Suy nghĩ của giới trẻ về con người

11:15 SA @ Thứ Sáu - 15 Tháng Năm, 2015

Con người là sinh vật phát triển nhất, ưu việt nhất trên trái đất này. Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa con người và các loài động vật khác là tính nhân bản. Nhưng liệu, đức tính tốt đẹp ấy có còn được giới trẻ coi trọng và bồi dưỡng không?

1. Nền tảng

1.1. Nguồn gốc con người – các quan điểm xưa và nay

1.1.1. Truyền thuyết dân tộc – tôn giáo.

  • Ấn Độ giáo: Thần sáng tạo Brahma tạo nên linh hồn con người là Atman. Atman làm nên Trời, Đất, Khí Quyển và Nước bao quanh vũ trụ. Từ Nước, Atman làm nên con người [2].
  • Phật Giáo: “thuyết Duyên khởi”: “Mọi pháp sinh ra bởi duyên, mọi pháp mất đi bởi duyên”. Sự sinh ra của mỗi sự vật hiện tượng đều do các quan hệ, điều kiện tác động lẫn nhau, tồn tại cùng nhau. Tách rời các quan hệ và điều kiện thì chẳng có bất kỳ sự biến hóa sinh diệt của bất kỳ sự vật nào. Đối với thế giới khách quan, không tồn tại một Đấng sáng lập nào [2].
  • Kitô Giáo (Kinh Thánh Cựu Ước): Thiên Chúa dựng nên vũ trụ trong 5 ngày, ngày thứ 6 Chúa dựng nên loài người: “ Ta hãy làm ra con người theo hình ảnh ta, giống như ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời… Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ…. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ.” (St ,1, 26-28).
  • Đức Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”… “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.” “ Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”. (St 2,22,24).
  • Truyền thuyết Trung Quốc: Nữ Oa được xem là tổ tiên của loài người. Một dị bản kể rằng, Nữ Oa lấy đất vàng nặn ra một con vật mới. Vừa đặt nó xuốt đất thì nó lập tức đi bằng 2 chân, nhảy nhót và kêu oe oe. Bà đặt tên cho nó là “con người”. Nó khác hẳn muôn loài, có khí phách lớn và nhờ khí phách ấy mà nó cai quản thế gian này. Bà Nữ Oa đặt ra hôn nhân giữa trai và gái để bà đỡ phải vất vả mãi mãi nặn ra con người mới [1].

1.1.2 Những khám phá của khoa học

Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc con người ta tìm hiểu về thuyết tiến hoá. Đa số mọi người đều nghĩ thuyết tiến hoá là do Lamac tạo tiền đề và Darwin phát triển thêm mà không biết thuyết tiến hóa đã có một quá trình lịch sử phát triển dài.

Theo các di chứng lịch sử để lại thì người đầu tiên nghiên cứu đến thuyết tiến hoá là các nhà triết học cổ Hy Lạp mà nổi bật chính là Aristote (384-322 B.C) khi ông cho rằng tất cả sinh vật là một chuỗi hình dạng nhưng ông không công nhận có sự tiến hoá giữa các loài vật. Thời gian sau mọi người đều tin tưởng tuyệt đối vào chuyện mỗi sinh vật là do bàn tay Chúa tạo thành hoặc thần thánh[10].

Đến thế kỉ XVIII, Carolus Linnaeus(1707-1778) đã lập ra 1 hệ thống phân chia các loài và khẳng định các loài có quan hệ với nhau. Sau Carolus cũng có thêm nhiều phát hiện khác nhưng thuyết tiến hoá bắt đầu có sự chuyển mình với khám phá của Jean Baptiste Lamarck (1744-1829) về việc ngoại cảnh làm sinh vật biến đổi, và sự biến đổi đó có thể truyền lại đến đời sau [10].

