Sách cổ Sài Gòn trong cơn dâu bể

11:47 SA @ Thứ Tư - 24 Tháng Năm, 2017

Phía sau nhịp sống hối hả thời kinh tế thị trường ở TPHCM vẫn còn đây đó những người yêu sách, mê sách lạ lùng.

Người cũ, sách xưa

Linh mục Nguyễn Hữu Triết là người chơi sách thượng thặng. Ông sinh năm 1945 ở Hải Dương, lớn lên và làm linh mục ở Sài Gòn. Công việc ở giáo xứ Tân Sa Châu rất bận rộn, thậm chí chẳng mấy khi linh mục nghe điện thoại. Nhưng giữa đạo và đời, ông vẫn dành cho tủ sách của mình một sự quan tâm đáng nể. Trong ngôi nhà giản dị sau nhà thờ, có rất nhiều những tủ sách bọc gương kính sáng loáng. Bên trong đó các cuốn sách được in từ thế kỷ thứ 19 mà người đời chỉ nghe danh tiếng chứ hiếm ai từng được đọc.

Linh mục nói với tôi: “Miền Nam vốn có nghề in, nghề xuất bản sớm nhất nước, nhưng theo thời gian sách cổ hư hại mất mát nhiều rồi. Tìm được một vài cuốn in vào thời kỳ sơ khởi đó là điều rất khó”.

Hằng ngày, ngoài việc giảng đạo, làm từ thiện, nghiên cứu nâng cao giáo lý, linh mục còn tiếp những vị khách đặc biệt. Ấy là những người bán đồng nát, gánh giấy vụn.

Đôi khi những con người ấy đem đến cho ông những cuốn sách hiếm. Ông cũng mở lòng để đón những giá sách của các nhà sưu tầm sa cơ lỡ vận hoặc gia đình của họ muốn tống khứ chúng đi.

Linh mục tâm đắc với những cuốn sách khởi đầu cho nghề in ấn bên công giáo, chẳng hạn cuốn bìa vàng của J.M.J, một cuốn sách kể chuyện Thánh bằng tiếng Việt được in năm 1872 bởi nhà thờ Tân Định. Sách dày 525 trang, chữ vẫn rất rõ và giấy còn trắng! Hay bộ sách in bằng chữ quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký vào thập niên 70, 80 của thế kỷ XIX. Ông vui vẻ nói: “Tôi có cả trăm cuốn sách in từ thế kỷ XIX”.

Đôi khi tôi tự hỏi một linh mục trăm việc như cha Triết thì sưu tầm sách để làm gì? Ông có thời gian đọc nó hay không? Ông nói: “Sách là để đọc. Mình đọc rồi, còn hiến tặng để người khác cùng đọc”. Đọc sách là thú vui cần nhân rộng ra cho đời.


Những cuốn sách cũ của một thời xa cũ

.

Tháng 9-2011, linh mục đã hiến tặng bộ sưu tập sách Kiều cho giáo phận Huế, với 1.600 bản sách về Đại thi hào Nguyễn Du và truyện Kiều. Trong số này có tới 24 bản Kiều chữ Nôm, và bản “Kim Vân Kiều tân truyện” chữ quốc ngữ in năm 1872, tái bản năm 1891 vốn từng đoạt giải nhất cuộc thi sách vàng năm 2004 tại TP Hồ Chí Minh.

Linh mục Nguyễn Hữu Triết thuộc lớp người mà người ta thường nói là “thế hệ cũ”, rất giỏi chơi sách Hán văn, Pháp văn, Anh văn.

Ông Vũ Anh Tuấn, nhà sưu tầm sách cổ từ những năm 1960, đang cho đăng trích đoạn cuốn hồi ký “60 năm chơi sách” trên trang web “Sách và tranh”. Ông nói: “Sài Gòn chơi sách đã lâu. Ngoài giới trí thức, các giáo sư đại học, còn có chừng 12 người chơi sách chuyên nghiệp, nổi tiếng, họ nắm giữ hàng ngàn, thậm chí hàng vạn cuốn sách giá trị”.

Những người chơi sách tiếng tăm một thủa có thể kể tên như học giả Vương Hồng Sển, ông Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí, nhà nghiên cứu lão thành Đỗ Bằng Đoàn, nhà giáo Nguyễn Văn Y, ông Vũ Anh Tuấn…

Khác với người chơi sách ngoài Bắc thường khiêm nhường ẩn dật, người chơi sách Sài Gòn khá cởi mở. Danh tiếng của họ cũng vì thế được biết tới, việc mua bán trao đổi cũng thuận tiện hơn. Tuy vậy, ngay từ năm 1960, trong cuốn “Thú chơi sách” ông Vương Hồng Sển đã than thở rất nhiều về việc sách bị mất mát, lãng quên. Ông tiếc rẻ các thư viện từ thời Pháp của Phạm Quỳnh, thư viện Phạm Liệu, thư viện Đào Duy Anh, thư viện Dương Tấn Tươi, Lê Ngọc Trụ không còn nữa.

