Văn hóa bắt chước

04:15 CH @ Thứ Ba - 22 Tháng Tư, 2014

Hội nhập kinh tế toàn cầu là một tất yếu, khó có nước nào có thể đứng ngoài xu thế đó. Xu thế hội nhập bắt nguồn từ nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, trí tuệ và lao động một cách hợp lý hơn trên cả phạm vi càng rộng càng tốt để phục vụ cho nhu cầu khám phá càng nhiều những thú vui trong tiêu xài và hưởng thụ của con người vốn dĩ đã bắt đầu tăng tốc từ cuộc cách mạng công nghiệp cách đây vài thế kỷ.

Con tầu "tiện nghi và xa xỉ" đó đang băng về phía trước mông lung, tàn phá nặng nề thiên nhiên và cả đạo đức, để rồi không biết khi nào thì sẽ gặp hiểm họa. Trước mắt thì cũng đành phải lên tàu, không lên thì nó cho ăn khói, không những thế, trông những kẻ trên tàu thấy họ dáng vẻ bệ vệ, ăn mặc sang trọng, vàng bạc đầy người, đi lại hối hả, trót va vào nhau thì xì ra nụ cười và nói vài lời xin lỗi, nhưng vẫn thấy họ nhìn nhau gườm gườm như giữ thế. Lên tàu có nghĩa là chạy cùng một đường ray, cùng lao về một đích.

Tuy vậy, có một nhu cầu khác cũng là tất yếu, một tất yếu còn tự nhiên hơn là xu thế hội nhập kinh tế. Đó là nhu cầu bảo tồn văn hóa của các dân tộc trên con tầu chung kia, bởi Thế giới tự nhiên cũng như Loài người được sinh ra chỉ có thể tồn tại và phát triển trong sự đa dạng như một định mệnh. Nói cách khác thì một trong một vài kịch bản của sự chấm dứt sự sống của nhân loại trên trái đất này là trạng thái đồng nhất. Cuộc sống trên trái đất này sẽ chán ngắt, không còn động lực, mất hết đam mê để sống và sáng tạo, nếu ta đã biết hết mọi điều cần biết hoặc nếu ở mọi ngõ ngách của quả đất con người đều na ná giống nhau, suy nghĩ và hành động theo cùng một kiểu. Cứ hình dung xem cuộc đời sẽ tẻ nhạt biết chừng nào khi trên trái đất này chỉ rặt một giống người tóc đen, mắt xanh, da bánh tẻ, cùng chung một thú ẩm thực là ăn bánh mì với mắm tôm, chan cơm với sữa bò và đồ uống chỉ có côca-côla. Ngay cả khi con người vẫn giữ được sự đa dạng về hình thể nhưng văn hóa bị đồng nhất thì niềm vui cho sự khám phá, đam mê cho sự tìm tòi chỉ còn non nửa, mà như thế cuộc đời sẽ nghèo nàn, xã hội sẽ chậm phát triển. Ấy là ta còn chưa hình dung dược ảnh hưởng của cái sự "nghèo nàn văn hóa" đó đến tâm lý của con người sẽ như thế nào. Biết đâu sự tác động ấy sẽ gây nên những đột biến tâm lý, khiến thế giới trở nên bất ổn khôn lường. Vì vậy, bảo tồn sự đa dạng văn hóa ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng là cần thiết do chính sự tồn tại lành mạnh của loài người.

Mặt khác, nếu đã leo lên tàu thì phải tương tác, tương tác kinh tế là lẽ đương nhiên, nhưng tương tác văn hóa cũng là tất yếu. Tương tác văn hóa tốt thì đảm bảo cho tương tác kinh tế thành công, đó là điều đã nhiều lần chúng ta nghe thấy. Từ lý thuyết tương tác (còn gọi là lý thuyết va đập) của các vật rắn, ta biết được điều gì sẽ xảy ra khi một vật rắn khối lượng nhỏ nhưng lại có độ rắn tuyệt đối đập vào một vật rắn khác có khối lượng lớn hơn. Phải thẳng thắn mà nói rằng, trong con tàu nói ở trên, trong các toa hang sang phần lớn là người phương Tây với văn hóa phương Tây, và cách tư duy hiện đại. Làm sao khác được khi mà ý tưởng và công sức đóng con tàu này thuộc về bao thế hệ cha ông của họ. Tuy vậy, vẫn có một số toa tàu sang trọng mà chủ nhân của chúng là những người tóc đen, da mai mái, chỉ thích ăn cơm mà lại ăn bằng đũa. Làm thế nào để từ toa tàu chợ chuyển sang toa hạng nhất là một câu chuyện dài, nhiều học giả, nhiều nhà chính trị và xã hội đã và đang bàn đến một cách sôi nổi. Hình như cách "chuyển toa" sau được nhiều người lưu tâm hơn cả. Đó là cách đi uyển chuyển theo kiểu giai đoạn đầu bắt chước phương Tây xây dựng một xã hội với cách nghĩ, cách làm ăn hiện đại (phù hợp với tác phong đi "tàu"), có lưu ý đến những văn hóa phương Tây cần thiết mang tính hậu thuẫn cho quá trình hiện đại hóa xã hội. Sau khi hiện đại hóa thành công thì bản sắc văn hóa lại củng cố và phát huy tác dụng để xã hội tiếp tục đi lên theo chiều hướng hiện đại hơn, bắt nhịp với các xã hội tiên tiến khác. Có vẻ như cách đi này vừa đáp ứng được "ý thích đi tàu bất đắc dĩ", vừa bảo toàn được tính đa dạng của văn hóa, điều tối thiểu cần thiết mà loài người phải tuân thủ.

