Hãy gắng lên, phụ huynh ơi!

04:37 CH @ Thứ Sáu - 20 Tháng Hai, 2009

Châu báu đầy rương chẳng bằng dạy con một sách.

Cho con ngàn vàng chẳng bằng dạy con một nghề.

Rất vui chẳng gì bằng đọc sách.

Rất cần chẳng gì bằng dạy con.

(Cổ ngữ)

Đúng quá, hoan hô các cụ. Vậy trước khi nhập đề hãy khởi động bằng một câu hát lấy khí thế, không chỉ có tác dụng lên dây cót tinh thần mà còn hàm chứa biết bao ý sâu xa đối với các bậc phụ huynh học sinh - những người đang chung một mục đích không thèm công bố: tất cả vì con em chúng ta, vì một tương lai gấm hoa nhất: cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi ! Đỉnh núi ở đây ai cũng hiểu là đỉnh cao của trí tuệ của tri thức. nhưng vấn đề nằm ở chữ Cùng. Chữ này chỉ số nhiều đã đành nhưng là ai? Còn ai khác ngoài con em lưng còng vì sách vở, mắt kính cận dày cộp. Tay lóng ngóng kiểu bàn phím, chân lạng quặng theo phản xạ đua chen - chỉ còn mỗi chúng ta đấy các bậc phụ mẫu ạ!

Ấn tượng khó phai nhất hiện hình ở cổng các trường học từ mẫu giáo tiểu học, phổ thông cơ sở thời điểm đầu và cuối mỗi buổi học. Đó thật sự là một khu triển lãm mọi hình thái chăm lo con cái nhất trên đời. Kìn kìn phụ huynh vận chuyển con em cháu đến trường lỉnh kỉnh trang thiết bị cặp túi nặng trịch, bi đông nước tăng lực, giày thể dục, thức ăn giờ ra chơi... tiễn chúng vào trường bằng ánh mắt gửi gắm, khích lệ nhắn nhủ trào dâng. Giờ tan trường thì khác, nghìn nghịt bao vây thấp thỏm cùng thái độ lo lắng (sau lâu tan thế?), băn khoăn (có chuyện gì không?), tò mò (hôm nay mấy điểm?), hứng khởi (con ơi mẹ đây cơ mà!), huyên thuyên (từ khi nổ máy xe về đến tận nhà)... làm sao kể hết.

Đấy mới là phần nổi của tảng băng chìm, còn biết bao lo toan nữa không tiện kể lể? Ví dụ cha mẹ lứa mẫu giáo phải tập trung bồi bổ cho các con ăn nói chóng lớn, tiêm phòng, cách ly bệnh tật và phô trương sự thông minh ra ngoài để cho gia đình mát mặt. Lên tiểu học vẫn chú trọng dinh dưỡng là chuẩn. Phụ thêm vấn đề phát triển năng khiếu, công năng nào càng đặc biệt càng tốt, bồi dưỡng ngay khi còn non, sẽ kịp thời nâng chỉ số IQ lên. Chuyển sang phổ thông cơ sở tinh thần học hành sẽ choán hết bộ não, phải động viên chúng nó học đều các môn, học chắc, học chuyên sâu học định hướng dần cho trung học, lay cho tinh hoa phát triển. Phổ thông trung học tuy hết cảnh vêu vao đưa đón ngóng con cái dưới lòng đường bên cổng trường gây ách tắc giao thông, thay vào đó lại khắc khoải mối lo sống mái cho hai kỳ thi quyết định: tốt nghiệp và đại học.

Cứ ngỡ gồng mình lên lần cuối mấy năm đại học cho xong chẳng ngờ cạn nghĩ quá, ra trường ai sẽ lo cho chúng công ăn việc làm đây? Không nhẽ để mốc cái bằng và bỏ phí mười mấy năm nai lưng gù cổ chăm bẵm cho niềm tin, cục hạnh phúc, những đích tôn quý tử của cả dòng họ? Và chúng ta, phụ huynh lại nghiến răng cố lên, cố nữa, nữa lên...

