Gõ cửa nền kinh tế duy tâm

04:19 CH @ Thứ Ba - 07 Tháng Bảy, 2015

Năm 1997, khi cơn bão tài chính làm rung chuyển hàng loạt những nền kinh tế Đông Á từng được coi là hình mẫu "thần kỳ" của sự phát triển, người ta đua nhau lên án liên minh mờ ám giữa quyền lực chính trị và quyền lực tài chính. Thế rồi, trong khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia lâm nạn giảm bớt volume về cái gọi là "giá trị châu Á" để kết tội các nhà đầu cơ tài chính và toàn cầu hoá, thì ở phương Tây người ta lại tăng âm lượng về các giá trị dân chủ.

Người ta cho rằng chính sự bảo trợ từ phía nhà nước đã khiến cho hoạt động của hệ thống ngân hàng bị bóp méo, điều sẽ dẫn đến sự biến dạng và cuối cùng là sự đổ vỡ không tránh khỏi của nền tài chính. Những bài học này được các chuyên gia kinh tế của World Bank rao giảng khắp nơi cùng với những khoản cho vay mà điều kiện ngặt nghèo khiến nhiều quốc gia phẫn nộ.

Khi các tập đoàn khổng lồ Enron, Kmart, Global Crossing, Worldcom... sụp đổ, người ta lại lên án sự cấu kết không minh bạch của các công ty kiểm toán với giới kinh doanh. Vị công tố viên hăng hái nhất không phải ai khác mà chính là tổng thống đương nhiệm của siêu cường duy nhất hiện nay, ông George W. Bush . "Đừng làm trò gian lận với các con số" - tổng thống Hoa Kỳ phát biểu như vậy và ông đề nghị Bộ Tư pháp thẳng tay với bất cứ công ty nào có hành vi tham nhũng hoặc lừa đảo. Trong một buổi vận động gây quỹ cho đảng Cộng Hoà, ông chỉ tên đích danh Worldcom và cam kết rằng ông sẽ không nương tay với những hành vi quản lý tài chính không minh bạch, rằng ông sẽ ủng hộ những biện pháp quản lý kế toán chặt chẽ hơn, trong đó có việc thành lập một cơ quan kiểm soát mới.

Mối liên minh mờ ám giữa quyền lực chính trị và quyền lực tài chính, sự câu kết không minh bạch giữa các công ty kiểm toán với giới kinh doanh là có thật, là rất đáng lên án. Nhưng tôi không cho rằng những biện pháp, cho dù thông minh và quyết đoán, của Worldbank hay tổng thống Bush là đủ để giải quyết tận gốc vấn đề. Đơn giản vì đó chỉ là những giải pháp tình thế, trong khi những hiện tượng trên hoàn toàn không phải là riêng lẻ hoặc ngẫu nhiên. Nếu ngược dòng lịch sử, ta có thể thấy rằng cuộc khủng hoảng Đông Á chỉ là sự nối tiếp của Mexico, và đến lượt mình, nó lại được nối tiếp bởi Argentina, trường hợp mà theo tôi sẽ không phải là cuối cùng trong danh sách. Sự sụp đổ của các công ty không lồ cũng vậy. Trước Enron là Daewoo, Hanbo và các tập đoàn tài chính Nhật Bản. Còn sau Worldcom chắc chắn cũng chẳng thiếu các "đại gia".

Điều chúng ta quan tâm ở đây mối liên hệ giữa các hiện tượng và nguyên nhân sâu xa của nó. Nguyên nhân sâu xa ấy, theo tôi, chính là sự thay đổi về chất của nền kinh tế nhân loại: sự chuyển từ nền kinh tế dựa trên những yếu tố và thước đo vật chất sang một nền kinh tế dựa trên những yếu tố và thức đo tinh thần, nói cách khác, từ nền kinh tế duy vật sang một nền kinh tế duy tâm.

