Có thực người sang Trung Hoa năm 1790 là hoàng đế Quang Trung?

05:46 CH @ Thứ Sáu - 26 Tháng Giêng, 2018

Vài trao đổi với học giả Nguyễn Duy Chính

Năm 2016, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt bạn đọc quyển sách nhan đề Giở lại một nghi án lịch sử “Giả Vương nhập cận” – Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? của học giả Nguyễn Duy Chính.Tác giả là người rất đam mê khám phá lịch sử Việt Nam thời cổ. Với vốn ngoại ngữ (Anh, Pháp) thành thạo và khả năng Hán học vững vàng, Nguyễn Duy Chính đã dành nhiều tâm sức tìm hiểu, làm rõ một số khía cạnh của lịch sử Việt Nam thời trung đại, đặc biệt là giai đoạn cuối thế kỷ XVIII liên quan đến vương triều Tây Sơn. Quá trình tìm hiểu, khám phá sử Việt của ông được cụ thể hóa thành nhiều bài viết đăng trên Tạp chí Xưa&Nay, được xuất bản thành nhiều đầu sách khác nhau. Đó là điều đáng trân trọng về một người đầy tâm huyết với khoa học lịch sử, có ý thức tìm về cội nguồn, dụng tâm soi sáng các vấn đề lịch sử bằng những nguồn tài liệu mới và hiếm quý.

Trở lại quyển sách nói trên. Thông qua nhan đề, tác giả đã nêu rõ dụng ý muốn nhìn nhận lại một vấn đề lớn trong lịch sử vương triều Tây Sơn dưới thời Quang Trung, một vấn đề có ý nghĩa đối với nền hòa bình và sự phát triển đất nước sau cuộc vệ quốc chống Thanh thắng lợi, một vấn đề đã được nhất loạt khẳng định từ lâu và tưởng như không cần băn khoăn hay bàn luận gì thêm. Đó là có đúng người sang Trung Hoa năm 1790 là Quang Trung giả hay chính là Quang Trung thật? Cách đặt vấn đề rồi tìm cách giải đáp trong toàn bộ công trình đã thể hiện quyết tâm lớn của tác giả, không ngần ngại đương diện với quan điểm chính thống trước nay cho rằng vua Quang Trung sang nhà Thanh chỉ là giả vương.

Như vậy, vấn đề học giả Nguyễn Duy Chính đưa ra là một vấn đề khoa học lớn, có khả năng ảnh hưởng đến nhận thức xã hội và các kết luận khoa học hiện tồn về vương triều Tây Sơn – Quang Trung, nếu không giải quyết triệt để sẽ gây hoang mang, nghi ngờ, thậm chí làm đảo loạn cách tiếp cận, sự nhìn nhận của người đương thời về quá khứ đất nước, đi xa hơn dẫn đến sự nghi ngờ không cần thiết đối với tính khách quan, chân xác của các công trình sử học chuyên sâu về thời Tây Sơn thuộc nền khoa học lịch sử Việt Nam hiện đại. Xuất phát từ nhận thức này, trên tinh thần góp ý xây dựng, chúng tôi muốn trao đổi một vài ý kiến phản biện với học giả Nguyễn Duy Chính sau khi đọc công trình của ông.

Đền thờ nhà Tây Sơn Tam Kiệt ở Tây Sơn, Bình Định

.
Trong toàn sách, tác giả đã đưa ra nhiều chứng cứ và lí lẽ để đặt lại/nghi ngờ vấn đề Quang Trung giả. Có thể tóm lược như sau:

– Hệ thống hành chính và giám sát, truyền tin của nhà Thanh rất chặt chẽ, Phúc Khang An không thể tự chuyên và qua mặt triều đình về việc xếp đặt với Tây Sơn để đưa một người đóng giả Quang Trung sang triều kiến.

– Nhóm người Lê Chiêu Thống đang ở Trung Hoa, nhiều người biết mặt Nguyễn Huệ, nếu giả sẽ lộ ngay.

– Người đóng giả Quang Trung, theo một số sử sách là Phạm Công Trị hoặc Ngô Văn Sở, đều có mặt trong phái đoàn sang Thanh và phía nhà Thanh biết hai người này.

– Dư luận Việt Nam đương thời nhầm lẫn phái bộ Nguyễn Quang Hiển với phái đoàn Quang Trung. Từ chỗ lan truyền tin Nguyễn Quang Hiển không phải là cháu Quang Trung dẫn đến chỗ hiểu lầm Quang Trung sang Thanh là giả.