Nhưng người gây chấn động cho thế giới về thuyết tiên hóa là Charles Darwin (1809-1882) khi ông cho rằng loài người bắt nguồn từ loài khỉ. Theo ông các loài sinh giới trên trái đất đều có chung tổ tiên và nguyên nhân có sự đa dạng về các loài như hiện nay là do chọn lọc tự nhiên khi sinh vật cố gắng sống sót dưới điều kiện ngoại cảnh thay đổi. [10]

Nhờ khám phá quan trọng của Darwin, khoa học ngày nay đã có thể khái quát được nguồn gốc của các loài, mối lien hệ giữa các loài, sự tiến hoá từ loài này lên loài khác
Trong đó, con người tiến hoá theo biểu đồ sau: Coaseva → virus → vi khuẩn → cơ thể đơn bào → tảo, rong biển→ bọt biển, giun → động vật chân đốt → bộ cá giáp → cá vây tay → côn trùng và cá mập → bò sát → động vât có vú → linh trưởng→ loài người.[9]

Đã có 1 thời gian rất dài khoa học và tôn giáo đối nghịch với nhau. Các hoá thạch tìm được hiện nay đã chứng minh thuyết tiến hoá là đúng đắn, tuy nhiên khi xem xét kĩ chúng ta lại thấy việc hình thành nên các loài thật sự quá ngẫu nhiên. Như việc hình thành nên vũ trụ, việc hình thành nên 1 tế bào sống là cực kì khó khăn (phải là đối xứng tay trái, các điểm kết nối cấu trúc các acid amin phải theo 1 trình tự nhất định); các cấu trúc DNA chặt chẽ đến nỗi như có 1 bàn tay nào đó sắp xếp; việc các loài hình thành khác nhau do điều kiện tự nhiên tác động vào khác nhau và mỗi loài tự đào thải những tính trạng không cần cho sự tồn tại của mình theo 1 cách riêng [5].

Không ai có thể giải thích được những ngẫu nhiên đó nên ngày nay các nhà khoa học vẫn tin có một Năng lực siêu nhiên nào đó sắp xếp trước những chi tiết trong quá trình hình thành vũ trụ và sự sống. Đây chính là sự hoà hợp giữa Tôn Giáo và Khoa Học đã được các nhà khoa học và một số tôn giáo ủng hộ.

1.2. Sự khác biệt giữa con người và động vật.

Có thể đặt ra 1 câu hỏi: liệu loài người có còn tiến hóa nữa không. Con người sẽ còn tiến hóa nữa nhưng sẽ không tiến hóa do tác động của ngoại cảnh. Ngoại cảnh đã biến con người thành một sinh vật cấp cao, khác hẳn các loài thú khác. Tiêu biểu là 4 đặc điểm sau:

  • Tổ tiên vượn người sống thành bầy đàn trên cây, lúc đó đã có sự phân hoá chức năng. Chi trước cầm nắm, chi sau đỡ thân người (như các loài linh trửởng khác hiện nay). Sau thời kỷ băng hà, rừng bị thu hẹp nên vượn người phải chuyển xuống mặt đất từ từ hình thành dáng đi thẳng. Việc hình thành dáng đứng thẳng đã giải phóng tay ra khỏi việc di chuyển thành cơ quan chế tạo và sử dụng công cụ lao động [8].
  • Chế tạo và sử dụng được các công cụ lao động, con người đã tạo nên những cơ sở vật chất riêng cho mình để không còn phụ thuộc vào tự nhiên nữa [8].
  • Do nhu cầu chế tạo công cụ lao động, lao động tập thể, con người đã phát triển ngôn ngữ để truyền đạt kinh nghiệm đấu tranh thiên nhiên, tiết kiệm công sức mò mẫm những thứ mới [8].

