Mệt mỏi, bừa bãi, buông thả

08:50 SA @ Thứ Bảy - 05 Tháng Mười Một, 2016

Sau mấy chuyến đi du lịch bụi sang Trung quốc, tôi đặc biệt có ấn tượng tốt về những chiến sĩ cảnh vệ gác trước doanh trại và một số công sở bên ấy. Trên cái bục rộng, đặt vuông vắn, họ đứng thẳng như cây cột, vẻ mặt nghiêm trang kỳ lạ.

Lại nhớ mấy anh em làm nghiệp vụ tương tự bên mình mà buồn, thôi thì dựa lưng vào tường, đứng chân co chân ruỗi đủ kiểu. Chắc chắn là có lúc họ cũng nghiêm chỉnh lắm, nhưng sự nghiêm chỉnh này chỉ được một lúc, không sao kéo dài và ổn định như lẽ ra phải thế.

Gần đây, nhiều trạm gác này của ta cũng đã có bục, và đây có lẽ là một ví dụ về vai trò quan trọng của các trang bị với cách làm việc của con người: các chiến sĩ cảnh vệ ta đã trở nên nghiêm chỉnh hơn trước.

Nhưng trang bị không phải là thứ thuốc bách bệnh.

Mùa lạnh, nhiều phen qua cầu Chương Dương, tôi chỉ ước ao giá kể cấp trên phát thêm cho các nhân viên chỉ huy giao thông một ít găng tay. Vì trong gió lạnh, người nào cũng đút tay vào túi, có giải quyết chuyện gì với người đi đường cũng một tay đút túi mà giải quyết, trông như mấy anh nhân viên trật tự ở một làng xã nào đó, chứ không phải người thay mặt chính quyền chỉ huy giao thông ở cửa ngõ một thủ đô thời hiện đại.

Nhưng tôi biết giá kể có trang bị găng thì rồi các nhân viên đó cũng sẽ nhanh chóng vứt vạ vứt vật đâu đó. Đút tay vào túi có cái thoải mái của nó, chứ găng tay ư, bức bối lắm. Ấy là không kể việc đút tay vào túi, cũng như phì phèo thuốc lá ngay trong khi làm việc công, có cái oai oai của kẻ có quyền, — nếu không phải là ý thức, thì cái phần tiềm thức nằm sâu trong tâm lý, từng phút từng giây vẫn thì thào với người ta như vậy.

Dẫu sao khi ở ngoài đường, các nhân viên thường được phát trang phục thống nhất nên còn đỡ. Gặp anh cán bộ nhà nước mình trong những phòng làm việc cổ lỗ của Hà Nội mới thấy vui. Thôi thì chỗ này một cô tám rưỡi mới giở gói xôi ra để ăn, chỗ kia ngay cửa ra vào là một anh tán chuyện với người yêu, cười hô hố trong điện thoại.

Nhân dịp con nghỉ hè, một chị mang con đến, mẹ con “bắt chấy bắt rận ” cho nhau. Sắp đến tuổi về hưu, bệnh tật đầy mình, đã mấy năm nay, một ông vừa làm sổ sách vừa không quên để mắt vào ấm thuốc bắc.

Lại như cái chuyện, ở nhiều cơ quan phòng làm việc nào cũng có một bát hương. Không phải tôi mà chính một bậc lão thành năm nay đã ngoại tám mươi là Tô Hoài cũng đã có lần lên tiếng về chuyện này. Chúng tôi hiểu rằng cuộc sống quá bấp bênh, nên nhiều người sinh ra mê tín. Có tốn kém bao nhiêu đâu ? Tội gì không làm. Người ta nghĩ vậy. Và một khi nó đã lan ra thì giống như một thứ sốt nhẹ, dễ lây lan lắm. Nhưng có lẽ nên hạn chế nó lại đặt nó vào phạm vi gia đình là cùng, chứ sao lại mang đến tận công sở thế này.

Thần Phật có có chăng nữa thì cũng phù hộ người chăm chỉ chịu khó nghiêm túc với công việc, chứ đâu có phải cứ lễ bái đều vào, là có bảo hiểm, rồi yên tâm mà tha hồ làm bậy ?

Cách sống buông thả trong các cơ quan hiện nay vốn bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa. Trước tiên, đây là nếp sinh hoạt của cả xã hội.

Thằng con trai mười bốn tuổi của tôi có một thói quen là bất cứ lúc nào xem tivi cũng chỉ thích nằm bò ra sàn. Khi tôi kể chuyện này với nhiều người thì ai cũng gật đầu đồng tình, phần lớn trẻ các nhà đều như vậy.

Dáng đi thũng thĩnh bất cần đời. Ghếch chân ngang mặt khi đọc sách. Cần viết cái gì thì đè ngay lên đầu gối mà viết, hoặc sẵn sàng viết trên một mặt bàn khấp khểnh sách bút, để rồi lấy đó làm cớ biện hộ cho những hàng chữ rất xấu. Ở lớp trẻ hiện nay nhiều thói quen kỳ lạ như vậy đã được hình thành.

Cố nhiên không thể chỉ một chiều trách trẻ con được. Vì cách ăn ở sinh hoạt của người lớn chẳng có hơn gì.