– Trong thời gian Quang Trung sang Trung Hoa, Thái tử Quang Toản thay cha quản lý triều chính. Hai trong số văn kiện thời Tây Sơn năm 1790 thể hiện điều này, không văn kiện nào chứng tỏ Quang Trung ở trong nước. Bên cạnh đó, còn có những dấu chỉ khác là thư từ giao thiệp giữa Quang Trung với Nguyễn Thiếp dường như bị gián đoạn trong năm 1790; thái độ hân hoan của các sứ thần Đại Việt khi sang Thanh năm này.

– Trong các tác phẩm của những người trong phái đoàn năm 1790 ấy, không có dòng, đoạn nào nhắc đến việc người sang Trung Hoa là Quang Trung giả.

– Tác giả còn dẫn một đoạn trong Khâm định An Nam kỷ lược nói đến chuyện Quang Trung về nước và phải đối diện với tin đồn không hay liên quan đến việc ông sang Trung Hoa.

– Nhà Nguyễn sau này viết về Tây Sơn đã bêu xấu Quang Trung phải “ôm gối” vua Thanh và hợp thức hóa tin đồn giả vương để làm giảm hào quang của triều Tây Sơn.

– Ghi chép của các bộ sử Trung Quốc là Việt Nam tập lược (nửa sau thế kỷ XIX), Thanh sử cảo và Thanh sử (đầu thế kỷ XX) tuy khăng định người sang Trung Hoa là Quang Trung giả nhưng không nói rõ dựa vào tư liệu nào, có thể do nghe được từ phía Việt Nam.

Từ những điều kể trên, Nguyễn Duy Chính đi đến kết luận: Người sang nhà Thanh chính là Quang Trung. Kết luận này làm nền dẫn đến các nhận định tiếp theo (trực tiếp hoặc ngụ ý):

– Bác bỏ toàn bộ tính xác thực trong ghi chép của các thư tịch cổ Việt Nam có đề cập đến vấn đề giả vương. Xem những ghi chép về sự kiện này của sách vở trong nước là không đúng.

– Nhà Nguyễn (cụ thể là vua Minh Mạng) đã chỉ đạo hợp thức hóa tin đồn giả vương, biến nó thành sự thật.

– Phủ nhận những ghi chép của các bộ sử Trung Quốc về vấn đề “giả vương”.

– Quang Trung sang Trung Hoa là một sự kiện trọng đại đương thời, đã nâng cao quốc thể và uy tín của nước Việt trong bối cảnh “Trung Hoa đang là một đế chế thịnh trị bậc nhất trong thiên hạ [hay người ta nghĩ thế] mà mọi quốc gia đều thèm khát có quan hệ ngoại giao, còn nước ta khi đó chỉ là ba tiểu quốc qua phân, trên uy tín quốc tế chưa mấy nơi biết đến” (trích Phi Lộ của sách).

Tuy nhiên, khi xem xét các cứ liệu cùng lập luận trong sách, có thể nhận thấy tác giả đã đi từ chỗ đoán định đến khẳng định và nâng lên thành kết luận chính thức trong khi còn nhiều vấn đề chưa được chứng minh rõ ràng, “rốt ráo”. Cụ thể:

Thứ nhất, tác giả luôn nói tin đồn Quang Trung giả là do nhầm lẫn từ tin đồn Nguyễn Quang Hiển là giả. Tin này lan rộng trong nước khiến mọi người tin như vậy và một số sách vở cũng chép theo hướng đó. Nhưng xét kĩ, ngoài việc chứng minh có tin đồn Nguyễn Quang Hiển không phải là cháu Quang Trung thì tác giả không đưa ra được cứ liệu chắc chắn nào để xác nhận người thời bấy giờ đã lẫn lộn Nguyễn Quang Hiển giả với Quang Trung giả.

Thứ hai, đâu là căn cứ để bác bỏ toàn bộ ghi chép của thư tịch Việt Nam về chủ trương đưa giả vương sang Trung Hoa thay Quang Trung? Hay chỉ dựa vào một số chi tiết đại loại như ghi chép bất nhất của các sách về tên nhân vật thế thân để rút ra nhận định? Những tác giả của Hoàng Lê nhất thống chí, Lê quý dật sử, Nghệ An kí, Phan gia thế tự lục… đều sống cách sự kiện 1790 không quá xa, ít nhiều nắm thông tin về sự kiện này rõ hơn chúng ta ngày nay.

