Diễn văn nhận giải Nobel Hòa bình của Mục sư Martin Luther King (10 tháng 12, 1964)

Nông Duy Trường chuyển ngữ
02:35 CH @ Thứ Sáu - 23 Tháng Ba, 2018

Thưa Quốc vương cùng các vị trong Hoàng tộc. Thưa ông Chủ tịch, cùng các vị nhân sĩ. Thưa quý vị quan khách: Tôi nhận Giải Nobel Hòa bình vào thời điểm mà hai mươi hai triệu người Da đen của nước Mỹ đang dấn thân vào một cuộc chiến đầy sáng tạo để chấm dứt đêm dài của sự bất công chủng tộc. Tôi nhận giải thưởng này thay cho phong trào dân quyền, một phong trào đang chuyển động với ý chí và sự khinh thường ngạo nghễ trước sự rủi ro và nguy hiểm để thiết lập một triều đại của tự do và sự cai trị của công lý.

Tôi ý thức rất rõ rằng chỉ mới hôm qua thôi tại Birmingham, bang Alabama, con cái của chúng tôi khi đòi hỏi tình Huynh đệ, đã bị đáp trả bằng vòi rồng, bằng tiếng gầm gừ của chó săn, và ngay cả cái chết. Tôi ý thức rất rõ rằng chỉ mới hôm qua thôi tại Philadelphia, tại Mississippi, những thanh niên tìm cách bảo vệ cho quyền được đi bầu bị đánh đập tàn nhẫn và giết hại. Tôi ý thức rất rõ rằng sự nghèo nàn cùng cực làm suy nhược đồng bào của tôi và xiềng xích họ lại vào trong nấc thấp nhất của bậc thang kinh tế.

Vì vậy, tôi phải hỏi rằng tại sao giải thưởng này lại được trao tặng cho một phong trào đang bị vây khốn và đã chấp nhận một cuộc đấu tranh liên tục, và cho một phong trào chưa từng đạt được thắng lợi về hòa bình và tình Huynh đệ, tức là hai đặc tính thiết yếu của Giải Nobel. Sau khi suy ngẫm, tôi kết luận là giải thưởng này mà tôi thay mặt phong trào để nhận, là một sự công nhận sâu sắc rằng đấu tranh bất bạo động là đáp án cho vấn nạn nghiêm trọng về đạo lý và chính trị của thời đại của chúng ta; tức là, nhu cầu phải có của con người để chiến thắng sự đàn áp và bạo lực mà không phải dùng tới bạo lực và đàn áp.

Văn minh và bạo lực là hai khái niệm tương phản. Những người Da đen ở Mỹ, theo gót những người Ấn-độ, đã chứng tỏ được rằng bất bạo động không phải là sự thụ động cằn cỗi, nhưng là một lực đạo lý mạnh mẽ được tạo ra nhằm chuyển hóa xã hội. Chẳng chóng thì muộn, tất cả những dân tộc trên thế giới sẽ phải tìm ra cách để sống cùng với nhau trong hòa bình, và do thế chuyển hóa khúc bi ca của vũ trụ còn đang dang dở trở thành bài thánh thi của tình Huynh đệ. Để đạt được điều này, con người phải phát triển một phương thức để chuyển hóa sự xung đột của loài người mà không dùng tới sự trả thù, công kích, và trả miếng. Nền tảng của phương thức đó là tình yêu thương.

Con đường đau khổ mà đã được khởi đầu từ Montgomery, bang Alabama tới Oslo là bằng chứng cho sự thật này, và đây là con đường mà hàng triệu người Da đen đang bước đi để tìm một ý nghĩa mới cho nhân cách. Cũng chính con đường này đã mở ra cho tất cả những người Mỹ một thời đại mới. Con đường này đưa đến một đạo luật dân quyền mới, và nó sẽ, tôi tin như vậy, được mở rộng và kéo dài đi vào siêu xa lộ của công lý như người Da đen và da trắng trong con số ngày một gia tăng tạo ra những liên minh để vượt qua những vấn nạn chung.

