Nhà trường xưa và nay

12:09 CH @ Thứ Hai - 25 Tháng Ba, 2019

Xã hội mới đòi hỏi có một nhà trường mới, luận điểm dĩ nhiên ấy, nói lên thì dễ nhưng suy nghĩ cho ra và thực hiện được một nhà trường mới lại rất khó. Có thể nói những nhược điểm của nhà trường hiện nay là do tiếp tục thực hiện một kiểu mẫu nhà trường cũ trong một xã hội mới. Vì vậy, trước hết cần phân tích rõ, đúng về mặt nhà trường mà nói, xã hội đã biến đổi như thế nào; có gì thay đổi cơ bản giữa xã hội cổ truyền và xã hội ngày nay.

LÀM SAO ĐUỔI KỊP NHỮNG BƯỚC TIẾN CỦA THỜI ĐẠI

Xã hội ngày xưa ít biến động, cuộc sống đời này qua đời khác ít thay đổi. Từ đời Lý sang đời Lê, mấy thế kỷ trôi qua, triều đại nhiều lần thay đổi, nhưng cuộc sống xã hội, từ cách bày bừa dệt vải làm cho nhà đến các phong tục tập quán trong làng trong xóm cũng không khác bao nhiêu; trong một đời người, từ trẻ đến già, giữa hai thế hệ, từ đời ông đến cháu, cha đến con, không có gì mới trong cuộc sống.

Kinh nghiệm nghề nghiệp, nếp sống thói quen hàng ngày được ông bà bố mẹ đúc kết lại truyền thẳng cho con cháu; tri thức và đạo lý cũng được cô đúc lại trong những sách kinh điển. Nhà trường không có nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp, mà chủ yếu truyền lại cho thế hệ con em đang lớn lên những tri thức và đạo lý của cha ông. Vốn học ấy không thêm bớt gì đời này qua đời khác, nắm được vốn ấy là trở thành học giả, suốt đời sử dụng nó làm công cụ tiến thân trong xã hội và xây dựng sự nghiệp của mình. Truyền lại cho học sinh vốn văn hóa ấy là nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường được thực hiện với một phương thức học hành cổ điển: thầy giảng, trò ghi nhận, cộng với học thuộc sách kinh điển, thầy kiểm tra bằng cách ra bài, hay chất vấn. Học một nội dung chương trình được quy định rõ rằng, thầy đóng vai trò chủ động, học trò đóng vai thụ động ( thụ giáo), lấy trí nhớ làm gốc. Tạm gọi phương thức nhà trường ấy là “lên lớp”.

Ngày nay khoa học kĩ thuật và cả các môn văn hóa đều tiến rất nhanh, cứ năm, bảy năm thì vốn hiểu biết của loài người hầu như bị thay đổi khá cơ bản; một tiến sĩ ngày nay bỏ đi trong vài ba năm không học thêm trở lên lạc hậu. Bất kì ngành nghề nào, cũng thường xuyên phải tiếp nhận những hiểu biết mới. Vì vậy, thời gian học phổ thông hay đại học thường được kéo dài ra, nhưng dù kéo dài đến đâu cũng không xuể.

Khoa học văn hóa ngày càng chuyên môn hóa, mỗi ngày càng tích lũy thêm kiến thức; mỗi nhà chuyên môn ngày càng muốn đưa vào chương trình nhà trường nhiều kiến thức mới. Thành thử qua mỗi đợt thay đổi chương trình, lại thấy thêm vào nào là chương trình toán hiện đại, nào di truyền học, ngôn ngữ học, xã hội học v.v… làm cho chương trình ngày càng nặng thêm. Trường phổ thông nhằm tạo nên một “tú tài bách khoa”, nghĩa là môn gì, khoa gì cũng hiểu biết khá cao cả. Nhưng tiến sĩ còn dễ đâm lạc hậu, nói gì tú tài dù có bách khoa. Kéo dài năm học, thường xuyên bổ xung chương trình chỉ là chắp vá, không giải quyết một cách cơ bản. Chương trình phình lên, rồi học vội học vàng, dạy gấp dạy rút thầy chẳng có thì giờ chuẩn bị, giải thích, minh họa bài mình, trò chỉ có cách là nhắm mắt học vẹt. Kiến thức nhồi nhét vào thật nhiều, nhưng hiểu biết lơ mơ, như cơm không tiêu hóa hết, thi xong chữ nghĩa trả lại cho nhà trường, mà nếu còn nhớ lại cũng chỉ vài năm là lạc hậu.

