Hiệu đính gấp văn hóa nhà sách!

01:26 CH @ Thứ Ba - 09 Tháng Sáu, 2009

Nhà Sách, một ngôi nhà chứa đựng văn hoá và tri thức nhân loại. Nói theo ngôn ngữ dân gian thì đấy là chốn “hơi bị sang”. Nhưng có đi mới biết, nhiều chuyện chướng tai gai mắt vẫn phơi phóng công khai ở nơi này. Vì nhiều người lui tới nhà sách chả biết có nạp được tí lịch lãm nào không, lại thải ra vô số rác văn hoá làm ô nhiễm bầu không khí nơi đây!

Điều đáng buồn cười là nhiều khi chính những người đang tìm kiếm những kiến thức văn hoá để cho vào đầu thì lại có những hành động vô cùng mất văn hoá. Một anh chàng kính cận đậu mũi, nhìn cũng hình dong chải chuốt áo quần bảnh bao đứng đọc một cuốn “Hạt giống tâm hồn” ở kệ sách “Học làm người”. Đang đọc hứng thú thì vướng phải một trang sách chưa rọc, thế là chàng ta cáu tiết để sách xuống kệ, hành động y như trong phim võ hiệp Hồng Kông, dùng tay thay dao xé “roạc” một phát nghe ê cả răng! Sách thì bị thương còn “hạt giống”nọ gieo nhằm vào đất “tâm hồn” hoá. . . thạch nên cũng toi cơm!

Một số anh chị láu táu nhìn vào thì biết ngay là đương kim xì-tin, vừa đứng lật sách vừa nhóp nhép sing-gum trông rất sành điệu. Nhưng “pờ-rồ” hơn là cái kiểu nghếch mặt sang một bên, mắt vẫn không rời trang sách, chẩu môi phẹt một phát ghim ngay miếng bã sing-gum xuống sàn nhà hoặc góc kệ hàng. Nhiều khách hàng thư sinh khác lại có cái thói lấy sách đọc xong thì không để lại chỗ cũ, vứt nó nằm tênh hênh ngả ngớn, rồi lại lấy cuốn khác đọc, mặc xác cho đứa nào muốn xếp thì xếp! Chỉ cần vài anh đứng ngâm cứu dăm đầu sách là đã tanh bành té bẹ cái kệ sách con nhà người ta! Các cậu gà trống choai kéo băng kéo nhóm vào nhà sách lại có cái khoản táy máy, to mồm. Các cậu thăm thú các nơi rồi tụm lại ở kệ tạp chí thời trang, vừa đọc vừa hô hố bình phẩm những lời nghe rất bẩn tai về vòng 1 cô này, vòng 3 cô kia, chưa kể là ngứa tay vẽ vời nhăng nhít vào sách…

Có em gái nọ, nhân viên nhà sách đã trả lời “Nhật ký công chúa” hết hàng, em vẫn không tin, người ta vừa quay đi thì lập tức em chổng mông cúi xuống các ngăn sách cuối cùng (thường để sách dự trữ) để kiểm tra. Anh giai nào thấy em mặt mày nhăn nhó, mồm lầm bầm chửi rủa cô gái nọ thì cũng nghĩ em nên tìm Nhật ký… phù thuỷ thì thích hợp hơn cả? Sách mà em lấy cả chân để khoèo ra, rồi hùng hục bươi móc cứ như chọn khoai lang, khoai mì ngoài chợ thì quả là quá khiếp!

Lại có nhiều người chọn lựa chán chê cả mới sách nhưng trên đường ra quầy tính tiền thì sinh ra phân vân lưỡng lự, và cuối cùng là thảy đại mớ sách vào đâu đó cho rảnh nợ. Nếu may mắn thì mớ sách ấy sẽ được đoàn tụ với bà con họ hàng nhà sách tuy lắm lúc xét về đường phả hệ cũng có tức tưởi oan trái một chút. Như vợ chồng nhà bác Bill cựu tổng thống bên Mỹ danh giá là thế lại bị ném vào kệ kỹ thuật chăn nuôi phối giống heo bò dê ngựa gì đấy… Nhưng như thế vẫn còn may mắn chán! Vì nếu xui xẻo thì cũng có thể bị một quý cô dấm dúi vào một xó không những lạc loài mà còn phản văn hoá trầm trọng, như lọt vào đống… đồ lót bát nháo những dây với nhợ, hoặc kệ lủ khủ chai lọ tương cà mắm muối chẳng hạn (vì nhiều nhà sách thường nảy ra thêm khu vực bán đồ tạp phẩm tự chọn để tăng doanh thu). Trường hợp dã man hơn, nhiều khi bịch cá ba sa tẩm cà ri đông lạnh, nước nôi nhen nháo cũng tót lên nằm chung với các em sách khô ráo thơm tho, do bà nội trợ nào đấy tiện tay thảy vào vì không muốn mắc công đi trả hàng về chỗ cũ!

