Cà phê thứ bảy với một trí thức Sài Gòn

12:18 CH @ Thứ Bảy - 03 Tháng Năm, 2008

Không phải vì “từ quan” ra làm dân ông mới nổi tiếng. Từ lâu, nhiều người ở TP. Hồ Chí Minh biết ông Lương Văn Lý là một nhà ngoại giao lịch lãm, một trí thức tài năng. Ông có thể dịch cho hai cuộc trao đổi chuyên môn sâu bằng hai ngôn ngữ Anh - Pháp cùng một lúc.

Trong tiệm cà phê sáng thứ bảy, phòng viên Người Đô Thị được cùng ông trò chuyện.

Làm ông mai bà mối

Ông Lý, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), bây giờ sẽ gọi ông chức danh gì đây ạ?

- Là một doanh nhân bình thường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đại Nam Long (ĐNL).

Sao Công ty lại có cái tên nghe như "thuốc bắc”?

- Lấy chữ đầu tên ba người cùng làm với nhau ĐNL. Khi cô nhân viên đi đăng ký xin phép, lo lắng điện thoại về nói rằng luật yêu cầu tên Công ty phải là tiếng Việt, có nghĩa. Một người nhanh trí bảo: ĐNL thì cứ nói là Đại Nam Long. Tên hơi kêu quá! Công ty Tư vấn Đầu tư. Tóm lại là ông mai bà mối của nhà đầu tư và dự án.

Báo có đăng tin là ông kết hợp với Cựu Đại sứ Mỹ Peterson trong công việc. Cụ thể thế nào?

- Ngoài việc ở Công ty, tôi tham gia thành viên HĐQT của hai Quỹ đầu tư khác, trong đó có một Quỹ có ông Peterson ở trong HĐQT. Chúng tôi là những thành viên độc lập, không góp vốn, không cổ phần. Chủ yếu là phản biện khoa học kinh doanh với cái nhìn hoàn toàn độc lập.

Ông đã đổi vai - trước là Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, nay lại ở vai doanh nghiệp ngày xưa ông quản lý. Ông cảm nhận thế nào?

- Chúng tôi mới chỉ làm hai dự án nhỏ thôi nhưng tư vấn đầu tư các lĩnh vực nóng: bất động sản, hạ tầng giáo dục, y tế, công nghệ cao… Ông mai cho hai bên bên từ khi gặp nhau cho đến khi “cưới” (ra giấy phép chứng nhận đầu tư) phải mất 2 - 3 năm. Do thủ tục, huy động vốn, giải phóng mặt bằng, công việc đầu tư cần nhiều thời gian, công sức, bền bỉ. Lúc đau tôi không nghĩ gian nan như thế. Khi còn làm trong Nhà nước, nghe doanh nghiệp kêu, tiếp nhận, dù có thông cảm cũng ở mức người ngoài cuộc. Lúc đó cứ nghĩ là mình làm hết sức rồi. Bây giờ chính bản thân kẹt vào những khó khăn, thủ tục hành chính ấy, mới biết đá biết vàng.

Ông vốn là nhà ngoại giao được đào tạo tốt, sang làm KH-ĐT, rồi thành doanh nhân. Ông thấy công việc hiện nay có hợp với mình, hay chỉ là do cuộc sống đẩy đưa?

- Tôi thích công việc hiện nay. Trước hết, tôi đã có một số kinh nghiệm ở Sở KH-ĐT, lĩnh vực quen thuộc. Thứ hai là, công việc đem nhà đầu tư vào, khuyến khích quảng bá, có cảm giác mình có ích, có đóng góp cho kinh tế đất nước. Thứ ba là, công việc cho phép tiếp xúc với nhiêu người nhiều quốc tịch, văn hóa, ứng xử khác nhau, đa dạng. Do giáo dục gia đình từ nhỏ và làm ngoại giao nên tiếp xúc đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của tôi như ăn uống, hít thở.