Chỉ có một cách là quan niệm rằng đã đến lúc cần học suốt đời.

Nhà trường, phổ thông cũng như đại học, chỉ là một khâu, một giai đoạn trong cả cuộc đời học tập. Có học suốt đời mới đuổi theo kịp những tiến bộ của xã hội.

Học suốt đời đòi hỏi hai điều kiện:

Xã hội phải làm sao giúp cho mọi người có điều kiện học tập thường xuyên, kể từ sau khi rời bỏ nhà trường, đi làm nghề này nghề khác. Phải nghĩ đến phương tiện (sách báo, đài, truyền hình, triển lãm…), trường lớp, chính sách chế độ… Tổ chức học cho người lớn, sau khi ra trường là đòi hỏi thiết yếu của thời đại và trở thành một khâu hết sức quan trọng trong hệ thống giáo dục.

Nhà trường phải tạo ra những con người mãi mãi giữ được hứng thú học tập và nắm được phương pháp học tập. Vì tự học là phương pháp cơ bản của việc học suốt đời. Không có xã hội nào có đủ phương tiện để kèm cặp từng bước cho tất cả nhân dân học tập. Nhà trường phải tạo ra những con người biết tự học.

Trong xã hội xưa, nhà trường là nơi độc nhất cung cấp kiến thức. Ngày nay trong xã hội, có rất nhiều bộ phận khác ngày ngày phát ra một kho tàng hiểu biết phong phú và luôn luôn thay đổi: báo chí, sách vở, thư viện, đài phát thanh, truyền hình, phim ảnh, triển lãm, câu lạc bộ… Tóm lại là những phương tiện thông tin đại chúng, tiếng quốc tế gọi là các mê – di – a (nên đưa từ này vào tiếng Việt, vì nó gọn gàng và dễ phát âm). Theo danh từ quốc tế, đây thường gọi là “nhà trường song song” tức đi song song với nhà trường chính quy, có lẽ nên gọi là “nhà trường bên ngoài” (tức bên ngoài xã hội) thì rõ nghĩa hơn.

Các mê-di-a và nhà trường bên ngoài thường phổ biến hàng loạt tri thức, nhưng không có hệ thống trình tự nhất định, con người ngày nay sống trong một biển kiến thức ngày ngày bao quanh mình, có người tiếp nhận được nhiều, có người đượt ít, thậm chí có người còn tiếp nhận một cách sai lạc. Nhà trường cần đào tạo ra những con người có khả năng tiếp nhận được nhiều kiến thức trong lúc tắm mình trong cái biển ấy; muốn vậy không phải nhồi nhét rất nhiều kiến thức mà truyền đạt cho một hệ thống kiến thức cấu trúc mạch lạc rõ ràng để sau này những kiến thức mới dễ dàng được thu hoạch, như một món hàng mới được đưa vào nhà kho có xếp đặt thứ tự.

Với cơ sở trên, ta có thể đi đến kết luận: muốn tạo hứng thú học tập, rèn luyện phương pháp học tập, không thể chỉ đơn thuần lên lớp vội vội vàng vàng cho hết một chương trình nặng nề, học sinh chỉ cần thuộc những bài thầy giảng và ở trong sách giáo khoa. Học tập có phần là tiếp nhận những kiến thức đã được chế biến, đã hoàn chỉnh, nhưng mặt khác cũng phải mang tính chất quan sát, điều tra, nghiên cứu, tìm tòi, phần nào tự mình phát hiện ra vấn đề, rồi tìm tòi ra giải pháp, ra chân lý. Học tập không thể chỉ thuần túy thụ động, mà phải là một hoạt động. Không thể tự mình tìm tòi ra tất cả các kiến thức, nhưng nếu không được rèn luyện cách tìm tòi tra cứu thì cũng khó mà có hứng thú, và chắc chắn là không thể rèn luyện được phương pháp học tập nếu mục đích học chỉ là để trả bài cho thầy lúc kiểm tra hay thi cử.

