Thanh niên với quốc văn (3)

07:15 CH @ Thứ Bảy - 19 Tháng Ba, 2016
Xem thêm: Phần 1, Phần 2
.
Nguyên tắc thứ ba, ta sẽ chuộng sáng sủa. Có nhiều người thấy bên Pháp có phong trào viết văn tối tăm, bí hiểm, thì cho là tân kỳ lắm. Nó mới thật, nhưng là mới cho nước Pháp, một nước đã thừa cái tinh thần quả phân tách, đã chân cái tinh thần quá rõ rệt. Chứ đem cái phong trào tượng trưng ấy sang Á Đông ta, thì chỉ là làm nặng thêm cái bệnh mơ hồ, cái bệnh mờ mịt, cái bệnh thiếu sáng sủa của ta. Á Đông đã thấy cây liễu là người đàn bà, cây trúc là người quân tử, con chim sẻ là kẻ tiểu nhân, thì thật là tượng trưng quá lắm rồi, chẳng cần phải huyền bí thêm nữa. Khi tôi đói, thì nói: tôi muốn ăn. La Bruyère báo: “Anh muốn nói rằng tuyết xuống ư? Thì hãy nói: tuyết xuống”; chứ ai lại đi dấu mày dấu mặt trong một trường văn, trường thơ kín mít là nghĩa làm sao? Mặt của Tây Thi không cần phải che, hay chỉ che thoáng qua một bức mành, gọi là thêm vẻ mộng thơ, chữ còn mặt mà phải đấu kín như bưng, thì họa chăng là mặt của Chung Vô Diệm. Cái đẹp, không sợ ánh sáng. Cái hay thảng hoặc cũng có mù mờ. Nhưng bí hiểm có phải đâu là một định luật?
.
Với lại trào lưu thế giới hiện nay là trào lưu văn học bình dân. Mà cái bình dân Việt Nam lại là cái bình dân kém cỏi hơn cả. Ta phải viết văn sáng sủa để cho họ dễ hiểu. Văn của ta phải như tấm lòng hải hà của tạo vật, đẹp thì cũng phơi ra đó cho ai nấy đều được hướng, chứ tạo vật có làm hàng rào, có xây thành cấm đâu. Tôi nghĩ như triết lý siêu lý là những chuyện khúc mắc, khó khăn, mà Bergson còn viết ra được những câu sáng sủa, dễ lĩnh hội được; huống chi cái văn thơ thông thường, mà đi làm cho tối tâm hay sao? Ở đời, có cái khó hiểu thật. Nhưng khó hiểu là vì nó cao siêu hay khúc chiết, trí ta chưa nghĩ đến kịp. Chứ còn cái khó hiểu vờ của những người cố ý tạo ra một thứ tiếng lòng để nói riêng với nhau, thì ta mặc họ, không cần hiểu làm gì. Nói mà chẳng muốn cho người ta nghe, thì cứ nói riêng ở trong phòng, chứ sao lại còn in ra thành sách để bán?

Lại một khuynh hướng thứ tư, là chuộng sáng tạo.

Đã đành rằng phiên dịch. Nhưng dịch, mới là nhập cảng. Nhập cảng rồi còn phải sản xuất nữa chứ. Văn ta kém cỏi thì cố mà viết ra những văn hay, văn đẹp cho bằng người.
.
Đã đành rằng khảo cứu, nhưng khảo cứu chỉ mới là quay về quá khứ. Còn hiện tại thì ta phải viết văn để xây dựng cho tương lai. Gần đây có cái phong trào khảo cứu. Nhưng nhiều người vì thế mà như khinh sự sản xuất ra văn phẩm. Tôi xin hỏi: Nếu bây giờ chúng ta không viết văn, thì sau này con cháu ta lấy gì mà khảo cứu? Việc chính vẫn là việc sản xuất, chứ có phải là việc vào trong viện bảo tàng đâu!

Sáu nguyên tắc đã kể trên chẳng phải là tuyệt đối.