Xét tổng quát thì yếu tố khiến con người khác động vật chính là sự phát triển não bộ và ý thức. Có 1 số loài vật cũng biết sử dụng các công cụ đơn giản như gấu biết dùng cành cây để câu mối, chim dùng đá để đập vỡ vỏ ốc nhưng chúng chỉ biết đến thế, không thể nào chế tạo ra công cụ tốt hơn. Nguyên nhân chính là ý thức, con người có ý thức nên con người có khả năng bắt chước tự nhiên tạo ra những công cụ phục vụ cho mục đích của mình, quan trọng hơn hết là con người hiểu phải sử dụng những công cụ đó như thế nào chứ không như động vât khác chỉ sử dụng những công cụ có sẳn trong tự nhiên một cách ngẫu nhiên và nhất thời. [8]

  • Nhờ có lao động, ngôn ngữ và ý thức con người đã hình thành nên xã hội. Đó là 1 nhu cầu tất yếu vì mỗi con người là một cá thể yếu ớt. Việc hình thành xã hội giúp con người ngày càng nâng cao cuộc sống của mình về vật chất lẫn tinh thần trong lao động, chế tạo tư liệu sản xuất. Xã hội hình thành thì con người không còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nữa, từ nay sự tiến hoá của con người do không tác động của ngoại cảnh mà là sự tác động của xã hội.

Xã hội được hình thành là để lấy sức mạnh của số đông trong tự vệ, kiếm ăn, để cùng nhau tham gia lao động sản xuất nên nảy sinh ra vấn đề đạo đức để đảm bảo quyền lợi của từng cá thể trong xã hội. Vấn đề đạo đức đó hình thành nên tính nhân văn của con người.

1.3. Tính nhân bản của con người

Sống trong xã hội, để đảm bảo các lợi ích chung, con người dần dần hình thành đạo đức1 và lương tâm2. Chính hai yếu tố này tạo nên tính nhân bản của con người. Tính nhân bản ấy được thể hiện qua các lời răn dạy, giáo lý của các tôn giáo, và tồn tại lâu dài qua nhiều thời đại, nhiều thế hệ con người.

1.3.1. Những lời dạy từ xưa

  • Ca dao, tục ngữ VN: Thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách.
  • Luận Ngữ: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (12:2): Đừng làm những gì mình không muốn người khác làm lại cho mình.
  • Nho Giáo: Đạo của người là nhân và nghĩa (Mai Thanh Hải, 2002, tr.452), trong đó Nhân là lòng thương người, Nghĩa là ủng hộ các điều đúng (Minh Tân, 1998). Tóm lại làm người, chúng ta phải hướng đến người khác và hướng về điều thiện.

1.3.2. Các tôn giáo

  • Phật Giáo: 10 điều tâm niệm: Trong quan hệ giao tiếp giữa người và người, mỗi cá nhân phải đặt lợi ích của người xung quanh hơn chính mình.
  • Kinh Thánh Tân Ước: Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. (1 Cr 13, 4-7).


2. Kết quả khảo sát

2.1. Mặt bằng chung

Chúng tôi thực hiện khảo sát trên 241 người lứa tuổi từ 18 – 25.Với 97% là sinh viên các trường ĐH – CĐ.

2.2. Nguồn gốc con người

Kết quả khảo sát về nguồn gốc con người cho thấy: Giáo dục ở nhà trường có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với không chỉ kiến thức, mà còn góp phần hình thành quan điểm, nhận thức của giới trẻ.

2.3. Con người và động vật

Biểu đồ 1: Động vật biết suy nghĩ hay không

Qua kết quả khảo sát, hơn 75% người được khảo sát nghĩ răng động vật có suy nghĩ và khi hỏi bạn nghĩ đông vật biết suy nghĩ thông qua tình huống nào thì trên 70% số người trả lời đều trả lời thông qua biểu hiện vui buồn của thú vật nuôi. Điều này cho thấy việc nhận thức động vật của giới trẻ hiện nay về suy nghĩ của động vật hơi mang tính cảm tính, đồng thời cũng nêu lên một thực trạng giới trẻ ngày nay chỉ quan sát ở phương diện gần, chưa mang tính bao quát.

2.4. Tính nhân bản hiện nay

Dựa trên những tài liệu tìm hiểu được và qua kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy hầu hết mọi người đều đồng ý rằng điểm khác biệt cơ bản nhất giữa con người và động vật chính là tư duy. Qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm, con người càng trở nên hoàn thiện hơn nhờ tư duy phát triển. Từ đó, con người xây dựng hệ thống ngôn ngữ xã hội, văn hoá, truyền thống, nhất là con người không ngừng tìm tòi khám phá những cái mới.