Chưa bao giờ đường phố của chúng ta có nhiều loại xe đẹp xe sang như hiện nay. Nhiều người ăn mặc như vừa từ Paris New York về, mới xuống sân bay hôm qua. Nhưng lạ một cái là những cảnh trái ngược cài chen nhau. Nhiều lần tôi cứ ngỡ ngàng khi bắt gặp một thanh niên vừa diện bộ cánh hảo hạng, dăm phút sau đánh trần cưỡi xe máy ra phố mua thuốc lá, cười nói rầm rĩ. Và nhiều phen lơ đãng nhìn kỹ vào chiếc xe bóng loáng đang đậu vỉa hè, tôi vẫn không quen được cảnh mấy bác không còn trai trẻ cũng xả láng. Trong khi đậu xe chờ sếp, các bác cởi giày, gác cả hai chân lên cửa hóng gió.

Ở Hà Nội từ 1964 về trước, không bao giờ có cảnh vứt chuột chết ra đường và ở các công viên, không có cảnh “ thượng “ cả dép lên trên ghế đá mà ngồi như bây giờ.

Cuộc sống những năm chiến tranh mang lại cho người Hà Nội bao nhiêu thói xấu. Để kịp về nơi sơ tán, trong những chuyến tàu vét, người ta trèo cả lên nóc tàu hỏa mà ngồi. Sau những ngày chầu chực không mua nổi cân gạo, lúc làm ra đồng tiền, nhiều gia đình đồng lòng xả láng một phen cho bõ đời, và thói quen tranh thủ hưởng thụ đã đến một lần là không chịu bỏ đi nữa.

Chiến tranh đầy bất trắc không biết sống chết lúc nào. Ai đó đã viết “ sau cái thời của không biết hy vọng, sẽ đến thời của không biết sợ hãi “. Khi mà buồn vui thất thường thành một cái gì kéo dài thì cả nếp sống tạm bợ lẫn triết lý sống gấp đều là không thể tránh nổi.

Cũng tương tự như vậy, khi nghĩ về văn minh công sở, đúng hơn nếp làm việc buông tuồng và đầy cảm hứng gia đình chủ nghĩa ở các cơ quan hiện nay, trong đầu óc tôi lập tức nhớ lại mấy năm sơ tán.

Đang làm ăn ở Thủ đô đàng hoàng nay kéo nhau về ở nhờ tận các làng quê heo hút, hồi ấy chúng tôi có muốn nề nếp cũng không được. Mỗi người với đủ lệ bộ ông bà vợ con bìu ríu “ nhảy dù “ xuống một nhà dân địa phương. Vừa làm việc vừa cởi trần thổi cơm hoặc trông con. Có làm việc với cán bộ các cơ quan khác thì ngồi bệt ngay đầu hè.

Tâm lý bảo thủ vốn có trăm ngàn bộ mặt. Trong khi đi xe máy thậm chí lái ô tô, nhiều người chúng ta hôm nay vẫn tham gia giao thông bằng tâm lý người đi xe đạp.

Mấy chục năm chiến tranh qua đi, nay đã sang thời hội nhập, Tây Tầu đầy đường, song người ta vẫn sống như thuở còn sơ tán làng quê, cái kiểu tư duy và thói quen hôm qua vẫn giữ nguyên xi như cũ.

Một mặt thì nhà nước thiếu sự chuẩn hóa đội ngũ công chức.

Mặt khác, tôi muốn nói đến cái sức ì trong ứng xử của mọi người hiện nay.

Trước khi gia nhập vào hàng ngũ cán bộ, cả các thủ trưởng – mà bây giờ người ta quen gọi là sếp – lẫn các nhân viên đều không được trải qua huấn luyện sát hạch gì cả, chỉ thấy người ta bảo mình phải làm việc chứ không thấy ai yêu cầu mình phải thế nào. Ngay kỷ luật công việc còn thiếu, còn không rành mạch, nói chi là kỷ luật sinh hoạt. Không ai biết thế nào là phải. Nhất là không ai nhắc nhở nổi ai. Có vấn đề gì thì cười trừ với nhau là xong. Đã “làm luật” với nhau như thế, có không buông tuồng bừa bãi mới là chuyện khó hiểu.

Khổng Tử vốn nổi tiếng về việc đề cao chữ lễ trong xử thế. Ông bảo đến đâu chiếu trải không ngay ngắn ông không ngồi.

Cái sự nghiêm túc này đẻ ra một loại người mà các cụ ngày xưa gọi là kỹ tính. Họ không chịu qua loa tạm bợ trong bất cứ việc gì.

Người xuề xòa bảo đó là ảnh hưởng phong kiến và không theo. Người tân tiến thì cho rằng tự do mới được coi là tiêu chuẩn số một của xã hội hiện đại. Họ tuyên ngôn: phải nghĩ những chuyện to lớn cơ.

Từ những năm chống Mỹ, nhà văn Nguyễn Tuân đã sớm có một tổng kết thú vị. Với đám lúc ấy còn trẻ là chúng tôi, ông bảo thời nào người ta càng hay nói chuyện lớn lao thì càng hay làm khổ nhau bằng những chuyện lặt vặt.

Trước sau cái nếp sống buông thả trong xã hội cũng tìm được cách thấm vào từng gia đình.

Và đấy là lúc trong cuộc đời “sống chung” với cái sự luộm thuộm bừa phứa, một số người mới thực sự ngấm đòn. Bề ngoài họ tiếp tục tự nuông chiều mình, song tôi biết nhiều người đang âm thầm đau khổ. Ở nhà họ, con cái còn liều lĩnh cẩu thả hơn chính họ nữa.

Lúc tâm sự riêng tư, tôi thường nói với những người quen tỉnh bơ này: trong cái việc nâng cao văn hóa văn minh công chức, chính là chúng ta đã chuẩn bị cho cuộc sống riêng ở tổ ấm nhà mình. Giữa công việc và gia đình, giữa người thân và xã hội, cái sợi dây liên hệ nhiều khi ngắn lắm.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan