Thế hệ các bạn phải hơn chúng tôi!

03:12 CH @ Chủ Nhật - 26 Tháng Sáu, 2016

Tôi muốn chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm của một người làm công tác nghiên cứu khoa học, với tấm lòng chân thành chia sẻ kinh nghiệm thành công và thất bại, những điều tôi tâm niệm, trau dồi. Có điều tôi làm được, có điều tôi làm chưa tốt đâu nhưng tôi cứ trao đổi với các bạn.

Tốt nghiệp đại học mới chỉ là cơ sở để mở đầu cuộc đời của người cán bộ nghiên cứu. Có bằng tiến sĩ cũng là bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học. Hãy ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Học để làm việc, làm người, làm cách mạng. Học để phục vụ nhân dân.”

Học nữa, học mãi vì kiến thức của loài người tăng lên với cấp số nhân. Kiến thức của nhân loại trong 5 năm gần đây bằng tổng số kiến thức của nhân loại trong 5000 năm trước đó cộng lại. Như về thiên văn học, thì đến trên 90% hiểu biết về vũ trụ của loài người đã được phát hiện ra và xác định trong 5 năm gần đây.

Các bạn bắt đầu cuộc đời là cán bộ nghiên cứu khoa học, các bạn phải phấn đấu rất gian khổ về mọi mặt, trước hết là về phương pháp nghiên cứu và tính trung thực trong nghiên cứu khoa học.

Marx đã viết trong trang bìa của cuốn Tư bản bằng Tiếng Pháp: "Không có con đường bằng phẳng nào cho khoa học. Chỉ có những ai không ngại khó nhọc trong khi trèo trên những con đường dốc của khoa học mới có cơ hội đạt được những đỉnh cao xán lạn của nó".

Các bạn hãy có dũng khí của nhà khoa học, tìm kiếm sự thật, tôn trọng sự thật, nói lên sự thật.

Nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã nói "Khuất phục trước quyền lực là kẻ thù của chân lý". Nhà bác học Gallilei dẫu lên giàn thiêu cũng vẫn nói lên chân lý trái đất quay chứ không nói khác được.

Các bạn hãy luôn tự đặt ra những câu hỏi, hãy hoài nghi những gì đã được coi là chân lý vĩnh cửu. Chính Albert Einstein không tin vào các khái niệm tưởng như vĩnh hằng về thời gian, tốc độ, khối lượng, năng lượng nên mới có những phát minh vĩ đại về thuyết tương đối.

Điều quan trọng nhất là phải vượt lên chính mình để tìm đến sự thật. Phải vượt qua mọi cám dỗ của kẻ cơ hội, của sự dối trá, xu nịnh. Trong lịch sử khoa học, rất nhiều nhà khoa học chân chính đã phải trả giá vì sự trung thực và dũng cảm của mình.

Người ta có thể dùng tiền bạc để mua bằng cấp (điều rất đáng buồn nhưng lại là sự thật) nhưng không ai có thể mua được kiến thức, càng không thể mua được bản lĩnh khoa học, phương pháp nghiên cứu và uy tín trong khoa học. Người ta cũng có thể dùng tiền để mua được chức tước, địa vị nhưng không thể mua được sự tín nhiệm của đồng nghiệp và xã hội.

Các bạn hãy rèn cho mình phương pháp và bản lĩnh làm việc khoa học: quan sát, tích luỹ , phân tích các sự việc, tìm ra cốt lõi logic hay bản chất của sự việc.

Không bao giờ chỉ nên dừng lại ở hiện tượng, các bạn phải tìm ra các mối quan hệ của hiện tượng, từ nguyên nhân, các nhân tố tác động, hoàn cảnh đi đến bản chất của hiện tượng. Nhà nghiên cứu khoa học phải tìm đến bản chất của sự việc, quy luật vận động của sự việc.

Các bạn phải làm giàu kiến thức từ nhà trường bằng hiểu biết thực tiễn. Thực tiễn sinh động là không khí của người cán bộ nghiên cứu, không có không khí đó các bạn sẽ chết ngạt hay chết dần mòn trong lối học từ chương, sách vở.

Hãy học từ thực tế trong nước, thực tế ngoài nước, các con số thống kê, con người, nhân vật, qua nghiên cứu thực địa, tiếp xúc. Các bạn phải hệ thống hoá kiến thức, thường xuyên cập nhật các số liệu, dữ kiện về lĩnh vực chuyên môn của mình và các hiểu biết về con người, về đất nước.

Mỗi người phải tự làm kho tư liệu cho chính mình. Các bạn hãy chuẩn bị cho mình sổ sách, phiếu ghi chép, tư liệu trên máy tính. Từng ngày hãy làm giàu kiến thức của mình, sống mà không có tích luỹ kiến thức sẽ rất nghèo nàn, chậm tiến bộ vì kiến thức cũ đi rất nhanh.