Khả năng quản lý Nhà nước - câu hỏi lớn

Ông tiếp xúc nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Họ nhận xét gì về Việt Nam làm ông suy nghĩ (ngoài chuyện thông thường là tăng trưởng nhanh, sợ thủ tục hành chính...)?

- Trước là tư cách Nhà nước quản lý họ, ít có cuộc tiếp xúc thật sự bạn bè. Đội cái mũ ấy rồi, nghe lời phản biện thật sự thấy ít chỉ thỉnh thoảng giống như đọc được cái gì đó giữa những dòng chữ. Nay thì rõ hơn, họ đều nghĩ đất nước này có tiềm năng, có tương lai, cái đó là chân thật. Còn băn khoăn? Khả năng quản lý của Nhà nước là một câu hỏi lớn. Nhất là những tuân lễ gần đây, bộc lộ quá nhiều yếu kém mà trước nay do tăng trưởng kinh tế khỏa lấp. Cách xử lý lạm phát, bất động sản, chứng khoán... thuốc quá liều, bệnh nhân muốn chết luôn. Tôi lo rằng những niềm tin mà người ta cảm nhận, sự hăm hở giảm mất. Cái quan trọng phải cho thấy là chắc tay, người ta khó tin nay thế này mai khác. Phải có tài trị quốc để họ yên tâm. Vấn đề thời điểm và liều lượng của chính sách.

Theo cách nhìn của ông thì có gì đáng nói trước tình hình nóng gần đây trong kinh tế?

- Lý lẽ thì ai cũng biết. Thí dụ chống lạm phát thì bài bản cổ điển của thế giới là thắt tín dụng, giảm chi - đương nhiên. Nhưng có cái không ai nói ra là: vì còn có nhiều lợi ích cá nhân chen vào, biện pháp đưa ra bị sai lệch đi hoặc nửa vời. Nói giảm chi nhưng ngay lập tức có doanh nghiệp vay nước ngoài cả tỉ. Chi tiêu Chính phủ chẳng thấm gì so với những Dự án vĩ đại họ làm. Một số doanh nghiệp hỏi tôi có tin giá đất xuống không. Tôi nói sẽ khựng một thời gian thôi. Vì cung cầu, còn vì nhiều vị cán bộ làm chính sách, vợ con họ kinh doanh nhà đất, sao xuống được? Lợi ích cá nhân chen vào là vậy.

Làm ngoại giao, tôi có nhiều ông thầy

Nhiều người thấy tiếc khi ông rời ngành ngoại giao. Bản thân ông có tiếc không ạ?

- Tôi cũng lạ khi thấy mình không tiếc lắm. Ở Sở KH - ĐT tuy thời gian ngắn, tôi vẫn cảm thấy như làm được nhiều hơn cho cộng đồng, có ích cho đất nước.

Làm ngoại giao chả lẽ không?

- Nói thế nào cho khỏi có bạn bè buồn. Lúc ở Sở Ngoại vụ, tôi có cảm tưởng như đầu không đụng trời chân không đụng đất. Cơ quan bộ phục vụ thành phố, dù nhiệm vụ rõ mà vẫn thấy chơi vơi. Ở Sở KH-ĐT cũng là sở của thành phố nhưng thấy công việc cụ thể làm xong thấy kết quả ngay. Tôi nghĩ nếu làm ngoại giao thực sự, phải ở bộ tham gia được vào những chính sách, động thái, chiến dịch, các kế hoạch ngoại giao của đất nước.

Nhưng chính ngoại giao đã đưa ông đi khắp thế giới và có nhiều kỷ niệm sâu sắc?

- Tôi đã tới 25 quốc gia. Kể châu lục chỉ còn Mỹ La tinh là tôi chưa tới. Những năm tháng tuổi trẻ mới vào đời, tôi gặp được rất nhiều người thầy dìu dắt chỉ bảo trong ngành ngoại giao. Những năm làm việc ở bộ ngoài Hà Nội, được chuẩn bị các vấn đề cải tổ Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho đoàn Việt Nam lần đầu đi họp Liên Hiệp Quốc, được sự giúp đỡ chỉ bảo ân cần của Vụ trưởng Nguyễn Thương.