Nhiều bà mẹ đem con vào nhà sách với phương châm coi nhà sách như nhà…mình, có nghĩa đây là môi trường chăn thả tự do, “chúng mày phá được cái gì thì cứ phá!”. Ở những khu bán đồ lắp ráp, xếp hình, búp bê… các kệ hàng luôn trong tình trạng tơi bời hoa lá, vì thường xuyên là cảnh các mẹ lơ đễnh nhìn ngắm vu vơ khắp nơi để con tha hồ “làm giặc”; hoặc cả mẹ lẫn con hăm hở… khai quật tứ tung các kệ hàng, vứt bừa ra sàn các món không thích cho đến khi tìm được món ưng ý mới thôi. Có những bà mẹ cho con tự do xé bao bì, lấy hàng ra chơi chán chê rồi quăng lại. Thậm chí khi bị hư, gãy thì dúi món đồ chơi vào một xó nào đấy để phi tang…

Bà mẹ trẻ nọ mải mê dừng ở khu vực sách “Học cách làm mẹ”, lo coi sách quên cả coi con, để rồi khi bị nhân viên nhà sách mắng vốn vì trẻ làm hư đồ chơi thì tiến hành công tác giáo dục tư tưởng ngay tại chỗ bằng cách bợp cho thằng nhóc mấy phát… Tiếng mẹ hét, tiếng con gào, tiếng nhạc rền rĩ nghe cứ như xem lai-sô ban nhạc rạp nào đấy ngay trong nhà sách! Nhiều bà mẹ lại rất “năng động sáng tạo” khi dỗ con bằng cách khai thác “nguồn tài nguyên” tại chỗ: thằng nhóc đang ngoác mồm mũi dãi lòng thòng thì vơ ngay một con thú nhồi bông gần đấy cho thằng nhóc vần vò nặn vọt gặm nhấm chán chê rồi phũ phàng quăng đâu đó trên đường ra tính tiền. Chỉ tội cho ai mua con thú bông đấy vì có không ít nước dãi lẫn nước mũi tẩm đầy trong ấy!

Ở nhiều nhà sách, khu vực sách nông nghiệp, kỹ thuật, tôn giáo chính là… vùng sâu vùng xa nhưng lại thường được các đôi “uyên ương nhà sách” chiếu cố tới. Theo đúng kiểu “sống là không chờ đợi” nên có rất nhiều anh chị loi choi tranh thủ chọn những góc này để… xen canh, vừa giở sách lại vừa… lật nhau. Các đôi uyên ương cứ thế mà rúc rích tâm tình, hôn hít sờ soạng nháo nhác trước mặt thiên hạ lẫn trẻ nhỏ!

Vào những đợt hội sách, giảm giá sách, có sách “hot” mới về…thì những tiết mục thường xảy ra ở chợ cá-màn xô đẩy chen lấn, giành giựt, la lối… vốn chỉ có ở các bà hàng tôm hàng cá với nhau thì nay áp vào cả những khách hàng có vẻ nho nhã đến nhà sách.
Văn hoá như thế trong nhà sách thì kinh hãi lắm thay!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sách & văn hóa đọc trong đời sống hôm nay

    21/04/2017Nguyễn Công HoanXuất phát từ vị trí, vai trò, tác dụng của sách báo và nhằm tôn vinh văn hoá đọc mà Tổ chức UNESCO trong phiên họp Đại hội đồng lần thứ 28 (1995) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày Sách và bản quyền thế giới".
  • Bạn có biết đọc sách không?