Vấn đề không phải là thêm vào chương trình, mà phải giải quyết theo hai hướng:

Chương trình đại trà cơ bản cho tất cả học sinh, bắt buộc phải học cần giảm đi rất nhiều; bỏ mục tiêu đào tạo những vị tú tài bách khoa, văn, toán, hóa, địa, sử, thể dục, vẽ nhạc, ngoại ngữ đều khá cả. Chương trình chung chỉ ít, nhưng nhờ ít mà học được một cách vững chắc, làm cơ sở cho việc tiếp nhận kiến thức về sau.

Mở một con đường tự học tùy theo sở trường, sở thích cho mỗi học sinh bằng hình thức tự học, có thầy hướng dẫn, nhưng không lên lớp, không mớm cho từng bước một

Như vậy dần dần học sinh sẽ phân hóa, không theo kiểu ngày nay, là người thi đỗ, kẻ rơi rớt, mà theo năng khiếu, người tiến lên ngành này, người đi vào ngành khác, ai cũng giữ được hứng thú và nắm được phương pháp học tập.

CHUẨN BỊ ĐỂ THÀNH NHỮNG NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ VĂN HÓA

Trong xã hội cũ, các ngành nghề nông nghiệp hay thủ công không đòi hỏi phải học tập ở nhà trường; nhà trường chỉ cung cấp kiến thức văn hóa thuần túy và đạo lý. Ngày nay công nghiệp ngày càng phát triển, nông nghiệp và tất cả ngành nghề khác nhau, ngành nghề nào cũng đòi hỏi một vốn văn hóa cơ sở, trước lúc bước vào học nghề thực sự.

Nhà trường phổ thông phải như gốc cây tỏa ra nhiều cành, chứ không phải như một con đường độc đạo chỉ dẫn hết cấp này đến cấp khác để cuối cùng tiến lên đại học. Cho đến nay, trong tư tưởng của một số không ít bố mẹ, cũng như trong hệ thống nhà trường không mấy ai nghĩ đến việc chuẩn bị cho học sinh này dễ dàng tiến lên thành một nghề nhất định. Số học sinh lên cấp trung học quá nhiều quá nhiều so với số vào học ngành nghề. Trường học nghề rất ít. Hẳn rằng muốn có một trường học nghề, phải đầu tư cao hơn cho một trường văn hóa và số đông học sinh vẫn “mù kĩ thuật”, cái đinh vít không biết xoay bề nào, gặp dây điện không biết là nguy hiểm, đỗ bằng này bằng khác nhưng không hiểu gì về một động cơ đơn giản.

Biết kĩ thuật, ít nhất một cách sơ đẳng là một yếu tố văn hóa để hiểu cuộc sống ngày nay, đã từng có dịp sờ mó lắp tháo một động cơ mới hiểu được xã hội; một người có học vấn cao, nhưng không biết thưởng thức văn chương truyện Kiều. Trong chương trình phổ thông không những cần có những môn khoa học cơ bản, còn cần có những buổi cho học sinh tập hiểu cơ cấu một chiếc xe đạp, tháo lắp một chiếc quạt điện, chế biến rượu hay tương, trồng một đám ruộng, nuôi một tổ ong…

Học tập kỹ thuật có thể tiến hành ở nhà trường, ở các trung tâm kỹ thuật, có các cơ sỏ sản xuất; từ đó nảy sinh ra hứng thú, chí hướng và học sinh dần dần hướng về một nghề nhất định, nhất là nếu được hướng dẫn giúp đỡ của nhà trường. Ở nước ta hiện nay có thể tạm chia ra ba lĩnh vực nghề nghiệp:

Một lĩnh vực rất hiện đại cũng như ở các nước công nghiệp phát triển đòi hỏi một vốn văn hóa cơ bản cao.

Một lĩnh vực còn ở giai đoạn đầu của công nghiệp hóa.

Một lĩnh vực còn vận dụng kỹ thuật thô sơ, cần phải đào tạo nhanh chóng.

Bất kỳ ở lĩnh vực nào người lao động cũng phải có khả năng luôn luôn thích nghi với kỹ thuật mới, cách làm ăn mới, và hơn nữa tham gia vào việc cải tiến kỹ thuật và cách làm ăn của ngành mình.

