Cảnh giác với hiểm hoạ văn hoá dưới văn hoá

10:36 SA @ Thứ Tư - 06 Tháng Năm, 2009

“Phải thú thực, đôi khi báo chí chúng ta chuyển tải những điều tiêu cực, những điều tồi tệ quá nhiều, trong khi đó những vẻ đẹp kì diệu, những tấm lòng cao cả chúng ta lại nói quá ít, hoặc nói như một việc phải nói mà không phải bằng sự rung động của trái tim mình” - Nhà báo Quang Thiều.

Người trẻ ngày càng ít cơ hội tiếp xúc với những tác phẩm văn học, những bài báo viết về gương người tốt, việc tốt một cách có cảm xúc tự đáy lòng. Đôi khi báo chí chuyển tải những điều tiêu cực, những điều tồi tệ, những vụ tham nhũng, thói quen xa hoa hưởng thụ quá nhiều...

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều và các vị khách mời tiếp tục trăn trở về lý tưởng sống của giới trẻ hiện nay và trách nhiệm của những người cầm bút.

Ngày càng ít người viết về người tốt, việc tốt

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta có rất nhiều những tấm gương người việc tốt. Tôi từng xem bộ phim kể về những người tự bỏ tiền túi đi thuê nhà, mua nhà tình thương cho những người cơ nhỡ, kém may mắn.

Nhưng phải thú thực, đôi khi báo chí chúng ta chuyển tải những điều tiêu cực, những điều tồi tệ quá nhiều, trong khi đó những vẻ đẹp kì diệu, những tấm lòng cao cả như vậy, chúng ta lại nói quá ít, hoặc nói như một việc phải nói mà không phải bằng sự rung động của trái tim mình.

Nhưng phải chăng những nhà tuyên truyền chúng ta kém cỏi?

Nhà báo Hữu Thọ: Họ làm nhiều nhưng dường như tấm lòng của họ chưa xúc động, chưa truyền cảm được.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chính tôi cũng vướng mắc đang cảm thấy mập mờ về điều đó và cũng muốn nói vòng đi.

Những người lính cứu hỏa Mỹ chết trong tòa tháp đôi ngày 11/9, nước Mỹ đã khiến họ trở thành những con người xuất sắc, có thể có những người say rượu đánh đập vợ con trước đó… nhưng trong hành động khoảnh khắc đó họ lại hiến dâng thực sự.

Trong cuộc sống đương đại, có rất nhiều hành động như vậy nhưng chúng ta chưa làm nổi bật được. Và đôi khi những người được tuyên truyền lại không muốn, thậm chí có những người coi việc tuyên truyền như một sự hài hước. Đó là sự thật.

Thưa anh Nguyễn Việt Hà, là một nhà văn, người luôn tạo dựng các nhân vật cho bạn đọc của mình, anh nghĩ gì về điều này? Có phải chúng ta quá thiếu những người tốt, những hành động tuyệt vời hay là chúng ta đã vô cảm với điều đó?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Nói yêu nước là tình cảm tự nhiên, nhưng phải hiểu nó là cái gì.

Có hiểu rõ thì chuyện khơi gợi và bộc lộ những tấm gương mới sâu sắc được. Gương là một chuyện, nhưng phải khích lệ được lý tưởng sống trong thanh niên.

Yêu nước chính là việc cư xử với cộng đồng xung quanh, làm sao cho nhân văn hơn, thiết tha hơn.

Có thể nội lực văn hóa, truyền thống ở thời trước có độ lắng đọng, nhưng đến giờ đã phôi pha nhất định. Mà cái phôi pha ấy tôi chịu, không biết vì lý do gì.

Anh Võ Văn Thưởng: Xin góp thêm ý kiến vào vấn đề nhà văn Việt Hà vừa đề cập.

Giờ đây phóng viên viết về giới trẻ như thế nào?

Tôi nghĩ tôi và những người như tôi được nuôi dưỡng tâm hồn bởi những nhân vật nổi tiếng như Paven, cũng đọc Giấy Trắng, Xa Mạc Tư Khoa, Thành phố hòa bình, là những tác phẩm về xây dựng đất nước của Việt Nam và Liên Xô.

Không thể phủ nhận, những tác phẩm này đã góp phần bồi dưỡng tình cảm và tâm hồn cho một thế hệ.

Sau 1975, có nhiều tác phẩm văn học, phim, bài hát hay về thanh niên xung phong, trong lao động hàn gắn vết thương chiến tranh, để xây dựng Tổ quốc, gần đây quả thật những tác phẩm đó có vẻ ít đi.

Có người nói với tôi, tại vì thực tiễn cuộc sống như vậy.

Nhưng với trải nghiệm của tôi, dường như thực tế về lĩnh vực tốt cũng sinh động, nhưng sự xâm nhập của những cây bút bây giờ đối với những người như vậy rất ít.

Bây giờ, tôi hiếm tìm thấy những phóng viên trẻ viết về Đoàn, sẵn sàng gác chuyện riêng, đến một đồn biên phòng, một nông trường, ban quản lí rừng nào đó, để sống với họ chừng năm mười ngày, để cảm nhận điều người ta đang nghĩ, đang làm, để cùng trải nghiệm, nuôi dưỡng cảm xúc của mình để có bài viết tốt về phong trào thanh niên.

Không phải cứ hoành tráng mới là yêu nước

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta, nhất là nhà văn, tuyên truyền báo chí văn học nghệ thuật phải xem xét lại.

Hiện thực cho thấy, những điều mà ta viết về con người bình dị, với tất cả sự hiến dâng, đẹp đẽ rất ít. Hình như họ không thích viết về những điều như vậy, không thích viết về tấm gương đó.

Với nhiều người viết trẻ, trong tác phẩm của họ là sự cay cú cá nhân, và tự do tùy tiện. Họ muốn đấu tranh cho tự do sáng tác, nhưng họ sai lầm khi phân biệt giữa tự do sáng tạo và tính tùy tiện. Tất nhiên, ta phải hiểu rằng văn học thông qua cá nhân các nhà văn. Nhưng hiện thực là ta thấy quá ít những vẻ đẹp của con người.

Tôi cũng là người viết văn, và tôi biết điều đó. Điều đó làm chúng ta không bao giờ lớn được. Chúng ta hãy đọc lại các giải thưởng lớn trên thế giới. Ngay giải Nobel của những năm gần đây, vẫn thấy họ sống ở đất nước có khi giữa họ và chính thể đó bất đồng, nhưng trong tác phẩm vươn lên những điều rất kì diệu, đẹp đẽ xúc động.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà có thể lý giải thế nào? Có phải đang có những người trẻ cầm bút nhưng tri thức không còn nữa, chỉ có sự ích kỉ. Cho nên họ nổi giận, đòi hỏi, và nhiều lúc hằn học...?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Câu hỏi của anh Thiều rất minh bạch. Trên một số diễn đàn cũng đang sôi nổi tranh luận.

Khi mình nói các nhà văn trẻ, tức 7x, 8x, 9x, tức là chính các bạn trẻ, đối tượng mà anh Thiều quan tâm, nhà báo Hữu Thọ rất tôn trọng và tôi cũng lưu tâm.

Nhưng rõ ràng mảng văn học tạm gọi là trẻ, thì đang có sự u ám, có độ tùy tiện. Thậm chí ngay trong thao tác lao động có nhiều cẩu thả, triển khai tư tưởng nhiều chiều.

Tôi cho rằng lịch sử văn học đã chứng minh nhiều giai đoạn. Ở những quốc gia có nền văn học phát triển, có những giai đoạn rất u tối, tự thân văn học có độ gì đó đau buồn.

Không phải ở biên giới không còn chiến sĩ dũng cảm, ở công trường không còn anh công nhân tốt, nhưng văn học lại tràn ngập sự thở dài, trong khi có thể dân tộc vẫn đang phơi phới. Văn học có giai đoạn sẽ báo hiệu tại sao lại như thế. Nó là độ gì đấy trượt dài. Ở mức độ nào đó, văn học VN.

Ngay cả vấn đề chính trị, những cây bút đó không đặt những vấn đề như tổ quốc, dân tộc, yêu nước, nghe có vẻ kích thước, các bạn tự loại bỏ đi.

Lý tưởng yêu nước theo tôi cũng rất dung dị. Ví dụ trường hợp nhà văn Vũ Bằng - tay viết ẩm thực giỏi.

Tác phẩm Thương nhớ mười haicủa ông là rất yêu nước. Nó tả lại những món ngon Hà Nội cần được trân trọng, giữ gìn. Mà trong văn, ông bộc lộ sự yêu nước còn hơi cực đoan, về chuyện dân tộc khi ông nói về cà cuống. Ông nói trên đời trứng cá Nga, hay sâm-banh Pháp chả là gì so với cà cuống Việt Nam. Khi đọc câu đó tôi cho là rất yêu nước, rất tự tôn.