    16/05/2014TS. Trịnh Quang TừẤy, các bạn đừng vội nói: "Đọc sách thì có gì mà không biết! Vậy cũng đi hỏi!". Thì đúng là như vậy, mình và các bạn đều biết đọc sách cả. Nhưng đọc sách có phương pháp, có hiệu quả thì có lẽ chúng ta còn chưa biết rõ lắm. Thật vậy, bất kì công việc nào, để đạt được kết quả tốt, đỡ tốn công sức và thời gian thì cần phải có phương pháp khoa học. Đối với lứa tuổi mực tím chúng mình, đọc sách nhằm mục đích tự học càng cần có phương pháp. Đọc không có phương pháp sẽ phí thời gian và công sức vô ích, đôi khi còn có hại như trì trệ tư duy, giảm trí nhớ...
  • Văn hóa đọc

    16/03/2014Đặng Huy GiangSách được đọc thường xuyên hơn, có thị phần bán ra ổn định hơn, có lẽ là sách giải trí và sách công cụ. Và độc giả của máng sách này thường là những người trẻ tuổi. Mảng sách này rất thực tế, không có giá trị văn hoá, văn chương, chỉ có giá trị thư giãn đầu óc hoặc cung cấp kiến thức dưới dạng bách khoa thư...
  • Thiếu nhi đọc sách - cần có sự hướng dẫn khoa học

    04/03/2014Tương lai đất nước ở trong tay thế hệ đang lớn lên. Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Thế hệ đang lớn lên sẽ ra sao tuỳ thuộc phần lớn vào công tác giáo dục. Những phẩm chất gì xã hội muốn đòi hỏi ở người lớn sau này thì hiện tại chúng ta phải giáo dục cho trẻ em. Đối với giáo dục trẻ em, sách báo luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bà Krupskaia đã nhấn mạnh: “Sách thiếu nhi là yếu tố quan trọng bậc nhất”. Cũng giống như trong học tập hay vui chơi, trẻ em đọc sách cần phải có sự hướng dẫn.
  • Làm gì để xây dựng và phát triển văn hoá đọc trong điều kiện mới?

    29/07/2007Thành DuyKhái niệm văn hóa đọc mà chúng ta quen dùng chưa được nghiên cứu cụ thể, chưa có sự đầu tư nghiêm túc về nghiên cứu lẫn thực tiễn. Các nhà quản lý cần phải đưa ra được một sự định hình tương đối chuẩn xác về khái niệm này, cùng với đó là đưa ra những quy định, những phong trào đọc sách rộng rãi trong công chúng...
  • Đọc sách thời bận rộn

    20/06/2006Lam ĐiềnNhà báo Công Khanh có thói quen đọc sách mọi nơi mọi lúc. Với anh, đọc sách khi đang ngồi xe đò, khi đang chờ tàu ở sân ga, thậm chí đọc khi ngồi sau người bạn trên xe máy trong một hành trình dài... cũng là điều bình thường...
  • Người trẻ: Lười đọc hay không biết chọn sách?

    07/01/2006Nguyễn HàTố Tâm, giá 2.000 đồng/cuốn; Lão Tử, 6.000 đồng/cuốn... Những cuốn sách rất có giá trị được “đại hạ giá” vẫn không được các bạn trẻ ngó ngàng...
  • Cần tìm lại niềm tin nơi công chúng đọc

    05/07/2005Bình Nguyên Trang“Không gì giúp con người phát huy trí tưởng tượng bằng việc đọc. Sách mở ra cho ta một thế giới mới lạ mà không phụ thuộc vào bất cứ điều gì ngoài trí tưởng tượng của ta. Đọc sách còn làm chúng ta giàu có hơn về ngôn ngữ, vốn từ, mở rộng trường liên tưởng.”, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nói.
  • Đi nhà sách...đọc sách

    07/08/2003Một người bạn rủ tôi đi nhà sách để... đọc sách. Tôi ngạc nhiên: đi nhà sách để mua sách, chứ ai lại đến đó để đọc sách. Anh bạn kéo tôi: thì cứ đi rồi biết...
  • Kinh doanh sách ở Việt Nam

    05/05/2003Một vài thu lượm về vấn đề Kinh doanh sách ở Việt Nam...
  • xem toàn bộ