Thực ra, sự nỗ lực còn lớn lao hơn nhiều mà không ai để ý thấy, thường chỉ nói tinh thần chung chung, ít đả động đến vật chất bởi cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể cơ, vậy mà dùng từ nuôi chưa bao hàm hết ý, phải hiểu rằng nuôi để học mới chính xác. Vì sao?

Lộn ngược đầu đuôi tý chút mới rõ. Cái giáo dục của ta tốt toàn diện đã đành nhưng hiềm nỗi hay cải cách quá. Cải là sửa chữa thêm bớt, cách là thay cũ đổi mới. Cải liên tục đâm ra kiến thức bất ổn định, cũ mới xung khắc nhau, không chắc cái nào đúng cái nào sai, lại tốn giấy mực tranh luận, cần thời gian thử nghiệm và mớ bòng bong đó chụp lên đầu con em ta, chúng phải lao vào chiến cuộc học hành tổng lực. Eo ơi, học chính khoá thời khoá biểu hôm nào cũng 5 tiết. Phải học thêm một số môn quan trọng (tất nhiên do phụ huynh chúng ta làm đơn đề nghị). Hễ đặc biệt hơn thì học năng khiếu nâng cao và định hướng thi vào đâu phải cày cuốc chuyên sâu. Ngoài ra còn rất nhiều môn phụ ngoại khoá thể thao nữa. Một tuần tiếng là được nghỉ hai ngày nhưng vẫn phải đến trường học thêm và vùi đầu vào kho bài tập giao về nhà. Cách lâu dài như thế mãi đâm ra khối lượng tri thức cứ phình lên, trĩu xuống (thậm chí dồn từ lớp cao xuống lớp thấp cho con em chúng mình mau khôn lớn). Đâu nghe thông báo rằng chương trình được rút gọn? Đúng vậy, nhưng quả bóng đã trót căng phồng có bóp chỗ này lại phình chỗ khác nên tài liệu tham khảo nảy nở như mầm xuân phơi phới, sách chính khoá một - sách tham khảo năm. Bọn trẻ phải học cách đọc sách tham khảo trước rồi mới làm được bài trong sách giáo khoa còn đỡ, đằng này có những sách tham quá, khảo phụ huynh vã mồ hôi hột không sao hiểu nổi thì con em ta tính thế nào. Gặp đề toán hóc búa quá cả nhà phải gọi điện cầu cứu ông ngoại (cựu giáo viên dạy toán) và triệu tập cả ông cậu từng là học sinh chuyên toán) đến hội chẩn cùng cháu bé lớp 6. Sau hơn một giờ tranh cãi kịch liệt mới rút ra được hai cách giải chuẩn mực hoàn toàn xa lạ nhau? Tóm lại tạm gọi là đố học cho đơn giản! Vì thế chẳng trách phụ mẫu cứ xắn tay áo lên, xếp công việc riêng sang một bên, nhào vô cuộc học hành, không làm bài hộ cũng chỉ dẫn này nói giúp đỡ cái kia, làm chút xíu hoặc hầu hết môn thủ công, khoa học.

Như vậy, chương trình cải cách cũng có cái hay, nó vô tư khuyến khích tinh thần vươn lên cho mọi thế hệ người người vắt óc, nhà nhà loay hoay. Vẫn chưa hết, đã cố thì gắng đến cùng. Rất nhiều các phụ mẫu bóp bụng thắt mồm để dành ưu tiên cho con mình các khoản ăn (bữa chính, bữa thêm, dưỡng chất, sinh tố vitamin...) các danh mục chi tiêu tương đối dài: may mặc đồ dùng, dụng cụ, tiền sách vở, tiền học phí, tiền năng khiếu, tiền vận chuyển (xe ôm, tắc xi). Còn nữa, chương trình giải trí thường xuyên (T.V, nhạc, tụ họp...) cũng phải giải tán để cho các con học (mấy ông bạn thường chấp nhận xem T.V câm chắc ngậm ngùi hơn ai hết) thậm chí muốn đến thăm ông bà cũng phải xếp lịch và tinh chỉnh thời gian cho khớp khít.

