Định hướng phát triển kinh tế Việt Nam 5 năm tới

09:37 CH @ Thứ Ba - 25 Tháng Giêng, 2011

Hỏi: Nhân dịp Đại hội Đảng toàn quốc sắp diễn ra tại Hà Nội vào tháng 1/2011, Thời báo Kinh tế Việt Nam dự định làm một chuyên đề về định hướng phát triển kinh tế ở Việt Nam trong 5 năm tới. Chúng tôi muốn hỏi ý kiến của ông về những vấn đề kinh tế xã hội then chốt ở Việt Nam cho chuyên đề này. Trước hết, ông đánh giá như thế nào về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng, 5 năm tới sẽ có nhiều bước ngoặt, nhiều thay đổi, do đó để đánh giá cả 5 năm là một việc khó. Tuy nhiên, có thể chia 5 năm ấy làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn trước phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ và Phương Tây, có lẽ nó ở vào khoảng 2-3 năm đầu tiên của 5 năm tới. Sau đó mới nói đến giai đoạn thứ hai. Nói gì thì nói, tương lai của nền kinh tế Việt Nam, tương lai mà chúng ta kỳ vọng, chúng ta có thể phấn khởi được lệ thuộc rất nhiều vào sự hồi phục của nền kinh tế quốc tế và chủ yếu là nền kinh tế phương Tây và Hoa Kỳ. Tại sao tôi lại nói như vậy? Là vì các khuynh hướng, hay các yếu tố tạo ra sự phát triển đột biến của nền kinh tế Việt Nam không nằm ngoài phương Tây. Còn lâu lắm chúng ta mới cạnh tranh được với nền kinh tế Trung Quốc trong khu vực sản xuất hàng hoá rẻ tiền. Và chúng ta cũng không tận dụng gì được ở thị trường Trung Quốc cả. Cho nên, toàn bộ sản phẩm của nền kinh tế tương lai của Việt Nam trong 2-3 năm tới lệ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế phương Tây, tức là phương Tây mới là thị trường của các sản phẩm của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, trong 2-3 năm tới, nền kinh tế Việt Nam chưa nhìn thấy sự phát triển thoả mãn kỳ vọng của chúng ta về phát triển kinh tế. Như vậy, lý do thứ nhất là lý do thị trường.

Lý do thứ hai là Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI sắp tiến hành. Đại hội này buộc phải giải quyết một vấn đề vô cùng quan trọng, có thể giải quyết trong đại hội, có thể giải quyết sau đại hội, có thể giải quyết một cách im lặng hoặc công khai, nhưng buộc phải giải quyết, đó là tìm ra được điểm hợp lý để cân đối giữa cải cách chính trị, cải cách thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong những điều kiện không thuận lợi lắm về thế chế, và cái đó làm cho chúng ta không đạt được ý mình muốn, làm cho chúng ta phải trả giá cho một số sự cố về kinh tế, ví dụ như Vinashin. Và nếu cứ để thả dàn, không có tính điều khiển của Bộ chính trị hoặc là Trung ương Đảng thì chắc là sự xuất hiện của các sự cố kinh tế như vậy sẽ nhiều hơn. Cho nên, sự can thiệp kịp thời của Ban lãnh đạo cao cấp nhất của Chính phủ cũng như Ban lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng sẽ làm lặng đi những vụ nổ tiếp theo có thể có về mặt kinh tế, và cái đó tạo ra bộ mặt yên ổn để chúng ta tái cấu trúc. Tuy nhiên, tái cấu trúc kinh tế lần này không thể bằng nhiệt tình cách mạng được, không thể bằng sự hăng hái của Chính phủ hoặc Thủ tướng chính phủ như nhiệm kỳ trước được. Có thể nói, Thủ tướng và Chính phủ đã khai thác hết tính năng động của mình trong việc cấu trúc và phát triển nền kinh tế đến 2010. Bây giờ đến một pha khác, pha ấy đòi hỏi tính năng động của toàn bộ hệ thống chính trị chứ không phải tính năng động của riêng Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ nữa. Vì thế, việc cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế phải được tiến hành đồng bộ. Trong những phát biểu đầu tiên của các quan chức của Chính phủ cũng đã xuất hiện những ngôn từ như thế này rồi, và trong Dự thảo các Cương lĩnh hoặc các bình luận về dự thảo đó cũng xuất hiện những yếu tố như thế. Ví dụ, chúng ta thay từ "hội nhập kinh tế" bằng từ "hội nhập". Trong Dự thảo Cương lĩnh cũng nói hội nhập quốc tế chứ không nói hội nhập kinh tế quốc tế nữa. Điều ấy phản ánh rằng, Bộ chính trị, Ban lãnh đạo cao cấp của Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Ban lãnh đạo cao cấp của Chính phủ cũng nhận ra rằng, nếu chỉ hội nhập kinh tế thuần tuý thì chúng ta sẽ không gặt hái được những kết quả có chất lượng tích cực đối với sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Cho nên, tôi cho rằng, lý do thứ hai để dự báo về tương lai kinh tế Việt Nam trong thời gian tới lệ thuộc vào việc chúng ta xác nhận một quy mô cải cách thể chế tích cực hơn, nhưng phải phù hợp với năng lực xã hội cũng như năng lực phát triển kinh tế xã hội. Hay nói cách khác là phải nới rộng các ranh giới chính trị để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Có thể làm một cách im lặng vì không muốn khiêu khích người này, người kia, lực lượng này, lực lượng kia hoặc quốc gia này, quốc gia kia. Nhưng chắc chắn phải làm! Tôi chứng minh ý kiến ấy thế này:

Thứ nhất, chúng ta muốn phát triển kinh tế thì chúng ta phải phát triển nguồn nhân lực. Giai đoạn 5 năm vừa rồi là giai đoạn chúng ta sử dụng tiền vốn một cách rất ào ạt, rõ ràng yếu tố hiệu quả không được tính đếm đến, và nếu có tính đếm đến thì trên thực tế cũng không tạo ra được, vì nguồn nhân lực của chúng ta không thoả mãn cho việc phát triển một nền kinh tế có chất lượng được. Chúng ta phê phán Chính phủ phát triển kinh tế theo chiều rộng mà không chú ý theo chiều sâu, nhưng chúng ta quên mất rằng có muốn phát triển theo chiều sâu thì xã hội của chúng ta cũng không đủ năng lực để thực hiện. Bởi vì toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo của chúng ta quá lạc hậu so với đòi hỏi tự nhiên của sự phát triển kinh tế.

Thứ hai, hệ thống pháp luật của chúng ta hoàn toàn không đủ chất lượng để điều chỉnh một nền kinh tế có chiều sâu. Bất kỳ nền kinh tế có chiều sâu nào cũng phải được bảo trợ bởi một hệ thống pháp luật, mà hệ thống pháp luật ấy ngoài việc thoả mãn độ an toàn cho việc quản lý xã hội của Chính phủ, nó còn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng là bảo vệ một cách nghiêm cẩn toàn bộ sở hữu của các lực lượng xã hội và sở hữu kết quả sản xuất, kinh doanh của các lực lượng xã hội ấy. Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay chưa có được chất lượng như vậy.