Tôi công nhận vẫn có những nhà văn trẻ, phóng viên trẻ đi đến những vùng khó khăn, gặp người tốt, việc tốt, nhưng khi tái hiện rồi vẫn có độ gì đó u ám, chứ không phải nhợt nhạt.

Nhìn diện mạo văn học bây giờ, tôi không quá siêu hình, nhưng có thể giai đoạn này có "giời quy định", tự nhiên có giai đoạn rất thăng hoa của thi ca, có giai đoạn văn xuôi nổi trội, có lúc văn học phơi phới. Nhưng văn học nhiều khi không đồng hành với dân tộc theo kiểu đó.

Sự suy đồi của văn hoá thế giới

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Nếu là một tác phẩm thì chúng ta không cần đặt câu hỏi. Nếu là nhiều tác phẩm, ở trong một giai đoạn ngắn thì phải xem lại. Nhưng tôi thấy hình như hiện trạng này kéo dài rất lâu rồi.

Vậy thì nó phải có vấn đề về tinh thần dân tộc của chúng ta ở đây.

Thưa nhà báo Hữu Thọ, ông có thể lý giải như thế nào bởi vì hai điều đó tưởng như hoàn toàn không dính vào nhau, nhưng tất cả mọi trạng thái của mọi cử chỉ, hành động của con người trong xã hội đó, mọi biểu hiện của văn học nghệ thuật trong xã hội đó, mọi đức tin của con người trong xã hội đó sẽ phụ thuộc vào tinh thần của dân tộc đó.

Đời sống tinh thần đang như thế nào thì nó sẽ như thế. Kể cả đôi khi đứng trước cái chết tinh thần vẫn khác, tại sao bây giờ ở một đời sống khác hơn, nhiều điều kiện hơn, tự do hơn, độc lập hơn, nhiều cơ sở vật chất tốt hơn, tại sao lại có sự mệt mỏi đấy, sự chán chường đấy?

Nhà báo Hữu Thọ: Tôi tuy về hưu rồi nhưng vẫn hết sức quan tâm đến sự nghiệp báo chí, cũng là người chăm chỉ đọc những cuốn sách mà tôi yêu thích hoặc được giới thiệu.

Và tôi cũng là người cổ vũ cho việc phải viết sâu sắc về những con người có những hoài bão lớn đối với tổ quốc trong thời kỳ mới.

Nhưng tôi thực sự không muốn các bạn hiện nay viết về những con người tiền tiến theo cái kiểu chúng tôi viết về gương người tốt, việc tốt thời chiến tranh. Vì hoàn cảnh chúng tôi sống khác. Lương tâm tôi cũng như chỉ đạo của đảng lúc bấy giờ cũng theo hướng khác.

Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng có thể viết về tâm trạng, những tấm gương tốt trong những tâm trạng đó, chính nó cũng khiến cho người tốt phong phú hơn lên.

Chủ nghĩa yêu nước đang phong phú lắm, đa dạng lắm. Nói khoa trương, như kiểu Sêkhốp là “ngồi trên cửa sổ bây giờ, nhìn xuống đường là có thể thấy cả những chuyện tốt và những chuyện xấu, đầy chuyện cho chúng ta viết”.

Nhưng khốn nỗi, hình như một số người muốn gieo rắc hay hình thành một cái thị hiếu một chút gì đấu đá, một chút sex.

Văn học trên thế giới đã tổng kết ngắn gọn với hai từ là: 3S. Tạm dịch là bạo lực, là tình dục và những việc bê bối. Mà bê bối lại thường rơi vào nhóm các nhân vật là các chính trị gia, doanh nhân lớn và các ngôi sao thể thao văn hoá.

Thế giới cho rằng 3S là sự suy đồi của văn hoá thế giới, của một nền văn học nhân văn. Tôi sợ rằng văn học Việt Nam hiện nay ở một số tác giả đang rơi vào 3S, tìm cách bán chạy sách.

Mối nguy của nền văn hoá "dưới văn hoá"

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa nhà báo Hữu Thọ, văn học hay bất kể điều gì, ngay cả trí tưởng tượng cũng không tách rời hiện thực của dân tộc đó, của cộng đồng anh ta đang sống.