Nhưng hiện thời nhà quốc văn còn nghèo, thì con cái là chúng ta phải tuân theo một kỷ luật. Rồi thì quốc văn giầu đủ rồi, thì lúc ấy người nào có cái thuyết gì là lạ hay hay để phô trương, sự ấy là một điều vui cho văn học... Lúc ấy, hoặc có ai viết văn bí hiểm cũng không sao, ai có chuyên nói chuyện ma quỉ cũng chẳng hề gì, ai có viết lười thì đã có rất nhiều người khác siêng năng viết giùm cho họ. Chứ bây giờ nhà nghèo, cơm thiếu, thì điều cốt lũy hơn hết là phải tìm ra những món ăn chắc thật, tẩm bổ lành mạnh để lót lòng.
.
Tem kỷ niệm 100 năm sinh Xuân Diệu (1916-1985) phát hành 2/2/2016
*
* *
Câu chuyện đến đây, tôi xin tóm tắt lại cũng anh em bằng một tình cảnh. Này một đứa bé Việt Nam lọt lòng ra đời. Tiếng mẹ nó ru bao bọc lấy nó, mơn trớn vuốt ve. Dần dần đứa bé nghe lọt tai, rồi ngày ngày được ẵm bồng trong những câu ru Nam Việt. Tâm linh nó tự nhiên nhuần thấm tiếng mẹ đẻ; nghe lời ru, nó hết khóc, nó mỉm cười. Nó nằm trong nôi, mà cũng là nằm trong lòng mẹ, mà cũng là nằm trong tiếng nước nhà:

Nằm trong tiếng nói yêu thương,
Nằm trong tiếng Việt, vấn vương một đời.
Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi;
Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con (1)...

Mấy câu thơ ấy của một thi sĩ bạn tôi, thật đã tả cái cảnh yêu thương chẳng những của lòng mẹ mà còn của lòng đất nước. Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con...

Đứa trẻ lớn lên, ăn nói bằng tiếng của mẹ. Tiếng của mẹ đã như thành máu huyết chạy trong cơ thể nó, nuôi lấy tinh thần nó. Nhưng nó bỗng đến tuổi mười sáu. Lúc ấy cơ thể người con trai chuyển về tình ái, mà tinh thần người thiếu niên cũng đòi hỏi, sạo sục muôn nỗi niềm.

Tinh thần đòi những đồ ăn tẩm bổ cho. Người thiếu niên khao khát được biết, được hiểu; những nỗi yêu thương mơ ước, những cơn lý tưởng đến trong trí, những cái say đắm cũng như những nỗi lo lường; bao nhiêu tinh thần và tình cảm, họ đều cần có ai nói ra trước cho, để giúp họ bộc lộ cái bản ngã của họ. Người thiếu niên ấy đi tìm. Họ tìm trong quốc văn. Nhưng họ tìm không thấy, hay thấy rất ít ỏi. Cố nhiên là người thiếu niên ấy phải tìm ở trong những văn học tiên tiến của nước ngoài. Thế là, ở giai đoạn ấy, tiếng Việt Nam bỗng dưng như một người mẹ không đủ sữa để mà nuôi con. Thật là đớn đau, thật là tủi hổ cho lòng mẹ!

Người người chúng ta, ai nấy cũng đều lo làm ra tiền ra bạc để để của cho con; ăn tấm nhịn dặt cũng vui lòng, để có thể sau này chia cho con một ít ruộng nương hay vài cái nhà gạch. Nhưng chúng ta không biết rằng người thiếu niên đến tuổi nở nang bản ngã, họ cần sách vở, cần lý tưởng, cần văn học hơn là cần ruộng vườn. Chúng ta làm giầu đế của cho con, mà không ai lo làm việc tư tưởng, việc văn học để sau này để lại cho chúng cải gia sản tinh thần, thì cho chúng ta vẫn cứ còn đói!

Vậy thì chúng ta có thấy bổn phận của mình không?

Bổn phận ấy là: phải học quốc ngữ, để mà viết quốc ngữ, phải làm ra sách hay bằng quốc ngữ, để cho các em của ta lớn lên, chúng nó được hưởng “cây nhà lá vườn”. Để cho con cháu chúng ta khỏi phải cần một người - vú tinh thần nữa.

Huống chi, có phải ai nấy đều được học tiếng các nước ngoài đâu. Hàng triệu dân ta, dù trong vài trăm năm nữa, cũng chỉ biết có cái gì là nôm na, là quốc ngữ. Mà cũng chỉ có quốc ngữ mới nuôi được tâm thân ta một cách thấm thía đến trong từng giọt máu, trong mỗi tế bào của ta.