Thứ ba, tư liệu xác tín nào nào chứng minh việc nhà Nguyễn chỉ đạobiến vấn đề Quang Trung thật thành giả vương? Nếu chỉ đoán rằng nhà Nguyễn bôi nhọ Quang Trung bằng cách gán lễ “ôm gối” thay vì “bão kiến thỉnh an” cho ông và cách viết khinh miệt, hạ thấp Quang Trung như kiểu dùng chữ Cô (姑) trong sử sách nhà Nguyễn thì chưa chứng minh được vấn đề đã nêu, có chăng chỉ là cho thấy thái độ hằn học của triều Nguyễn với Tây Sơn. Không thể qua các chi tiết đó để đoán rằng nhà Nguyễn đã chỉ đạo các sử thần dàn dựng chi tiết, xác thực tin đồn (vốn không có thật – như quan điểm xuyên suốt của tác giả) và chính thức đưa mệnh đề giả vương vào quốc sử.

Thứ tư, trong khi chưa tìm cách xác minh được nguồn tư liệu mà Việt Nam tập lược, Thanh sử hayThanh sử cảo sử dụng để dẫn các sách này đến khẳng định người sang Trung Hoa là Quang Trung giả, đã cho rằng chúng không đáng tin. Các tác giả của hai bộ sách trên là người Trung Quốc, sống cách sự kiện không phải là quá xa nên có thể tiếp cận nhiều nguồn tài liệu mà bên ngoài chưa dễ khai thác được. Vì vậy, nếu không có tư liệu khả tín để chứng minh các sách này viết sai thì không nên cho rằng thông tin chúng cung cấp là không xác thực.

Thứ năm, các thư tịch của nhà Thanh dưới thời Càn Long đương nhiên không thể ghi rằng đó là Quang Trung giả. Các ghi chép của người Việt Nam trong phái đoàn năm 1790 cũng vậy. Nếu cho rằng sử tịch nhà Thanh không ghi, các sứ thần Đại Việt không nói đến, để suy ngược vấn đề thật – giả là cách làm không khoa học. Trong bối cảnh lúc ấy, nếu quả thật đó là Quang Trung giả thì vì thể diện, nhà Thanh không bao giờ dám tiết lộ. Các sứ thần Đại Việt cũng không dại gì đưa vào thơ văn khi họ còn phục vụ dưới triều đại Tây Sơn; kể cả sau này, khi Tây Sơn không còn thì họ cũng không có lí do gì để nói lại một vấn đề mà trong dân gian đều biết Quang Trung không hề sang nhà Thanh.

Thứ sáu, nếu lấy Đại Việt quốc thư làm một bằng cớ để cho rằng Quang Trung đã sang nhà Thanh thì cũng không thuyết phục. Người thay Quang Trung vẫn có quyền xem mình chính là Quang Trung để thư từ qua lại với nhà Thanh, thậm chí “chỉ đạo” từ xa một số công việc trong nước. Đó là cách làm quyền biến có thể chấp nhận vào lúc ấy.

Thứ bảy, vẫn biết các văn kiện thời Quang Trung nay không còn nhiều, nhưng liệu tác giả đã tiếp cận hết chưa hay chỉ dựa vào hai văn kiện được gửi đến Quang Toản hay có đóng dấu của Quang Toản vào thời gian phái đoàn sang Thanh để cho rằng Quang Trung lúc ấy không ở nhà? Việc xây kinh đô mới ở Nghệ An đến khi Quang Trung mất vẫn chưa hoàn thành, nên không có gì chắc chắn để nói trong năm 1790 hễ không có thư từ qua lại giữa Quang Trung với Nguyễn Thiếp (hay việc xây kinh đô tạm dừng lại) thì đó là một chỉ báo của việc Quang Trung đang vắng mặt. Thêm nữa, sau chiến thắng, phái đoàn Đại Việt sang Thanh và được đối thủ tiếp đón trọng thị như vậy thì ai lại không hân hoan, phấn khích trong lòng?

Thứ tám, xuyên suốt công trình, tác giả không thể đưa ra những sử liệu đủ mạnh để bác bỏ hoàn toàn quan niệm giả vương và khẳng định hai năm rõ mười vấn đề “thật vương”. Thao tác nghiên cứu từ đầu đến cuối là nêu nghi vấn rồi suy diễn – đoán định qua một số tư liệu của nhà Thanh và đi đến khẳng định quan điểm. Muốn bác bỏ A để khẳng định B nhưng không chứng minh chắc chắn được B, mà chỉ đưa ra vài điểm bất hợp lí của A để khẳng định B. Đó chưa phải là cách làm khách quan, khoa học trên cơ sở thu thập, xử lí, giám định và phân tích tư liệu vốn dĩ rất chặt chẽ của khoa học lịch sử.

