Đồng thuận xã hội và phản biện xã hội

03:06 CH @ Thứ Năm - 05 Tháng Hai, 2009

Đảng đã từng khẳng định: “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công tác đạt được những thành tựu hôm nay” [1].

Quả vậy, nhân dân là đồng tác giả của Đổi Mới. Đối diện với những thách thức gay gắt của thời cuộc khi bước vào năm 2009 với những khó khăn dồn dập thì dựa vững vào dân, khoan thư sức dân đi liền với động viên nguồn lực vô tận trong dân bằng lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân là nhân tố quyết định của việc vượt qua khó khăn để bứt lên.

Chính vì vậy, Mặt trận với sứ mệnh cao quý của mình trong việc củng cố, mở rộng và nâng cao sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc cũng đang đứng trước những thách đố lớn. Vai trò và chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước sứ mệnh đó đòi hỏi phải tập trung vào những đòi hỏi bức xúc nhất của xã hội mà không một thiết chế nào có thể thay thế được.

Đúng là thành tựu của hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã thực sự là môi trường thuận lợi và cũng là tiền đề rất quan trọng để mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Vậy thì việc “mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc” đã làm được đến đâu, có tạo nên được động lực mới thúc đẩy sự nghiệp phát triển và hội nhập trong giai đoạn lịch sử mới như thế nào.

Có thể kể ra những việc làm cụ thể, từng đợt vận động, tổng số tiền quyên góp, bao nhiêu mái nhà đại đoàn kết… song không thể thay cái đó bằng một cái nhìn tổng quát ở tầm vĩ mô: đó là chất lượng của khối đại đoàn kết dân tộc thể hiện trong tính đồng thuận xã hội, gắn kết những người Việt Nam “không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành và hăng hái tham gia đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới…”.

"Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy"

Đồng thuận xã hội là điều kiện tiên quyết của khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn lịch sử mới, là đòi hỏi trực tiếp và cơ bản nhất. Mặt trận phải chỉ ra cho được thực chất của tính đồng thuận xã hội hiện nay, chỉ ra những nguyên nhân gì còn gây cản ngại cho việc nâng cao chất lượng của tính đồng thuận xã hội ấy.

Lịch sử của dân tộc ta đã chứng minh rằng chỉ lúc nào tạo ra được sự đồng thuận xã hội đó, lúc ấy đất nước ổn định, đủ sức đập tan những thế lực ngoại xâm. Nói như Trần Hưng Đạo: “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức… Tùy thời tạo thế, có được đội quân như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.

Lời của Đức Thánh Trần cũng chính là sự đúc kết truyền thống trị nước của ông cha ta. Mở đầu thời kỳ tự chủ, năm 907, cương lĩnh dựng nước của Khúc Hạo ghi “Chính sự cốt chuộng sự khoan dung, giản dị” khiến cho “nhân dân đều được yên vui”. Tinh thần ấy xuyên suốt lịch sử dân tộc ta.

Đại Việt Sử ký toàn thư, kỷ nhà Trần, thế kỷ XIII, chép: “Mùa hạ, tháng 4, Thượng hoàng ngự ở hành lang Thị vệ (vì cung điện bị giặc đố hế), đại xá thiên hạ. Những nơi bị binh lửa, cướp phá thì miễn toàn phần tô, dịch các nơi khác thì miễn giảm theo mức độ khác nhau”.

Lại chép: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.

Cũng chép lời bình của sử gia Ngô Sĩ Liên “Thánh Tông nối nghiệp Thái Tông…giữa chừng gặp tai họa giặc vào cướp đã ủy nhiệm tướng thần, cùng với Nhân Tông chung sức, cùng nhau vượt qua, khiến cho thiên hạ đã tan lại hợp, xã tắc đã nguy mà lại yên…Công lao ấy to lớn lắm”(tập II, tr. 62, 65, 67).

Hồi ký của một đồng chí lão thành có ghi lại chuyện Bác Hồ đã yêu cầu đốt đi danh sách những tướng lĩnh quân đội xuất thân từ tầng lớp trí thức được thống kê dưới sự chỉ đạo của các “cố vấn” và bình rằng nếu không thì tổn thất cho cách mạng không thể nào lường hết được.

Với đại hội VII của Mặt trận, đã hơn một phần ba thế kỷ tính từ ngày 30/4/1975 non sông quy về một mối, liệu Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam với sứ mệnh thiêng liêng của mình trong chức năng và vai trò không tổ chức nào thay thế được đã thúc đẩy cho việc “thiên hạ đã tan lại hợp” để tạo nên sự đồng thuận xã hội mới như thế nào?

