Cần phải biết tiêu và biết dùng

05:19 CH @ Thứ Năm - 23 Tháng Tư, 2009

Tiêu dùng là một nhu cầu "của chung nhân loại". Chúng ta đang bước đầu làm quen và hoà nhập với xu hướng của thị trường tiêu dùng vốn đang hết sức đa dạng hiện nay. Nhưng cách ứng xử với nhu cầu này lại mang tính văn hoá (VH) của mỗi dân tộc. Và hình như, khi "hoà vào biển lớn" chúng ta mới nhận ra mình còn quá nhiều vấn đề phải suy ngẫm: "Ngẫm người" và "ngẫm ta"...

Tôi cảm thấy dân ta mới đang bước vào ngưỡng cửa của thị trường tiêu dùng nên chưa hình thành rõ cốt cách của VH tiêu xài. Hoặc là mua bán sao cho thoả mãn nhu cầu tối thiểu của cuộc sống "đắp đổi qua ngày". Hà tiện tới mức "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành". Hoặc là mua đủ thứ hàng hiệu "xịn", của ngon vật lạ, cốt sao cho thoả chí tang bồng. Điều lạ lùng là bây giờ, rất nhiều người vừa mới thoát thân từ cảnh cơ hàn, đói khổ năm nào, giờ phất lên giàu có, sẵn tiền muôn bạc triệu, họ tiêu pha mà chẳng hề đắn đo. Tiêu mà cứ như "trả thù đời" vậy: Mặn này bõ nhạt ngày xưa.

Chắc mọi người cũng đều nhất trí rằng, trong việc tiêu dùng, hoà nhập cùng thiên hạ, chúng ta không thể áp dụng sách lược "đi tắt, đón đầu" được. Muốn "tiêu" phải có "tiền". Muốn có tiền phải biết lao động. Người lao động thực thụ bao giờ cũng biết rõ giá trị của đồng tiền. Ngay cả khi có "của ăn của để", người ta cũng biết tiêu làm sao cho thoả mãn nhu cầu hưởng thụ đích thực của cuộc sống. Bởi "ăn làm sao, tiêu làm sao" là kết quả của một sự lựa chọn có cân nhắc.

Không thể nghĩ phải có nhiều tiền thì người ta mới có VH tiêu dùng thực thụ. Có tiền dĩ nhiên mới có cái để tiêu, mới có cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng giàu chưa hẳn là đã sang, đã "rành", đã "sành điệu" theo đúng nghĩa của nó. Một trong những nguyên tắc của tiêu dùng cần tôn trọng là "biết tiêu tiền một cách hợp lý". Khi cần thì mới tiêu và tiêu sao cho đáng đồng tiền bát gạo. Cái cần mua không mua, còn cái chả cần gì (mà chỉ vì rẻ, vì lạ, vì được tiếng là chịu chơi) lại sẵn sàng chi thoải mái. Thật là vung tiền qua cửa sổ. Người ta thường nói: Đừng thấy đồ rẻ mà mua khi không có nhu cầu. Rẻ mà đắt đấy!

Tôi biết khá nhiều cô gái (và rất nhiều phụ nữ có tuổi) không tiếc tiền mua hết đồ này thứ nọ. Vậy là cứ vài tuần là họ lại lên một bộ váy áo, guốc dép, khăn, dây chuyền, mobile... đời mới, vì họ luôn có tâm lý "tham thanh chuộng lạ". Vớ được mốt này thấy mốt kia lại thèm, sợ mình lạc hậu lại mua. Thành ra, suốt đời họ luôn lo chạy theo mốt. Tân trang, sắm sửa đủ thứ "môđen" tân kỳ rồi biến thành kẻ lạc điệu, thậm chí lố lăng, kệch cỡm. Trong khi nhiều cô gái nết na, từ tốn cũng ăn diện, nhưng theo cách có cân nhắc. Họ bình tĩnh quan sát và bình tĩnh sắm sửa. Những gì họ mặc đều toát lên sự hợp lý, hài hoà, đẹp và duyên dáng. Và nói chung, họ không có tâm lý "có người ăn khoai là vác mai đi đào".

Phương Tây văn minh cho đến phương ta "đang trên đường văn minh" cũng đều thế thôi. Ranh giới giữa ăn tiêu và ăn chơi chỉ cách nhau chừng nửa bước. Nhưng chính sự khác biệt này làm nên nền tảng VH.

Cũng phải nói thêm rằng, VH là một giá trị nhận thức mang tính lịch sử. Vì vậy, có được một "gu" thẩm mỹ và một "gu" VH cần phải có thời gian. Từ một nước có nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, chúng ta còn mang nặng tâm lý của anh "nhà quê ra tỉnh". Hoa mắt, choáng ngợp vì đồ lạ, "sĩ diện" sợ bị chê là lạc hậu, không biết "ăn chơi", không ít người vội vã sắm vội sắm vàng để rồi "tiền mất tật mang".

Cũng có người hấp tấp sắm sửa vì thiếu thông tin, nóng vội. Nhiều khi ta cũng phải trải qua nhiều công đoạn sắm sanh, sử dụng... rồi mới "vỡ lẽ" ra nhiều điều mà lúc đầu ta cũng "vấp" như ai. Vấp váp, cả tin, ngờ nghệch, "kém VH"... cũng là lẽ thường tình ở đời. Không ai "chưa sống đã thành lão làng" được. Chỉ có điều, người có tri thức, biết rút kinh nghiệm để tìm ra giá trị đích thực của VH sẽ mau chóng tìm ra cách ứng xử thích hợp cho mình và cho cộng đồng.

