Chữ tín

03:56 CH @ Thứ Bảy - 30 Tháng Tư, 2016

Khi đã đến mức tin tức là nghĩ về một sự thật, việc có thật, thành thật và đặt hi vọng vào người nào hay vấn đề gì đó. Nhưng chữ tín còn ở nghĩa cao hơn vì đó là đức tin của con người biết trọng lời hứa, biết tin nhau lời nói, việc làm.

Từ xa xưa, thuyết ngũ hành cổ Đông phương cho rằng chữ Tín là tín nghĩa trong công việc, thủy chung trong tình yêu, nó mang chất hành Thổ bởi tính bất diệt vững bền của nó, nên lời nói nặng ngàn cân, nhất ngôn cửu đỉnh… Thổ chủ về tín, tính tình đôn hậu. Người chất Thổ thì thắt lưng tròn, mũi nở, lông mày thanh tú, mắt đẹp, tiếng nói vang và lưu loát, trung hiếu, chân thành, giữ lời hứa, hành động chắn chắn hiệu quả. Người khí Thổ mạnh quá thì đầu óc cứng nhắc, hiểu biết chậm chạp, tính tình hướng nội, thích trầm tư. Người thiếu hành Thổ sắc mặt ủ rũ, mặt mỏng, mũi ngắn, lòng dạ độc ác bất tín, vô tình nghĩa.

Cổ nhân đã đưa ra bảy phương pháp để thử lòng người, trong đó có cách hẹn công việc để cân chữ tín vì một cái hẹn đúng giờ, đúng chỗ, đúng người còn biểu hiện tính khoa học, tự tin vào khả năng và sức lực giải quyết công việc hoặc giao dịch. Bậc chính nhân quân tử xưa đã nói lời là giữ lấy lời, dù trời sập đất vùi, dù hi sinh tính mạng cũng phải lấy chữ tín. Chuyện cổ kể nước Lỗ có một cái đỉnh rất quý, vua Tề biết được bắt phải đem cống nộp nhưng lại yêu cầu Nhạc Chính Tử đích thân đem sang Tề mới tin. Vua Lỗ tiếc cái đỉnh bèn làm một cái giả đưa cho Nhạc Chính Tử mang sang nước Tề nhưng Nhạc quyết không chịu đi. Vua Lỗ đành thú thực mình rất quý và tiếc cái đỉnh thật nên không muốn cho đi. Nhạc Chính Tử nói: Nhà vua quý cái đỉnh ấy thế nào thì tôi quý cái đức tín của tôi như thế! Về sau vua Lỗ phải giao cái đỉnh cho Nhạc mang sang Tề. Thời nhà Trần, Hưng Đạo Vương có hai gia tướng thân tuỳ là Yết Kiêu, Dã Tượng rất trung thành và luôn giữ lời hứa. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên năm 1288, quân ta trước thế giặc mạnh phải rút lui, Hưng Đạo Vương dẫn quân đi qua Bái Tân và từ đó định lui về Vạn Kiếp thật nhanh vì địch đang ồ ạt truy kích sát sau lưng. Lúc nguy cấp ấy, Dã Tượng bẩm rằng: Vương đã dặn Yết Kiêu đợi ở Bái Tân thì cứ vào đó để đi đường thủy an toàn hơn. Vương ngần ngại không biết liệu Yết Kiêu còn đợi không vì các tướng khác đã rút hết rồi? Dã Tượng khẳng định rằng Yết Kiêu đã hẹn và chắc chắn còn đợi. Khi Vương tới Bái Tân, quả nhiên Yết Kiêu vẫn một mình neo thuyền đợi.Vương cảm động thốt ra câu: Chim hồng, chim hộc sở dĩ bay cao được là nhờ đôi cánh cứng rắn!