Nhiều khi vì lắm chuyện buồn vui với sách quá mà người ta bảo “sách cổ có ma”. Người nào giữ nhiều sách quý rất dễ gặp chuyện tai ương.

Ông Vũ Anh Tuấn sinh năm 1937 tại Hải Phòng, sau vào Nam, theo học trường dòng, làm giáo viên Anh văn, sống bằng nghề dịch thuật. Ông nói: “Sách xưa với sách nay khác nhau một trời một vực. Trước đây các nhà xuất bản và nhà văn chuyên nghiệp hơn nhiều”.

Người chơi sách xưa thích đọc sách gốc, sợ sách tái bản tam sao thất bản, họ cũng thích cách in ấn, trình bày, minh họa của người trước. Ông Tuấn nói: “Truyện ngày xưa vẽ đẹp hơn, không vẽ méo mó như bây giờ”. Ông cũng sợ cách biên tập ẩu hiện nay. Ông dẫn chứng “Tác giả Marcel Proust mất năm 1922, mà có nhà xuất bản cho ông sống đến … năm 1988”.

Ông Tuấn có 3.000 cuốn sách xưa, trong đó loại sách cổ hiếm có khoảng 800 cuốn. Ông thích sách trinh thám như truyện Sherlock Holmes, truyện của Balzac. Làm chủ nhiệm CLB sách Xưa & Nay, ông nói: “CLB chúng tôi tồn tại được từ năm 1996 tới giờ”. Mỗi tháng họ đều ra được một tập nguyệt san bàn về sách xưa, tổ chức sinh hoạt giới thiệu sách hiếm. Nhưng, ông Tuấn cũng nói: “Hội viên khá đông nhưng người sưu tầm thực thụ không nhiều”.


Những cuốn sách đã được xuất bản rất nhiều năm là điểm độc đáo của các tiệm sách cũ - Ảnh: T.Kim

.

Oan khiên sách cổ

Khi chúng tôi nhắc tới ông Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí, thì một người chủ tiệm sách cũ không cầm lòng được, thốt lên: “Thế là hết một đời người!”.

Ông Hùng Trương nguyên là chủ nhà sách Khai Trí lớn nhất Sài Gòn trước đây. Ông mê sách lắm. Hùng Trương có bộ sưu tập sách khổng lồ với cái kho nằm ở trung tâm quận I của thành phố, diện tích kho 2.000m2.


Tiệm sách cổ thưa vắng khách, chuyển sang bán lịch Ảnh: T.N.A

.

Người chủ tiệm sách cũ bạn của ông kể: “Khi ông Trương đi nước ngoài sống, sách nhiều quá không đem theo được. Người nhà ông ấy trộm chìa khóa ngày nào cũng chở 3 bao tải sách đi bán cho các tiệm, ròng rã nhiều tháng trời”. Sau một thời gian ở nước ngoài, ông Trương về lại Việt Nam, sống được mấy năm rồi qua đời. Có người nói: “Ông ấy trở về vì không thể sống xa bộ sưu tập sách của ông ấy”.

Khi ông Vương Hồng Sển còn sống, khách đến nhà hiếm khi được bước chân vào xem tủ sách. Con dâu của ông nói với tôi: “Bố tôi rất phong kiến, quý trọng sách cổ, đồ cổ. Đến con dâu cũng chẳng được bước lên nhà trên huống hồ khách”.

Ông Vương Hồng Sển lúc mất đi con cháu chưa kịp nối được nghiệp, sách vở ông sưu tầm được chẳng biết vì đâu tràn lan ra ngoài thị trường. Nhà sưu tập Vũ Anh Tuấn xác nhận: “Tôi mua được sách của Sển, có chữ ký của cụ, giá chỉ hơn trăm ngàn đồng!”.

Lúc mới giải phóng, có chủ trương thu hồi tiêu hủy sách phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan. Sách ngoại văn để trong nhà, không phải ai cũng có ngoại ngữ mà đọc, biết nội dung nó thế nào. Kêu ve chai đến bán.

Ông Tuấn kể: “Đến cụ Đỗ Bằng Đoàn cũng lôi sách ra bán. Ve chai vừa đi khỏi cổng, gặp nhà sưu tập Nguyễn Văn Y. Ông này vớ được gánh sách quý giá bèo, bèn mua ngay lập tức”. Rồi ông Y cũng qua đời. Người nhà của ông biết quý sách, nhưng không có nhu cầu sử dụng, bèn gọi một người sưu tầm có uy tín tới, xin nhượng lại cho cụ. Một gánh sách, mấy chục năm, đã đổi chủ mấy lần.