Yêu cầu và kinh nghiệm làm tư liệu. Các bạn hãy rèn thói quen đọc và ghi chép hàng ngày. Các bạn hãy học tấm gương của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn viết nhật ký liên tục 30 năm, không nghỉ một ngày, kể cả khi đau ốm.

Nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn viết Vân Đài Loại Ngữ, đã thu thập từ tất cả các vùng của đất nước bằng một hệ thống thẻ tư liệu, được bó thành túi theo chuyên đề, đã tích luỹ được một kho kiến thức khổng lồ và để lại cho chúng ta.

Ngày nay, công nghệ thông tin giúp các bạn làm chủ được việc tích luỹ kiến thức ấy thuận lợi hơn nhiều nhưng các bạn phải học. Không có ai bổ đầu ra để nhét kiến thực vào đầu các bạn được.

Nắm vững nghị quyết, chỉ thị, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực chuyên môn một cách có hệ thống. Hiểu rõ bản chất, nội dung, hoàn cảnh ra đời, mục đích, ý nghĩa của nó, thời hiệu của nó, nội dung mới, cái cốt yếu của nó.

Đó là cơ sở để làm việc, để cụ thể hoá chính sách, vận dụng, tiếp tục bổ sung, phát triển chính sách một cách sáng tạo, không phải để lặp lại một cách máy móc hay nói theo như con vẹt.

Mỗi người phải tự xác định cho mình một lĩnh vực chuyên môn sâu về kinh tế và xã hội. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, trước hết phải nắm thật vững, thật sâu một vài lĩnh vực rồi mới dần dần mở rộng ra các lĩnh vực khác.

Cần hết sức tránh "kiến thức nửa mùa" theo kiểu các cụ gọi là “đạo thính, đồ thuyết" (học lỏm, nghe trộm), thiếu chính xác, không có hệ thống. Đừng chạy theo những cám dỗ của những bong bóng xà phòng lộng lẫy, hào nhoáng nhưng không có thực chất, không có căn cứ vững chắc, bong bóng xà phòng sẽ vỡ nhanh chóng khi bị gió mạnh, kiến thức không vững chắc sẽ không đủ để vận dụng và không chịu được thử thách của cuộc thực tiễn.

Phải tự khe khắt về tính chính xác, tính trung thực trong cách biểu đạt của mình. Phải tự chịu trách nhiệm cá nhân về những vấn đề nêu ra và ý thức được về ảnh hưởng, tác động của vấn đề đó. Cuộc đời và khoa học sẽ trừng phạt mọi sự dối trá, làm ẩu, không có căn cứ.

Hãy học cách tự vắt hết đến 90% nước trong quả chanh sức lực của mình cho một công trình. Hết sức tránh chủ nghĩa cơ hội, ăn theo nói leo một cách vô căn cứ, thậm chí ngược với những gì mình biết. Mỗi người phải tự khẳng định nhân cách khoa học của mình.

Các bạn hãy học sự chính xác và cẩn trọng của ngành y, thầy thuốc chẩn bệnh sai, cho thuốc sai và xử lý chậm là chết người.

Các bạn phải học ngoại ngữ. Trong thế giới ngày nay, ngoại ngữ là cửa sổ để nhìn ra thế giới. Nước ta còn nghèo và kém phát triển, tài liệu khoa học tiếng Việt còn hạn chế, phải làm chủ được ngoại ngữ mới có cửa sổ nhìn ra thế giới.

Ít nhất, các bạn phải có tiếng Anh để sử dụng được Internet và đọc sách chuyên môn. Phải có bằng TOEFL mới có thể đi học nước ngoài được, phấn đấu sử dụng thông thạo tiếng Anh, bảo đảm nghe hiểu, viết và biểu đạt các ý tưởng khoa học bằng tiếng Anh.

Phải phân biệt tiếng Anh chuyên môn với tiếng Anh giao tiếp phổ thông, phải nắm vững thuật ngữ, cách biểu đạt chính xác bằng tiếng Anh như một nhà nghiên cứu, có học vấn.

Kinh nghiệm của tôi và của nhiều người là đọc sách bằng tiếng gì ghi ngay bằng ngôn ngữ đó, không dịch ra tiếng Việt vì sau này khi cần tra cứu lại, có thể có những nội dung quá mới, không bị ngờ vực là mình đã đã dịch nhầm.

Nói gì, lúc nào cũng là điều phải học. Người ta nói "Học nói thì lên ba đã biết nhưng học im lặng thì suốt đời vẫn phải học."

Bác Hồ đã dạy: "Suy nghĩ trước khi nói, thận trọng trước khi viết, bĩnh tĩnh sáng suốt lúc nguy nan, kiên nhẫn ôn hoà lúc tức giận". Tránh nói lung tung, câu chuyện làm quà, bạ đâu cũng nói, chuyện gì cũng nói, ít hiệu quả, thậm chí có hại. Đây là điều khó, song phải rèn luyện để đạt cho bằng được.