Cho nên, song song với việc cải cách giáo dục và đào tạo để tăng cường nguồn nhân lực, chúng ta phải cải cách thể chế, phải xây dựng hệ thống pháp luật và tính có hiệu lực của hệ thống pháp luật, để bảo vệ cảm hứng của xã hội đối với việc đầu tư và phát triển kinh tế. Còn nhiều yếu tố khác nữa mà trong khuôn khổ buổi thảo luận này tôi không thể nói hết được. Nhưng hai yếu tố như thế là cần thiết. Phải nhanh chóng cải cách giáo dục và đào tạo, và phải nhanh chóng cải cách hệ thống pháp luật, theo khuynh hướng bảo vệ các quyền sở hữu một cách rõ ràng, minh bạch hơn nữa. Xây dựng hệ thống pháp luật cho nó có đầy đủ về mặt văn bản và xây dựng cơ cấu Nhà nước để đảm bảo tính nghiêm cẩn, tính có hiệu lực của hệ thống pháp luật là hai công việc khác nhau, nhưng buộc phải tiến hành một cách song song với nhau. Cả hai việc ấy, trong giai đoạn vừa rồi, xã hội chúng ta không làm đồng bộ. Xã hội chúng ta đầu tư vào phát triển kinh tế một cách rầm rộ, nhưng việc xây dựng hệ thống pháp luật và xây dựng cơ cấu Nhà nước để thực thi hệ thống pháp luật ấy lại không phát triển kịp những đòi hỏi của sự phát triển kinh tế, đặc biệt là không phát triển kịp với cái gọi là ý muốn chủ quan của Chính phủ. Có thể nói, nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế của sự tích cực Cách mạng, nó chưa phải là nền kinh tế phát triển đồng bộ và tự nhiên theo năng lực của cuộc sống. Hay nói cách khác là, nền kinh tế ấy trong chừng mực nào đó có ý nghĩa chủ quan, và chúng ta đã nhận được những bài học, những sự cố khá đau đớn do bệnh chủ quan trong việc hoạch định các chính sách vĩ mô trong phát triển kinh tế.

Hỏi:Ông có nói rằng, cùng với việc cải cách kinh tế, chúng ta cần phải cải cách thể chế, trong đó điểm mấu chốt là phải nới rộng hơn nữa ranh giới chính trị. Ông có thể phân tích sâu hơn là sự nới rộng này ở mức độ nào và nên bắt đầu từ đâu?

Trả lời: Nới rộng đến mức mà sự nới rộng ấy không có hại cho Đảng, không có hại cho việc cầm quyền của Đảng, bởi vì chúng ta không thể đòi hỏi cái ranh giới lớn hơn năng lực cầm quyền của Đảng được. Cho nên, khi nói nới rộng, là tôi muốn nói những người lãnh đạo của Đảng phải phấn đấu có những năng lực quản lý chính trị để có quyền, để có khả năng nới rộng ra ranh giới chính trị. Tôi lấy ví dụ: Phản biện xã hội là phải làm rõ, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận là phải làm rõ. Tôi hoàn toàn không ủng hộ sự nới rộng một cách vô nguyên tắc. Nhưng nếu không nới rộng thì cũng là một sự vi phạm nguyên tắc. Cuộc sống đòi hỏi phải nới rộng thì người có quyền nới rộng hoặc thắt lại phải có đủ năng lực để nới rộng. Do đó, đây là một sự chạy đua, một sự phấn đấu không được phép mệt mỏi của toàn bộ hệ thống chính trị. Sự chạy đua ấy tạo ra năng lực tìm kiếm những điểm đồng thuận trong xã hội. Những điểm đồng thuận trong xã hội nối lại với nhau thì thành ra những ranh giới mở rộng của đời sống chính trị.

Hỏi: Như vậy, điều đó đồng nghĩa với việc Đảng phải nâng cao năng lực cầm quyền của mình. Vậy ông có sự tin tưởng vào thiện chí chính trị của Đảng trong việc nâng cao năng lực cầm quyền không?

Trả lời: Tại sao lại không tin tưởng? Tôi có băn khoăn là băn khoăn về năng lực, chứ không băn khoăn về thiện chí. Rất nhiều nhà bình luận cho rằng, các đồng chí lãnh đạo cao cấp chưa thiện chí, tôi thì không nghĩ như thế. Họ rất thiện chí, nhưng chưa đủ năng lực. Tại sao lại chưa đủ năng lực? Phải nói rằng, công việc buộc phải tiến hành để có những nới rộng chính trị, có những khối lượng và phải giải quyết những khối lượng vấn đề khổng lồ. Ví dụ như nâng cao dân trí, nâng cao kỷ luật xã hội, nâng cao kỹ thuật làm báo chí và tuyên truyền. Đôi khi chúng muốn điều này nhưng chúng ta lại nói để người ta hiểu ra một nẻo. Ngay cả trong lực lượng báo chí, có cả sự thiếu hụt năng lực diễn đạt các vấn đề xã hội để tạo ra sự đồng thuận chính trị. Đôi khi mình nói tự do, mình khích lệ những thứ tự do bên ngoài năng lực, bên ngoài hiểu biết của cả xã hội lẫn Đảng cầm quyền. Cho nên, báo chí cũng phải nâng cao năng lực, và báo chí là bộ phận cần phải nâng cao năng lực nhanh nhất để diễn đạt một cách hoà bình, một cách từ tốn các đòi hỏi xã hội và nó không biến thành áp lực chính trị đối với Đảng cầm quyền.

Hỏi:Trong Dự thảo Văn kiện sắp tới có nêu lên mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong 5 năm tới. Theo ông, tình hình thực tế của Việt Nam có đủ điều kiện để chúng ta đạt được cả hai mục tiêu này không?

Trả lời: Đôi khi chúng ta ghép những đối tượng có thứ nguyên khác nhau vào trong cùng một cấu trúc ngôn ngữ, thành ra làm cho toàn bộ cái mệnh đề ấy trở nên vô lý. Ở đây là lỗi quan điểm của Đảng và Chính phủ vừa muốn cái này vừa muốn cái kia, hai cái mâu thuẫn với nhau, hay là cách diễn đạt của chúng ta về nguyện vọng ấy vào một mệnh đề và cái mệnh đề ấy tạo ra mâu thuẫn trên giấy tờ, trên ngôn từ?

Hỏi: Chỗ này ý của Đảng là muốn có cả hai mục tiêu.

Trả lời: Tôi hiểu ý của Đảng là muốn có cả hai mục tiêu ấy, nhưng Đảng và Chính phủ không thể sắp xếp hai mục tiêu ấy vào cùng một mệnh đề như thế này. Bởi vì trong đời sống điều hành chính trị có cả hai mục tiêu như vậy: nhu cầu tăng trưởng và nhu cầu bền vững. Nhưng nếu ghép cả hai mục tiêu ấy trong hai khối lượng công việc, nó có những khuynh hướng, những đòi hỏi, những tính chất khác nhau như vậy thì người đọc sẽ hiểu rằng, ở đây ghép hai mục tiêu mâu thuẫn với nhau vào trong một mệnh đề. Nếu nghị quyết có diễn đạt như thế này thì tôi không đồng ý với cách diễn đạt đó. Chúng ta có thể diễn đạt như sau: Song song với việc tổ chức để phát triển kinh tế nhằm đạt được mức độ tăng trưởng nhanh thì buộc phải để ý đến sự phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng và sự bền vững của đời sống kinh tế luôn luôn là những yếu tố hợp thành một chính sách vĩ mô đúng đắn cho phát triển xã hội. Diễn đạt thành một mệnh đề thì tự nhiên nó không khách quan nữa. Đã có thời kỳ chúng ta có những khẩu hiệu ghép, chẳng hạn: "Nhanh, nhiều, tốt, rẻ". Và những khẩu hiệu ghép ấy là kết quả sự vụng dại về nhận thức, vì chúng ta ghép nhiều thứ không cùng thứ nguyên vào cùng một mệnh đề ngôn ngữ. Cho nên, đây là lỗi diễn đạt chứ không phải là lỗi quan điểm.