Như trên đã nói, vấn đề học giả Nguyễn Duy Chính đặt ra là một vấn đề khoa học lớn. Vì vậy, muốn thay đổi nhận thức vốn đã định hình về nó là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực cao của nhà nghiên cứu, dựa trên hệ thống các nguồn tư liệu được khai thác và phân tích thấu đáo, chặt chẽ với một phương pháp nghiên cứu đúng đắn, khách quan và toàn diện. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh tinh thần thận trọng trong các công bố khoa học hay phát hiện khoa học mới. Trong công trình của mình, học giả Nguyễn Duy Chính đã công bố nhiều tư liệu có thể nói là mới mẻ về thời đại Tây Sơn. Tuy nhiên, khi còn nhiều điều chưa chứng minh rõ ràng, tác giả đã vội vàng khẳng định theo hướng đảo chiều các kết luận và nhận thức xưa nay (mặc dù ông từng nói đã tìm hiểu vấn đề trên 15 năm). Điều này rõ ràng đã khiến dư luận xã hội có phần hoang mang, nhất là khi trong một số buổi nói chuyện và bài viết về sau, tác giả mỗi khi nhắc đến Quang Trung sang nhà Thanh đều cho rằng đó là Quang Trung thật, xem như vấn đề ông đặt ra đã được xác quyết và nhận thức xã hội cũng dần phải điều chỉnh theo hướng như vậy. Đó cũng chưa phải là cách làm nghiêm túc, thận trọng của một nhà nghiên cứu có trách nhiệm đối với xã hội và khoa học lịch sử.

Cuối cùng, chúng tôi muốn lưu ý rằng, các nghiên cứu của tác giả nên được đặt trong bối cảnh đặc thù với những thông lệ, quan điểm nhất quán của nền bang giao Việt Nam đối với Trung Hoa dưới thời phong kiến. Trong quan hệ với nhà nước phong kiến Trung Hoa thời trung đại, các triều đại quân chủ Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc chiến lược ngoại giao được lịch sử gọi là “thần phục giả vờ, độc lập thật sự”. Vì vậy, trong những tình huống bang giao phức tạp nhất, kể cả giai đoạn đối trí ngoại giao cam go và quyết liệt dưới triều Trần giữa hai cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ nhất và thứ hai, chưa hề có vị quân chủ nào của nước Việt (đương nhiên không tính đến việc Lê Chiêu Thống sang nhà Thanh cầu viện) thân hành sang Trung Hoa để chầu hầu Hoàng Đế phương Bắc. Với ý thức tự tôn dân tộc rất cao, luôn xem Nam bang là nước văn hiến, cùng phương Bắc “mỗi bên hùng cứ một phương”, cac Đế Vương và tầng lớp chính trị tinh hoa, rộng hơn là toàn bộ các giai tầng trong nước đều mặc nhiên xem việc một vị vua nước Nam tự mình sang Trung Hoa là biểu hiện của thái độ quy phục thật sự. Đó là điều không thể chấp nhận và xúc phạm nghiêm trọng đến niềm tự hào dân tộc trong bối cảnh lịch sử Việt Nam thời trung đại, khi tư tưởng “vô tốn Trung Hoa”, ý thức tự cường luôn hiện hữu trong lòng dân tộc như một phương sách hằng xuyên để tự thức, tự lập và tự chủ trước một quốc gia to lớn cạnh bên luôn lăm le chờ đợi cơ hội để tiến chiếm nước Việt bé nhỏ.

Ở cuối thế kỉ XVIII, nhận thức xã hội về chiến lược bang giao với Trung Hoa chưa có những thay đổi rõ ràng về cấu trúc cùng chiều sâu, nên việc một vị Hoàng Đế nước Việt đã giành được vinh quang chiến thắng trước Bắc quốc lại tự động sang chúc thọ hoàng đế nhà Thanh là điều không thể chấp nhận trong tư tưởng, tình cảm của xã hội rộng lớn, càng không thể cho đó là sự kiện giúp nâng tầm hình ảnh và vị thế của nước Đại Việt. Khi nhà Thanh vẫn luôn xem Đại Việt là thuộc quốc, là chư hầu thì cũng không thể nói với việc Quang Trung đích thân sang Trung Hoa sẽ đánh dấu một bước ngoặt hệ trọng trong mối bang giao giữa hai nước. Đó là chưa kể, Quang Trung và đội ngũ dưới quyền không thể không tính đến những nguy hiểm tiềm tàng cho bản thân ông khi sang triều kiến nhà Thanh – kẻ chiến bại trước đó chưa lâu. Với hoàn cảnh lúc ấy, không có lí do đủ lớn khiến Quang Trung hành động như vậy. Cho nên, phương án dùng người đóng thế với tất cả sự công phu, tinh tế và sắp đặt kĩ càng của nó là giải pháp hợp thời hơn cả.