Thời hiện đại có nhiều quan niệm khác nhau về chữ tín, quan điểm rõ ràng nhất về sự thay đổi của người quân tử bây giờ có thể bắt đầu từ câu khá đơn giản pha tính dân gian, nhưng lại cho thấy một sự thật phũ phàng: Quân tử nhất ngôn là quân tử dại/ Quân tử lải nhải là quân tử khôn! Trên đời này chẳng thiếu những kiểu lời nói gió bay, muốn để người ta tin mình, muốn khẳng định mình sẽ giữ tín thì chiếc chìa khóa vàng trong ngôn từ là lời hứa. Nào là hứa danh dự, hứa chắc như đinh đóng cột, hứa bằng cả tên tuổi, lời hứa của một con người và thậm chí cao hơn nữa là lời thề: Thề trên có trời, dưới có đất, ở giữa có chúng ta, thề có bóng đèn chưa đứt tóc , quạt trần còn quay, thề nếu không thì suốt đời không ai cho ăn uống , không ai yêu thương… ấy thế vẫn không thực hiện lời hứa, nuốt lời thề, làm mất lòng tin và khiến cho bất tín là chuyện vặt, chuyện li ti không đáng phải lăn tăn.

Từ những việc nhỏ như hứa mua cho con cuốn sách nhưng quên, hứa về thăm bố mẹ già nhưng không nhớ, hứa giúp bạn một việc nhưng chưa giúp, hứa ủng hộ một đồng nghiệp nhưng thôi, hứa gặp để bàn việc nhưng mải nhậu nên say, hứa góp cho quỹ từ thiện một số tiền khủng cuối cùng lặn mất tăm, công bố thưởng cho thành tích rồi im lặng… cho đến những vụ lớn hơn, ảnh hưởng sâu hơn, nặng nề hơn trong xã hội, nhất là khi lợi nhuận và kinh doanh vươn lên thành mục tiêu chủ đạo trên thương trường. Quả là phi thương bất phú…vi phú bất nhân, lợi nhuận và đồng tiền khiến người ta mờ mắt, mất đi sự trung thực và bước qua chữ tín là hiện tượng khá phổ biến. Tất cả 100% các hãng, công ty, tập đoàn kinh tế, tài chính, thương mại đều ngợi ca và tung hô khách hàng, vì họ sống nhờ vào khách hàng nên coi khách hàng là thượng đế, nhưng kết quả thì sau khi thu lợi, làm giàu, Thượng đế cũng chỉ là một loại chanh bị vắt hết nước mà thôi.

Đành rằng, thế giới không thiếu những vụ đầu độc chữ tín để kiếm lời như ở Trung Quốc là vụ trộn melamin vào sữa để tăng độ đạm, ở Ấn Độ là khai khống gấp 10 lần vốn thực có, ở Pháp là vụ nhập khẩu thương hiệu sôcôla Ý giả, ở Mỹ là lừa đầu tư chứng khoán… nhưng ở ta là những thông tin về thất tín với khách hàng cũng tràn lan trên các trang báo viết, báo mạng, đài, ti vi… và có mặt trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội. Người ta mượn lòng tin của thượng đế vào một số nhãn mác hiệu hàng lâu năm để làm giả, hàng nhái, cho melamin vào sữa để tăng lượng đạm; người ta ỷ vào tính truyền thống chân chất của người nông dân để trộn độc tố hỗn hợp trong thuốc bắc, nhúng đu đủ vào hóa chất cho chín nhanh, phun thuốc bảo quản để giữ cho hoa quả tươi lâu… Người ta núp dưới bóng uy tín chất lượng và phục vụ để sản xuất thuốc giả, thuốc hết đát, tráo thuốc phế phẩm thành chính phẩm, gắn bảng điện tử gian lận giá xăng, đấu đồng hồ km tắc xi qua còi để tăng tiền cước… Người ta ăn theo lòng tin yêu của công chúng với tác giả, tác phẩm để xâm phạm bản quyền băng đĩa nhạc, in sách lậu, ăn cắp tác quyền… Người ta nhờ tên tuổi và con dấu của công ty, xí nghiệp để mua hóa đơn đỏ, lập hệ thống công ty con để lừa đảo… Người ta lợi dụng nguồn vốn của ngân hàng để thế chấp tài sản vay vốn nhiều lần, quỵt nợ, vay vốn đầu tư ma, lập quỹ cho vay vốn ảo lừa tiền thật… thậm chí còn dùng mánh khóe tinh vi hơn, đánh vào tình cảm và tâm lý yêu tiền của nhiều người như trò bán hàng đa cấp, lừa trả lãi suất cao qua mạng… Ngày trước mới thề cá trê chui ống, bây giờ bất chấp tất cả thêm loại lời hứa tà lưa để bội tín.