Để cho dễ hiểu, tôi xin bắt đầu từ một khái niệm cơ sở: khái niệm về giá trị. Kinh tế học, nói một cách vắn tắt, là môn khoa học nghiên cứu các quy luật hình thành, lưu chuyển và thay đổi của các giá trị, còn nền kinh tế là tập hợp những cơ sở vật chất và xã hội ở một trình độ phát triển nhất định có nhiệm vụ tạo ra, thay đổi và dịch chuyển các giá trị ấy. Nhưng để tạo ra, thay đổi và dịch chuyển các giá trị, cũng như để nghiên cứu các quy luật hình thành, lưu chuyển và thay đổi của chúng, người ta phải dựa trên một thước đo. Nếu không có thước đo, chúng ta sẽ không thể xét đoán được các hiện tượng và sự vật, bởi lẽ chúng ta không thể lượng hoá được sự tăng giảm hay mất đi cũng như sự duy trì và lưu chuyển của nó. Không phải ngầu nhiên mà Adam Smith đã dành nhiều trang ngay trong phần đầu cuốn The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia) nổi tiếng để nói về giá trị. Sự thay đổi của thước đo giá trị phản ánh sự thay đổi bản chất của nền kinh tế tế giới. Nói rộng ra, lịch sử phát triển của văn minh nhân loại cũng là lịch sử thay đổi của những thước đo và phương pháp đo lường.

Chúng ta đều biết rằng kể từ buổi bình minh của lịch sử, nền kinh tế nhân loại đã tiến hoá dần khỏi trạng thái sơ khai, tự cung tự cấp bằng sự gia tăng phân công lao động. Ngay trong giai đoạn đầu tiên của sự phát triển, người ta đã phải tiến hành trao đổi. Con người không chỉ và không thể sống chỉ bằng lao động của mình. Sự trao đổi ban đầu được thực hiện trực tiếp, vật đổi vật, chẳng hạn cái rìu đổi lấy con cừu, như trong ví dụ kinh điển của Marx. Khi trao đổi như vậy, người ta ước lượng giá trị của vật đem trao đổi qua những đặc tính rất vật lý trực quan, cụ thể, hữu hình của vật. Về bản chất, có thể nói rằng trong truờng hợp này thước đo giá trị chính là vật đem trao đổi.

Sự gia tăng các hoạt động kinh tế khiến cho các loại đồ vật được đem trao đổi ngày càng đa dạng, số lượng đồ vật trao đổi và khoảng cách của hoạt động này cũng ngày một lớn. Sự trao đổi trực tiếp ngày càng bất tiện. Bây giờ, thay vì trao đổi trực tiếp các vật, người ta sử dụng một vật trung gian, được coi là ngang giá, ví dụ người ta có thể không đổi cái rìu lấy con cừu ngay mà người ta đổi lấy một cái sừng hươu, rồi cái sừng hươu lại cho phép họ đổi lầy con cừu hay bất cứ đồ vật được coi là ngang giá nào khác. Như vậy, những thước đo giá trị theo nghĩa đích thực của chúng đã xuất hiện: từ nay giá trị của đồ vật bắt đầu được ước lượng một cách gián tiếp, thông qua việc quy chiếu đến giá trị một vật khác.

Do những đặc tính của chúng, kim loại, đặc biệt là vàng, dần dần được chọn sử dụng rộng rãi làm vật ngang giá. Đó chính là sự ra đời của loại tiền đầu tiên - tiền vàng (hoặc các loại kim loại quý khác). Sự ra đời của tiền đồng nghĩa với sự trưởng thành của thương mại, đồng thời cũng đánh dấu một bước tiếp theo của xu hướng tượng trưng hoá các giá trị vật chất. Kể từ đó, giá trị của mọi thứ, bất luận chúng có nguồn gốc, bản chất và công dụng gì, đều được quy về những đơn vị giá trị của vàng.