Nhà trường phổ thông có chất lượng tốt là chuẩn bị cho học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ của mình lúc vào làm việc ở một lĩnh vực nào đó, chứ không phải có một hiểu biết có vẻ bách khoa, rút cục không thích nghi với một nghề nào cả. Nhất là trong một giai đoạn còn kéo dài, còn kéo dài, còn rất nhiều nghề vất vả, nếu suốt những năm ở nhà trường chỉ tiếp xúc với sách vở, đợi đến lúc rời nhà trường thi đại học hỏng mới bắt tay vào những công việc nặng nhọc, lúc ấy học sinh nhất định sẽ e ngại và tìm hết sức tránh việc lao động tay chân, tìm cách làm ăn nhiều khi không lương thiện. Vì vậy Nhà nước đã đưa ra chủ trương: nhà trường phổ thông nay có nhiệm vụ hướng nghiệp, và cả xã hội nhất là các đơn vị sản xuất, các cấp chính quyền phải thấy rõ nhiệm vụ giúp nhà trường trong vấn đề này.

TẠO RA NHỮNG CON NGƯỜI CÔNG DÂN MỚI

Xã hội cũ phân biệt rõ, có những người lao lực là chính, không cần có văn hóa, và có những người chỉ lao tâm, không cần dùng đến hai bàn tay của mình, vì thuộc tầng lớp giai cấp trên, chuyên làm quan, làm thầy. Trong xã hội cũ, người lao động chân tay không những cực nhọc, chân lấm tay bùn, nhưng còn khổ nhục nữa vì không có quyền hành gì, suốt đời phải câm miệng, vua quan có hà hiếp cũng đành cam phận.

Hẳn rằng trong xã hội ngày nay còn có sự phân công giữa những lao động mệt nhọc và những ngành nghề ít vất vả, khác biệt giữa lao động chân tay và trí óc chưa xóa bỏ. Nhưng quyền công dân thì ai cũng có. Có suy nghĩ, là có thể tham gia quản lý xí nghiệp, hợp tác xã, cơ quan nơi mình làm việc, địa phương nơi mình ở; ai chịu khó học tập suy nghĩ thì tiến bộ về nghề nghiệp cũng như về cương vị xã hội cũng mở rộng với điều kiện là biết cố gắng lâu dài. Những trường hợp người này người kia bị vùi dập không thể che lấp bản chất dân chủ của xã hội ngày nay.

Nhà trường phổ thông, không những có nhiệm vụ cung cấp một vốn học để chuẩn bị học nghề, còn phải trang bị cho học sinh một vốn văn hóa để có khả năng tham gia sinh hoạt dân chủ ở các đơn vị lao động, ở các đoàn thể, địa phương. Vì có văn hóa, biết phân tích sự việc, biết diễn đạt ý tứ của mình mới thực sự tham gia, tham gia có sức nặng, có hiệu lực. Hạnh phúc của con người trong một xã hội dân chủ là phát huy tài năng của mình phục vụ xã hội, và được xã hội công nhận để có một vị trí và một vai trò xứng đáng. Một xã viên nông nghiệp cầy bừa giỏi, đóng góp tốt vào việc xây dựng đội sản xuất hay hợp tác xã của mình, một người công nhân nắm vững kỹ thuật, tham gia đắc lực sinh hoạt công đoàn là những con người có hạnh phúc, sinh sống thoải mái, phát huy được năng lực của mình, và được xã hội chung quanh quý trọng. Trái lại một bác sỹ, một kỹ sư, một giám đốc kém năng lực, ngồi không đúng chỗ, ngày ngày lo âu không làm tròn nhiệm vụ, sợ mọi người phê bình là một người khổ. Một thiếu niên thanh niên thích máy móc nhưng bị bố mẹ nhất định ép vào đại học là bị đẩy đi nhầm đường.

Giáo dục chính trị tức là:

Tạo điều kiện cho học sinh tham gia quản lý lớp học, nhà trường, sinh hoạt với xã hội chung quanh qua nhiều hoạt động.

Hiểu biết cơ cấu, cơ chế của xã hội để lúc ra đời có khả năng đóng góp tích cực vào công cuộc cải tạo xã hội. Tuyệt đối tránh học vẹt những công thức khuôn sáo chỉ để thi, làm cho trẻ em suốt đời chán ngấy cái gọi là chính trị.

MỞ CỬA NHÀ TRƯỜNG, THÂM NHẬP XÃ HỘI

Trong xã hội cũ, nhà trường là một tu viện, kín cổng cao tường, thầy trò sống cách xa xã hội bên ngoài; vì văn hóa đạo lý đã được cô đúc trong kinh điển, cho nên “sôi kinh nấu sử” là chủ yếu, và nhà trường là trung tâm văn hóa, từ đó tỏa ra ánh sáng cho toàn xã hội.