VH tiêu dùng (và các VH khác trên cõi đời này) cũng phải trả "học phí". Chỉ có điều, không ít người đã chi một khoản học phí "cao như núi" mà vẫn chưa tìm ra VH đích thực. "Bài học thời gian" luôn luôn cần thiết trong quá trình khẳng định một cốt cách VH tiêu dùng VN vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính thời đại.

Cần xây dựng văn hóa tiêu dùng

Xe gắn máy xịn, điện thoại di động đắt tiền là mốt của giới trẻ. Khổ nổi, từ khi kinh tế bắt đầu đi lên thì dân ta có thói quen đánh giá con người qua các phụ tùng đi kèm như xe, điện thoại, quần áo, nhà cửa.
Trong khi đó,những yếu tố quan trọng khác như trình độ học vấn, hành vi văn hóa trở nên thứ yếu. Một nam thanh niên nếu được trang bị xe tốt, điện thoại xịn thì dễ tiếp cận bạn gái hơn hoặc cảm thấy tự tin hơn khi đi vào quán cà phê sang trọng. Một doanh nhân đi xe hơi xịn thì dễ vay mượn tiền hơn... Tất cả đã tạo thành thói quen tiêu xài kiểu đua đòi phô trương.

Thậm chí dân VN còn dè biểu người Nhật, người Hàn là ki bo. Cứ cho rằng mình xài nhiều là chứng tỏ sự giàu sang. Khi đến các nước văn minh thì không khó thấy người dân sử dụng điện thoại đời cũ, ti vi đời cũ. Đa số họ không thay đổi điện thoại xoành xoạch như ở VN bởi vì họ có nhiều việc khác để quan tâm. Vả lại, nếu có trang bị điện thoại đắt tiền thì nó cũng chẳng nâng cấp giá trị con người. Đấy là văn hóa tiêu dùng mà ở xã hội ta chưa có được.

Bạn đọc VT Trung

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Xây dựng văn hoá tiêu dùng: Bắt đầu từ đâu?

    11/04/2009Minh ThiNhiều người cho rằng, còn quá sớm để khẳng định đã có nền tảng văn hoá tiêu dùng ở VN. Bởi vẫn còn đó tâm lý đám đông, phong trào lao vào mua sắm hay đầu tư theo tin đồn mà không tính toán kỹ;
  • Để bán được dịch vụ dễ dàng hơn

    29/09/2006Nhất NguyênKhi mua bất kể một loại dịch vụ nào, khách hàng đều có cảm giác rằng họ có thể sẽ gặp phải một rủi ro nào đó, đơn giản là vì dịch vụ là một thứ sản phẩm vô hình. Khách hàng thật sự không thể biết trước mình sẽ nhận được những gì tốt đẹp cho đến khi họ bỏ tiền ra thử nghiệm dịch vụ đó.Nói cách khác, đi bán một dịch vụ chính là bán một lời hứa rằng doanh nghiệp sẽ đem đến cho khách hàng một điều gì đó có lợi. Làm thế nào để dễ dàng bán được một dịch vụ?
  • Hãy "cách mạng hóa" dịch vụ khách hàng!

    07/07/2006Có rất nhiều thứ để nói và viết về chăm sóc khách hàng, về dịch vụ khách hàng và việc làm thế nào để khách hàng cảm thấy hài lòng nhất. Tuy nhiên, tất cả điều này có ý nghĩa gì? 7 bước dưới đây có tác dụng như chiếc thấu kính giúp bạn nhìn rõ hơn những hoạt động kinh doanh và nhận ra đâu là nơi mà bạn có thể “cách mạng hoá” dịch vụ khách hàng của công ty mình...
  • Đâu là ước mơ thầm kín của người tiêu dùng?

    12/10/2005Trần Cao DũngNăm 1991 một nhà sản xuất ôtô của Mỹ có trụ sở tại bang Detroit đã cho ra mắt model ôtô đã được nghiên cứu và phát triển trong 5 năm. Mẫu thiết kế của xe và những chi tiết kỹ thuật vượt xa khỏi mọi đợt nghiên cứu thị trường cũng như thị hiếu khách hàng của công ty. Khi model này được tung ra thị trường, ngay lập tức được đánh giá là chiếc xe hoàn mỹ có thể cạnh tranh được với những model đã có 3 năm tuổi trên thị trường của những nhà sản xuất xe 4 bánh từ Nhật Bản. ...
  • Khái niệm sản phẩm mới và phát triển sản phẩm mới

    19/07/2005Khái niệm sản phẩm theo quan điểm truyền thống: Sản phẩm là tổng hợp các đặc tính vật lý học, hoá học, sinh học... có thể quan sát được, dùng thoả mãn những nhu cầu cụ thể của sản xuất hoặc đời sống
  • Dịch vụ: Mấu chốt để thỏa mãn khách hàng khó tính

    26/12/2003Trần Cao DũngTrong kinh doanh, có ít nhất hai yếu tố luôn quyết định số phận của các cuộc làm ăn là sản phẩm (chất lượng, số liệu) và giá cả (cách trả, thời hạn thanh toán). Nhưng sẽ là một sai lầm cơ bản nếu người bán cho rằng yếu tố duy nhất là khách hàng chỉ cần giá thật rẻ. Khách hàng quen ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Ngoài chất lượng và giá thành của sản phẩm, mọi dịch vụ đi kèm với nó sẽ quyết định sự sống còn của công ty.
  • xem toàn bộ