Nhiều khi vì lắm chuyện buồn vui với sách quá mà người ta bảo “sách cổ có ma”. Người nào giữ nhiều sách quý rất dễ gặp chuyện tai ương.

Câu chuyện xót xa mà người ta kể lại, về giáo sư khảo cổ Nghiêm Thẩm. Ông sinh năm 1920 tại Hà Đông (Hà Nội), từng làm Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn kiêm Quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn từ năm 1968 đến năm 1975.

Ông cùng với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (người thiết kế Dinh độc lập) đã tư vấn về thiết kế Chùa Vĩnh Nghiêm - tổ đình dành cho người Bắc sinh sống ở Sài Gòn. Sau năm 1975 ông ở lại thành phố giảng dạy đại học.

Người ta nói “giáo sư có hàng vạn cuốn sách rất giá trị”. Một đêm, bọn cướp hung bạo lẻn vào nhà. Giáo sư bị bọn cướp giết bằng chính chiếc búa cổ mà ông đã sưu tập được. Ông chết bên những giá gỗ đầy ắp sách xưa.

Gìn vàng giữ ngọc đất phương Nam

Ông tự nhận là người say mê nghiên cứu, sưu tầm đồ cổ văn hóa dân tộc đủ loại, từ đất nung, sành, gốm, sứ, sách cổ, vật dụng làm nông cho đến những thứ đắt tiền. Nhưng ông đam mê nhất là sách cổ, cổ vật mang hồn quê Nam Bộ.
.
.

Căn nhà nấp sau khu sân vườn cà phê, ngổn ngang các loại cổ vật mà ông nhặt nhạnh từ trong dân và mua từ những gánh ve chai, lông vịt trong hàng chục năm. Chủ nhân của kho báu này là ông Trương Ngọc Tường, một nhà giáo về hưu, cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng ở thị trấn Cai Lậy, Tiền Giang.

Ông dẹp mấy thứ vật cổ nằm lổn nhổn, chọn lấy hai bình cắm hoa rồi nói: “Cái bình trắng này làm từ thời nhà Lý, mua 600 ngàn đồng. Nhưng mấy cái lọ hoa, chén dĩa đời Minh, Thanh bên Trung Quốc mua cả chục triệu”.

Ông cho xem mấy bản Kiều và Lục Vân Tiên bằng chữ Nôm ấn hành năm 1864, 1870, 1872. Đặc biệt bản Kiều độc nhất thiên hạ in năm 1879 của Liễu Văn Đường và Chung Văn Hà. Chưa kể bản gốc Đại Nam quốc âm tự vị trả bao nhiêu cũng không bán. Hay quyển Khâm định Việt sử cương mục có bút tích của vua Tự Đức, ông nâng niu như báu vật. Quyển tự điển Taberd thời Minh Mạng, ấn hành tại Pháp có người ngã giá trên 100 triệu đồng. Sưu tầm sách, sử cổ từ những năm đầu thế kỷ 20 hay trước đó, ông thường chú tâm vào các danh nhân văn hóa, nhà văn tiền bối ở vùng đất Nam Bộ.

Căn nhà dường như quá chật để đồ cổ thở. Có nhiều loại chưng đèn từ thời đốt sáp (nến), dầu đá (dầu lửa) thời Pháp. Ông mở tủ trong buồng mang ra ba cái khay trầu rượu, cho biết: Khay màu sáng, chạm trổ xà cừ, đường nét tinh xảo là vật gia bảo do ông bà nội ông là địa chủ để lại.

Còn khay gỗ mun đen, chạm trổ đơn giản, họa tiết mộc mạc từng được Hoàng Thái hậu Từ Dũ sử dụng. Khay chạm trổ, cẩn xà cừ khác là hàng chợ của người Hoa đất Nam Bộ xưa hay dùng. Giá trị của từng thứ không thể quy ra tiền được, ông nói.

Ông đam mê những thứ là hồn quê Nam Bộ, nhất là vật dụng trang trí, đồ thờ cúng, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc Hoa, Việt, Khmer. Ai từng cày ruộng ngồi nghe ông nói về cái cày của từng vùng, miền phải giật mình. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh thời từng đến thăm mấy cái cày mà ông sưu tầm, vì Thủ tướng cũng có ý tưởng xây dựng một bảo tàng công cụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn Nam Bộ.

Từ Hà Nội, người ta chở trả ông hai thùng cổ vật triển lãm dịp 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Ông khoe: Mới chuyển nhượng cho Bảo tàng Văn học nhiều món hàng độc.