Có nhiều khía cạnh để bàn luận về sự tư duy này, nhưng chúng tôi muốn nhắm đến một khía cạnh rất cơ bản, phát xuất từ ngay bản thân mỗi cá nhân, nhưng lại ít được quan tâm trong xã hội hiện nay: vấn đề nhân bản trong mối quan hệ giữa người và người. Thiết nghĩ, tất cả các bạn đều có thể hiểu được nhân bản là gì. Nhờ có tính nhân bản, con người biết được điều đúng, điều sai trong mối quan hệ của mình với những người xung quanh. Hơn nữa, tính nhân bản không chỉ dừng lại ở mối quan hệ trực tiếp giữa hai hay nhiều cá thể nào, mà còn mở rộng ra ở ý thức của một cá nhân đối với tập thể, với xã hội.

Trong xã hội hiện nay, với bản tính tò mò của con người, chúng ta dễ dàng thấy được nhiều điều xấu hơn là điều tốt, nhiều vi phạm hơn việc chấp hành đúng nội quy. Thậm chí, có một số trường hợp ta không thể phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai. Vì sao?

Qua khảo sát việc xả rác và lái xe trên đường bộ, chúng tôi xin phép đưa ra một số giải thích về điều này. Trước đó, xin mời bạn nhìn qua kết quả khảo sát.

Bạn đang cần một ly nước bằng nhựa đã uống cạn, lúc này bạn đang đi ngoài đường, và bạn muốn vứt nó đi, bạn sẽ:

Biểu đồ 2: Vứt rác

Khi bạn chạy xe trên đường, đến một đoạn khá đông xe, bạn thường hay:

Biểu đồ 3: Đi xe khi đường đông

Ở câu hỏi về việc bỏ rác, 88% chọn việc bỏ rác vào thùng rác chứng tỏ họ biết đúng sai. 12% còn lại có thể các khả năng sau:

  • Bản thân không có ý thức về việc mình làm.
  • Họ biết rõ đâu là đúng, đâu là sai nhưng họ vẫn thực hiện vì điều đó mang lại sự thuận tiện cho bản thân họ, mà không quan tâm nó ảnh hưởng thế nào đến người khác.

Tuy nhiên, phân biệt được đúng và sai chỉ mang tính tương đối. Bằng chứng là ở câu kế tiếp, có đến 54% người tìm cách lách qua xe khác, chưa kể đến 7% đã vi phạm luật giao thông.

Khi bạn tìm cách lách như vậy, tuy bạn không vi phạm luật pháp, nhưng so với luật công bằng của xã hội, bạn đã vi phạm. Dù thế, đa số con người vẫn sẽ chọn cách đó, vì sao?

  • Giao thông ở VN đang đến độ quá tải về số lượng xe, nếu bạn không lách, bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian cho việc di chuyển.
  • Không phải lúc nào con người cũng suy nghĩ đủ chín chắn để phân biệt đúng sai, họ bị sự ích kỷ chi phối rất nhiều. Nếu không có một ràng buộc hay chế tài nào từ luật pháp, từ truyền thống, con người rất dễ mất đi tính nhân bản của mình.
  • Trước khi nghĩ đến người khác, con người hay nghĩ cho mình. Trong những trường hợp nhỏ như thế này, họ thường không nghĩ đến hệ quả cũng như tính chất việc làm của mình.

Tất nhiên không phải ai cũng vậy, bằng chứng là có đến 34% số người chọn việc không chen lấn. Vậy thì cùng 1 hoàn cảnh xã hội, cũng lứa tuổi, cùng chịu sự giáo dục giống nhau, vì sao họ hành động khác?

Lái xe không đủ vững để lách.