Câu hỏi mà bạn vừa đặt ra cho tôi là một vấn đề rất quan trọng. Báo chí có nghĩa vụ hướng dẫn xã hội, để đạt được sự cảm thông chính trị giữa xã hội và Đảng cầm quyền. Nếu chúng ta ghép những khẩu hiệu giống như chúng ta từng ghép một cách cơ học trước đây là "Nhanh, nhiều, tốt, rẻ" thì nhân dân sẽ áp dụng những kinh nghiệm để hiểu "Nhanh, nhiểu, tốt, rẻ" với việc hiểu "vừa nhanh, vừa bền vững". Phải diễn đạt như thế nào để cho mọi người hiểu rằng, nhanh là một đòi hỏi cần thiết của đời sống khách quan, bền vững là một đòi hỏi của đời sống khách quan, vậy thì hai đường thẳng ấy cắt nhau ở đâu thì đấy chính là điểm hợp lý. Hai cái graphic mô tả quá trình phát triển nhanh và mô tả quá trình phát triển bền vững nó giao nhau ở đâu, thì điểm giao nhau đấy chính là điểm đồng thuận giữa đòi hỏi bên A, đòi hỏi bên B của xã hội, xã hội đòi hỏi cả nhanh lẫn bền vững. Nếu diễn đạt như thế thì không ai thấy mâu thuẫn trong ý muốn của những người cầm quyền, của Đảng và của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng, vừa phát triển nhanh và vừa phát triển bền vững là những thành tố cấu tạo ra sự đúng đắn của chính sách vĩ mô. Đấy là quan điểm của tôi. Nếu tôi đưa ra sự bình luận về câu đấy thì kết quả của sự bình luận là phê phán, nhưng nếu tôi đưa sự phân tích tính không khách quan hay tính không khoa học của diễn đạt ấy thì tôi có thể nói với các nhà quản lý vĩ mô của Đảng và Nhà nước rằng, đấy là những yếu tố có thật, những đòi hỏi có thật của đời sống, và nhiệm vụ của họ là tìm ra giao điểm của khái niệm nhanh và khái niệm bền vững. Nếu bền vững thì ngủ là bền vững nhất, và nếu nhanh thì chạy thục mạng là nhanh nhất. Đảng ta vừa không có quyền ngủ, vừa không có quyền chạy thục mạng trong việc lập chính sách, vậy thì chạy đến mức nào để kết hợp được hai đòi hỏi này. Và hai đòi hỏi này cũng là hai đòi hỏi có thể điều chỉnh được, điều chỉnh ngay trong dư luận xã hội. Vậy báo chí phải điều chỉnh khát vọng xã hội như thế nào để tạo tiền đề xã hội cho sự thuận lợi của nhà cầm quyền trong việc xác định điểm đồng thuận, là kết quả của cả nhanh lẫn bền vững. Chúng ta phải thấy rằng, hiểu khái niệm một cách cứng nhắc là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất thể hiện tình trạng dân trí thấp. Không có khái niệm cứng nhắc, mọi khái niệm xã hội học là khái niệm động cả, cho nên mới sinh ra báo chí. Báo chí sinh ra để làm cho tất cả các khái niệm đều trở nên sống động. Vì thế, xây dựng một nội hàm cho các khái niệm, để đảm bảo cho các nội hàm ấy vẫn phản ánh đúng bản chất của cuộc sống, chính là công việc của báo chí. Xưa nay, chúng ta có những quan điểm sai, chẳng hạn: dân trí càng thấp thì càng dễ lãnh đạo, càng dễ bảo, sự hiểu biết càng đơn giản thì xã hội càng trật tự. Một số nhà lãnh đạo trước đây đã có những quan điểm như thế. Việc phổ biến các kiến thức sai đối với xã hội là cách tự sát chắc chắn nhất của các nhà chính trị, nếu các nhà chính trị được xem là lực lượng tạo ra tiến bộ xã hội.

Hỏi: Nhưng dân trí cao thì trình độ lãnh đạo phải cao hơn rất nhiều.

Trả lời: Đương nhiên. Bởi vì cuối cùng, các nhà lãnh đạo cũng được chọn theo nhân dân. Nay mai họ hết nhiệm kỳ, họ lại về với nhân dân. Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo như vậy, như Thủ tướng Võ Văn Kiệt chẳng hạn. Khi ông quay về với nhân dân, tôi cảm thấy trí tuệ của ông, sự cảm thông của ông đối với đời sống con người trở nên sâu sắc hơn. Bác Trường Chinh cũng là một ví dụ. Không ai có thể nghi ngờ là bác Trường Chinh không trung thành với sự nghiệp của Đảng cả. Vậy thì khi gần với cuộc sống hơn, các nhà chính trị sẽ có sự hiểu biết sống động hơn về các khái niệm mà trước đây chúng ta vẫn xem là bất động. Cho nên, tôi nghĩ là cần phải xây dựng tư duy động trong ý nghĩ của các nhà chính trị, trong ý nghĩ của xã hội, của nhân dân, và cần phải xây dựng các chính sách vĩ mô như một quy hoạch động.

Hỏi: Quy hoạch động thì khó, bởi vì ngay cả quy hoạch cứng còn làm chưa xong.

Trả lời: Không. Quy hoạch cứng khó hơn quy hoạch động. Quy hoạch cứng bị cuộc sống phá vỡ thường xuyên, hàng ngày, nhưng quy hoạch động thì không. Quy hoạch động thể hiện sự tin cậy của các nhà chính trị đối với sự lương thiện tự nhiên của cuộc sống. Quy hoạch động dễ hơn quy hoạch tĩnh, nó chỉ khó ở chỗ anh thức tỉnh về cái sự khó và dễ của động và tĩnh thôi. Khi anh đã nhận ra vai trò của quy hoạch động rồi, thì anh sẽ thấy rằng, khối lượng cần phải quy hoạch sẽ rất thấp, công việc của nhà chính trị sẽ ít đi, những chuyện vặt sẽ ít đi, và do đó họ có thì giờ để xoáy vào, tập trung vào, đầu tư vào chiều sâu suy nghĩ, để làm nền tảng cho tất cả các đầu tư vào chiều sâu của đời sống kinh tế

Hỏi: Ông có thể lấy ví dụ về việc quy hoạch động?

