng Bộ Đại học của chúng ta. Còn bà Oanh – vợ Giáo sư – chính là người đã cùng mẹ lên trường Võ bị phục vụ bộ đội trong những ngày đầu tiên tại thị xã Sơn Tây năm 1946.

Nguồn:Bee.net.vn
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Làm cho trọn chức trách của chúng ta

    21/10/2016Lê Huy Tuấn (gt)Nghề dạy học luôn là một trong những nghề cao quý nhất. Đồng thời cũng là một nghề mang trọng trách lớn đối với xã hội. Trong lịch sử nền giáo dục nước ta, nhiều người thầy đã có những cống hiến lớn lao cho nghề dạy học. Một trong những người hầy như thế là thầy Hoàng Đạo Thuý (1900-1994). Từ những năm 30 của thế kỷ trước, thầy đã tham gia dạy học và cùng với Trần Duy Hưng, Tạ Quang Bửu, Trần Văn Khắc, Ngô Thế Tân là những người đi tiên phong trong các hoạt động của hội hướng đạo sinh...
  • Cụ Hoàng Đạo Thúy: Người Hà Nội

    05/02/2010Hải NhâmHoàng Đạo Thúy sinh ra đúng năm đầu thế kỷ trong một gia đình nhà Nho nền nếp. Thuở nhỏ, cụ thường thấy nhà mình đông học trò đến học và ôn luyện để đi thi hương, thi hội; bởi cha cụ - nhà Nho yêu nước Hoàng Đạo Thành - từng là một chí sĩ trong phong trào Duy Tân, cũng là giáo học.
  • Trai nước Nam làm gì?

    30/01/2010Hoàng Đạo ThúyHoàng Đạo Thúy là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực giáo dục, xã hội, chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa... đặc biệt là những tác phẩm về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Nội. Năm 1943, Hoàng Đạo Thúy viết cuốn sách "Trai nước Nam làm gì?" để kêu gọi thanh thiếu niên rèn luyện trí tuệ, đạo đức, ý chí và thể lực, chờ ngày giúp nước. Cuốn sách được viết cách đây hơn 60 năm, nhưng tính thời sự và giá trị giáo dục của tác phẩm vẫn còn có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống ngày hôm nay. Chungta.com xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn "Trai nước Nam làm gì?" của nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy.
  • Kỷ vật cho muôn đời

    16/05/2009Là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, song Bác Hồ rất giản dị trong cuộc sống, bộ sưu tập “Đồ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là một trong những sưu tập hiện vật quý. Đó là những hiện vật liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của Bác ở trong nước cũng như nước ngoài.