Một nền văn học mà bi đát thì chúng ta phải xem lại toàn bộ đời sống tinh thần của dân tộc đó. Anh ta là người sống trong xã hội đó, trong cộng đồng đó, và nếu cả một nền văn học như vậy thì thưa nhà văn Nguyễn Việt Hà và anh Võ Văn Thưởng, chúng ta phải xem lại rất nhiều điều bất cập ở đây, có những điều bất ổn mà chúng ta phải tìm ra để điều chỉnh, cứu chữa…

Các anh có đồng nhất với tôi rằng: Có thể nói : hay không hay lại là việc khác, nhưng sự suy tàn, suy đồi lại khác hoàn toàn. Và các anh có suy nghĩ gì trước những điều nhà báo Hữu Thọ đã trăn trở về văn học hiện nay. Đó không phải là trăn trở của riêng một cá nhân hay một nền văn học, mà là trăn trở của một dân tộc, của một xã hội?

Nhà báo Hữu Thọ: Trên thế giới có hai khái niệm về văn hoá giống ta.

Vô văn hoá, chúng ta vẫn thường nói nên biết rồi.

Nhưng còn một khái niệm hiện nay thế giới đang rất lo sợ là “dưới văn hoá”, mà nếu chúng ta tạo cho xã hội một thế yếu dưới văn hoá, một nền văn hoá dưới văn hoá thì đó là nguy hiểm cho nền văn hoá quốc gia.

Không biết tôi nói thế có đao to búa lớn không nhưng thực sự, nếu mà nói về sự lo lắng là tôi lo lắng như thế đấy.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Tôi đồng ý với nhà báo Hữu Thọ rằng dân tộc ta có rất nhiều nội lực và nhiều cái rất vững. Nhưng có dấu hiệu suy lở, suy đồi đã manh nha. Trong văn học liên tục có những tiếng thở dài.

Muốn bớt những cái đó đi thì bây giờ phải nêu cao những giá trị trong trắng và linh thiêng như lòng yêu nước, tình yêu, sự vị tha, tức là những giá trị mà những nền minh triết lớn hoặc những tôn giáo lớn.

Bác Hồ cũng từng nói như vậy. Những tinh hoa nhất của Nho, của Lão, của Đạo, những tinh thần cực kỳ là trong sạch của những cái tinh thần dân chủ của cả Tây lẫn Đông. Theo tôi thì những giá trị đấy ở các bạn trẻ bây giờ rõ ràng là có một vài khoảng trống, điều đó rất đáng ngại.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhận diện những hiện tượng phản văn hóa

    27/10/2014Phùng HiểnỞ nước ta, nhiều năm gần đây cùng với sự xuất hiện các giá trị văn hóa mới, những hiện tượng phản văn hóa ngày một gia tăng. Nhận định và đấu tranh với các phản văn hóa không phải một việc đơn giản. Có những phản văn hoá lại nhân danh văn hóa, nhân danh chủ nghĩa nhân đạo tồn tại như những mẫu mực sống của một cộng đồng người nhất định...
  • Nhìn về môi trường văn hóa VN

    08/12/2008PGS.TS Hồ Sĩ QuýChưa bao giờ môi trường văn hóa ở VN phong phú và đa dạng, năng động và tích cực, khích lệ và cám dỗ, có nhiều cơ hội và thách thức… như hiện nay. Có thể nói được như thế với thái độ hoàn toàn nghiêm túc và khách quan.
  • Giao lưu văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa

    22/08/2007GS. Hồ Sĩ VịnhGiao lưu văn hóa là một quy luật của thời đại, là hiện tượng phổ biến của xã hội loài người. Nhờ GLVH đúng hướng mà các nước chậm phát triển có cơ hội trở thành nước phát triển. Trong mọi hoạt động văn hóa Ðảng và Nhà nước ta bao giờ cũng nêu cao định đề biện chứng : kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
  • Đối thoại văn hóa hay đụng độ văn minh

    23/07/2006PGS. TS. Hồ Sĩ QuýSự đối thoại giữa các nền văn hóa là phương thức tối ưu cho sự lựa chọn của con người, là quy luật khách quan của sự phát triển bền vững. Sự đối thoại giữa các nền văn hóa là giá trị định hướng an toàn đối với tiến bộ xã hội...
  • Văn hoá là sự kết tinh của những sáng tạo

    09/03/2006Trương Gia BìnhSự khác nhau của các thời đại văn minh đó dựa trên những căn bản nào? Các nguồn lực quyết định sự tiến bộ trong mỗi thời đại văn minh là gì? Động lực thúc đẩy các quốc gia phát triển trong mỗi thời đại văn minh ở đâu?