Trả lời: Chúng ta đã quy hoạch động cho một dân tộc 50 - 60 triệu con người tiến hành hai cuộc chiến tranh khổng lồ. "Dĩ bất biến ứng vạn biến" là quy hoạch động. Dân tộc chúng ta là một dân tộc sống bằng tính năng động của quy hoạch, chỉ có điều là chúng ta chưa có kinh nghiệm để ứng dụng quy luật động của quy hoạch vào trong đời sống kinh tế. Còn đời sống thực tiễn chính trị, đời sống thực tiễn chiến tranh, đời sống dựng nước và bảo vệ đất nước của chúng ta là đời sống của quy hoạch động. Nếu bài này mà bạn đưa ra câu của tôi, tôi tin bác Đỗ Mười, bác Lê Đức Anh, bác Lê Khả Phiêu sẽ ủng hộ, bởi các bác ấy là tổ sư của quy hoạch động của đời sống. Mà ông tổ đầu tiên của đảng cộng sản là Hồ Chí Minh. Dĩ bất biến ứng vạn biến là nguyên lý số một của quy hoạch động.

Hỏi: Theo ông, cơ chế tuyển chọn lãnh đạo hiện nay có hợp lý để chọn được những nhà lãnh đạo thực sự là tinh hoa của dân tộc không?

Trả lời: Tôi là một nhà kinh doanh, tôi là một người cung cấp dịch vụ cho đời sống kinh doanh trên tất cả các khía cạnh của nó, tôi hiểu rất rõ tính năng động của các nhà chính trị của chúng ta. Các nhà chính trị của chúng ta chưa huy động tính năng động ấy vào nhiệm vụ chính trị chủ yếu, nhưng đối với các khía cạnh khác ngoài chính trị thì họ mềm dẻo và năng động vô cùng.

Hỏi: Trong một cuốn sách, ông có nói đến vấn đề căn bản nhất của nền kinh tế Việt Nam là sự vênh nhau giữa định hướng xã hội chủ nghĩa và cơ chế kinh tế thị trường. Vấn đề này cũng đã đến điểm giới hạn không thể chung sống giữa ổn định và khủng hoảng. Nhưng trong Dự thảo văn kiện đại hội sắp tới cũng vẫn tiếp tục nhấn mạnh mệnh đề là Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo ông, Việt Nam có được sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như ổn định chính trị xã hội trong 5 năm tới không?

Trả lời: Có một nhận thức khá phổ biến trong các nhà lãnh đạo của chúng ta là quan niệm nhầm lẫn giữa ổn định về phát triển với ổn định chính trị xã hội. Chính trị là một yếu tố không bao giờ được phép ổn định. Trong việc huy động tính năng động của các nhà chính trị có hai yếu tố đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra sự năng động. Một là cạnh tranh, tức là đa dạng về chính trị. Hai là phải thừa nhận tính không ổn định của cuộc sống, và anh phải đối phó với sự không ổn định của cuộc sống. Chúng ta muốn có một cuộc sống ổn định, mà lại muốn không cạnh tranh với ai cả thì chúng ta không tồn tại được. Cho nên nếu chúng ta chưa có đa dạng chính trị thì chúng ta phải thừa nhận tính không ổn định của cuộc sống và phải đối phó với tính không ổn định của cuộc sống. Khi tập trung chú ý vào đo đạc và tạo ra các chính sách phù hợp với đòi hỏi rất không ổn định của cuộc sống thì anh sẽ khắc phục được phần nào sự trì trệ chính trị. Các nhà lý luận phải nghiên cứu những yếu tố như vậy, phải chữa căn bệnh xơ cứng, giáo điều, căn bệnh bảo thủ bằng chính tính không bảo thủ của cuộc sống. Còn chúng ta huấn luyện cho cuộc sống cũng bảo thủ và ổn định giống chúng ta muốn tức là chúng ta tự sát.

Còn nói về chuyện định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải nói như thế này. Bản thân từ đấy nó không có tội. Dân tộc nào chẳng có định hướng, nhưng các dân tộc không sống bằng định hướng. Các dân tộc sống bằng tính năng động để ứng phó với các đòi hỏi tự nhiên mà cuộc sống xuất hiện. Chúng ta đang sống ở một thời đại mà không một dân tộc nào nằm ngoài được vòng xoáy, nằm ngoài sự lôi cuốn, sự quyến rũ, hoặc sự lừa đảo của đời sống quốc tế. Vì thế, trên thực tế không thể có đời sống ổn định và đời sống biệt lập của bất kỳ quốc gia nào đối với tiến trình phát triển của thế giới. Dân tộc chúng ta dù muốn hay không cũng bị nhân loại lôi kéo vào vòng xoáy của nó. Các dân tộc chỉ không trở thành con tin, không trở thành nạn nhân của quá trình lôi kéo bằng tính tự giác về sự tất yếu của hiện tượng lôi kéo ấy. Nâng cao năng lực lãnh đạo chính trị của những nhà chính trị, nâng cao năng lực điều hành vĩ mô của các nhà hành pháp, nâng cao năng lực thiết kế bộ khung pháp luật của đất nước của các nhà lập pháp chính là nâng cao năng lực ứng phó với sự lôi cuốn của quá trình hội nhập. Tất cả các nhà chính trị lười biếng đều không đáng hoan nghênh, tất cả các nhà quản trị của nhà nước, của chính phủ lười biếng đều không đáng hoan nghênh. Tôi thích những người năng động, dù sự năng động của người ấy có thể dẫn đến một vài cái sai. Tôi từng bảo với nhân viên của mình rằng, tôi chỉ mong cậu có một cái sai nào đó có kích thước. Ở tuổi 30 mà không có cái sai nào đáng kể thì coi như vứt. Ở tuổi 40 mà không có cái sai nào gây cho thiên hạ sự chú ý cũng vứt. Sai lầm là quyền của con người trong suốt quá trình nhận thức và tác động vào cuộc sống. Cái quan trọng là thái độ đối với sai lầm của mình, mà thái độ đối với sai lầm của mình chính là lương tri. Con người có một thứ duy nhất không thể thiếu được đó là lương tri. Khi có lương tri trong sạch thì sai lầm hay thành công chỉ là những bài học.

Hỏi:Như chúng ta đều biết, thời gian vừa rồi chúng ta có sự co giật về lạm phát, đầu tư không hiệu quả, thâm hụt thương mại cao, thâm hụt nợ công tăng cao, đấy là những yếu tố rất không ổn định về kinh tế vĩ mô. Nếu chúng ta còn tiếp tục giữ phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì chúng ta có giải quyết được những bài toán đấy không?