Nói về những người thầy thì nhiều lắm. Tôi vẫn nhớ hết từng ông thầy, bà thầy từ lớp 1, lên các lớp sau này, kể cả những thầy mình "ghét" nhất hồi còn nhỏ vì hay cho điểm zero. Rồi khi làm ngoại giao có thầy Nguyễn Cơ Thạch, Võ Đông Giang, từ tiếp xúc, trả lời báo chí cho đến nhiều vần đề chiến lược ngoại giao. Tôi cũng được đi dịch, gan gũi học được nhiều từ những nguời lãnh đạo xưa, kể cả đạo đức lẫn nghề nghiệp.

Vừa rồi, khi quyết định không làm việc ở cơ quan Nhà nước, tôi cũng xin ý kiến những người thầy đặc biệt.

Họ khuyên ông thế nào?

- Chú Năm Xuân (Đại tướng Mai Chí Thọ) khi đó còn sống - chú bảo: Thôi, mày đã quyết định thì tao không cản. Lẽ ra nên tiếp tục làm thì tốt, nhưng tao cũng thấy không yên lòng lắm cách người ta đối xử. Còn chú Sáu Thảo (Dương Đình Thảo) thì bảo ông ủng hộ, nhưng giao nhiệm vụ: Ra tư nhân dưới góc độ doanh nghiệp nhìn Nhà nước, có gì thì đóng góp. "Tao đặt hàng mày vậy thôi". Đó là hai ông thầy coi tôi như con cháu.

Trí thức Sài Gòn

Có phải vì sinh ra trong gia đình trí thức Sài Gòn xưa, nên ông là người được hưởng một nền giáo dục khá hoàn hảo của gia đình và nhà trường?

Gia đình tôi chỉ là một gia đình trí thức trung bình của Sài Gòn xưa.

Trung bình thì như thế nào ạ?

- Vào thời ông cố tôi lẫy lừng hơn. Cố tôi từng là một trong hai người giàu nhất Nam Bộ. Thời bà ngoại thì bà không nổi tiếng, mà là các em của bà, trong đó có ông Nguyễn Hữu Châu làm bộ trưởng trong Chính phủ Sài Gòn. Ông ngoại tôi là Lâm Văn Tết, một trong số kiến trúc sư hiếm hoi thời đó. Sau cụ vào chiến khu cùng luật sư Trịnh Đình Thảo. Cỡ đó thôi, không thể sánh với độ lớn của nhiều gia đình trí thức Sài Gòn.
Thuở bé, tôi học trường Tây cả cấp 1, 2, 3, sau đó đi học 7 năm ở Thụy Sĩ, Trường Quan hệ Quốc tế.

Vậy thì ông là một ông Tây con còn gì...?

- Chú Năm Xuân cũng gọi tôi thế. Ban đầu nghe sốc lắm, sau quen dần. Khi tôi về Bộ Ngoại giao, có lần phải báo cáo một vấn đề quan trọng cho ông Lưu Văn Lợi lúc đó Trợ lý Bộ trưởng. Ông Lợi phủ đầu: Tôi chỉ có 10 phút.

Làm thế nào báo cáo đầy đủ điều quan trọng nhất tôi cần biết. Lúc đó chú Thương Vụ trưởng gỡ bí cho: Cháu báo cáo thẳng bằng tiếng Pháp dễ cho cháu. Cũng sốc nữa. Mình người Việt Nam về Việt Nam phải dùng tiếng Pháp. Sau này ông Lợi gặp tôi bất cứ đâu cũng toàn dùng tiếng Pháp nói với tôi.