Nhà trường ngày nay, nhất là trong hoàn cảnh xã hội đã tiến lên trình độ cao, không thể giữ vài trò trung tâm nữa và tất cả những biến động quan trọng về mọi mặt lại xảy ra trong xã hội bên ngoài, trong các xí nghiệp, trên đồng ruộng, trong các cơ quan nghiên cứu, trong quân đội. Có bám sát xã hội bên ngoài mới theo kịp để tiến hóa.

Nhà trường này xưa giữ học sinh xa cách cuộc sống bên ngoài, cho đến lúc trưởng thành mới ra đời, nếu là một xã hội ít thay đổi học sinh sẽ thích nghi dễ dàng, nhưng nếu xã hội thường xuyên biến động, thì học sinh rất bỡ ngỡ phải tập cho học sinh có nhiều quan hệ xã hội khác nhau ngay từ trong lúc còn đi học. Tham gia lao động sinh hoạt với một xí nghiệp, một công trường, một hợp tác xã, một bệnh viên… không những giúp cho học sinh hiểu thêm về khoa học kỹ thuật, còn tạo điều kiện để có những quan hệ xã hội đa dạng. Có nhiều quan hệ xã hội chừng nào, nhân cách sẽ phong phú chừng ấy. Và có đổ mồ hôi đắp một con đê, tham gia xây dựng một khu nhà, làm việc trong một xí nghiệp, mới xây dựng được tình cảm gắn bó với làng xóm, với khu phố của mình. Tình cảm yêu quê hương, yêu đồng bào không thể chỉ xây dựng bằng lời văn.

Đưa học sinh tham gia lao động ngoài nhà trường nhất thiết phải thực hiện cho được. Làm sao cho việc ấy mang tính chất giáo dục cao, có hiệu quả kinh tế, không những nhà trường có nhiệm vụ, mà các xí nghiệp, cơ quan, hợp tác xã phải phối hợp với nhà trường thực hiện chủ trương ấy. Chế độ xã hội chủ nghĩa tạo điều kiện thực hiện thuận lợi nhiều hơn là chế độ tư hữu. Một giám đốc xí nghiệp không muốn phiền hà, không chịu nhận học sinh vào tham gia lao động trong xưởng máy sẽ không có quyền trách móc nhà trường nếu con cái của mình hư hỏng.

Muốn cho các học sinh gắn bó với đất nước quê hương, chương trình phải địa phương hóa, lấy đặc điểm tự nhiên xã hội lịch sử của làng xóm, tỉnh nhà, khu phố, thành phố mình ở làm một trong những nội dung chủ yếu để học tập và trong thi cử.

TỪ THỦA CÒN THƠ

Một đặc điểm hết sức quan trọng của xã hội ngày nay là sản xuất đã đưa ra khỏi gia đình. Thành thử ngày ngày bố mẹ lại bỏ con đi làm không ai chăm sóc. Trước sáu tuổi, trẻ em không có khả năng sinh hoạt độc lập, tay chân chưa vững, ngôn ngữ chưa thành thạo, và tất cả những nề nếp qui tắc tối thiểu để sống trong xã hội chưa nắm được. Cả một thời gian dài từ lúc mới sinh cho đến sáu, bảy tuổi, trước lúc có thể hoặc đi nhà trường, hoặc theo bố mẹ ra ngoài gia đình tham gia một vài hoạt động (như ngày xưa theo mẹ đi chợ hay theo bố bắt đầu học nghề thủ công), trẻ em ngày xưa sống trong gia đình với những hoạt động sản xuất nông nghiệp, làm vườn, thủ công, cạnh bố mẹ. Trong nhiều năm được mẹ dìu dắt “học ăn, học nói, học gói, học mở” để nên người.

Trong cuộc sống ngày nay, nhất là ở thành phố, những điều kiện ấy không còn nữa. Nhiều khi bố mẹ nhốt trẻ em lại trong nhà hoặc thả rông đường phố để đi làm. Tác hại của việc làm như vậy đối với trẻ em về mặt sức khỏe cũng như nếp sống ai cũng thấy rõ. Thành phố ngày nay đòi hỏi có một mạng lưới nhà trẻ mẫu giáo đầy đủ. Ngày nào còn có một số trẻ em trong lứa tuổi mà chưa được đi nhà trẻ mẫu giáo, còn bị nhốt hay thả rông vỉa hè, ngày ấy xã hội chưa làm tròn trách nhiệm với con em.