Để có một góc nhìn cụ thể về sự tương tác văn hóa và diễn đạt điều mà ta gọi là quá trình "chuyển toa" ở trên, chúng ta lấy cấu trúc văn hóa làm đối tượng xem xét. Có quá nhiều định nghĩa về văn hóa, trải dài từ cách liệt kê tất cả những gì thuộc về phạm trù văn hóa, đến những định nghĩa mang tầm khái quát, trừu tượng. Ở đây chúng ta sẽ sử dụng định nghĩa mang tính cấu trúc. Cụ thể, ta có thể ví văn hóa (chỉ bao gồm các yếu tố phi vật thể) như một trái cây gồm ba lớp (ba tầng cấu trúc). Trong phần lõi (hạt) của nó bao gồm bốn thành tố cơ bản:

a. Thế giới quan
b. Nhân sinh quan
c. Tôn giáo
d. Thể chế

trong đó yếu tố thứ ba quan hệ mật thiết với yếu tố thứ nhất, yếu tố thứ tư có tính trường tồn kém hơn so với ba yếu tố ban đầu. Lớp giữa là các quy ước về:

1. Đạo đức
2. Xã hội
3. Hành vi

của các thành viên trong xã hội. Ba quy ước này được thể hiện dưới dạng luật pháp và cả các quy định bất thành văn. Ba quy ước đó đều được xây dựng phù hợp với thang giá trị được coi như chuẩn mực của nền văn hóa cụ thể, mà thang giá trị lại được xác định chủ yếu dựa vào phần lõi. Trong ba quy ước nói trên thì quy ước thứ nhất và thứ ba phần nhiều thể hiện dưới dạng quan điểm hay dư luận xã hội, trong khi quy ước thứ hai lại ở dạng luật pháp nhà nước là chính. Lớp ngoài cùng của "trái cây" văn hóa sẽ là những yếu tố như: phong tục, tập quán, thói quen, nghi lễ... Trong thói quen có các thói quen về sinh hoạt, tính cách, tác phong, cách nghĩ và cách làm hàng ngày. Khả năng thay đổi của các thành tố của văn hóa, theo cách sắp xếp ở trên, tăng dần từ lớp trong ra lớp ngoài. Tất nhiên, sự thay đổi ở lớp ngoài sau một khoảng thời gian nhất định cũng sẽ gây ra biến đổi ở các lớp trong. Thông thường, sự biến đổi từ ngoài vào trong diễn ra từ từ nhưng ôn hòa và ổn định, trong khi biến đổi theo chiều ngược lại thường kéo theo những bất ổn không thể dự đoán.

Trong quá trình hội nhập, các nền kinh tế có mức độ phát triển rất khác nhau. Trong nhiều định nghĩa thì mức độ tiên tiến của xã hội, bao gồm các yếu tố như: trình độ phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống, mức sống bình quân của xã hội thể hiện bằng chỉ số thu nhập quốc dân (GDP) trên đầu người, và một loạt các yếu tố khác cộng với văn hóa kèm theo được gọi là văn minh. Cũng có khi người ta tách các yếu tố văn hóa ra khỏi định nghĩa tổng hợp nói trên để có định nghĩa riêng về văn minh. Ở đây ta sử dụng khái niệm văn minh tách bạch khỏi các yếu tố văn hóa, và coi nó như là môi trường nuôi dưỡng văn hóa tương ứng với nó. Nếu như vậy thì có thể nói, các nền văn hóa tương ác với nhau trên cơ sở tương tác của các nền văn minh (trong ngữ cảnh hiện tại thì cụm từ được dùng chính xác hơn có lẽ là tương tác của các xã hội có mức độ tiên tiến khác nhau. Tuy vậy để cho ngắn gọn ta sẽ dùng cụm từ sự tương tác của các nền văn minh hoặc các trình độ văn minh). Đặc trưng lớn nhất cho khả năng xảy ra tương tác văn minh là sự khác biệt lớn về trình độ khoa học công nghệ, khả năng tổ chức và điều hành nền kinh tế hiệu quả, và lẽ đương nhiên các yếu tố này quyết định đến chỉ số GDP trên đầu người, hay nói một cách dân dã là khoảng cách giàu nghèo.