  • Do tính cách: thường những người có bản tính ôn hoà và không bon chen hay lựa chọn phương án này.
  • Có thể họ được giáo dục kỹ hơn những người khác về những vấn đề nhân bản nhỏ thường gặp hàng ngày.
  • Nhưng chỉ một vấn đề lái xe thì không đủ để đánh giá chính xác. Ở một mức độ tương đối, chúng tôi dùng 3 câu hỏi về dự định cho bản thân, gia đình, và xã hội (tất cả đều là tự luận) để đánh giá xu hướng sống hiện nay của giới trẻ kết quả là:

Biểu đồ 4: Suy nghĩ cho bản thân.

Biểu đồ 5: Suy nghĩ cho gia đình

Biểu đồ 6: Suy nghĩ cho xã hội.

Qua 3 trả lời, chúng ta thấy rõ ràng tỉ lệ câu trả lời “không” ngày càng tăng dần, điều đó khá dễ hiểu vì mỗi con người luôn phải tự chăm lo cho bản thân mình trước người khác, ngay cả cha mẹ. Trong bản khảo sát, 100% trả lời “không” ở câu trước đều sẽ trả lời “không” ở câu sau.

Bằng việc nhìn vào câu hỏi thứ nhất, chúng ta thấy được vật chất đang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của giới trẻ ngày nay. Điều này có thể được giải thích như sau:

  • Xã hội đang trên đà phát triển rất nhanh, buộc con người phải chạy theo vật chất mới có đủ cái ăn, cái mặc.
  • Các phương tiện giải trí, cộng với chủ nghĩa cá nhân du nhập từ phương Tây khiến giới trẻ muốn tìm hạnh phúc trong sự hưởng thụ (nhận) hơn là đóng góp (cho). Không những thế, vì sống một cuộc sống đầy đủ, nên họ ít khi tìm kiếm những mục tiêu sống cho bản thân, gia đình và xã hội.

Những điều trên, tuy không xấu, nhưng phần lớn giới trẻ đang chạy theo nó mà quên đi những giá trị cao đẹp khác của con người. Điều này được chứng minh qua tỉ lệ trả lời “không” và “cao siêu” ở câu xã hội 79%. (“cao siêu” ở đây nghĩa là những điều quá lý tưởng, viễn vông, khó thực hiện được). Chính vì vậy mà tính nhân bản đang dần bị mai một trong giới trẻ, đây cũng là lý do vì sao ở câu khảo sát về việc lái xe, có đến 54% chọn cách lách xe, hơn là 34% đi từ từ không chen lấn.

Dù vậy, giới trẻ vễn ý thức rõ những giá trị cao đẹp trong cuộc sống và muốn hướng đến nó: đặc biệt những giá trị này rất ít bị chi phối bởi vật chất.

Với câu hỏi tự luận như sau:

Có người đi chùa, nhà thờ; người khác đọc sách dạy làm người… với mong muốn được trở nên tốt đẹp hơn. Còn bạn, bạn sẽ làm gì để bạn sống tốt hơn?

Các câu trả lời được tổng hợp thành các ý trong biểu đồ dưới đây:

Biểu đồ 7: Ý thức rèn luyện

Qua biểu đồ, chúng ta thấy được rằng, dù đang phải lo toan nhiều thứ để mưu sinh, nhưng bên trong mỗi con người, họ đều hướng đến những giá trị tinh thần cao đẹp, mà điều này rất ít bị chi phối bởi vật chất: 20% muốn giúp đỡ những người bất hạnh hơn mình, 34% muốn tự rèn luyện để nâng cao giá trị nhân bản của mình, 25% chọn cách học từ sách vở, từ kinh nghiệm cuộc sống, các bậc tiền bối. 5% ảnh hưởng của giáo lý các tôn giáo, bởi hầu hết các tôn giáo đều xem trọng tính nhân bản. Tuy nhiên, hiệu quả của những cách học hỏi trên khác nhau tùy theo tinh thần của người học, đồng thời họ cần một thời gian dài để áp dụng đúng những gì mình đã học.

3. Tổng hợp chung

3.1. Tổng hợp kết quả khảo sát

Biểu đồ 8: Khảo sát việc xả rác của nhóm có tôn giáo và không tôn giáo.