Các bạn phải học để làm việc trong tập thể trình bày rõ ràng ý kiến của mình, tranh luận, tôn trọng người khác một cách xây dựng.

Lắng nghe ý kiến, thực sự cầu thị, khiêm tốn tiếp thu ý kiến, nhất là những ý kiến trái với ý kiến của mình. Tránh tự ái, tự phụ, tự cho mình là giỏi giang, không cần nghe ai, càng phải hết sức tránh thành kiến không có căn cứ, cảm tính.

Tránh điều nhà văn Nga Lev Tolstoi đã mô tả trong cuốn Anna Karenina: "Từ bất đồng trở thành bất hoà, từ bất hoà trở nên bất đồng", chỉ vì bất hoà với người khác mà luôn bất đồng với người ta, người ta nói phải cũng không chịu nghe là tự mình làm hại mình.

Các bạn hãy học cách viết: Nhất thiết phải làm đề cương: viết cái gì, giải quyết vấn đề gì, viết đến đâu, nhằm đối tượng nào. Các bạn sẽ phải viết các loại hình viết: báo cáo, tổng thuật, bình luận. Các bạn phải chú ý có trích dẫn tài liệu tham khảo, sòng phẳng, cái gì học của ai phải trích dẫn người đó.

Nội dung là quan trọng nhất, đồng thời rất chú ý kỹ thuật văn bản. Rất chặt chẽ về hình thức, chính tả đối với mọi văn bản. Marx nói: “Sản phẩm của con người là sự hiện thân được vật hoá của con người đó".

+ Mỗi người tự chọn đề tài, xin đăng ký với ban có thể có đề tài Ban hay Viện mỗi năm có hai sản phẩm. Khi kiểm điểm không cần nói dài, chỉ cần trình các sản phẩm. Người làm khoa học không có sản phẩm là một nhà khoa học đã chết, chỉ còn sống bằng quá khứ .

Lập đề cương nghiên cứu: xác định vấn đề, phạm vi, phương pháp giải quyết, thời gian, phương tiện. Tránh làm khoa học bằng cách chép lại của người khác rồi tự cho đấy là của mình.

+ Khuyến khích sáng tạo, mạnh bạo phát biểu ý kiến, không phân biệt tuổi tác, thứ bậc, nhưng biểu đạt cần khiêm tốn.

- Giao tiếp: điện thoại, tiếp khách, giao dịch quốc tế và trong nước, lễ tân, ăn mặc. Lịch sự, chân thành, chu đáo. Trong tranh luận khoa học các bạn có thể nhân nhượng 99% về sự lễ phép, về giao tiếp, ứng xử, đi đến chỗ người ta để gặp gỡ nhưng phải đòi hỏi 100% về nội dung, về tính chính xác trong tranh luận khoa học.

Phát biểu trong cuộc họp phải có nội dung, ngắn gọn, rõ ý, không nói dài, phát biểu không phải để khoe kiến thức của mình.

Tranh luận về nội dung, không được "nóng gáy", không nên đáp lại sự đả kích của người khác bằng sự đả kích lại của mình. Luôn luôn vì công việc và chỉ vì công việc khoa học chứ không nhằm vào cá nhân, nếu được như thế các bạn sẽ tránh được hiểu lầm.

Việt Nam có thành ngữ "Một lời nói là một đọi máu" để nhắc nhở nói điều gì phải có căn cứ, có trách nhiệm. Họp không nói chuyện riêng, ghi chép, tham gia tích cực vào sinh hoạt khoa học, hội thảo .

Hết sức tránh thói tán gẫu, lười nhác, mất thời giờ. Hết sức tránh nói điện thoại dài "buôn dưa lê", mất thì giờ của mình và của người khác. Tiết kiệm thời gian của mình và của người khác, mình không làm việc thì đừng ngăn cản người khác làm việc, tiết kiệm tiền bạc của công (giấy, điện thoại, điện) và của tư, của bền tại người.

- Có kế hoạch làm việc học tập, phấn đấu hàng năm, hàng tháng, hàng ngày. Có công việc cho từng ngày (như thảo văn bản, quét nhà, rửa chén), có sản phẩm của từng năm (báo cáo, công trình nghiên cứu) và có công trình của cả đời người (như viết sách, có công trình).

Không thể để lúc cuối đời, điểm lại chỉ có rửa chén, quét nhà bao nhiêu lần mà phải chỉ ra công trình gì. Chấp nhận sự cạnh tranh trong nước và quốc tế, vươn lên đạt trình độ quốc tế về năng lực, hiểu biết .