Ngày xưa đã thấy rõ, dạy con phải từ tuổi thơ, lúc thần kinh đang phát triển mạnh, lúc những nếp sống, lối suy nghĩ, cách cư xử, tóm lại lúc những cơ cấu và cơ chế sinh lý và tâm lý cơ bản của con người được hình thành. Dấu vết của thời thơ ấu sẽ tác động sâu sắc đến cả cuộc sống về sau. Mà giáo dục tuổi thơ chủ yếu là thông qua những cô nuôi dạy trẻ và cô mẫu giáo (thực ra phải đưa cả đàn ông vào làm nghề này mới thật cân đối, cũng như trong gia đình, có mẹ có bố). Chúng ta thường xem trọng những thầy cô dạy chữ, còn tôn sư trọng đạo thì giảm dần từ đại học trở xuống; các cô nuôi trẻ và mẫu giáo trong dư luận cũng như trong quy chế Nhà nước chưa được xem như là những giáo viên. Tất cả các công trình nghiên cứu về tâm lý và giáo dục của nhiều nước đã chứng minh rõ rằng vài trò hết sức quan trọng của những người thay thế bố mẹ để nuôi dạy con trong tuổi thơ ấu. Đầu tư vào trường học mẫu giáo, nhà trẻ, đào tạo một đội ngũ giáo viên tuổi thơ thật nhiệt tình, thật giỏi, dành cho họ một quy chế và cương vị xứng đáng trong xã hội là một việc cần thực hiện cấp bách.

Trên những cơ sở trên hệ thống giáo dục phổ thông mới ở nước ta đang được triển khai trong cải cách giáo dục hiện sẽ như sau (xem sơ đồ).

Bài này không nói về đại học, nhưng trong xu thế đại học ngày nay, lấy việc nghiên cứu điều tra làm một nội dung chủ yếu, lấy việc kết hợp với sản xuất làm phương châm quan trọng, thì việc tập cho trẻ em từ trường phổ thông biết quan sát điều tra, biết tra cứu sách vở, biết đặt vấn đề, làm thí nghiệm, và tham gia nhiều hoạt động ngoài nhà trường là cách chuẩn bị tốt nhất để vào đại học.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cuộc cải cách giáo dục phải xuất phát từ cái đầu của nhà giáo dục

    27/10/2014Trước kia việc gì cũng “từ trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải “từ dưới nhoi lên” (XYZ, Sửa đổi lề lối làm việc)
  • ''Phải tiến hành cuộc cách mạng giáo dục''

    16/06/2014''Nền giáo dục của chúng ta đang thực sự xuống cấp'', ''phải nhìn những tiêu cực trong giáo dục hiện nay như là một khối u nguy hiểm để triệt bỏ tận gốc''; ''đã đến lúc phải tiến hành cuộc cách mạng giáo dục''... Đó là những ý kiến thẳng thắn của các giáo sư trong buổi làm việc lấy ý kiến về dự thảo đề án ''Triển khai, thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng - cả nước trở thành một xã hội học tập'', do Trung ương Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức hôm qua (4/9/2003)...
  • “Emile, hay vấn đề giáo dục”

    22/08/2013Dương Thị Ngọc DungEmile, hay vấn đề giáo dục chính là "tuyên ngôn giải phóng tuổi trẻ " với lý luận đòi tự do cho con người cá nhân ở lứa tuổi thiếu niên. Xuyên suốt năm quyển - tương ứng với năm giai đoạn phát triển khác nhau của thời kỳ niên thiếu, từ lúc mới sinh ra cho đến khi trở thành một công dân trong xã hội - tư tưởng của Rousseau đều nhằm vào một mục đích duy nhất là tạo ra mẫu người công dân tự do cho một xã hội dân chủ lý tưởng...
  • Trường Đại học duy lý và ý tưởng tự trị Đại học

    19/02/2006Ngô Tự Lậpcha đẻ thực thụ của trường Đại học hiện đại chính là Immanuel Kant (1724 -1804), người đã kết hợp triết học duy lý (rationalism) của Descartes với triết học duy nghiệm (empiricism) của Bacon và mở đầu cho thời kỳ Khai Sáng...
  • Muốn trường tốt phải có thầy hay