Xin gợi lại đây một mối day dứt của đồng chí Võ Văn Kiệt đã từng viết trên tờ báo “Quốc Tế” ngày 13/4/2005, phải chăng đây cũng là gợi ý về giải pháp tạo nên sự đồng thuận ấy: "...Lịch sử cũng như cuộc sống, cái đúng cái sai nói một lần người ta hiểu; nói hai ba lần người ta im lặng; nhắc quá mức cần thiết thì có thể gây sự phản cảm…

Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miến Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng vậy.

Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu. Đấy là một vấn đề lớn. Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp."

Liệu đó có phải là một việc cần làm nhằm thực hiện chức năng và vai trò không tổ chức nào có thể thay thế được của Mặt trận là phải dồn sức cho sứ mệnh trọng đại và thiêng liêng này: thực hiện sự khoan dung và hòa hợp trong bối cảnh mới của đất nước, tiền đề quyết định của sự đồng thuận xã hội, nền tảng vững chắc của khối đại đoàn kết dân tộc.

“Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ tìm thấy chân lý”

Nhận thức đúng để thực hiện thật tốt nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận nhằm thể hiện trong thực tế dân chủ thực sự để để có đoàn kết thực sự. Quả thật, tách riêng vấn đề này ra làm hai chỉ để tiện trình bày, chứ trong thục tế chính trị và trong dòng chảy của cuộc sống thì chỉ là một.

Không có phản biện xã hội thì sao gọi được là dân chủ, không có dân chủ thì làm sao có được đại đoàn kết dân tộc. Phải từ thực sự dân chủ mới có đồng thuận xã hội, tạo ra được sự đồng thuận xã hội nới có được đại đoàn kết dân tộc.

Đại đoàn kết luôn gắn liền với dân chủ, kỷ cương và công bằng xã hội, muốn đoàn kết thực sự phải có dân chủ thực sự…”, điều này thì văn kiện của Mặt trận đã khẳng định. Mà chính vì phải dân chủ thực sự mới có đoàn kết thực sự cho nên cần phải có phản biện xã hội.

Vì rằng, nói một cách giản đơn nhất thì phản biện xã hội là cách biến nguyên lý “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” từ câu chữ và khẩu hiệu chuyển thành hơi thở hàng ngày của cuộc sống xã hội.

Phản biện xã hội là một biểu hiện sinh động và tập trung cho mệnh đề “Nhân dân làm chủ” đó. Mặt trận thực hiện chức năng phản biện xã hội tức là lắng nghe một cách chân thành và nghiêm túc ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để trung thực chuyển đến Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý.

Cần phản biện xã hội vì chúng ta ngày càng hiểu rằng “thế giới này không phải được vận hành bởi những người đúng, mà bởi những người có khả năng thuyết phục người khác rằng mình đúng”.

Cho nên, dân chủ, mở rộng dân chủ, lắng nghe một cách chân thành và nghiêm túc tiếng nói từ bên dưới, tạo điều kiện cho “dân mở miệng ra” như Bác Hồ đã từng nhắc nhở, mới có thể nhận được những thông tin phản hồi chính xác để điều chỉnh và sửa sai nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối, chương trình, kế hoạch.

Phải lắng nghe dân chúng một cách chân thành và nghiêm túc “là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy… họ biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Phải chăng vì thế mà Victor Hugo đại văn hào Pháp khuyến cáo: “Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ tìm thấy chân lý”!

Dân, tức là mọi tầng lớp xã hội khác nhau có cùng chung một tấm lòng yêu nước thương nòi nhưng có thể có rất nhiều chính kiến khác nhau mà Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nêu: “Đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới…”.

Thực hiện điều này không dễ! Nhất là khi đã có quyền lực, khi nắm quyền lực trong tay thường dễ nảy sinh ra một thói quen khó khắc phục là không muốn nghe những lời trái ý mình, không muốn chia sẻ quyền lực cho ai ngoài mình và vây cánh của mình. Đó là một thói quen khó bỏ.

Biểu hiện dễ thấy của thói quen đó là chỉ muốn độc thoại chứ không quen đối thoại. Tự cho mình cái quyền độc thoại để chỉ ban phát ý kiến dẫn dắt, soi đường chỉ lối, mà không quen lắng nghe và tiếp nhận thông tin từ cuộc sống, từ triệu triệu con người.

Đó là một thói quen của quyền lực, xa lạ với bản chất của Đảng tiền phong gắn bó máu thịt với dân, lắng nghe cho được tiếng nói thật từ cuộc sống để thực hiện sứ mệnh tiền phong là đi trước dẫn đường.