Trước lịch sử, sự thật việc Quang Trung sang Trung Hoa chỉ có một và rất đáng được nhận hiểu kỹ càng, chân xác thông qua hệ thống các tư liệu có độ tin cậy cao, giàu sức thuyết phục. Vậy nên, chúng tôi cho rằng trước khi chứng minh đầy đủ vấn đề thì bất kỳ ai, dù tâm huyết đến mấy, chỉ nên dừng lại ở góc độ quan điểm cá nhân hoặc đặt thành giả thuyết khoa học chứ không nên công bố rộng rãi như một thành tựu đáng ghi nhận. Chúng tôi cũng hi vọng học giả Nguyễn Duy Chính có thể từ chỗ đặt giả thuyết đi đến giải quyết thấu đáo các lỗ hổng hay sơ hở còn tồn tại để chiếu rọi, làm minh xác vấn đề đặt ra một cách thuyết phục và khoa học nhất, góp phần “trả lại một sự thật cho lịch sử” như ông tâm nguyện.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khép lại chuyện chân dung Quang Trung

    05/01/2018TS. Nguyễn Xuân DiệnCho đến nay, chưa ai có được bức họa vẽ chân dung Quang Trung lúc đương thời, kể cả tranh do họa sĩ ta hay Tàu vẽ...
  • Từ hiện tượng Hoàng Tuấn Công, bàn về học thuật và học phiệt

    30/10/2017Kiều Mai SơnViệc Hoàng Tuấn Công cho ra mắt công chúng cuốn sách “Từ điển Tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu” gây nên một hiện tượng trong học thuật nước ta vốn có nhiều dịp dậy sáng. Lần này là lĩnh vực Ngôn ngữ vốn được định danh ở “3 Kh”: Khô, khó, khổ. Đồng thời cuốn sách cũng cho thấy một hiện tượng đáng chú ý trong xã hội...
  • Trăm năm nữ sĩ Ngân Giang

    29/08/2017Nhà văn Hoàng Quốc HảiTrong số các nhà thơ nữ cùng thời, phải nói Ngân Giang là một hiện tượng lạ. làm thơ với bà như một khả năng thiên bẩm...
  • Truyền thuyết và huyền thoại trong đời sống văn hóa Việt Nam

    03/02/2017... với tư cách là người hưởng thụ kết quả lao động của toàn bộ giới văn học Việt Nam, thậm chí cả giới lãnh đạo nền văn học Việt Nam nữa. Lý do rất đơn giản là thực ra trong điều kiện của những quốc gia giống như quốc gia chúng ta, văn học không đơn thuần là kết quả của các nhà hoạt động văn học chuyên nghiệp. Nói gì thì nói, nền văn học của chúng ta là kết quả tổng hợp của lao động văn học và lãnh đạo văn học...
  • Tất cả đã có trong lịch sử

    04/06/2016Vương Trí NhànVề tham nhũng, Đại việt sử ký toàn thư ghi, không phải đến thời vua Lê chúa Trịnh, mà ngay từ đời Lê Nhân Tôn ( sau Lê Thái Tổ và Lê Thái Tôn, trước Lê Thánh Tôn ), tức khi vương triều thịnh trị, đã có hiện tượng “ trên thì tể tướng, dưới thì trăm quan, hối lộ bừa bãi ”...
  • Suy nghĩ từ “Chiếu Lập học” của Hoàng đế Quang Trung

    14/04/2016Nhà văn Hoàng Lại GiangSau khi lên ngôi Hoàng đế, đánh tan quân Mãn Thanh, Quang Trung liền nghĩ ngay đến việc nhờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cùng các sĩ phu Bắc Hà như Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ... thảo ngay “Chiếu Lập nhà học...” còn gọi là “Chiếu Lập học”.
  • Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời tại Sài Gòn

    31/03/2016Đại Mỹ LệNhà sử học gốc Việt Tạ Chí Đại Trường - tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị to lớn, đã qua đời ngày 24.3 tại nhà riêng ở TP.HCM sau một thời gian lâm trọng bệnh, thọ 78 tuổi...
  • Quang Trung - Nguyễn Huệ là anh em: Lỗi của ai?

    17/07/2015Ngân AnhChương trình Chuyển động 24 của VTV1 ngày 11/7 vừa đưa một clip với nội dung phỏng vấn một loạt học sinh với câu hỏi chung “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?”
  • xem toàn bộ