    16/11/2005Hồ Tú Bảo (GS. Tin học, Viện Khoa học & Công nghệ tiên tiến Nhật Bản - JAIST)Chúng ta đang bàn đến xây dựng ĐH chất lượng cao, nhưng tên gọi chính xác nên như thế nào, tiêu chí cụ thể ra sao, và đặc biệt đội ngũ giáo sư giảng dạy ở đó có thực sự là chất lượng cao hay không? Bài viết ngắn này bàn về một chuyện theo tôi là cốt tử nhất trong việc xây dựng đại học chất lượng cao ở nước ta, nhưng chưa được bàn thảo kỹ lưỡng.
  • Xã hội hoá giáo dục

    15/09/2005Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupGiáo dục luôn là vấn đề trung tâm của đời sống xã hội vì nó quyết định tương lai của mỗi người và của cả xã hội. Thực trạng nhức nhối của nền giáo dục Việt Nam hiện nay - nguyên nhân làm trì trệ sự phát triển của Việt Nam - đặt ra vấn đề phải cải cách giáo dục và xã hội hóa giáo dục là một trong những giải pháp được đặt ra sôi nổi nhất. Phải khẳng định, xã hội hóa giáo dục là tinh thần, là nội dung quan trọng nhất của cải cách giáo dục, đảm bảo sự thành công của cải cách giáo dục?
  • Cái thực có tính giáo dục cao hơn cái ảo

    06/07/2005Khoa học ngày nay có vẻ càng mất đi tính hấp dẫn của nó đối với mọi người. Liệu ngành bảo tàng có thể làm gì để giảm tiến trình này đi?
  • Đổi mới giáo dục ĐH theo hướng nào?

    03/07/2005Gs. Hoàng TụyTuy đã có nhiều cố gắng thể hiện tư duy mới, nhưng dự thảo vẫn chưa đưa ra được những ý tưởng khả thi có khả năng tạo nên chuyển biến đột phá làm xoay chuyển tình hình theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước.
  • Phải thay cách làm giáo dục

    21/12/2003Đây là bài phát biểu của GS-TSKH Hồ Ngọc Đại tại hội thảo “Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo?” với chủ đề: tiếp tục giải quyết mâu thuẫn lớn giữa yêu cầu vừa phát triển qui mô, vừa phải đảm bảo chất lượng với điều kiện hạn hẹp về nguồn lực, do Bộ Giáo dục - đào tạo và báo Nhân Dân phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 23-12-2003...
  • Để củng cố quan hệ thầy - trò, hãy củng cố chính nền giáo dục!

    20/11/2003Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là tấm gương lớn về một nhà khoa học, một nhà giáo gương mẫu, lao động không biết mệt mỏi vì sự nghiệp "trồng người". Câu chuyện với ông xoay quanh chủ đề: quan hệ thầy trò và đạo đức nhà giáo - một trong những vấn đề đang gây sự chú ý của toàn xã hội...
  • Để xây dựng một xã hội học tập

    18/11/2003Mới đây, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Bộ Giáo dục – Đào tạo và một số ngành liên quan đã có đề nghị lên Chính phủ về việc triển khai cuộc vận động "Toàn dân xây dựng cả nước trở thành một XHHT". Sau khi đã xem xét, ngày 27/10/2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có ý kiến chỉ đạo về đề án "Xây dựng XHHT ở Việt Nam". Theo đó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc xây dựng XHHT là hết sức cần thiết. Bộ GD-ĐT chủ trì cùng Hội Khuyến học và các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án về xây dựng XHHT trình Chính phủ trước ngày 30/12/2003...
  • Cần bãi bỏ ngay các “chỉ tiêu” trong giáo dục

    18/11/2003Có lẽ trong toàn bộ lịch sử giáo dục của Việt Nam, chưa bao giờ căn bệnh thành tích lại trở nặng như bây giờ. Nhìn sang các nước khác, hình như cũng không thấy ai mắc căn bệnh quái dị này. Bài viết này thử đề xuất một phương thuốc...
  • Chấn hưng nền giáo dục nước nhà, bắt đầu từ đâu?