Tôi nhận giải thưởng này ngày hôm nay với một niềm tin vĩnh cửu ở nước Mỹ và một đức tin đầy quả cảm vào tương lai của nhân loại. Tôi từ chối không chấp nhận sự tuyệt vọng như câu trả lời cuối cùng cho những điều mơ hồ của lịch sử.


Tem bưu chính Mỹ năm 1999 về Martin Luther King. “Tôi có một ước mơ, rằng một ngày nào đó mọi thung lũng sẽ được nâng lên, mọi đồi núi sẽ bị hạ xuống, những nơi gập ghềnh sẽ được làm ra bằng phẳng và vinh quang Đức Chúa Trời sẽ được tỏ ra cho muôn dân chiêm ngưỡng.” (Martin Luther King Jr.)

.

Tôi từ chối không chấp nhận cái ý tưởng cho rằng “sự hiện hữu” của tình trạng thiên nhiên hiện tại của con người khiến người ta không còn khả năng đạo đức để vươn tới cái “nên là” vĩnh cửu mà con người phải đối diện mãi mãi.

Tôi từ chối không chấp nhận cái ý tưởng cho rằng con người chỉ là những vật vô giá trị, những đám rong rêu nổi trôi trên con sông của cuộc đời, và không có khả năng ảnh hưởng đến những biến cố đang xảy ra chung quanh anh ta.

Tôi từ chối không chấp nhận cái quan điểm cho rằng nhân loại đã bị buộc một cách bi thảm vào đêm đen không trăng sao của chủ nghĩa chủng tộc và chiến tranh đến nỗi ánh sáng của ngày mới của hòa bình và tình Huynh đệ không bao giờ có thể trở thành hiện thực.

Tôi từ chối không chấp nhận cái khái niệm yếm thế cho rằng hết nước này đến nước khác phải chịu đi theo vòng xoáy quân sự của bậc thang đi xuống đến địa ngục của sự hủy diệt của chiến tranh nguyên tử.

Tôi tin rằng sự thật, một thứ sự thật tay không, không sử dụng tới vũ khí, và tình yêu thương vô điều kiện sẽ có tiếng nói chung cuộc trong thực tế. Đó là lý do tại sao,[dân] quyền, dù tạm thời bị đánh bại, vẫn mạnh mẽ hơn sự chiến thắng của sự xấu xa.

Tôi tin rằng ngay cả giữa những tiếng súng và tiếng đạn bay mang tính chất ta thán, vẫn còn có hy vọng cho một ngày mai tươi sáng hơn.

Tôi tin rằng nền công lý bị tổn thương—đang nằm sóng soải trên những con đường đẫm máu cùa đất nước chúng tôi—có thể được nhấc ra khỏi đống bụi bặm của sự tủi nhục, để chiếm lại vị trí cao cả trong lòng những người con của nhân loại.

Tôi dám cả gan tin tưởng rằng những dân tộc ở mọi nơi đều có thể có được ba bữa ăn một ngày để nuôi dưỡng thể chất của họ, có giáo dục và văn hóa cho tâm trí, và nhân phẩm, bình đẳng, và tự do cho tâm linh của họ. Tôi tin rằng những điều mà những kẻ vị kỷ đã phá hủy, những người vị tha khác có thể xây dựng lại.

Tôi tin rằng có một ngày nhân loại sẽ cúi đầu trước bàn thờ Thượng Đế và được trao cho vương miện chiến thắng chiến tranh và xương máu, và thiện ý cứu rỗi bất bạo động sẽ được tuyên xưng là luật pháp trên trái đất. Và sư tử cùng chiên con sẽ cùng nằm xuống với nhau, và mọi người sẽ ngồi dưới tàn cây nho hay cây vải của mình mà không còn sợ hãi gì nữa hết.

Tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua những thách thức và trở lực.[1]

Niềm tin này có thể cho ta sự dũng cảm để đối diện với những bất trắc của tương lai. Niềm tin này có thể tạo cho đôi chân đã mệt mỏi của chúng ta một sức mạnh mới khi dấn bước về phía trước hướng tới thành phố của tự do. Khi những ngày trong đời ta trở nên ảm đạm với những đám mây bao phủ và những đêm trở nên tối tăm hơn cả ngàn lúc nửa đêm, ta biết rằng ta đang sống trong tình trạng hỗn mang đầy tính sáng tạo của một nền văn minh mới đang nỗ lực để được sinh ra.

Hôm nay tôi đến Oslo trong tư cách của một ủy viên quản trị được truyền cảm hứng và với sự cống hiến cho nhân loại vừa được làm mới trong tôi. Tôi nhận giải thưởng này thay cho tất cả những người yêu chuộng hòa bình và tình Huynh đệ. Tôi nói rằng tôi đến đây như một người được ủy thác, vì trong thâm tâm tôi biết rằng giải thưởng này có giá trị hơn là đem lại cho cá nhân tôi một niềm vinh dự. Mỗi lần tôi đi máy bay, tôi luôn luôn ý thức rằng có rất nhiều người giúp cho chuyến bay và cuộc du hành được thành công, những người phi công hữu danh và những nhân viên vô danh làm việc dưới đất. Ta kính trọng những người phi công tận tụy cho cuộc đấu tranh, những người cầm lái điều khiển khi phong trào tự do cất cánh bay vào quỹ đạo. Ta kính trọng, thêm một lần nữa, Tù trưởng Lutuli của Nam Phi, người mà cuộc đấu tranh cùng với và cho nhân dân Nam Phi vẫn phải đối diện với sự đàn áp tàn bạo, vô nhân đạo của người đối với người. Ta kính trọng những nhân viên làm việc dưới đất, những người mà nếu không có sự lao động và hy sinh của họ thì chuyến bay bằng phản lực cơ tới tự do sẽ không bao giờ rời khỏi mặt đất được.

Tôi nghĩ Alfred Nobel hiểu ý của tôi khi tôi nhận giải thưởng này trong tinh thần của một người quản lý đang bảo quản báu vật gia truyền và có nhiệm vụ gìn giữ nó cho những người chủ thật sự: tất cả những người mà đối với họ sự thật là cái đẹp, và cái đẹp là sự thật, và trong mắt của những người mà cái đẹp chân chính của tình Huynh đệ và hòa bình còn đáng giá hơn kim cương hay vàng, bạc. Cám ơn quý vị đã theo dõi.

Nguồn: http://icevn.org/

Nguyên bản: http://mlk-kpp01.stanford.edu/index.php/encyclopedia/documentsentry/doc_acceptance_speech_at_nobel_peace_prize_ceremony/

[1]King dùng từ “overcome” trong câu này. “Overcome cũng là tên một bài thánh ca (Gospel) của đạo Tin Lành, sau này được sử dụng như lời hiệu triệu của phong trào đấu tranh cho dân quyền tại Mỹ trong thập niên 1960. Độc giả có thể nghe bài hát này do ca nhạc sĩ đấu tranh Joan Baez trình diễn và xuất hiện cùng Tổng thống Vaclav Havel của Tiệp năm 2009: https://www.youtube.com/watch?v=5FbAVOdA15c

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhân quyền và thời đại

    10/12/2018Hà Văn ThịnhTrong các vấn đề “xung đột giữa những nền văn minh”, vấn đề nhân quyền luôn tạo nên sự bất đồng và khác biệt sâu sắc. Nguyên nhân chỉ có một: Cách hiểu và cách giải thích của mỗi cá nhân, mỗi nền văn hóa, mỗi chế độ Nhà nước hoàn toàn không giống nhau. Để hướng đến sự đồng nhất về Nhân quyền, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 10-12 hằng năm để tôn vinh và nhắc nhở các giá trị của Nhân quyền.
  • Chúng ta luôn sống trong quá khứ

    05/03/2018An LâmThời đại chúng ta đang sống đang được xem là thời hoàng kim của công nghệ số. Dường như chưa bao giờ trong lịch sử văn minh nhân loại, con người lại thông minh, mạnh mẽ và đầy đủ tri thức như lúc này. Họ nắm cả thế giới nằm trong tầm tay...
  • 16 phim đáng xem nhất

    04/02/2018Sơn LamĐàn ông thực thụ xem phim gì và tại sao? Phim ảnh có vẻ đang bị “đánh thuốc” estrogen. Có quá ít nam tính trong phim ảnh ngày này...
  • Ai là người viết Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền?