- Phấn đấu về phẩm chất, quan hệ thân ái. Bạn bè là tài sản lớn, “Les bons comptes font des bons amis" . Chọn bạn tốt mà chơi, “nói cho tôi anh chơi với ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào". Quan hệ và tiếp xúc còn quý hơn tiền bạc. Nhiều bạn, ít thù, bạn trong nước và bạn quốc tế.

Con đường của các bạn đã được công cuộc đấu tranh của dân tộc và công cuộc đổi mới rộng mở hơn thế hệ chúng tôi.

Khổng Tử nói: "Hậu sinh khả uý", thế hệ các bạn phải hơn thế hệ chúng tôi. Hãy mạnh bước lên, sớm gánh vác công việc và xứng đáng với sự tin cậy của đất nước chúng ta. Tương lai đang rộng mở với các bạn.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thế hệ trẻ văn minh hay bơ vơ

    26/11/2019Nguyễn Vĩnh NguyênĐơn giản, nếu được hỏi sẽ mang gì khi đến một hòn đảo, câu trả lời của thanh niên Đức là: đĩa CD mà tôi thích! Cuộc triển lãm Jung:de do viện Goethe tổ chức tại TP.HCM “dọn ra” 17 cái mặt CD, mỗi CD là một vấn đề thuộc đời sống người trẻ Đức. Thanh niên Đức đang thực sự quan tâm đến vấn đề gì trong cuộc sống của họ? Họ sẽ “định diện” nền văn hoá mà họ đang làm chủ như thế nào?
  • Thư cho một bạn trẻ

    28/01/2016Trần Hữu DũngBạn quý mến, rất tiếc là tôi chưa được quen thân với bạn, nhưng tôi đã thấy bạn từ bục giảng của tôi, nghe bạn tâm tình qua những bức thư đầy bức xúc về đất nước, về tương lai, và về nhân loại nữa...
  • Nói với thế hệ trẻ

    03/10/2013Tốt nghiệp đại học mới chỉ là cơ sở để mở đầu cuộc đời của người cán bộ nghiên cứu. Có bằng tiến sĩ cũng là bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học. Hãy ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Học để làm việc, làm người, làm cách mạng. Học để phục vụ nhân dân”...
  • Người trẻ phải tự chủ

    27/12/2008Lê Ngọc Sơn - Phương Loan (Thực hiện)Chuyên gia Nguyễn Trung đã tâm sự cùng SVVN về câu chuyện tự chủ của người trẻ và sứ mệnh của họ trước yêu cầu của đất nước...
  • Việc làm có ý nghĩa quan trọng với thế hệ trẻ

    03/06/2006Vũ Đình Khôi ([email protected])Trước tiên, tôi gởi lời cảm ơn chân thành đến GS Chu Hảo về việc thành lập NXB Tri Thức. Thật tình, thế hệ trẻ chúng tôi bị thiếu thốn về các tri thức kinh điển của thế giới vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Nhưng theo tôi chủ yếu là chủ quan...
  • Định hướng giá trị và sự phát triển của thế hệ trẻ

    03/03/2006Phó GS. TS. Đỗ LongGiá trị bao giờ cũng đóng một là vai trò chỉ đạo và định hướng cho xã hội theo những mục tiêu to lớn được coi là có ý nghĩa cho sự tồn tại và phát triển. Quá trình phát triển của xã hội nhanh hay chậm tùy thuộc ở chỗ giá trị được định hướng có phù hợp với quy luật khách quan hay không, phù hợp nhiều hay ít, có tương ứng với giá trị của cộng đồng, của cá nhân hay không và sự tương ứng ấy ở mức độ nào...
  • Tin vào thế hệ @

    05/07/2005Liệu có cần thiết phải băn khoăn và lo âu quá nhiều như vậy về một thế hệ mới xuất hiện trong xã hội hay không? Thay vì hồ nghi, xin hãy tin tưởng. Thay vì xét nét chúng ta hãy hướng dẫn họ bằng những tấm gương cả tốt lẫn xấu của các thế hệ đi trước. Tôi rất phục các bậc tiền bối khi quyết định dựng Bia Tiến Sĩ trong Văn Miếu Quốc tử Giám với mục đích để răn đe hậu thế: Người thực tài có công với đất nước sẽ được vinh danh, người không thực tài sẽ chịu nhục vì cái hư danh của mình đến muôn đời...
  • Làm gì để có một thế hệ khoa học trẻ năng động, sáng tạo?

    08/02/2003Mai Lan* Đại học phải kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học * Từ bỏ lối dạy và học từ chương khoa cử * Tiếp tục mở rộng cửa ĐH * Nâng cao chất lượng ĐH trọng điểm * Xem xét lại việc đào tạo và sử dụng nhân tài * Cải tổ lại công tác tổ chức và quản lý ĐH.
  • xem toàn bộ