Chú Năm Xuân gọi thế vì thời chú làm Chủ tịch thành phố, tôi thường đi cùng chú nhiều chuyến công tác nước ngoài. Một hôm trong bữa ăn sáng ở Ấn Độ, tôi cứ loay hoay tìm không thay bơ đâu. Chú bảo: Mày quả thật là Tây con rồi. Không bơ không ăn được à? Chú coi tôi như con còn vì là bạn với ba tôi thời kháng chiến chống Pháp. Lúc đó ba tôi Trưởng Ty Ngân khố, còn chú Năm Trưởng Ty Công an Cần Thơ.

Người ta bảo ông rất "Tây". Bản thân ông có thấy thế không?

- Tôi làm việc cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam có văn phòng liên lạc bên cạnh Liên Hiệp Quốc ở Geneva. Tuy học ở nước ngoài nhưng ai cũng biết tôi có ý định về nước ngay từ khi bước chân sang Thụy Sỹ. Chưa bao giờ tôi có ý định ở lại nước ngoài. Trung tâm tư tình cảm tôi không thể là một "thằng Tây" được.

Ông "Việt Nam" như thế nào ạ?

- Không có người Việt Nam xung quanh là tôi thấy mất mát lắm. Thứ hai là trong công việc, giao tiếp, tôi học phương Tây nhưng cái gì riêng tư, tình cảm, bè bạn thì sâu sắc tế nhị phải là Việt Nam.

Trong giáo dục gia đình, mẹ tôi thương con vô bờ nhưng kỷ luật kinh khủng. Học hành phải có kết quả. Tháng nào không xếp thứ nhất, ít ra cũng bị một bài "lên lớp" , khoanh tay như ngày nay gọi là bản tự kiểm. Nặng hơn nữa, Noel không có quà, mọi người có, mình không, kinh khủng lắm. Không đi chơi hè. Thậm chí bị đòn roi. Bà ngoại cũng cực kỳ nghiêm khắc các cháu, các em sợ chết khiếp...

Nhờ kỷ luật sắt mà ông trở nên giỏi sao?

- Đó là nề nếp. Nhưng phải nói điều này: bản thân đứa trẻ là quan trọng lắm. Có đứa nghiêm túc siêng năng, có đứa ham chơi.

Sống ở Sài Gòn

Ông giữ được tác phong cổ, từ ngôi nhà cho đến tổ chức lễ tết. Bạn bè bảo nhà ông rất Tây mà lại rất cổ truyền. Cuộc sống ở Sài Gòn nay xô bồ có làm ông khó chịu?

- Sài Gòn là thành phố tuổi thơ tôi, đô thị lớn, đầy đủ tiện nghi. Xưa tôi đi học ở Sài Gòn, thường cùng đám nam sinh chạy xe ra sau Trường Marie Curie ngồi đồng ở đó ngắm nữ sinh. Khu xung quanh trường tôi là những phố nhiều cây như Lê Quý Đôn, Vô Văn Tần, Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Đình Chiểu...

Với Sài Gòn, gần như vấn đề yêu ghét kêu ca không đặt ra với tôi. Đó là môi trường sống tự nhiên của tôi từ trước tới nay.

Kể cả nạn kẹt xe, người tứ xứ đến đông đúc, ô nhiễm...?

- Cũng giống như người Hà Nội than phiền là người Hà Nội xưa không còn, người tứ xứ đến. Điều đó không làm tôi khó chịu bằng việc ở đô thị lớn, lớp người sang giàu ăn trên ngồi trốc nhan nhản ở các nơi sang trọng nhất mà lại không văn hóa nhất. Cách cư xử nơi công cộng đã khác xưa. Còn việc giao thông đường xa, ra đường tất nhiên có bực một chút.

"Điều làm tôi khó chịu ở đô thị lớn, lớp người sang giàu ăn trên ngồi trốc nhan nhản ở các nơi sang trọng nhất mà lại không văn hóa nhất”.

Lớp người sang giàu mới ấy làm ông khó chịu như thế nào?

