Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời tại Sài Gòn

10:16 CH @ Thứ Năm - 31 Tháng Ba, 2016

Nhà sử học gốc Việt Tạ Chí Đại Trường - tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị to lớn, đã qua đời ngày 24.3 tại nhà riêng ở TP.HCM sau một thời gian lâm trọng bệnh, thọ 78 tuổi...

Tin buồn trên đã được người nhà ông xác nhận và cho biết, việc ông trở lại Việt Nam từ tháng 10.2015 sau khi lâm trọng bệnh là đã xác định muốn ở lại quê hương lúc cuối đời.
Tạ Chí Đại Trường quê gốc Bình Định, sinh ngày 21.6.1938 tại Nha Trang trong một gia đình trí thức (cha là cử nhân Hán học), tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Đại học Văn khoa Sài Gòn (1964). Sau năm 1975, ông trải qua giai đoạn cải tạo đến năm 1981 rồi sang định cư tại Mỹ từ 1994.
Ông bắt đầu nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam từ đầu thập niên 1960 tại Việt Nam, với nhiều công trình được giới sử học trong và ngoài nước đánh giá cao bởi những kiến giải quan trọng và mới mẻ, khoa học và khách quan về lịch sử Việt Nam. Năm 1964, Tạ Chí Đại Trường cho ra đời tác phẩm đáng chú ý của ông,Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802.


Tại Mỹ, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu cho in nhiều tác phẩm nghiên cứu lịch sử, văn hóa có giá trị. Dưới đây là danh sách các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường đã được xuất bản:

  • Thần, Người và Đất Việt (1989, 2000)
  • Những bài văn sử (1999)
  • Những bài dã sử Việt (1996)
  • Việt Nam nhìn từ bên trong (cùng Nguyễn Xuân Nghĩa, 1994)
  • Một khoảng Việt Nam Cộng hòa nối dài (1993)
  • Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802) (1991, in lại từ bản gốc năm 1973). Tác phẩm này đã đặt lại vấn đề về vai trò của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, nhiều tác phẩm sau này của Tạ Chí Đại Trường cũng có được cách lập luận và quan điểm độc đáo như vậy.

Một số bìa sách đã xuất bản tại Việt Nam của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường - Ảnh: Tư liệu
Cuối thập niên 2000, một số tác phẩm sử học của ông đã được Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam xuất bản trong nước như: Những bài dã sử Việt (2009), Người lính thuộc địa Nam Kỳ 1861 - 1945 (2011), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (2012), Thần, người và Đất Việt (2014)…
Một bìa sách đã xuất bản tại Việt Nam của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường - Ảnh: Tư liệu

Ông từng được nhận giải thưởng Văn chương toàn quốc, bộ môn Sử (1970); Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 7 (2014) ở hạng mục Nghiên cứu vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ của ông trong nghiên cứu sử học. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, tốt nghiệp ngành sử học tại Đại học Sorbone, Pháp nhận xét:
“Nếu có gì đặc biệt ở anh Tạ Chí Đại Trường thì đó là tài năng. Tức là không phải ai được đào tạo như thế, hành nghề như thế, thì cũng có những phát hiện sắc sảo như là phát hiện của anh ấy, gặp thời hơn thì tôi nghĩ sức sáng tạo của ảnh còn nhiều hơn thế. Trong điều kiện mà anh ấy không có dưới cả hai chế độ, những điều anh ấy làm được là những đóng góp lớn.”
Ngoài nghiên cứu về sử học, Tạ Chí Đại Trường còn là một người sưu tầm, nghiên cứu tiền cổ và là một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đáng vị nể.
Lễ viếng nhà sử học Tạ Chí Đại Trường bắt đầu từ ngày 24.3 tại nhà riêng (402/27 An Dương Vương, phường 4, quận 5, TP.HCM). Lễ động quan vào lúc 8 giờ ngày 27.3, dự kiến hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Tham khảo Wikipedia:

Tiểu sử:
Tạ Chí Đại Trường sinh tại tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, tên của ông, Đại Trường, được ghép từ hai địa danh của tỉnh Khánh Hòa là Đại Lãnh và Trường Giang (sông Cái). Ông là con trai Cử nhân Hán học Tạ Chương Phùng, nhà hoạt động phong trào độc lập dân tộc thập niên 40 - 50 cùng với ông Ngô Đình Diệm, sau làm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định và thành viên nhóm Caravelle.

Năm 1964 Tạ Chí Đại Trường tốt nghiệp bằng Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử tại Viện Đại học Sài Gòn rồi nhập ngũ. Ông phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ năm 1964 cho tới năm 1974 với quân hàm đại úy. Trong thời gian chiến tranh, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu sưu tập tiền cổ và tập trung nghiên cứu về đề tài này. Những bài viết của ông về tiền cổ trong thời gian này sau đó đã được giới nghiên cứu sử học quốc tế đánh giá cao.