Thói quen độc thoại tự cho mình đã biết tất cả, chân lý là đã có sẵn, chỉ cần rao giảng và thuyết phục công chúng tiếp thu, là một biểu hiện sự tha hoá của quyền lực, đi ngược với phương pháp lãnh đạo đúng.

Ngược lại, tác phong đối thoại được xác lập từ nhận thức rằng chân lý đến từ quá trình tìm tòi, suy ngẫm, phân tích và tiếp nhận trong dòng chảy miệt mài liên tục của cuộc sống, vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không thể là sự nghiệp riêng của một ai.

Toàn bộ sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta nói lên chân lý đó. Mà chân lý là cụ thể. Chỉ lùi lại mươi năm, cũng có thể thấy được quần chúng nhân dân là đồng tác giả, và trên nhiều mặt là tác giả đích thực của Đổi Mới đó sao? Bài học lớn ấy vẫn mang ý nghĩa thời sự.

Tác phong đối thoại còn là thành tựu của tư duy hiện đại về quá trình tiến hoá. Tiến hoá không chỉ là một quá trình chắt lọc cái này và loại bỏ cái kia để vì thế mà làm nghèo đi sự phong phú, đa dạng của cái toàn thể, mà tiến hoá thực chất là đồng tiến hóa. Tư duy hiện đại đã vượt qua sự cố chấp của “nguyên lý loại trừ” mà bước vào “nguyên lý bổ sung”.

Độc thoại gắn liền với nguyên lý “loại trừ”, “ai không đồng ý với ta tức là chống lại ta”. Logic này dẫn đến một biến thái của sự thỏa hiệp với cái xấu, cái tiêu cực theo lối ứng xử “mi không động đến ta thì ta không động đến mi, mi động đến ta thì ta phải động đến mi” tạo ra một sự “đoàn kết” vô nguyên tắc, đúng hơn, “mượn màu son phấn, đánh lừa con đen”, nhân danh sự đoàn kết và ổn định để lấp liếm sai trái và tội ác vì sợ rút giây thì động rừng.

Còn nguyên lý bổ sung thì khuyến khích thái độ lắng nghe để tiếp nhận thông tin, nhằm làm cho tri thức của mình luôn luôn mới, theo kịp được với nhịp phát triển liên tục của cuộc sống. Sự mở rộng của tri thức do được bổ sung liên tục, giúp hình thành và củng cố được ý thức và phong cách ứng xử khoan dung, cởi mở và sự hoà hợp, mong muốn làm bạn chứ không tự trở thành kẻ thù đối với người khác mình.

Phản biện xã hội, theo ý nghĩa chân chính của nó và được thực hiện một cách nghiêm cẩn, thì gắn liền với nguyên lý bổ sung đó, nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội, tiền đề của phát triển. Đặc biệt là phát triển trong một bối cảnh có quá nhiều thách thức như thực trạng mà chúng ta đang trải qua.

Để vượt qua được thử thách này, phải huy động được trí tuệ và sức lực của đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tâm hiệp lực cùng với Đảng và Nhà nước tìm ra những giải pháp đúng, cùng tìm cách tổ chức thực hiện những giải pháp ấy.

Hơn lúc nào hết, cần thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ : “Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.


[1] - Văn kiện Đại hội VIII.NXBST. Hà Nội 1996, tr.73

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tư tưởng lập hiến của Phan Châu Trinh

    17/04/2015Phan Đăng Thanh"Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị thì tự quốc dân lập ra Hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo chung cho mọi người... ". Tư tưởng lập hiến tiến bộ của Phan Chu Trinh được tác giả trình bày khá đầy đủ, cụ thể trong bài viết này.
  • Làm lãnh đạo phải có năng lực lắng nghe

    08/11/2010GS. Tương LaiMuốn đối thoại, người lãnh đạo phải tinh thông công việc của mình, biết gần dân, hiểu dân và lắng nghe dân. Phải thật sự có dân chủ, mới có đối thoại. Muốn thường xuyên vận dụng phương thức đối thoại trong mối quan hệ giữa lãnh đạo và dân thì phải thật sự mở rộng dân chủ, tạo cơ chế cho dân thực hiện trách nhiệm công dân của mình. Văn hóa đối thoại là sản phẩm của một xã hội dân chủ, biết tôn trọng vai trò làm chủ của người dân...
  • Nghị sĩ công dân

    05/01/2009TS.Nguyễn Sỹ PhươngNền dân chủ sơ khai đầu tiên trong lịch sử loài người bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại, tiếng Hy Lạp gọi là “Δημοκρατία”, có nghĩa nhân dân quyết định công việc nhà nước. Tuy nhiên, lúc đó khái niệm “nhân dân quyết định” cũng chỉ giới hạn vào một nhóm người và loại trừ phụ nữ.
  • Dân chủ hóa về chính trị

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtDân chủ hóa là xu thế tất yếu không chỉ của thế giới thứ ba mà của toàn nhân loại. Trong quá trình tương tác và cạnh tranh giữa các nền kinh tế, bản thân con người cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu và ngày càng khốc liệt. Giá trị cá nhân là sức cạnh tranh và sức cạnh tranh chính là nhân tố quan trọng nhất của một quốc gia...
  • Hành trình từ “chuyên chính vô sản” đến “làm chủ tập thể” và “Nhà nước pháp quyền Việt Nam”

    12/09/2006Tương LaiTrên đất nước ta, đó là một hành trình gian truân với cái giá phải trả khá đắt. Nhưng là những bước thuận theo quy luật vận động của cuộc sống, và là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là hành trình của nhận thức nhằm chứng minh thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, quy luật của cuộc sống mạnh hơn những giáo điều xơ cứng...
  • Vai trò động lực của dân chủ đối với sự hoạt động và sáng tạo của con người

    02/06/2006GS. TS. Nguyễn Trọng ChuẩnDân chủ gắn bó chặt chẽ với quyền sống của con người, là nhu cầu không thể thiếu của từng cá nhân cũng như của cộng đồng người trong xã hội, nhất là trong xã hội văn minh, bởi vậy dân chủ có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy con người hoạt động và sáng tạo...
  • “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, Chuyên chính là cái khóa, cái cửa để phòng kẻ phá hoại”

    06/01/2006Ngô Vương Anh“Dân chủ nghĩa là dân là chủ. Dân chủ là của báu vì đó không phải là thứ tự nhiên có sẵn mà đó là thành quả của cách mạng, nhân dân ta đã phải đấu tranh, hy sinh gian khổ mới giành được. Dân chủ là của báu vì đó là lý tưởng, là ước vọng của toàn thể nhân dân ta về một xã hội tốt đẹp trong tương lai..."
  • Dân tâm và dân chủ

    13/12/2005GS Tương LaiDân chủ với dân tâm gắn với nhau như bóng với hình. Để thu phục được dân tâm, để giành dân tâm thì phải thật lòng thực thi dân chủ, thật lòng mở rộng dân chủ. Để giành dân tâm, không có gì đơn giản hơn điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho cán bộ của Đảng và Nhà nước ngay từ những ngày mới giành được chính quyền từ cách mạng tháng 8/1945: " Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”...
  • Dân là ai?

    06/12/2005Hà Thúc MinhNgười Việt Nam mới có câu: Quan nhất thời, dân vạn đại
    Nhất thời thì nhất thời, vạn đại thì vạn đại, nhưng làm quan nhất thời vẫn oai hơn là dân vạn đại. Làm quan mới khó chứ làm dân thì ai mà chẳng làm được. Tuy nhiên, chớ có xem thường làm dân, hình như cái gọi là "dân“ này càng ngày càng được ưa chuộng. "Nhà nước của vua” xem ra đã quá lỗi thời rồi, bây giờ phải là "Nhà nước của dân". Nhiều thứ khác cũng thay đổi theo như "Nghệ sĩ nhân dân” , "Nhà giáo nhân dân” “Đại học nhân dân ", “Tư bản nhân dân ". Tại sao lại có chuyện "vật đổi sao dời" như vậy?
  • Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự

    11/11/2005GS. Tương LaiKhát vọng về dân chủ và công bằng vốn nung nấu từ lâu trong lịch sử loài người. Có dân chủ mới thực hiện được công bằng, đồng thời công bằng là thước đo của dân chủ và tiến bộ xã hội. Điểm quy chiếu để kiểm nhận về công bằng và dân chủ mà một xã hội đạt được thường tìm thấy dễ dàng trong pháp luật...
  • Yếu tố dân chủ ở phương Đông

    19/10/2005Đinh Hiểu (lược dịch theo báo The New Repubic, USA)Liệu người ta có quyền thúc đẩy dân chủ trên thế giới hay đó chỉ là một cách thức áp đặt các giá trị phương Tây? Đặt vấn đề như vậy, theo nhà kinh tế Ấn Độ Amartya Sen, Giải thưởng Nobel năm 1998, là coi thường truyền thống bàn thảo của các xã hội không phải thuộc phương Tây...
  • xem toàn bộ