- Ngày xưa vào nơi sang trọng chút, không ai ồn ào, bây giờ họ nói cười hô hố, để con nít chạy la om sòm. Vì họ nói to, nên mình mới biết nội dung chuyện của họ là khoe giàu, khoe khôn. Một hôm tôi đi ăn với người bạn Tây Ban Nha, vào hiệu món Huế, trang trí phong cách cổ, lịch sự ấm cúng. Thấy hai cô xinh đẹp, model, mang theo cả laptop. Mà chuyện của họ toàn chuyện triệu đô. Rồi một cô thản nhiên giơ chân móc giày, gãi, cứ như ở phòng riêng. Họ làm phiền ở chỗ: môi trường bị phá bĩnh. Tôi sẵn sàng nhậu quán bình dân với bạn, ở đó thì không nói làm gì. Xưa những người có tiền được giáo dục tốt. Nay thì tách rời hẳn hai khối người: một khối văn hóa có học, một khối có tiền. Do kinh tế phát triển tạo lớp giàu nhanh quá, phình ra thành giới riêng biệt. Một "xã hội mi ni" trong lòng xã hội, trong đó giá trị học vấn văn hóa không là giá trị cao nhất.

Ông có thể phác ra theo ý riêng về trí thức Sài Gòn không?

- Có nhiều kiểu. Sống hơi thu mình, hơi kiêu một chút. Xem thường đám giàu mới và đương nhiên có một chút bất mãn, ức lòng. Lớp trí thức cũ nữa thì hẳn ra xem thường ngay cả khi họ đã đi cùng. Chắc có hẳn một xã hội trí thức mới Sài Gòn, làm giàu, trọng tri thức, nghiên cứu và thẳng thắn.

Dù tôi biết rô xưa có những người có tiền được giáo dục tốt, có văn hóa và nay thì hai cái, một bên văn hóa tri thức, một bên tiền bạc - rất tách biệt nhau. Nhưng tôi không bi kịch hóa, không than vãn: Sài Gòn ơi, Sài Gòn hỡi. Bởi vì trong sâu xa tôi hiểu lý do vì sao. Nhìn sang những nền kinh tế mới trỗi dậy có lớp người giàu nhanh chưa kịp giáo dục mình lại, chưa kịp nâng cấp văn hóa. Với thời gian, những người giàu ấy sẽ nhận ra, sẽ lại học và hòa nhập văn hóa.

Ra để làm giàu bản thân

Không thể không hỏi về chuyện ông "từ quan" ra làm dân, được dư luận cho là nằm trong vấn đề chảy máu chất xám của cơ quan Nhà nước. Lý do ông trả lời báo chí là về để lo kinh tế cho gia đình không ai bắt bẻ được. Nhưng chắc không chỉ có thế?

- Tôi cũng nói rõ với lãnh đạo thành phố: Nghỉ vì cả hai bên không giúp được cho nhau gì hơn nữa. Tôi làm cho Nhà nước lâu rồi, ở lại cũng thế này thôi. Năm năm còn lại không lẽ ngồi cho qua đi. Tôi ra ngoài làm mới cho tôi kiến thức, kinh nghiệm mới, thử thách mới để học, làm giàu thêm cho bản thân mình. Cái đó thật quá còn gì nữa.

Không ai giữ ông lại sao?

- Không giữ được, vì tôi quyết liệt đặt vấn đề, không phải để thăm dò phản ứng hoặc để đòi trả giá gì. Tôi nói rõ là tôi xin để cho đúng quy định, nếu không cho, tôi vẫn có quyền nghỉ theo đúng Luật Lao động. Không có quy định nào nói công chức không được nghỉ việc.

Ông có bị bệnh stress đô thị không? Làm việc, nghỉ ngơi... có khác trước không? Sống đô thị, ông sợ cái gì?

- Nhìn lại thì thấy mình không nghỉ bao nhiêu. Sáng thứ bảy có khi vào Công ty chỉ để ngồi nghĩ, lắng đọng cho công việc. Kinh hoàng nhất là theo phụ nữ đi siêu thị. Có hai cực hình: đi siêu thị và đi đâu phải mang vác. Quải lên vai, trời ơi là trời. Tôi đi đâu cùng lắm là một cái cặp. Tôi không thích chốn xô bồ. Nhưng đi với phụ nữ thì làm gì có diễm phúc mua độp cái ra ngay, còn phải lê dạo khắp như công viên.