Trả lời: Nó chẳng liên quan gì đến nhau. Chúng ta ở trên cao chúng ta nói rằng chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng ở tầng cơ sở, tầng kín hơn thì đảng ta cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân không có giới hạn về quy mô. Cho nên nháy đèn tay phải nhưng rẽ trái, đấy là cái võ của những nhà điều hành đời sống chính trị trong một tình thế chính trị cực kỳ phức tạp mà Việt Nam chúng ta phải chịu đựng. Nếu chúng ta không hiểu được điều ấy, mà ngay cả hiểu điều ấy mà nói ra to như tôi trả lời bạn cũng không phải là thông minh lắm, nhưng vì bạn hỏi thì tôi phải nói. Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một câu nói, là một mệnh đề, mệnh đề ấy nó có một số giá trị làm yên một lực lượng đã kiến tạo ra nền chính trị của chúng ta. Biết bao nhiêu cán bộ, biết bao nhiêu đảng viên đã hy sinh để tạo ra nền chính trị này, họ không đủ năng lực để được hưởng thụ sự tích cực của chính sách đổi mới và mở cửa. Nếu không xét đến thực tế ấy thì các nhà chính trị của chúng ta còn thất bại lớn hơn. Cho nên xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một cách để xây dựng nền kinh tế thị trường trong điều kiện chính trị của chúng ta. Giới trí thức của chúng ta để ý đến khẩu hiệu ấy để chỉ trích mà quên mất rằng họ còn cho các đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân không giới hạn, tức là giương cơ ngọn cờ bên trên và tháo quyền tự do kinh tế ở bên dưới. Nhưng bởi vì có một loạt người già rồi, được giáo dục quá lâu để tạo ra thành công của hai cuộc kháng chiến, không đủ năng lực để làm kinh tế tư bản tư nhân vì thế họ không được hưởng cái hiệu quả tổng hợp của việc phất ngọn cờ bên trên và tháo quyền tự do ở bên dưới. Đấy chính là tính không biện chứng của việc hình thành các tiêu chuẩn vĩ mô như vậy.

Hỏi:Nhưng với định hướng xã hội chủ nghĩa tức là khẳng định khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và là nền tảng của nền kinh tế, cũng như là duy trì đến mười mấy tập đoàn với rất nhiều ưu đãi thì liệu có giải quyết được câu chuyện?

Trả lời: Đấy là một cái sai, đấy là tính không chừng mực, đấy chính là chính sách vĩ mô không được xây dựng trên cơ sở tìm các điểm giao nhau giữa chính trị và kinh tế.

Hỏi:Ông có cho rằng việc xây dựng 19 tập đoàn là hoàn toàn thuần chính trị không?

Trả lời: Ý của bạn muốn nói đến những hiện tượng tiêu cực có bên trong và có đằng sau khẩu hiệu như vậy. Tôi nghĩ rằng bên trong và đằng sau mọi khẩu hiệu đều có mặt tiêu cực, bởi vì mọi chính sách đều bị lợi dụng, đều bị tận dụng, đều bị sử dụng, và được sử dụng, tận dụng, lợi dụng bởi những lực lượng xã hội cực kỳ khác nhau. Cho nên, nếu chúng ta chỉ nhìn vào bọn tham nhũng thì chúng ta không hiểu cuộc sống. Cuộc sống có những kẻ tham nhũng và cả những kẻ không tham nhũng, cuộc sống có những kẻ tham nhũng có năng lực và cả những kẻ tham nhũng không có năng lực. Cái nguy hiểm nhất là những kẻ tham nhũng không có năng lực, nó kiếm được một đồng thì phá mười đồng. Còn có những kẻ tham nhũng kiếm được mười đồng thì nó lấy năm đồng. Ngay cả việc phân tích lực lượng tham nhũng của xã hội chúng ta cũng không thỏa đáng. Trong khi có những kẻ tham nhũng phá mười đồng mới lấy được một đồng, thì những kẻ làm ra mười đồng và lấy năm đồng sẽ bảo rằng tôi chân chính. Sự chân chính của từng đối tượng được xác nhận bởi tính hữu ích của đối tượng ấy, hành vi hữu ích của đối tượng ấy, và đấy là một khái niệm hoàn toàn tương đối. Cho nên đấu tranh chống tham nhũng như chúng ta đang làm là sai, bởi vì chúng ta không phân tích hiện tượng tham nhũng như một đối tượng xã hội học, mà chỉ lên án tham nhũng về mặt đạo đức và ghép tội tham nhũng về mặt hình sự. Ghép tội tham nhũng về mặt hình sự thì chỉ ghép cho viên chức cấp dưới. Không có nhà chính trị cầm quyền nào mà tự ghép mình vào tội tham nhũng, đấy là một quy luật, một hiện tượng khách quan. Vì vậy chúng ta chỉ có thể chống tham nhũng thành công trên cơ sở xét tham nhũng là một đối tượng của xã hội học, và phải phân tích nó rất cặn kẽ, rất khoa học chứ không thể nói như hiện nay được. Không thể khẳng định các tập đoàn kinh tế là sai được, bởi với năng lực cầm quyền của đảng ta hiện nay nếu không có các công cụ ấy thì họ trở thành kẻ lãnh đạo vất vưởng trong đời sống chính trị. Do đó buộc phải có các công cụ, các công cụ ấy có thể làm lợi và gây hại. Nếu chúng ta phân tích sự làm lợi và gây hại của chính lực lượng cầm quyền thì hiểu đấy là chống nhà nước là phải rồi. Nhưng chúng ta phải đặt hiện tượng ấy như là một đối tượng của xã hội học thì tự nhiên phát ngôn của chúng ta phải chăng hơn và nó tạo cơ hội cho những người cầm quyền rút kinh nghiệm. Toàn bộ tiến trình phát triển xã hội một cách bền vững là công nghệ rút kinh nghiệm.

Hỏi: Có cả công nghệ rút kinh nghiệm?

Trả lời: Có chứ. Đảng ta là một đảng rất thần tình về toàn bộ quá trình rút kinh nghiệm, rút kinh nghiệm từ năm 30, thậm chí từ trước năm 30 cho đến bây giờ. Sai là không nhận lỗi công khai, nhưng hàng đêm họ nhận lỗi, họ rút kinh nghiệm.

Rút kinh nghiệm là một quá trình nhận lỗi âm thầm của một đảng chính trị một mình chịu trách nhiệm toàn bộ đối với sự thành công và thất bại của đời sống xã hội. Cho nên khi phê phán tính quan liêu, phê phán tính độc quyền thì anh phải phân tích quá trình rút kinh nghiệm của họ chứ không phải là quá trình giương cao ngọn cờ này ngọn cờ kia. Chúng ta đang sống trong một xã hội như thế, chúng ta phải xem Việt Nam là một quốc gia có một nền chính trị một đảng như là một thực tế chính trị.

Phải phân tích nó, góp ý, gợi ý, đôi lúc có thể tạo áp lực nhưng không thể tạo áp lực thường xuyên được, bởi nó làm mất cảm hứng. Nguy cơ lớn nhất của đời sống chính trị Việt Nam không phải là tham quyền cố vị mà nguy cơ lớn nhất là họ không tham quyền nữa, họ không cố vị nữa, và họ bỏ chạy. Bây giờ bố bạn bảo bạn bảo thủ, bướng, mày dứt khoát thế này, mày dứt khoát thế kia, bạn có thể khó chịu hơn nhưng bạn còn yên tâm, bạn vẫn xem bố bạn là chỗ dựa, nhưng bố bạn bảo kệ mày, mày muốn làm gì thì làm, thì thôi còn gì nữa. Tôi sợ rằng sẽ đến thời điểm như thế nếu giới trí thức cũng như xã hội không khéo ứng xử trong chuyện này.

Hỏi: Ông từng nói rằng, con người là nhân tố quan trọng nhất trong sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam và giáo dục là yếu tố quyết định sự phát triển con người. Vậy xin ông cho biết nếu có một sự đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam, điều mà Dự thảo văn kiện đại hội đảng đã đề cập đến, thì sự đổi mới đấy nên theo định hướng như thế nào?