    11/11/2003Để chấn hưng nền giáo dục nước nhà - một nền giáo dục do đích thân Bác Hồ sáng lập và được xây dựng bằng trí tuệ và xương máu của nhiều thế hệ cách mạng - thì mọi vận động của nó phải theo quy luật vận động biện chứng của lịch sử và khoa học...
  • Giáo dục Việt Nam: ngôi nhà cần đổ lại móng

    11/11/2003Ông lão 79 tuổi gầy nhom, tóc điểm bạc, ngày ngày còng lưng trước chiếc máy tính đời cũ để vào mạng kiếm thông tin. Lúc nào học trò ông cũng nườm nượp đến xin thụ giáo. Nhiều người vẫn ngạc nhiên hỏi đi hỏi lại: "Từ lúc nghỉ hưu thầy dạy 20 năm nữa mà sao chưa hết vốn?". Vị giáo sư già tủm tỉm cười: "Tôi học nhờ Internet cả đấy". Vị giáo sư ấy là tiến sĩ khoa học Dương Thiệu Tống.
  • Giáo sư Hoàng Tụy và Giải pháp cứu ngành giáo dục.

    17/10/2003“Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay có thể nói là đang rất nguy kịch. Trước thực trạng này, hầu hết mọi người đều nghĩ đến việc phải quy trách nhiệm chính cho ông Bộ trưởng Bộ giáo dục và cách chức ông ta. Riêng tôi lại nghĩ khác ” – trả lời phỏng vấn Tạp chí Ngày Nay, giáo sư toán học Hoàng Tụy, nguyên là Viện trưởng Viện Tóan học, người từng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đã phát biểu như vậy 
  • Cần thay đổi cơ bản và toàn diện

    23/07/2003Giáo dục Việt Nam trước hội nhập toàn cầu: Báo Bangkok Post vừa qua có đăng một mẩu tin đáng suy ngẫm: Xuất khẩu lao động của Thái Lan ngày càng trở nên một ngành thu ngoại tệ đáng kể về cho đất nước. Hàng năm Thái Lan xuất khẩu khoảng 350.000 lao động, họ gửi tiền về cho gia đình khoảng 1.200 triệu USD...
  • Đổi mới giáo dục hướng tới một xã hội tri thức trong thế kỷ 21

    04/05/2003(Tuổi Trẻ CN) Tại hội nghị giáo giới ASEAN lần 19 vừa được tổ chức ở Hà Nội từ ngày 5 đến 8.12, tham luận của GSTS Phan Đình Diệu với tựa đề "Đổi mới giáo dục hướng tới một xã hội tri thức trong thế kỷ 21" đã gây sự chú ý đặc biệt. Trích đăng.
  • Năm kiến nghị về phát triển giáo dục

    11/02/2003Nhận định: Ở thời điểm hiện nay, rõ ràng là yêu cầu cải cách và đổi mới giáo dục đã trở nên hết sức bức bách đối với cuộc sống và sự phát triển của toàn xã hội. Trong những yêu cầu đó, có những yêu cầu trực tiếp khắc phục những yếu kém của hệ thống giáo dục hiện tại, đồng thời cũng đã xuất hiện các yêu cầu nhìn xa hơn chuẩn bị cho việc đổi mới giáo dục hướng tới một nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức trong thế kỷ 21 mà con đường hội nhập đã khẳng định.
  • Chấn hưng giáo dục - chấn hưng quốc gia

    10/02/2003Trong bài viết này, tôi muốn phân tích một nguyên nhân cơ bản đã làm hỏng nền giáo dục của ta trong hai mươi năm qua mà hậu quả của nó bây giờ đã bắt đầu nặng và trong tương lai nếu tiếp tục thực hiện như bây giờ thì chưa lường hết được thảm họa của nó.
  • Chuyển biến chiến lược cơ bản toàn diện về giáo dục

    10/02/2003Từ nay đến năm 2010, trên cơ sở những bài học đắt giá của 15 năm đổi mới giáo dục, những chuyển biến nào mới thật sự là "cơ bản toàn diện" cần phải tạo ra trong sự nghiệp học - hành suốt đời của toàn dân?
  • Mấy giải pháp cấp bách về Giáo dục

    08/02/2003GS. Hoàng TuỵVừa qua, GS. Hoàng Tuỵ có gửi Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Bộ giáo dục Đào tạo bản kiến nghị: "Mấy giải pháp cấp bách về giáo dục", đây là bài lược trích nội dung bản kiến nghị đó
  • xem toàn bộ