Năm 1964 trong thời gian học cao học, Tạ Chí Đại Trường cho ra đời một cuốn tiểu luận về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1771 đến 1802 trong đó ghi lại những sự kiện xoay quanh cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Tác phẩm này đã đoạt Giải thưởng văn chương toàn quốc, bộ môn Sử năm 1970 và được nhà xuất bản Văn Sử Địa in thành sách năm 1973 với tựa đề Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, cuốn sách với nội dung đặt lại vấn đề về nhà Tây Sơn đã khiến Tạ Chí Đại Trường gặp nhiều rắc rối. Lịch sử nội chiến bị cho là "hạ thấp Quang Trung, đề cao Gia Long" và bị cấm lưu hành tại Việt Nam trong một thời gian dài và chỉ được in lại trong nước từ cuối thập niên 2000.

Từ tháng 8 năm 1994, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu định cư tại Hoa Kỳ. Do điều kiện cuộc sống, phải tới mười năm sau ông mới quay trở lại Việt Nam và khó có cơ hội tiếp xúc với tài liệu sử học trong nước, vì vậy Tạ Chí Đại Trường phải từ bỏ những đề tài chuyên biệt để tập trung nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung thông qua các tư liệu ông thu thập được qua nhiều nguồn ở Mỹ, kể cả từ các chợ sách ngoài trời. Tại Mỹ ông bắt đầu cho in các tác phẩm chính của mình như Những bài dã sử Việt (1996) vốn là tập hợp các bài viết ở Việt Nam của ông giai đoạn 1984-1986 hay cuốn Thần, Người và Đất Việt (1989, 2000). Cuốn Thần, Người và Đất Việt khi xuất hiện không chính thức ở Việt Nam đã được đánh giá cao, nhiều nhà sử học Việt Nam đã nhận xét rằng Tạ Chí Đại Trường là một chuyên gia sử học, dân tộc học đáng tin cậy.
Kể từ cuối thập niên 2000, sách của Tạ Chí Đại Trường mới được chính thức in và phát hành tại Việt Nam. Năm 2014, Tạ Chí Đại Trường đã được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hạng mục Giải Nghiên cứu.

Phong cách nghiên cứu:

Đáp lại ý kiến nói Tạ Chí Đại Trường không chú trọng việc đi điền dã, khảo sát thực địa, ông cho rằng công việc nghiên cứu sử học không phải lúc nào cũng cần tới việc đi điền dã trực tiếp vì nhà sử học hoàn toàn có thể sử dụng các tài liệu ghi chép của người đi điền dã.
Theo Tạ Chí Đại Trường, sở dĩ tác phẩm của ông được đánh giá là có giọng điệu riêng và cách lập luận độc đáo vì ông chưa từng tham gia chính thức một cơ quan nghiên cứu lịch sử nào vì vậy đã thoát ra được khỏi hệ thống quan điểm truyền thống về lịch sử Việt Nam, hơn nữa tuy rất nghiêm túc trong công việc nghiên cứu nhưng ông không đặt nặng việc tác phẩm của mình viết ra phải có độc giả.
Nguồn:Thanh Niên
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những đóng góp mang tính nền tảng cho văn hóa Việt Nam của triết gia Kim Định

    06/07/2015Lê An ViTriết gia Kim Định (1915-1997) như một ngôi sao sáng trên bầu trời Văn Hóa Việt Nam. Thật vậy, Ngài đã dành trọn đời tìm tòi, nghiên cứu xây dựng nền tảng Văn Hóa Việt Nam từ cội nguồn uyên nguyên, sâu thẳm, từng là Văn Hiến Chi Bang để trở thành một Đất Nước Vạn Xuân Văn Hiến...
  • Kim Định với việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam

    09/03/2015GS.TSKH. Trần Ngọc ThêmBài viết gồm bốn nội dung: (1) Hiện tượng Kim Định; (2) Những điểm mạnh và những thành công của Kim Định; (3) Những điểm yếu và những hạn chế của Kim Định; (4) Cơ hội, thách thức và những trách nhiệm của chúng ta.
  • Đọc “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức

    10/07/2014Trần Trọng DươngCuốn “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức ngay sau khi ra đời đã tạo nên những dư luận trái chiều. Người thì cực lực phản đối, cho đó là “phản dân tộc” hay “ngụy khoa học”; người thì hết lời khen ngợi bởi sức đọc bao quát của tác giả và vấn đề rộng rãi và mới mẻ của cuốn sách...
  • Lời thúc giục cho sự nghiệp văn hóa nước nhà

    28/03/2014Lam ĐiềnLễ trao Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần 7-2014 vừa tổ chức đêm 24-3 tại TP.HCM dành cho các cá nhân đoạt giải thuộc ba hạng mục: Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục, Dịch thuật và Nghiên cứu...
  • NNC Sử học Tạ Chí Đại Trường nhận giải Phan Châu Trinh

    27/03/2014Lê HuyềnVới những đóng góp độc đáo trong nghiên cứu sử học, nhà nghiên cứu Sử học Tạ Chí Đại Trường đã vinh dự nhận giải Nghiên cứu, giải Văn hóa Phan Châu trình lần thứ 7...
  • Nghĩ về phương Nam trong văn hóa Việt

    04/12/2009Nguyên NgọcMở đầu Cuốn Việt Nam văn hoá sử cương, cụ Đào Duy Anh viết: “Khắp một vùng trung châu Bắc Việt không mẫu đất nào là không có dấu vết thảm đạm kinh dinh của tổ tiên ta để giành quyền sống với vạn vật; suốt một dải Trung Việt vào đến trung châu Nam Việt
  • xem toàn bộ