Trả lời: Đặt ra những đòi hỏi chính trị hợp lý đối với đời sống giáo dục, không nên có những mục tiêu quá nặng nề về mặt chính trị đối với đời sống giáo dục. Làm cho giáo dục tự do hơn đối với chính trị thì chúng ta sẽ có những con người cởi mở hơn để đáp ứng với sự đòi hỏi cởi mở của nhân loại đặt ra đối với dân tộc chúng ta. Chương trình giáo dục bây giờ phải là tạo ra một xã hội giáo dục, tạo ra một hệ thống các trường đào tạo nhằm tạo cho con người năng lực ứng phó với mọi biến đổi của đời sống quốc tế, đấy chính là cải cách giáo dục.

Hỏi: Nếu có một chính sách như vậy thì sau bao lâu chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng sau một năm các bạn sẽ thấy không khí nó khác hẳn. Bây giờ bạn tưởng tượng xem giáo dục vẫn còn là bé, nhưng năm 1986 khi chúng ta tuyên bố đổi mới trong chính sách nông nghiệp, một năm sau Việt Nam ra khỏi đói, hai năm đã bắt đầu xuất khẩu gạo. Sự đúng đắn của chính sách vĩ mô nó thần tình lắm, nhưng nó cũng chứa đầy rủi ro ở bên trong. Vì thế chúng ta phải nghiên cứu kỹ. Cải cách giáo dục là phải nghiêm túc nhất. Trong rất nhiều bài viết của tôi, tôi cho rằng tổng tư lệnh của cải cách giáo dục phải là Tổng bí thư hoặc thủ tướng chính phủ, không phải là bộ trưởng giáo dục. Bộ trưởng giáo dục không đủ quyền lực. Cải cách giáo dục là một việc khổng lồ. Nhưng nó khổng lồ kém so với toàn bộ cải cách chính trị mà chúng ta đã thực hiện ở đại hội VI vào năm 1986.

Hỏi: Có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể làm được?

Trả lời: Chúng ta làm chứ. Tôi không nhìn thấy rủi ro nào khi chúng ta đưa ra những đòi hỏi chính trị phải chăng đối với cải cách giáo dục, kể cả rủi ro của đảng cầm quyền là đảng cộng sản Việt Nam.

Hỏi: Ông có thể phân tích rõ hơn việc đưa ra những đòi hỏi chính trị phải chăng đối với cải cách giáo dục có nghĩa là chúng ta làm những việc như thế nào?

Trả lời: Có nghĩa là chúng ta không muốn, không đặt ra yêu cầu phải có một con người theo ý muốn của ta.

Hỏi: Thế chúng ta dạy bọn trẻ con cái gì?

Trả lời: Chúng ta dạy bọn trẻ con giống như nhân loại dạy. Có hơn 200 quốc gia trên thế giới này thì có khoảng 150 nền giáo dục không có những đòi hỏi chính trị nặng nề.

Hỏi: Ví dụ những môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa hoàn toàn không có chút chính trị nào, nhưng ví dụ như văn học thì chúng ta sẽ dạy chúng nó như thế nào?

Trả lời: Chúng ta dạy như thiên hạ dạy, cái gì đẹp thì dạy, cái gì hay thì dạy, cái gì làm cho con người thích thì dạy.

Hỏi: Nhưng ngay cả nhận thức cái gì là đẹp, cái gì là hay, cái gì là thích cũng có yếu tố chính trị trong đấy?

Trả lời: Nhưng nó được cân bằng bởi những yếu tố chính trị ngược với nó. Cái thần tình của tự do chính là làm cho các yếu tố nếu chỉ có một mình nó thì tiêu cực, nhưng được cân bằng bởi yếu tố khác thì nó trở lên tích cực. Tất cả các thang thuốc Đông y là kết quả của lý thuyết tự cân bằng của các vị thuốc. Tài ba của tự do là tạo ra sự cân bằng. Chỉ người không hiểu tự do và dát thì mới sắp đặt, còn thiên nhiên là cân bằng, tự nhiên là cân bằng. Và tự cân bằng là công cụ chủ yếu để giúp con người tồn tại từ khi nó xuất hiện trên trái đất cho đến bây giờ. Tại sao chúng ta lại chống lại một phương thức đã tạo ra lịch sử nhân loại?

Hỏi: Trong các nút thắt về cơ sở hạ tầng hiện nay, theo ông nút thắt nào là quan trọng nhất và cần được tháo gỡ ngay?

Trả lời: Người ta thấy một quốc gia hấp dẫn hay không trước hết là cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển đô thị. Đây là một quá trình nhân tạo hoàn toàn. Vì là quá trình nhân tạo cho nên nó rất dễ chủ quan, muốn nó cân bằng thì phải tìm ra được sự đồng thuận có tính chất xã hội rộng lớn đối với hệ thống cơ sở hạ tầng là giao thông và đô thị. Không nên cưỡng bức các đô thị và không nên cưỡng bức giao thông. Giao thông và đô thị là hai yếu tố chủ quan tác động mạnh mẽ nhất trên quy mô lớn nhất vào sự ổn định của môi trường tự nhiên. Thứ hai là chúng ta phải xây dựng một nền công nghiệp Việt Nam, nền công nghiệp hoàn toàn Việt Nam chứ không nên tự biến mình thành công xưởng của thế giới. Đấy là việc vô cùng khó, nó là đối tượng của triết học chứ không phải chỉ là đối tượng của kinh tế học vĩ mô.

Nếu ở cương vị thủ tướng chính phủ mà không có phẩm chất của một nhà hiền triết thì rất khó xây dựng được một chính sách vĩ mô liên quan đến cơ sở hạ tầng. Bởi cơ sở hạ tầng có giá trị kinh tế, cơ sở hạ tầng có giá trị xã hội, cơ sở hạ tầng có giá trị triết học là ba loại cơ sở hạ tầng khác nhau. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến cơ sở hạ tầng là một yếu tố kinh tế thuần túy thì thủ tướng nào cũng thất bại. Nói với Thời báo kinh tế là tôi buộc phải nói chuyện đấy, vì đấy chính là cái chìa khóa quan trọng nhất để làm chính sách vĩ mô trong thời đại hiện nay. Chúng ta có thể lóa mắt trước sự sang trọng của một số quốc gia hay trước sự hoàn chỉnh đến mức đẹp đẽ của một quốc gia. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng mọi yếu tố cơ sở hạ tầng không chỉ xuất hiện do đòi hỏi của sự phát triển kinh tế, mà còn do đòi hỏi của nguyện vọng sống của con người. Cơ sở hạ tầng tốt nhất là cơ sở hạ tầng phù hợp với khát vọng sống của cư dân. Phải đưa yếu tố xã hội học, phải đưa yếu tố triết học vào trong quá trình tạo ra chính sách vĩ mô liên quan đến việc tạo ra cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng là cái rất khó thay đổi, khi đã làm rồi thì nó trở thành cái chuồng để nhốt con người. Cơ sở hạ tầng sẽ trở thành cái chuồng để nhốt các hành vi con người, nó tạo ra thói quen văn hóa mới của con người, và nó làm hỏng nền văn hóa của chúng ta, nếu yếu tố văn hóa, yếu tố xã hội học, yếu tố triết học không được xem xét đến trong quá trình xây dựng các quy hoạch.