    10/12/2017Susan Waltz *)Tên của bà Eleanor Roosevelt thường được gắn liền, và theo đúng lẽ thường với Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Phu nhân của cố Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã từng là chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc từ năm 1946 đến 1951, và với cương vị này bà giành được sự tôn trọng và quý mến của mọi người dân trên toàn thế giới.
  • 3.400.000 và 1.500

    09/05/2017Chungta.comNăm 1871, người Nhật đã dịch cuốn TINH THẦN TỰ LỰC của SMILES và bán được 3,4 triệu bản với dân số Nhật khoảng 30 triệu. Gần 150 năm sau, bản dịch tiếng Việt cuốn TINH THẦN TỰ LỰC chỉ in 1.500 cuốn trên quy mô dân số là 90 triệu. Một nỗi buồn thăm thẳm dài hơn 150 năm...
  • Sự khác biệt giữa đức tin và lý trí

    15/04/2017Người ta luôn luôn viện dẫn kinh nghiệm, lý trí hoặc đức tin để hậu thuẫn cho những điều họ tin tưởng. Tôi hiểu lý trí và kinh nghiệm là gì, nhưng còn đức tin? Nó có phải là một bột phát cảm tính hoặc cơn dâng trào của tình cảm? Nó có đi ngược lại, hay có thể hòa giải được, với tất cả lý trí và kinh nghiệm? Các nhà tư tư tưởng lớn nói gì về đức tin?
  • Trí thức trong xã hội

    22/02/2017Pierre DarriulatĐể bày tỏ rằng việc nói về vai trò và trách nhiệm của trí thức trong xã hội là một chủ đề dễ trở nên nhạy cảm, chệch khỏi khuôn khổ định hướng chính trị của các chính quyền hoặc làm mếch lòng ai đó. Tuy nhiên, cần phải có cách để bàn về chủ đề này một cách duy lý, khách quan, tránh sa vào cảm tính một cách không cần thiết, với mục đích duy nhất là chỉ ra những điều cần làm để giúp đất nước tiến bộ...
  • Dân chủ và Nhân quyền và sự mở rộng khái niệm Dân chủ

    03/11/2010Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupDân chủ là một phương thức quan hệ, phương thức sử dụng quyền lực trong nội bộ các quốc gia. Về bản chất, dân chủ là sự xác lập những quyền cơ bản của công dân. Đó là phương thức để các công dân có những quyền cấu trúc nên đời sống cá nhân và đời sống chính trị của mình. Từ đó cộng đồng các cá nhân cấu tạo nên quyền lực chính trị của mình...
  • Tìm hiểu thêm về giải thưởng Nobel Hòa bình thế giới năm 2010 cho Lưu Hiểu Ba

    16/10/2010Bùi Quang MinhQua bài viết này, Chungta.com xin được trả lời một số câu hỏi bạn đọc nêu ra cho chúng tôi nhằm cung cấp một cái nhìn của chúng tôi cho sự kiện giải Nobel Hòa Bình 2010 và hiểu thêm về nhân vật được giải thưởng này tôn vinh...
  • Ngẫm nhân ngày nhân quyền thế giới

    14/04/2008Nguyễn Tất ThịnhĐời sống và Dân trí ngày càng cao hơn nhưng Tam Dân (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) luôn là thách đố, là mục tiêu, là thước đo về trình độ phát triển xã hội...
  • xem toàn bộ