Chẳng bao lâu, tiền giấy xuất hiện. Và nếu như ban đầu tiền giấy được đảm bảo bằng vàng, thì về sau nó chỉ còn là những tờ giấy được quy ước về giá trị mà thôi. Đến khi đó, tiền giấy, với tư cách là thước đo giá trị, đã trở nên khá xa các đặc tính vật chất của hàng hoá. Nhưng đến khi xuất hiện thị trường chứng khoán thì ngay cả cái đồng tiền bằng giấy kia cũng biến mất, nhường chỗ một thứ tiền ảo, thực ra chỉ là những ký hiệu, những thoả thuận mà thôi. Như vậy, trong thế giới hiện đại thước đo giá trị, và chính giá trị nữa, đã thoát ly khỏi những đặc tính hữu hình của hàng hoá và chủ yếu dựa vào những yếu tố tinh thần: nó đã bị duy tâm hoá. Thông qua thị trường chứng khoán, người ta tiến hành những khoản đầu tư dựa trên lòng tin, chứ không phải bằng tiền, bằng vàng, hay các loại vật chất khác. Chỉ bằng một cam kết trên giấy, hay thậm chí trên internet, người ta có thể hoàn thành một phi vụ thương mại, để rồi sử dụng kết quả của nó vào một phi vụ khác. Quá trình này có thể được kéo dài bất tận và nhân số vốn lưu chuyển lên nhiều lần trong khi thậm chí chưa có khoản tiền nào được giao trên thực tế. Tài sản của các công ty, các các nhân và các quốc gia cũng được đo bằng giá trị các cổ phiếu mà giá trị của nó không ai có thể biết chắc. Một ông chủ có thể chỉ vì một lời đồn mà mất phần lớn tài sản. Một quốc gia đang dư dật chỉ sau một đêm có thể rơi vào tình cảnh khốn đốn. Vậy mà nhà xưởng, đường xá, tàu bè, con người và chính quốc gia vẫn thế. Bây giờ không một nhà kinh doanh nào, không một quốc gia nào biết rõ mình có bao nhiêu tài sản. Điều này giải thích vì sao các công ty kiểm toán đã hoàn toàn bất lực: họ vẫn tiếp tục tính toán với những thuớc đo cũ kỹ, vẫn vật lộn với những cuốn sổ thu chi, xuất nhập, thực ra đang lừa dối họ. Tôi tin rằng sự lạc hậu là điều đáng trách nhất của họ, còn sự cấu kết với giới kinh doanh chỉ là hành vi đen tối của một phần nhỏ trong số họ mà thôi.

Những hiện tượng này thực ra không phải hoàn toàn mới. Cái gọi là nền kinh tế bong bóng, chẳng hạn, thực ra cũng chỉ là một cách nhìn chưa hoàn chỉnh về nền kinh tế mới - tôi xin gọi là nền kinh tế duy tâm, tức nền kinh tế phụ thuộc vào những yếu tố tinh thần của con người (xin chớ nhầm với mê tín dị đoan). Kinh tế bong bóng không phải là hiện tượng thuần tuý tiêu cực nhiều người quan niệm. Ngược lại, nó là nhân tố quyết định dẫn đến sự phát triển thần kỳ của một số nước trong mấy thập kỷ vừa qua. Hiện tượng này, ở một quy mô nhỏ hơn, cũng có thể quan sát được ở Việt Nam, trong cái gọi là những "cơn sốt bất động sản" vừa qua, chẳng hạn. Những người nông dân đã sống ngàn đời nay trên mảnh đất mà lúa, hoa hay bất kỳ thứ hoa màu nào cũng không giúp họ thoát nổi cảnh nghèo. Vậy mà đột nhiên người ta bảo rằng một nghìn mét đất của họ là mười nhìn cây vàng! Họ đã trở thành tỉ phú trong chớp mắt, và cùng với họ, sức mua của xã hội cũng như tài sản quốc gia đã tăng gấp bội. Kinh tế tri thức cũng là một cách nhìn phiến diện khác, bởi tri thức chỉ là một trong những yếu tố tinh thần quyết định giá trị, và cách hiểu về kinh tế tri thức cũng mới chỉ giới hạn trong quá trình sản xuất - lưu thông hàng hoá và cung cấp dịch vụ mà chưa thấy được vai trò của quá trình tiêu thụ, cũng là một quá trình sinh ra giá trị. Nhưng chúng ta sẽ đề cập đến điều đó trong một dịp khác. Phạm vi bài viết này chỉ cho phép chúng tôi nói thêm rằng ngay cả khái niệm nền kinh tế duy tâm cũng chỉ là một biểu hiện của nền nền văn minh mới, nền văn minh duy tâm, trong đó các yếu tố duy tâm đóng vai trò chủ đạo.

Xu hướng duy tâm hoá nền kinh tế buộc những người đứng đầu các quốc gia phải thay đổi triệt để tư duy trong việc hoạch định các chiến lược phát triển. Bây giờ, sự phát triển của các quốc gia không chỉ phụ thuộc vào các nguồn vốn hay tài nguyên mà còn - và chủ yếu - vào khả năng của các nhà lãnh đạo quốc gia trong việc tạo dựng và gìn giữ tâm lý thịnh vượng của dân chúng.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kinh tế thị trường và trách nhiệm xã hội