Chiều thứ bảy , tôi thích xem phim hành động. Ngủ trưa thứ bảy là niềm sung sướng. Chủ nhật ở nhà hoàn toàn, cùng vợ con đi chỗ này chỗ kia.

Tôi luôn tiếp khách, nhiều bạn bè. Thành thói quen, không tiếp khách đâm buồn. Nói đùa: hôm nào về nhà sớm, vợ có khi đâm lo. Bất thường, ăn ở sao bạn bè không chơi nữa...


Trò chuyện với Phó GĐ Sở đi làm doanh nhân

Phạm Cường thực hiện (Vietnam Net)

- Thưa ông, đến nay đã hơn nửa năm từ nhiệm, làm doanh nhân, ông có thể cho biết cảm nhận? Lý do từ nhiệm của ông là ra làm ngoài để nâng thu nhập cho gia đình, đến giờ ông có thực hiện được mong muốn đó?

- Tôi thích công việc tư vấn doanh nghiệp từ khi còn làm ở Sở Kế hoạch - Đầu tư. Tôi phấn khởi với công việc hiện tại và yên tâm hơn về thu nhập so với trước đây.

- Ông có nghe một số lời xì xào rằng: Chiếc ghế Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư là mơ ước của nhiều công chức, vậy mà...?

- Tôi có nghe dư luận bên ngoài nói là ngồi vào chiếc ghế đó mang lại nhiều lợi ích cho bản thân. Nhưng, nếu có tâm phục vụ cho TP, cho đất nước thì ngồi ở đâu cũng vậy. Nếu cố tình lợi dụng chức vụ cho bản thân thì ở đâu cũng có thể tư lợi, không riêng ở Sở Kế hoạch - Đầu tư.

- Ở các nước, từ nhiệm rồi đi làm kinh tế tư nhân là bình thường, nhưng ở VN điều này lại gây chú ý. Ông có suy nghĩ gì về chuyện này?

- VN đang ngày càng hội nhập với thế giới, nền kinh tế ngày càng có tính thị trường rõ rệt, việc như của tôi trong vài năm nữa sẽ được xem là bình thường.

Ngay bây giờ, khu vực Nhà nước phải chuẩn bị đầy đủ hành trang, phương tiện để cạnh tranh với khu vực tư nhân về nguồn nhân lực. Khi sức hút nhân lực của khu vực tư nhân tăng lên nhiều lần so với hiện nay, nếu cứ bị động, thiếu chuẩn bị, Nhà nước sẽ phải trả giá. Điều này từng xảy ra ở các nền kinh tế mới nổi dậy, không có lý gì không xảy ra tại VN.

Làm quan giàu hơn doanh nhân: Chuyện của nước nghèo

- Có ý kiến cho rằng, ở nước ta, việc từ nhiệm được coi là hiếm có do nền kinh tế thị trường chưa phát triển, chưa tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, mặt khác do bộ máy gồm nhiều cán bộ có kỹ năng hoạt động chính trị nhưng ít am hiểu chuyên môn, khó kiếm sống sau khi từ nhiệm?

- Đúng là xã hội chúng ta còn kinh ngạc khi một quan chức Nhà nước từ nhiệm. Nhưng không nên đánh giá một cách cực đoan rằng dám từ nhiệm thì mới chứng tỏ có khả năng. Quyết định ở lại bộ máy Nhà nước hay ra ngoài làm là quyết định cá nhân của mỗi người, xuất phát từ hoàn cảnh, tình cảm, nguyện vọng. Trong bộ máy Nhà nước vẫn có rất nhiều người có tâm huyết, khả năng, dù ở đâu cũng có mặt này, mặt khác.