Chúng ta phải làm sao cho em út chúng ta, con cháu chúng ta, đồng bào thiếu học của chúng ta, khi mở một tập văn hợp tuyển của ta, cũng như khi ta mở một tập văn tuyển của các nước tiên tiến, sẽ được thấy một sự sống dạt dào nghìn vạn trạng. Cho tất cả những người ấy cũng thấy tả ra trong tập văn tuyển tiếng Việt cái cảnh người đi cày hay người đốt củi, cái cảnh con gà con vịt ở trong sân, cái tâm lý con chó con mèo ở trong nhà; thấy nỗi tức tối của một con chồn bị mắc bẫy, nghe bình minh gần đến, quả quyết nhe răng cắn đứt hẳn cái chân bị răng cưa chụp lấy, rồi chỉ còn ba chân, nó khấp khểnh chạy nhanh đi tìm rừng rậm, để cứu lấy, cứu để cái tự do.

Đại khái đến những loài vật mà người ta còn tả sự sống tinh vi đến như thế, huống chỉ ở con người, họ tả ra đằm thằm, sâu sắc biết bao nhiêu. Thế mà bây giờ ta không viết văn Việt Nam, thì bao giờ con cháu ta mới được một tập văn tuyến hay mà học? Chúng nó mà không có văn Việt Nam nuôi nấng, thì cũng như chúng ta hiện nay, chúng nó sẽ đi thất thểu lang thang, sờ soạng để tìm ra một linh hồn. Ta sẽ thấy con cháu ta rải rác trên các con đường, xin xỏ ở văn học ngoài những thức cần thiết.

Mà đã gọi là đi xin, hay đi vay, thì sao cho đầy đủ, cho thấm thía tận cùng được. Vườn xa có đẹp bao nhiêu, mà vào đó ta cũng có một cảm giác lạc vườn. Cái cảm giác xem nhờ ấy, một bạn tân học có tả ra trong một bài thơ. Ấy là bài “LẠC VƯỜN”:

Từ thuở nhỏ theo dõi Âu học,
Vườn phương xa đã nhọc công tìm.
Bước vào: hoa, gió, lá, chim,
Cũng vui, cũng đẹp, êm đềm, du dương.
Sao ta vẫn một thương hai nhớ
Trong cảnh người rực rỡ biết bao?
Tâm hồn nhổ rễ, lao đao,
Trơ vơ ta đứng, nghẹn ngào lòng quê.
Đang bâng khuâng, ê chế, mệt mỏi,
Bỗng thiết tha tiếng gọi trong không:
“Về đây con! Gió lạnh lùng!
Sương chiều xuống nặng, mẹ mong, con về!”

Giật mình thót, giấc mê vừa tỉnh,
Nhin chung quanh vườn cảnh huy hoàng,
Quyết lòng ta dứt tơ vương,
Để theo tiếng gọi mẹ đương đợi chờ.
Nay trở lại vườn thơ đất nước,
Giữa muôn hoa, suối nước trào tuôn;
Say sưa hồn tắm nguyên nguồn,
Mang về đôi chút hương vườn trời xa(2)...

Kết thúc câu chuyện hôm nay, tôi xin nói gắng vài câu nữa, và nhă'c lại rằng: Công việc phiên dịch, nghiên cứu, hay sáng tác, có lẽ anh em chờ đến lúc đỗ tốt nghiệp ra trường Đại học, anh em mới có thể dành chút thì giờ ra mà làm lụng. Nhưng cũng không phải đợi vài ba hay năm sáu năm nữa mà anh em mới làm việc được cho quốc văn. Anh em có thể làm ngay chiều nay hay sáng mai được. Anh em dở ngay sách quốc văn ra mà đọc. Sách hay, anh em đọc, sách dở, anh em cũng cứ đọc. Anh em đừng ngại rằng quốc văn ta nghèo nàn, kém cỏi,không đủ món ăn cho anh em. Không đủ, anh em cũng cứ xem, rồi thì khen lao hay chỉ trích, hay chế nhạo cũng được; nhưng miễn sao anh em đừng hững hờ. Anh em làm cái bổn phận ủng hộ, bổn phận dễ nhất của anh em.
Còn nhà chúng ta nghèo, chúng ta chớ ngại.