Hằng ngày, ông cặm cụi tra cứu từng ký hiệu, con số, chữ Nôm, chữ Hán trên các hiện vật để truy tìm niên đại, nguồn gốc cổ vật. Tiễn khách ra về, ông còn tiếp tục giới thiệu mấy bức liễn cổ, vật dụng bắt cá của người Khmer và người Việt, Hoa thuở mới khai khẩn đất phương Nam…

Nguồn:Tiền Phong
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 19 điều cần biết nếu trót yêu một Mọt sách

    09/06/2018Lyo (Theo Buzzfeed)Sách có thể là kết nối của những tâm hồn đồng điệu và dẫn lối cho họ đến bên nhau. Và sách cũng sẽ là món ăn tinh thần của những người đang yêu. Nhưng đôi lúc, có người lỡ trót yêu một mọt sách và họ cảm thấy rằng thật khó để nắm bắt tình cảm, vậy “họ” nên đọc 19 điều cần phải biết ngay dưới đây...
  • Văn hóa đọc làm thay đổi người Việt

    10/05/2017Nguyễn Văn LựSách không thiếu và đôi khi không tốn tiền mua, nhưng điều quan trọng, bạn có muốn đọc hay không?
  • 'Với tôi, sách cũ quý hơn vàng!'

    06/05/2017Anh Thư - Nguyên PhươngSách cũ không có giá trị, như đồ bỏ đi với khá nhiều người nhưng nó lại như món đồ quý cần phải gìn giữ, bảo vệ với những ai trân trọng chúng...
  • Trải nghiệm bằng trang sách

    26/04/2017Hồ Anh TháiTrải nghiệm, với nhà văn, có thể bằng cách lăn mình vào đời sống hoặc thông qua những trang sách. Tác giả như Huỳnh Trọng Khang (tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ) đã chứng minh rằng sự trải nghiệm qua sách cũng có sức thuyết phục, khác với quan niệm của chủ nghĩa hiện thực rằng trải nghiệm phải là vốn sống giữa cuộc đời...
  • Có thật chúng ta đang đọc?

    21/04/2017Nguyễn Vĩnh NguyênChúng ta đang đọc mọi lúc mọi nơi đó chứ. Lúc nào chúng ta cũng đang đọc cái gì đó nhưng thật ra... chẳng đọc gì cả!
  • Từ vứt bỏ sách cũ có giá trị đến… ồ ạt làm ra sách mới sách rởm

    21/04/2017Vương Trí NhànTại sao lại có tình trạng thê thảm của sách như tôi đã nói ? Ta hãy cùng tìm tới những nguyên nhân đã lùi về xa...
  • Phiên chợ Sách xưa được tổ chức lần thứ 2 tại Hà Nội

    14/02/2017Khuê TúPhiên chợ Sách xưa lần thứ 2 sẽ diễn ra vào ngày thứ bảy, chủ nhật 18/2, 19/2 tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
  • Đọc sách là chìa khóa cho sự phát triển bền vững

    30/01/2017Hải Quỳnh thực hiệnLà một người rất gần gũi và sát sao với các sinh viên, những chia sẻ của cô Hoàng Ánh chắc chắn sẽ mang lại những góc nhìn thực tế cho các độc giả về phong trào đọc trong các trường đại học...
  • Kỳ lạ những người mua sách về chỉ để… ngắm

    21/10/2016Bích NgọcBạn có bao giờ rơi vào tình trạng mua sách về mà mãi không có thời gian để đọc? Sách vẫn cứ “xếp xó”, không thể nào đọc cho đến trang cuối cùng được…
  • Ham đọc chỉ là huyền thoại

    18/10/2016Nhà văn Hồ Anh TháiBảng xếp hạng 61 nước đọc sách nhiều nhất có kể đến ba nước ở Đông Nam Á. Singapore xếp thứ 36, Malaysia xếp thứ 53 và Indonesia áp chót, đứng thứ 60. Tìm mỏi mắt không thấy có Việt Nam. Có thể hiểu là Việt Nam không có trong số 61 nước đọc sách nhiều nhất trên thế giới...
  • Về nhu cầu sách

    27/09/2016Phạm Thị Thanh TâmTrong cuộc sống đấu tranh để sinh tồn và phát triển, con người luôn luôn có mong muốn, đòi hỏi về nhiều lĩnh vực. Đó là mong muốn được thoả mãn về vật chất, tinh thần, trí tuệ và giao lưu tình cảm, trong đó có mong muốn được sử dụng về sách - loại nhu cầu tinh thần, trí tuệ..
  • Đọc và nghe nhìn

    14/08/2016Nguyên NgọcBàn về cái thường được gọi là "văn hóa đọc hiện nay", thoạt đầu tôi đã định viết: "Sách... và cách mạng", nhưng rồi nghe to lớn và nghiêm trọng quá, nên đã bỏ đi. Tuy nhiên, nếu nói "và cách mạng" thì cũng không sai...
  • xem toàn bộ