Có thể đi tìm nguyên nhân khác của hiện tượng còn ít quan chức từ nhiệm ở khía cạnh lịch sử, văn hoá dân tộc. Ở VN, từng có thời gian dài những người buôn bán không được xem trọng trong xếp loại thành phần xã hội, người làm quan mới được đặt ở vị trí cao. Nhiều người VN theo đuổi việc học, nhưng chủ yếu học với mục đích làm quan chứ không phải học để làm doanh nhân.

Do chiến tranh, kinh tế thị trường bây giờ mới đi những bước đầu tiên. Trước đây, giới doanh nhân không được nhìn nhận giá trị đích thực nên không phát triển được, thành cái vòng luẩn quẩn: không được xem trọng thì không phát triển, không phát triển thì không được xem trọng. Hiện nay, sự thay đổi đang đến rất nhanh.

- Mặt khác, một số người nhận xét: cứ nói "phi thương bất phú" nhưng hiện nay nhiều quan chức ở VN có thể còn giàu hơn doanh nhân, và đương nhiên có danh dự hơn doanh nhân. Điều này càng khiến người ta mặn mà với vị trí quan chức hơn làm doanh nhân?

- Có thể có hiện tượng như vậy ở hầu hết các nước đang phát triển, chỉ mới ngày hôm qua mọi người còn nghèo khổ, cơ hội làm giàu không có mấy. Khi cơ hội làm giàu mới xuất hiện, đương nhiên những người đã có sẵn vị trí trong xã hội, nắm quyền quyết định việc này, việc khác có cơ may nắm bắt được trước tiên.

Hơn nữa, ở các nước đang phát triển, hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh, ranh giới của việc phải, việc trái, việc có thể làm và không thể rất mờ nhạt. Ít có biện pháp, chế tài hiệu quả kiểm soát việc vượt qua ranh giới.

Trong tình hình đó, các viên chức không liêm khiết giàu lên không có gì đáng ngạc nhiên. Các nước đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi đều trải qua giai đoạn như vậy.

Ở các nước phát triển, lòng tham có đó, nhưng bị hạn chế bởi ranh giới rõ ràng. Kinh nghiệm các nước cho thấy mọi thứ sẽ đi vào quy củ, hiện tượng trên sẽ bị hạn chế dần. Tất nhiên khó triệt tiêu hoàn toàn.

Có điều, nhịp sống bây giờ ngày càng dồn dập. Có những vấn đề nếu trước đây phải chờ 5 năm mới giải quyết xong thì bây giờ chỉ đáng chờ 1 năm. Sự kiên nhẫn, sẵn sàng chờ của người dân kém hơn ngày trước. Thế giới đi tới những bước lớn hơn ngày trước nhiều lần.

Tư nhân: dễ phát huy năng lực?

- Một nhà quản lý khu vực Nhà nước đi làm kinh tế tư nhân sẽ gặp điều khác gì?

- Quản lý trong khu vực tư nhân khác nhiều so với quản lý trong khu vực Nhà nước.

Ở khu vực tư nhân, điều quan trọng nhất để đánh giá con người là hiệu quả, năng suất công việc. Một số yếu tố khác đôi khi trong bộ máy quản lý Nhà nước là quan trọng thì ở khu vực tư nhân lại không quan trọng. Trong bộ máy Nhà nước, tình cảm chi phối nhiều.

Lấy ví dụ trường hợp một người đã làm việc với lãnh đạo lâu năm nhưng trở nên không còn phù hợp, tụt hậu so với công việc. Nếu ở một cơ quan Nhà nước, người thủ trưởng đứng trước trường hợp này thường xem xét yếu tố tình cảm rất nhiều. Trong khu vực tư nhân, không phải yếu tố tình cảm không có, nhưng do hiệu quả công việc được đặt lên hàng đầu, nên việc giải quyết chủ yếu dựa trên yếu tố này.

Trong bộ máy Nhà nước, sa thải một nhân viên không dễ do thủ tục tốn thời gian, qua nhiều bước gạn lọc, kiểm tra. Các thủ trưởng dễ chọn một giải pháp khác giải pháp cho nghỉ việc để khỏi vướng các thủ tục trên. Ở doanh nghiệp tư nhân, tất cả căn cứ trên hợp đồng lao động, mọi thứ minh bạch, công khai, nên việc sa thải dễ dàng.