Biểu đồ 9: Khảo sát việc lái xe của nhóm có tôn giáo và không tôn giáo.

Qua cuộc khảo sát, chúng tôi thấy rằng: Khi có pháp luật quy định, người ta hành động theo pháp luật nhiều hơn. Nói cách khác, hành động tích cực xảy ra nhiều hơn hành động tiêu cực. Như bạn đọc thấy ở nhóm biểu đồ việc xả rác, tỉ lệ hành động tích cực – tiêu cực là ngang nhau do việc giữ gìn vệ sinh công cộng đã được pháp luật quy định.

Tuy nhiên, khi pháp luật không quy định, người ta có xu hướng hành động theo bản năng nhiều hơn, hay tích cực ít hơn tiêu cực. Đặc biệt, đối với các vấn đề liên quan đến nhân bản và đạo đức, ranh giới giữa đúng và sai bị lu mờ, khiến cho người trẻ không thể phân biệt đâu là đúng, đâu là sai. Ở trường hợp này, nếu không được hướng dẫn, họ thường làm theo số đông, theo phong trào. Mà số đông ở đây cũng chính là những người trẻ. Điều ấy đưa đẩy họ hành động theo bản năng có sẵn, tìm đến cái lợi cho chính mình trước tiên. Điển hình nhất là tình trạng chen lấn, lách xe khi tham gia giao thông của giới trẻ hiện nay còn khá cao.

3.2. Thảo luận

Mỗi con người đều có 2 bản chất khác nhau, có thể nói nôm na là phần “con” và phần “người”. Phần “con” chi phối những ý muốn, nhu cầu thuộc về bản năng của con người như ăn uống, nghỉ ngơi, ngay cả cảm giác sung sướng và hạnh phúc xác thịt cũng do bộ não chi phối. Khác với phần “con”, phần “người” được hình thành do con người sống trong xã hội, để duy trì xã hội vững mạnh, con người đôi khi cần phải hy sinh lợi ích riêng của cá nhân để duy trì lợi ích chung. Từ đó, xã hội đã tạo ra các quy luật đạo đức để phát triển cộng đồng, phát triển phần “người” của từng cá nhân.

Cuộc sống, thái độ, hành động của con người sống trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ, luôn chịu sự chi phối của 2 mặt xã hội: tinh thần và vật chất. Bản chất nguyên thủy của 2 luồng tư tưởng này là tốt đẹp, chúng đều là những phương tiện giúp đời sống con người ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, con người đã làm thay đổi tính chất nguyên thủy ấy:

3.2.1. Xã hội tinh thần

Từ lâu đời, các hệ tư tưởng tác động đến con người là các tôn giáo và truyền thống dân tộc. Như đã giới thiệu ở trên, những quy luật đạo đức cũng được hình thành từ đây.Những quy luật này giúp con người quan tâm, tôn trọng người khác như chính mình. Hơn nữa, nó giúp con người loại bỏ cái tôi ích kỷ của bản thân, hướng về lợi ích, mục tiêu chung của cộng đồng. Bạn đọc có thể thấy điều đó thể hiện trên biểu đồ khảo sát việc lái xe của nhóm người có tôn giáo và không tôn giáo: Ở nhóm có tôn giáo, tỉ lệ xảy ra tiêu cực là 56%, trong khi ở nhóm không tôn giáo, tỉ lệ xảy ra tiêu cực là 65%.

Dù vậy, những quy luật ấy cũng từng bị kẻ xấu lợi dụng để cai trị người khác, hay vì những mục đích bất chính. Một trong những ví dụ điển hình nhất là hành động của những người Hồi Giáo cực đoan: Họ rao giảng rằng đánh bom liều chết là tử đạo, sẽ được lên thiên đàng, trong khi hành động đánh bom ấy được thực hiện bởi những thanh thiếu niên và phụ nữ đang lâm cảnh nghèo khó, túng thiếu, họ hành động vì lợi ích trước mắt là gia đình họ sẽ có tiền để trang trải cuộc sống. Điều này đã gây ảnh hưởng đến tính mạng của hàng trăm, hàng nghìn người khác.