Nhà nghèo mà anh em ta biết chịu thương chịu khó, biết cố gắng, biết hy sinh, thì chẳng mấy chốc mà cái nhà văn học Việt Nam, từ vách đất mái tranh, sẽ hóa nên lâu đài cung điện.

Thưa anh em, văn học Việt Nam đang mong mỏi ở mỗi người chúng ta!
- HẾT -
(Xuân Diệu nói chuyện ngày 4.2.1945 ở trường Đại học)

Chú thích:
1) Thơ của Huy Cận
2) Thơ của Xuân Việt

Nội dung liên quan

  • Gồng mình với “cái tôi”, vì trống rỗng và bất tài?

    11/06/2017Nhà phê bình Nguyễn HòaNgười ta khó có thể phân biệt giữa bạt ngàn các nghệ sĩ được quảng bá và tự quảng bá trên hệ thống thông tin đại chúng thì đâu đích thực là “ngôi sao” tài năng, và đâu chỉ là “ngôi sao băng” lóe ngang qua “bầu trời nghệ thuật” rồi tắt ngóm?
  • Thanh niên với quốc văn (2)

    13/03/2016Xuân DiệuSống, tức là chọn lựa. Không thể đi nước đôi được, nhất là khi văn học Việt Nam còn ấu trĩ. Vậy rất sơ sài, tôi xin trình ra đây gọi là sáu nguyên tắc...
  • Thanh niên với quốc văn

    11/03/2016Xuân DiệuĐây là bài nói chuyện của Xuân Diệu với các sinh viên, học sinh Việt Nam tại trường Đại học ngày 4-2-1945. Trong phạm vi diễn thuyết Xuân Diệu đã nói sơ qua những quan niệm cần có để gột rửa cái óc nô lệ của người mình trước văn hóa dân tộc...
  • Tuy Lý Vương - Thi Sĩ Tàu

    29/02/2016Xuân DiệuTrong những tập văn sử hay trên các báo chương, người ta vẫn thường nói đến ông Hoàng Tuy Lý. Bảo rằng đó là một ông hoàng, thì tôi không cãi được; bảo rằng đó là một bậc đức hạnh đáng khen, tôi cũng xin vâng. Nhưng nói đến văn nghiệp của Tuy Lý vương, thì hãy cho phép tôi do dự...
  • Cái học quẩn quanh

    09/02/2016Xuân DiệuCái học mới ta chưa lĩnh hội được bao nhiêu, ta chưa tạo ra được máy móc gì, mà đúng một cái, chúng ta đã trở về với “trời bến Phong Kiều” hay “thu sông Xích Bích”. Phong Kiều hay Xích Bích đi nữa, thì chúng nó cũng chẳng phải là Hoành Sơn hay Nhị Hà! Mới trở lại học chữ Hán được vài năm, mà ta chui ngay vào cái vòng nô lệ cũ...
  • Hàng bia Văn Miếu

    02/02/2016Xuân DiệuƠ kìa, bạn ở Hà Nội mà không biết trong Văn Miếu có hai hàng bia, khắc tên các vị khoa giáp ngày trước?
  • Công danh với sự nghiệp

    17/12/2015Xuân DiệuNước Việt Nam ta lụn bại vì công danh. Người Việt Nam hàng nghìn năm cho đến nay, hiểu lầm hai chữ công danh. Đang lúc các bạn thiếu niên nhiều người có ý ngóng ngóng chờ chờ đi học trở lại, đang lúc sắp mở một kỷ nguyên mới cho nước ta và cho nền giáo dục Nam Việt, tôi tưởng không gì cần thiết bằng bản rõ cùng các bạn đi học, về cái công danh...
  • Từ làm báo Phong Hóa, đến văn phái Tự lực văn đoàn

    22/10/2015Khúc Hà LinhXã hội Việt Nam những năm 1930-1945 trải qua một thời kỳ biến động sâu sắc về chính trị, kinh tế và văn hoá. Chỉ nói riêng về văn hoá, thời kỳ này các loại sách báo hải ngoại du nhập vào Việt Nam khá phong phú. Hàng loạt học sinh từ Pháp trở về nước mang tư tưởng tân tiến, mới lạ đã có ảnh hưởng tới đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp học sinh tiểu tư sản trí thức.
  • xem toàn bộ