Trong khu vực tư nhân, việc giành giật nguồn nhân lực rất khốc liệt, doanh nghiệp phải sẵn sàng cả về tinh thần, vật chất để đối phó với thách thức lớn này, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đạt được chất lượng phục vụ cao. Tỷ trọng tình cảm thấp trong quan hệ giữa các cá nhân có mặt tốt là nhìn nhận con người khách quan nhưng lại dẫn tới sự dễ thay đổi chỗ làm.

- Sự khác nhau đó ảnh hưởng gì đến việc phát huy năng lực cá nhân?

- Vẫn có sự khác nhau giữa hai bên. Nhưng quy luật cạnh tranh sẽ làm cho khu vực Nhà nước nhanh chóng thay đổi phương pháp đánh giá các cá nhân, tạo điệu kiện cho những người có tài phát huy năng lực. Yếu tố phụ như tình cảm sẽ giảm đi, hiệu quả công việc sẽ ngày càng quan trọng trong việc đánh giá, sử dụng, cất nhắc công chức Nhà nước.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ông Nguyễn Trần Bạt giao lưu: Việt Nam gia nhập WTO - Cơ hội và thách thức

    08/10/2015Việt Nam gia nhập WTO là một sự kiện vô cùng hệ trọng. Ngoài cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc Giải phóng Miền Nam ra, tôi chưa thấy việc gì hệ trọng hơn việc nước chúng ta gia nhập WTO. Đây là một quyết định chính trị vô cùng sáng suốt...
  • Không nên sợ chuyển động đi tới của cuộc sống

    28/01/2008Từng là nhà văn quân đội với hàm đại tá, về làm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, sau đó mở trường đại học, và giờ lại làm báo mạng. Đó là hành trang của một người già 76 tuổi có bút danh Nguyên Ngọc.
  • Dòng máu doanh thương vẫn chảy, mặc thời thế

    12/10/2007Phạm Văn Quý (Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam)Những quan niệm xã hội về giới doanh thương có thể trọng - khinh tùy thời. Nhưng về bản chất, họ vẫn là thành không thể thiếu trong mạch vận động của xã hội...
  • WTO: trường học, trường thi cho kinh tế Việt Nam

    03/04/2007WTO là một trường học, trường thi vĩ đại nhưng VN không thể sợ thi... Ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng Giám đốc InvestConsult Group trong buổi trả lời phỏng vấn VietNamNet về việc VN gia nhập WTO và vấn đề đầu tư vào Việt Nam sau sự kiện này...
  • Phản biện Nguyễn Sĩ Dũng…

    15/02/2007Đỗ Doãn HoàngÔng luận về nhiều vấn đề quốc gia đại sự với một tinh thần thượng tôn khoa học, sắc sảo, đầy trách nhiệm công dân. Ông luôn chủ trương ủng hộ cái mới, tôn vinh giới trẻ và sức trẻ, song cũng không quên trách nhiệm của một người làm khoa học quản lý xã hội. Trong mắt tôi, ông có cái tráng chí của kẻ sĩ đang hành đạo, một thuyết khách thời cổ mang nhiều khát vọng “Rời lều tranh xuống núi”, dâng kế giúp đời. Công việc ấy, xã hội ngày này gọi là phản biện xã hội, một đòn bẩy cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào...
  • “Lương, cỡ nào cũng sống được - thế mới lạ!”

    23/03/2006Mai LanGiáo sư Hoàng Tụy vẫn thường kêu lên như thế mỗi khi ông phải giải đáp băn khoăn của tôi về những sự việc “không thể hiểu” được trong giáo dục và khoa học. Lần này cũng thế, khi đề cập đến tệ nạn tham nhũng ông lại bắt đầu gọn lỏn: lương thế này thì chống tham nhũng sao nổi!
  • xem toàn bộ