Chắc hẳn sẽ có thắc mắc sao cứ loanh quanh lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền bạc mãi thế? Bởi trong thời buổi kinh tế thị trường và hội nhập này mà không nói chuyện hàng hóa, tiêu dùng thì còn chuyện gì nóng sốt hơn? Mà hễ động đến kinh doanh phải hiểu: Thương trường như chiến trường – doanh nhân kiêm tướng sĩ – giá cả luôn đắc thắng – thượng đế là hàng binh! Nhiều nhà phân tích vẫn nói đao to búa lớn trong thị trường bằng cụm từ chung đạo đức, kinh doanh, nhưng trong cái đạo đức đó phải có chữ tín vì tín hay tin đều thuộc phạm trù đạo đức tất yếu đề cao giá trị đạo đức tất yếu phải đề cao chữ tín, ngược lại nếu phủ nhận giá trị của đạo đức thì cũng phủ nhận luôn đức tín. Nói chắc thế nhưng làm cứ chuội đi tuồn tuột, ước gì chữ tín giữ được giá như vàng ta!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự tin cậy, đạo đức và luật pháp

    19/03/2015Trần Hữu QuangTrong đời sống xã hội, tại sao người ta phải tin nhau? Nếu người ta không còn tin nhau thì hậu quả sẽ ra sao? Đâu là những điều kiện xã hội của sự tin cậy nhau trong xã hội?
  • Giá trị của một xã hội “thành tín”

    27/10/2014Ths. Đặng Vũ Cảnh LinhMột xã hội coi trọng giá trị của niềm tin là xã hội có khả năng năng phát triển bền vững...
  • Chữ “Tín” trong kinh doanh

    01/01/1900Kiến QuốcChữTín trong" Từ điển tiếng Việt”,được giải thíchlà tin thực, không gian dối. Cònchữ Tín trong kinh doanh được hiểu như thế nào? Trong đời thường cũng như trong kinh doanh, Tín chínhlà lòng tin (chí ít) giữa haichủ thể- người này với ngườikhác doanh nghiệp này với doanh nghiệpkhác rộng hơnlà giữa một người với nhiều người, một doanh nghiệp với nhiều doanh nghiệp... Không phải ngẫu nhiên mà ta có được niềm tin trong bạn bè hay doanh nghiệp nàycó uy tín với doanh nghiệp kia.
  • Đạo lý và kinh tế

    01/01/1900Hoàng Vân HảiKinh tế chỉ có thể tồn tại và phát triển tốt đẹp, làm gia tăng phúc lơi chung của cộng đồng khi vận hành trong cơ chế đạo lý, luân lý dựa trên tình yêu thương con người, tôn trọng con người, tôn trọng con người, bình đẳng, dân chủ, tín nghĩa, thành tâm giữa người với người.
  • Chữ tín

    17/01/2006Vũ Duy ThôngAi cũng phải giữ chữ Tín nhưng giữ chữ Tín như thế nào, mỗi người mỗi khác. Tín là sự tin cậy lẫn nhau, la không thất hứa, là phải thực hiện đúng đúng cam kết...
  • Nhà báo, chữ tín và doanh nghiệp

    13/01/2006Beth Erickson (Sơn Tùng dịch)Một tờ báo sẽ phải xây dựng những quy tắc đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp như thế nào khi các nhà báo ở đó cần phải xây dựng các mối quan hệ với các doanh nghiệp, tổ chức cũng như nuôi dưỡng nguồn tin của mình?
  • "Tín - đạt - nhã" - chuyện cũ mà chưa cũ

    07/07/2005Ngân HuyềnBa chữ “Tín - Đạt - Nhã” đã là chủ đề của ít nhất hai cuộc thảo luận trong giới dịch thuật Việt Nam những năm 1960 và 1990. Tháng ba vừa qua (2003), tại Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, chủ đề này lại được “hâm nóng” trở lại với sự tham gia của các nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà thơ: Trần Thiện Đạo, Hoàng Hưng, Hoàng Thúy Toàn, Lê Đức Mẫn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Văn Dân, Đoàn Tử Huyến.
    Cuộc tọa đàm do Ngân Huyền lược thuật.
  • Chữ tín không quan trọng

    11/11/2003Người Việt Nam mạnh về nghĩa mà yếu về tín. Lời ấy dễ khiến người nghe giật mình vì sự nặng lời. Ai cũng cảm thấy mình như là bị "sốc", mặc dù vẫn lờ mờ hiểu rằng điều đó không phải là không có lý.
  • xem toàn bộ