3.2.2. Xã hội vật chất

Ngày nay, khi nền kinh tế phát triển,đời sống được nâng cao, mang đến cho con người nhiều tiện nghi, cuộc sống sung sướng, thoải mái hơn.Tuy vậy, giới trẻ vẫn đang chạy theo vật chất, tìm đến hạnh phúc từ những nhu cầu vật chất, khiến nhu cầu tinh thần giảm đi đáng kể.

Máy tính - internet ra đời phục vụ con người, giúp con người liên lạc nhanh chóng, rút ngắn khoảng cách địa lý. Nhưng hiện nay nó cũng đang bị giới trẻ lạm dụng. Họ ngày càng sống trong thế giới ảo mà quên đi cuộc sống thực sự của mình. Họ liên lạc qua máy tính, internet và cũng dễ dàng lừa dối nhau.

Chủ nghĩa cá nhân làm cho ý kiến và quyền lợi cá nhân được tôn trọng hơn, nhưng mặt trái của nó là làm cho giới trẻ quá chú ý và coi trọng bản thân, không quan tâm và đôi khi làm những việc không có lợi hay thậm chí có hại cho người khác, thường là điều xấu.

3.2.3. Kết luận – đề nghị

Qua khảo sát và phân tích, chúng tôi thấy rằng giáo dục hiện nay quá đặt nặng kiến thức chuyên môn mà xem nhẹ việc nâng cao nhân bản cho thanh thiếu niên. Chính họ là tương lai của đất nước, nhưng cũng chính họ sẽ phá hoại những thành quả của các bậc tiền bối nếu không được giáo dục kỹ lưỡng. Họ cần được định hướng rõ ràng về mục tiêu sống, để họ trở thành một phần tử có ích cho xã hội. Điều này cũng giúp giới trẻ ngăn chặn những trào lưu không lành mạnh trong một xã hội chạy theo vật chất, lãng quên các giá trị tinh thần như hiện nay.

Đối với những người trẻ, chúng tôi khuyên bạn hãy chọn cho mình một định hướng sống ngay từ bây giờ và hãy tham khảo ý kiến của những người đi trước về định hướng ấy, để tiếp nhận lời khuyên cũng như kinh nghiệm của họ. Hãy cố gắng cân bằng đời sống vật chất và tinh thần của bản thân, nếu bạn học trong lớp 2 giờ, hãy dành 2 giờ để học các kỹ năng sống bên ngoài lớp.

Đối với những người trưởng thành, hãy thay đổi cách giáo dục con cái từ trong chính gia đình, khi trẻ còn nhỏ. Hiện nay trong một số gia đình, bậc cha mẹ vì quá tất bật lo kiếm tiền, nên không có thời gian gần gũi, dạy dỗ con cái. Chính điều ấy là nguy cơ tiềm ẩn cho việc thiếu nhân bản trong giới trẻ hiện nay.

Đối với luật pháp, bộ luật của Nhà Nước Việt Nam hiện nay tuy đã có tính nhân bản tương đối cao, nhưng những điều ấy vẫn còn nằm trong sách vở chưa được những người thi hành luật pháp vẫn áp dụng đúng.

Các vấn đề ở trên sẽ được giải quyết khá triệt để nếu mỗi người đều chú trọng xây dựng tính nhân bản cho bản thân.Từ đó, xã hội sẽ trở tốt đẹp hơn.Đất nước không chỉ giàu mạnh về kinh tế, mà còn phát triển về văn hoá.

4. Tham khảo

[1] Gia-Khánh, Đinh. “Thần Thoại Trung Quốc”.

[2] Tâm-Xuyên, Hoàng. “10 tôn giáo lớn trên thế giới”. s.l. : NXB-CTQG, 1999.

[3] Thanh-Hải, Mai. “Từ điển Tôn giáo”. s.l. : NXB Tử Điển Bách Khoa, 2002.

[4] MinhTân, ThanhNghi, Xuân Lãm. “Từ điển Tiếng Việt”. s.l. : NXB Thanh Hoá, 1998.