Hỏi: Xin ông phân tích rõ hơn về việc phải có một nền công nghiệp hoàn toàn Việt Nam?

Trả lời: Tức là nó phải phù hợp với đòi hỏi và khả năng của mình, đó là nền công nghiệp tối thiểu để làm cho con người Việt Nam có thể sống trong điều kiện bên ngoài có đảo lộn, có mưa bão. Chiến tranh khu vực là một ví dụ. Sự bao vây cấm vận trong suốt quá trình vận hành nền chính trị này hoàn toàn có thể có, đôi lúc chúng ta mấp mé những sự kiện như vậy. Cho nên chúng ta không xây dựng được một nền công nghiệp tối thiểu để làm nền tảng cho người Việt Nam sống với nhau thì chúng ta sẽ không ổn định được.

Hỏi: Nhưng có vẻ như điều đó khá mâu thuẫn với các chủ thuyết hiện nay, đặc biệt trong môi trường toàn cầu hóa.

Trả lời: Toàn cầu hóa là sự hội nhập của các nền kinh tế chứ không phải là sự biến mất của các nền kinh tế. Cho nên nền kinh tế có những đặc trưng của mình, có những yếu tố của mình, có những yếu tố tối thiểu của mình là tiền đề để hội nhập.

Hỏi: Nghĩa là trước tiên là chúng ta tồn tại, còn để phát triển mạnh thì chúng ta sẽ hội nhập?

Trả lời: Đúng thế. Tôi đã có bài viết gọi là Lý thuyết về hai nền kinh tế, nhiều người không đồng ý với tôi thuật ngữ này, nhưng tôi không có thuật ngữ, tôi buộc phải dùng đó là nền kinh bản thể, tức là nền kinh tế của mình. Chúng ta phải có nền kinh tế của mình để trong điều kiện không ổn định của toàn bộ hệ thống thế giới thì chúng ta vẫn sống được ở mức tối thiểu, đó là điều cực kỳ quan trọng. Trong sự tiến công không thương tiếc vào nền kinh tế nông nghiệp, nền kinh tế lúa, canh tác bằng việc lấy đất để công nghiệp hóa, làm cho chúng ta mất đi tính bản thể. Một chiếc cần cẩu muốn quay được trên cao và cẩu vật nặng lên thì nó phải có một đối trọng ở đâu đó. Chúng ta không dỡ đối trọng của nền kinh tế của mình để hội nhập. Nhưng chúng ta thiếu, chúng ta ít, chúng ta nghèo cho nên toàn bộ nghệ thuật của hoạt động quản lý vĩ mô chính là nhấc các đối trọng từ khu vực này sang khu vực kia như thế nào để tạo ra sự cân bằng tại chỗ của các trạng thái của nền kinh tế. Ví dụ Trung Quốc, Trung Quốc dỡ cái bên trong để làm nặng cái bên ngoài, và do đó nó phải có một cái trụ đỡ, và cái trụ đỡ ấy bị cả thế giới lên án, đó chính là trụ đỡ nhà nước. Khu vực kinh tế nhà nước là chủ đạo ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam chính là cái trụ đỡ ấy, trụ đỡ để mình dỡ cái đối trọng ở đằng sau và chất tải lên đằng trước để nó oai với thiên hạ. Cái đấy là lỗi nhận thức có chất lượng triết học của những người điều hành vĩ mô.

Hỏi: Có một vấn đề về cơ sở hạ tầng mà rất nhiều người phân vân là vấn đề chúng ta thiếu điện. Theo ông, vấn đề thiếu điện nên được giải quyết như thế nào?

Trả lời: Đối với vấn đề thiếu điện, khi chúng ta trở thành nô lệ của việc thiếu điện chính là chúng ta mất cân đối vĩ mô. Chúng ta thiếu điện là vì nhiều người dùng điện, nhiều đối tượng dùng điện, đòi hỏi phải nhiều điện. Nhưng nhiều điện mà không thu lợi thì để làm gì? Cho nên thiếu điện là một biểu hiện cụ thể của hiện tượng dỡ đối trọng ra để chất tải ra bên ngoài. Tôi là một nhà cơ học, vì thế tôi có thể giải thích mọi hiện tượng mất cân đối vĩ mô theo cách thức của những nhà cơ học.

Xin chân thành cảm ơn ông!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những thực tế phổ biến

    16/11/2019Nguyễn Trần BạtCó một thực tế rất phổ biến trên thế giới hiện nay, đó là trạng thái thiếu tự do ở một bộ phận lớn của thế giới - các nước chậm phát triển. Đại bộ phận của thế giới đang ở trong trạng thái các năng lực của con người không đáp ứng được các đòi hỏi của thời đại mà nó tồn tại, tức là con người ở trạng thái thiếu tự do. Con người ở trạng thái thiếu tự do bởi vì nó không có tự do hoặc là nó bị kìm hãm không được quyền tiếp cận với tự do, cũng như nó được giáo dục để không hiểu hết các giới hạn mới của tự do...
  • Công việc của chính trị

    23/10/2017Hoàng Hồng MinhĐi một vòng thế giới, bạn sẽ thấy ra rằng người nước Pháp là những nhà vô địch về sử dụng thẻ trả tiền. Vào siêu thị, qua cửa trả vé đường cao tốc, thanh toán tiền đỗ xe… việc trả tiền tự động bằng thẻ trở thành đại trà. Có khi chỉ để trả mấy chục xu.
  • Căn nguyên của phát triển

    28/08/2016Trần Hữu DũngKhoảng 10-15 năm trở lại đây, một cuộc tranh luận đã diễn ra trong giới kinh tế về thành tố sâu xa nhất của phát triển, cụ thể là: có yếu tố nào căn bản hơn, đàng sau những yếu tố nói trên?
  • Nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn?

    14/08/2016Nguyễn Tất ThịnhGần đây một số chuyên gia và tổ chức nước ngoài có đưa ra vài nhận xét so sánh về mức độ, trình độ phát triển của Việt Nam với các quốc gia có tăng trưởng nhưng có nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn...
  • Xã hội khôn ngoan biết khai thác tốt tài nguyên tinh thần

    06/07/2016Hoàng Hường thực hiệnXã hội khôn ngoan, sáng suốt, nhân văn thì biết bảo tồn, nâng niu, khai thác triệt để nguồn tài nguyên vô giá của dân tộc mình và của cả nhân loại để làm giàu cho tâm hồn và cuộc sống của mình. Nếu không, thì mỗi con người, thậm chí là cả dân tộc chỉ tồn tại vơ váo đứt đoạn trên thế gian này.
  • “Chỉ hội nhập kinh tế thuần túy là không đủ”

    13/03/2014Kim Thái“Rất mong Đại hội kỳ này tìm ra được điểm hợp lý để cân đối giữa cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam”, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Invest Consult Group, bày tỏ nhân cuộc trò chuyện với VnEconomy, trong dịp Đại hội Đảng XI diễn ra tại Hà Nội...
  • Doanh nghiệp nhà nước không đủ năng lực đóng vai trò chủ đạo

    03/03/2014Vũ Thành Tự AnhDự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TƯ Đảng khẳng định mọi thành phần kinh tế đều được coi trọng, đồng thời thừa nhận rằng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực nhà nước thấp hơn so với khu vực tư nhân, nhưng vẫn tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Câu hỏi đặt ra là liệu kinh tế nhà nước có đủ năng lực để đóng vài trò chủ đạo này hay không?
  • Đôi điều quanh chuyện phá sản và tái cơ cấu Vinashin