    26/07/2019Nguyễn Trọng ChuẩnÝ thức về trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại giúp cho người ta thấy rằng, thị trường thế giới rộng lớn, đầy tiềm năng trên phạm vi toàn cầu là môi trường vô cùng thuận lợi để tìm kiếm lợi nhuận không chỉ cho riêng mình, mà còn cho cả quê hương, đất nước và cho sự phát triển, sự tiến bộ chung của xã hội.
  • Vấn đề xây dựng mô hình kinh tế

    13/10/2010Nguyễn Trần BạtTrong một thời gian dài, vấn đề lựa chọn các mô hình kinh tế được đặt ra một cách sôi nổi, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước đang phát triển và các quốc gia chuyển đổi. Không những thế, việc lựa chọn các mô hình kinh tế sao cho phù hợp với những đặc điểm riêng của từng quốc gia được xem như là biểu tượng của sức sáng tạo và quyền tự quyết của quốc gia...
  • Khủng hoảng kinh tế thế giới và những nhiệm vụ của năm 2009

    09/01/2009Nguyễn Trần BạtTrong thời đại đã toàn cầu hoá ngày nay, không quốc gia nào có quyền nói về những hiện tượng phát triển của mình mà không quan tâm, không phân tích hiện tượng tương đương của thế giới. Phải nói rằng, cho đến phút này, giới học giả và chính phủ trên thế giới chưa hình dung được đầy đủ cơ cấu của hiện tượng khủng hoảng kinh tế...
  • Địa vị của nền kinh tế Hoa Kỳ và các chính sách kinh tế của tân Tổng thống Obama

    13/11/2008PV Vietnamnet phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt"Tất cả các giải pháp về nền kinh tế Hoa Kỳ trước hết phải bắt đầu bằng việc tổ chức lại nền kinh tế tài chính của Hoa Kỳ, việc này không chỉ đơn thuần là xây dựng lại một số chính sách trước mắt." - Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet ngày 6/11/2008
  • Vượt qua khủng hoảng tài chính & suy thoái kinh tế

    25/06/2008Linh VũLàm thế nào để vượt qua khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, như đã từng xảy ra ở các nước Châu Á thời điểm 1997-1999 và hiện đang xảy ra tại Mỹ? Trong phạm vi bài báo này người viết sẽ điểm qua bài học kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc vượt qua khủng hoảng và suy thoái trên con đường phục hồi kinh tế...
  • Hệ thống Tư bản Chủ nghĩa Toàn cầu

    13/11/2007SorosLuận điểm của tôi là hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu thịnh hành ngày nay là một dạng bị bóp méo của xã hội mở. Nó tin quá nhiều vào động cơ lợi nhuận và cạnh tranh và không bảo vệ lợi ích chung thông qua ra quyết định hợp tác. Đồng thời, nó để quá nhiều quyền lực vào tay các nhà nước có chủ quyền, thường vượt quá sự kiểm soát dân sự...
  • Phê phán Kinh tế học

    12/11/2007SorosTính có thể sai và phản thân đặt ra những vấn đề nghiêm trọng cho khoa học xã hội nói chung và cho lí thuyết kinh tế nói riêng. Tôi muốn khảo sát các vấn đề này chi tiết một chút, cho dù nó buộc chúng ta ở lâu hơn trong lĩnh vực trừu tượng tinh vi. Khi tôi nói rằng các ẩn ý của tính phản thân còn chưa được hiểu một cách thích đáng, tôi chủ yếu nghĩ đến các vấn đề này...
  • Toàn cầu hóa và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam

    15/08/2007Đinh Quang TyGiữa các nước và các bộ phận xã hội ở mỗi nước vẫn đang tồn tại sự khác biệt đáng kể về nhận thức cũng như trong hành động trước toàn cầu hóa. Những nước và các nhóm xã hội yếu thế thường bị thua thiệt do tác động từ những mặt trái của toàn cầu hóa và luôn phản đối nó hoặc trong tâm thế thích ứng bị động...
  • Phát triển kinh tế tư nhân

    17/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupKinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng cấu thành toàn bộ nền kinh tế. Nhiều quốc gia mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của hình thức kinh tế này và tích cực phát triển nó như một công cụ hiệu quả để phát triển kinh tế...
  • Mấy suy nghĩ về tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội

    15/07/2006Lê Cần TĩnhTăng trưởng kinh tế là khái niệm mà các nhà kinh tế học, các nhả quản lý, các nhà hoạt động chính trị...thường xuyên sử dụng. Hiểu một cách giản lược thì tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên của tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm...
  • xem toàn bộ