[5] Collins, Francis. “The language of God: The scientist present evidence for belief”. 2007.

[6]Kinh Thánh Cựu Ước.”

[7]Kinh Thánh Tân Ước”.

[8]Sinh Học 12”. s.l. : NXB Giáo Dục.2006

[9]Lịch trình tiến hoá của sự sống”. Wikipedia. [Online]

[10] Bùi Tấn Anh, Phạm Thi Nga. “Lịch sử tiến hoá”. [Thư viện Hoa Sen]


1Đạo đức: Những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội.(Minh Tân,1998).
2Lương tâm: yếu tố nội tâm tạo cho mỗi người khả năng tự đánh giá hành vi của mình về mặt đạo đức, và do đó tự điều chỉnh mọi hành vi của mình. (Minh Tân,1998).

- Nhân bản: Tính cách tốt đẹp của con người, sử xự theo đạo đức.

Nguồn:APCS Network
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con người trong các quả cầu

    26/02/2016Nguyễn QuânỞ bài này tôi muốn quay lại một vấn đề chung nhất: Nội giới của con người, với tư cách là sản phẩm của hai phản không thể tách rời tự nhiên và xã hội. Nó không chỉ là tổng hòa các quan hệ xã hội mà còn là tổng hòa của các biểu hiện tự nhiên ở mức cao nhất và nói đúng hơn là các biểu hiện tự nhiên - xã hội bởi không một quan hệ xã hội nào trong con người không bị chi phối bởi các gốc rễ tự nhiên, bản chất sống và không một biểu hiện sống - sinh học nào của nó không bị chi phối bởi các quan hệ xã hội.
  • Bi kịch nhị nguyên và số phận con người

    18/05/2015Phan Bích HợpKhái niệm Nhị nguyên luận được dùng trong nhiều lĩnh vực của tri thức. Bất cứ một lý thuyết nào xác định sự phân ly không thể thu hẹp được giữa hai loại sự vật thì đều có thể gọi là thuyết nhị nguyên...
  • Vũ trụ và con người dưới góc độ khoa học tâm linh

    20/01/2009Trần Văn ĐìnhMục đích của cuốn sách nhỏ này là bước đầu gợi mở một mối nối lý thuyết khả dĩ để nhìn nhận thế giới hữu hình và thế giới vô hình thành một thể thống nhất. Khoa học và tôn giáo được xem xét như những hợp phần thúc đẩy nhau phát triển. Điều này dẫn đến những yếu tố lý thuyết hoàn toàn mới, dễ hiểu, mang tính đột phá, có khả năng bao quát các lĩnh vực khoa học và tâm linh, cho phép khảo sát những hiện tượng bí ẩn một cách đa dạng, có hệ thống và mở ra nhiều khả năng hoàn thiện cuộc sống con người.
  • Con người đi tìm chính bản thân mình

    15/12/2005Hà Huy KhoáiPhải chăng, để hiểu được chính bản thân mình, con người cần đến các máy tính biết tư duy. Tuy nhiên, chúng ta có thể lại phải đương đầu với một nghịch lí mới: máy tính cuối cùng sẽ làm sáng tỏ được cơ chế hoạt động của bộ não người, nhưng khả năng của bộ não người lại không đủ để hiểu được cơ chế đó!
  • Tiếp cận tính toàn vẹn về con người và thế giới con người

    19/07/2005Đỗ HuyCon người và thế giới con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều nghành khoa học khác nhau, như tâm lý học, xã hội học, lịch sử, văn hoá học…Song, theo chúng tôi, chỉ có triết học và triết học Mácxít chư không phải triết học Cantơ, Hêgen, Phoiơbắc hay những trào lưu triết học sau này như chủ nghĩa Tômát mới, chủ nghĩa hiện sinh mới có cách giải quyết đúng đắn vấn đề này. Làm được điều này, các nhà triết học Mácxít đã dựa trên quan điểm thực tiễn vật chất - tinh thần, trong đó, tâm điểm của nó là lao động của con người.