    14/10/2011Lê Văn TứVấn đề quy trách nhiệm liên quan đến vụ tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) phá sản lại làm nóng các buổi thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp Quốc hội lần này. Đến bây giờ mới có người gọi sự kiện này là phá sản, mặc dù đã ngầm hiểu như thế. Tuy nhiên chữ “phá sản” dường như vẫn chưa được hiểu thống nhất. Nhiều người vẫn ngại nói Vinashin phá sản...
  • Việc cần làm và không nên làm

    07/01/2011Huỳnh Thế DuBất kỳ quốc gia nào muốn trở thành một nước phát triển cần phải đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước thường mắc sai lầm là tập trung quá nhiều vào mục tiêu tăng trưởng bằng cách tham gia trực tiếp và tích cực vào hầu hết các hoạt động kinh doanh...
  • Muốn vươn lên, chúng ta phải vượt qua đại dương trí tuệ

    29/12/2010Lê HùngĐã từng cố vấn kinh tế cho nhiều lãnh đạo cao cấp (như cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) nên không ngoa khi ví ông như “cuốn từ điển sống” về kinh tế Việt Nam trong 20 năm đổi mới...
  • Vinashin là vấn đề thế kỷ

    23/12/2010Nguyễn Trần BạtHai vấn đề nhân dân cả nước đang rất quan tâm và cũng vừa được phản ánh nóng bỏng ở Quốc hội là Vinashin và Bauxite Tây Nguyên, với tư cách là một nhà kinh tế, ông Nguyễn Trần Bạt đã có những nhận xét đáng quan tâm xung quanh vụ đổ vỡ Vinashin...
  • Không thể ngủ quên trên kho báu

    15/12/2010Trần Bạch ĐằngDân Việt Nam nói chung chưa giàu, còn những tiêu chuẩn công bằng, dân chủ, văn minh, hạnh phúc thì đang trong quá trình xác lập có khi còn rất dài lâu. Với thể chế của Việt Nam, khả năng giữa nước mạnh với dân giàu không đối chọi. Không đối chọi với điều kiện đất nước đang được quản lý đúng theo những gì mà tổ chức lãnh đạo kỳ vọng...
  • Tầm quan trọng của các thuật ngữ kinh tế

    10/12/2010Phạm Hải VũTôi muốn được đi sâu hơn nữa vào khái niệm “governance”, một khái niệm hiện chưa được tiếng Việt biết đến vì… quá mới. Việc dịch lại nó theo nghĩa “quản trị” hay “quản lý” đều không diễn tả được nội hàm của thuật ngữ.
  • Ðổi mới, một quá trình cách mạng

    02/12/2010Mở đầu cho chuyên mục “Nhìn lại 20 năm đổi mới”, khởi đăng trên báo Nhân Dân từ ngày hôm nay, 30-9, bài viết của ông Hà Đăng tập trung vào trả lời các câu hỏi Ðổi mới là gì, nhằm mục tiêu gì, do ai làm, và bao giờ thì xong...
  • Từ sai lầm chữ nghĩa dẫn đến sai lầm thực hiện

    25/11/2010Nguyễn Ngọc BíchTrước sự đổ vỡ của Vinashin, nhiều biện pháp cứu chữa đã được thực hiện; nhiều ý kiến đã được các bậc thức giả đề nghị. Vâng, Vinashin cần phải được phục hồi và phải được điều khiển đúng cách như ở các nước khác người ta làm với một tổ chức như thế. Trong số những ý kiến trên, có ý kiến cho rằng đáng lẽ Vinashin đã phải được quản trị theo các nguyên tắc căn bản của "quản trị công ty" (corporate governance). Ở đây, tôi xin góp ý về biện pháp này.
  • Cần cơ chế điều hành hữu hiệu

    11/11/2010TS Lê Đăng DoanhGiá vàng thăng thiên, độn thổ, liên tục gây sốt, thậm chí dẫn tới tình trạng hỗn loạn giá trong nhiều ngày. Thiệt hại với doanh nghiệp và nền kinh tế không thể xem thường...
  • Làm lãnh đạo phải có năng lực lắng nghe

    08/11/2010GS. Tương LaiMuốn đối thoại, người lãnh đạo phải tinh thông công việc của mình, biết gần dân, hiểu dân và lắng nghe dân. Phải thật sự có dân chủ, mới có đối thoại. Muốn thường xuyên vận dụng phương thức đối thoại trong mối quan hệ giữa lãnh đạo và dân thì phải thật sự mở rộng dân chủ, tạo cơ chế cho dân thực hiện trách nhiệm công dân của mình. Văn hóa đối thoại là sản phẩm của một xã hội dân chủ, biết tôn trọng vai trò làm chủ của người dân...
  • Để chống lạm quyền và tham nhũng tài sản công

    06/11/2010Vũ Quang ViệtViệt Nam là một nước có nền kinh tế thị trường giống như các nước kinh tế thị trường khác trên thế giới, nhưng cơ chế quản lý tài sản công thì lại không giống tuyệt đại đa số các nước này...
  • Đất nước đang trông chờ những người cầm lái...

    03/11/2010Trường KiênĐiều gì là nguyên nhân chủ yếu làm cản trở sự phát triển của một quốc gia? Câu hỏi được đặt ra trong thời điểm mà mọi người dân Việt đang bức xúc với chuyện “tụt hậu” quá xa, quá lâu của đất nước mình. Đứng lại có nghĩa là thụt lùi - điều đó không chỉ đúng với từng cá nhân, mà còn là điều tất yếu đối với một tập thể, một cộng đồng, một đất nước...
  • Vẫn theo kiểu của nền kinh tế quản lý tập trung

    28/10/2010TS. Nguyễn Sỹ Phương, CHLB ĐứcNếu coi thực tiễn là thước đo của chân lý, thì vụ Vinashin chính là một căn cứ không thể bác bỏ, để không chỉ đoạn tuyệt với vai trò chủ đạo, chi phối của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bằng ý chí quyền lực nhà nước, mà quan trọng hơn, trả nó về đúng chức năng kinh doanh độc lập của nó...
  • Chính khách và lòng dân

    23/10/2010GS. Tương LaiQuý Khang Tử hỏi Khổng Tử về chính trị. Khổng Tử đáp: “ Chính dã, chính dã. Tử suất dĩ chính, thực cảm bất chính?”. Chính trị là chính đính. Ông lãnh đạo dân một cách chính đính thì ai dám không chính đính. Nhưng, thế nào là chính đính? Nói kỹ e dài dòng, xin lại dẫn Khổng Tử cho gọn và súc tích, lại khá cập nhật.
  • Cộng hòa và dân chủ

    20/10/2010Dr. Mortimer, J. AdlerMột nền cộng hòađơn giản là kiểu chính quyền hiến định trong đó những người nắm quyền là do các công dân chọn lựa. Một chính quyền hiến định là một chính quyền mà trong đó tổ chức căn bản và các bộ phận của nó được luật pháp xác lập. Đó là một chính quyền của luật pháp hơn là một chính quyền của những con người cụ thể nào đó...
  • xem toàn bộ