Nhưng đến khi quyết toán trọn gói vấn đề, mới thấy cái thân làm tội cái đời. Rút cuộc, chúng ta muốn gì? Đầu tư vào chiều sâu hun hút như vậy ắt đầu ra sẽ vạn năng (một tính từ thường chỉ máy móc chứ ai dùng với con người)? Dẫu sao cũng không thể thua kém thiên hạ được, muốn thế nào thì muốn miễn gặt hái chữ hơn đời cho con cái mình là thắng.

Vậy hãy ráng lên phụ huynh ơi!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trẻ em đã được nuôi dưỡng như thế nào?

    17/06/2008Kim QuyênTrẻ em chúng ta ngày nay được nuôi dạy về vật chất và tinh thần đầy đủ tiện nghi hơn lớp trẻ ngày xưa rất nhiều. Chúng ăn uống có nhiều dinh dưỡng và ngày ngày tiếp thu những chương trình giảng dạy cách tân nơi nhà trường, tiếp cận những phương tiện giải trí hiện đại mà trẻ em ngày xưa có nằm mơ cũng không thấy...
  • Hệ lụy gia đình - nhà trường

    03/11/2006Trầm Thiên ThuGiáo dục không chỉ đơn thuần là nuôi con cái đầy đủ về vật chất, mà giáo dục chủ yếu nhăm giúp con cái trở nên người hữu dụng, một công dân tốt cho gia đình, cho xã hội, đất nước và cho giáo hội (với những người có tín ngưỡng). Chúng sẽ là những người cha, người mẹ trong tương lai. Vậy thì về tâm sinh lý, trưởng thành nghĩa là biết dẹp bỏ "cái tôi" để biết vì người khác. Cái Tôi là đáng ghét...
  • Nhỏ: dối trá, lớn lên: sao thành người tử tế!

    23/07/2006H. VinhNền giáo dục ngày nay, mục đích thi cử rõ ràng là để lựa chọn những người đủ tâm, đủ tài cho đất nước. Nhưng chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở qua những kỳ thi nhiều khi bị biến tướng, không phản ánh thực chất của việc học hành và trình độ các thí sinh hiện tại, không phản ánh đúng thực chất của tình hình giáo dục hiện nay...
  • Thi cử: Có dám chấp nhận sự thật?

    07/07/2005Như BìnhKhông hiểu có phải ngẫu nhiên hay không, các kỳ thi tốt nghiệp trung học năm nay bỗng tạo ra sự kiện “bất thường”: nhiều địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp chỉ dưới 70%.
  • Tại sao người Mỹ thích dạy con học tại nhà?

    04/12/2003Ngày càng có nhiều gia đình Mỹ dạy con học ở nhà do chán ngán hệ thống giáo dục công và chi phí trường tư quá cao...
  • Con em chúng ta cần sự trung thực

    18/08/2003Có thể nói mà không sợ bị quy là hồ đồ, thì mỗi người trong chúng ta khi được hỏi là sợ nhất tính gì, nếu có, ở con mình, câu trả lời chắc chắn sẽ là tính giả dối. Thế mà bao lâu nay, hằng ngày chúng ta đưa đón con cái đến những lớp học như thế nào?
  • Phụ huynh và học sinh: Nên bỏ thi tiểu học!

    25/04/2003Ngành giáo dục đang hướng tới chuẩn hóa kiến thức ở bậc trung học phổ thông trong toàn dân. Vậy, nên chăng ta bỏ bớt đi kỳ thi TNTH để đỡ lãng phí tiền của của Nhà nước mà con trẻ cũng không quá căng thẳng khi phải liên tục thi cử...
  • xem toàn bộ