Vậy quá trình tương tác văn hóa xảy ra như thế nào khi hai nền văn minh tương ứng, một thấp, một cao tương tác với nhau. Giống như sự tương tác giữa hai vật rắn, ở đó ta có các định luật bảo toàn chi phối thì trong tương tác văn hóa ta cũng có thể nêu lên một số khẳng định mang tính quy luật như sau. Trước tiên ta đưa ra một vài khái niệm.

Chiều ảnh hưởng văn hóa (hay véc tơ ảnh hưởng văn hóa): Ta nói nền văn hóa A tác động (ảnh hưởng) lên nền văn hóa B, nếu các thành viên của nền văn hóa B có xu hướng thay đổi một số yếu tố văn hóa của mình theo hình mẫu của nền văn hóa A hoặc du nhập trực tiếp một số yếu tố của nền văn hóa A. Véc tơ ảnh hưởng có gốc tại A và hướng từ A đến B. Nói theo cách nói thông thường thì đó là cách bắt chước hay văn hóa bắt chước của B đối với A. Véc tơ ảnh hưởng là véc tơ nhiều chiều, mỗi chiều của nó là một yếu tố cấu thành nên nền văn hóa như trong định nghĩa nói trên.

Mức độ ảnh hưởng văn hóa: Được thể hiện bằng số lượng các yếu tố văn hóa bị biến đổi và cường độ thay đổi của từng yếu tố đó. Mức độ ảnh hưởng không đơn thuần chỉ là độ dài của véc tơ ảnh hưởng văn hóa, mà còn là số chiều có hình chiếu khác không của nó trên đó. Đến đây ta có thể nêu lên các nhận xét như sau:

Nhận xét 1: Giống như quá trình lan truyền nồng độ, ảnh hưởng của văn hóa luôn xảy ra ngược chiều với chiều tăng của trình độ văn minh, nghĩa là ta chỉ có thể quan sát thấy chiều ảnh hưởng văn hóa từ trình độ văn minh cao lên trình độ văn minh thấp.

Nhận xét 2: Cũng giống như nhiều hiện tượng xảy ra trong tự nhiên, sự tương tác tự nhiên (bắt chước) xảy ra theo quy luật tối ưu, nghĩa là những cái gì đơn giản, ít tốn công sức nhât, tít phải xáo trộn nhất thì sẽ được ưu tiên biến đổi trước. Nói cách khác, nếu sự bắt chước để nó diễn ra tự nhiên thì cái gì dễ nhất, ít động chạm nhất đến các thói quen cũ sẽ bị tác động đầu tiên và biến đổi rất nhanh chóng. Nói theo hình ảnh véc tơ thì hình chiếu của véc tơ ảnh hưởng văn hóa trên các phương ứng với các yếu tố càng dễ bắt chước, hoặc càng ít lực cản sẽ có giá trị càng lớn.

Nhận xét 3: Mức độ ảnh hưởng của văn hóa A lên văn hóa B phụ thuộc nhiều vào những thành tố "lõi" của văn hóa B và vào thói quen tính cách của các thành viên của nền văn hóa chịu sự ảnh hưởng. Chúng ta sẽ giải thích phần nào các điều khẳng định trên bằng cách sử dụng mô hình "văn hóa cụ lý" như sau.

Tính đúng đắn của khẳng định trong nhận xét thứ nhất có nguồn gốc từ bản chất của con người, nó nằm trong lòng tham cố hữu của từng thành viên của nhân loại. Từ xưa đến nay, từ cổ chí kim chưa từng thấy có trường hợp nào kẻ giàu lại đi bắt chước văn hóa (lối sống) của người nghèo. Ngay giữa thành viên của cùng một nền văn hóa cũng chỉ xảy ra hiện tượng "trông lên" chứ không có "nhìn xuống". Âu đó cũng là lẽ tự nhiên của Tạo hóa, muốn con người luôn sống cùng với sự thàm khát "phát triển". Trong bài viết khác, tôi đã tìm cách lý giải tác phong tè bậy của người mình xuất phát từ một cái nhìn rất nên thơ, rằng đó là động tác thường có ở những con người với tâm hồn khoáng đạt và tình yêu thiên nhiên vô bờ bến. Nhưng cũng có khi cái thói quen đó chỉ là sự bắt chước của những người nông dân nghèo từ những kẻ giàu sang trong thời đại phong kiến ngày xưa. Cuộc sống nghèo hèn bắt người nông dân phải tiết kiệm, tính toán chi ly. Vì thế, ngày xưa trong mỗi gia đình nông dân thường có một thứ đồ bằng sành dùng để đựng nước tiểu làm nguồn cung cấp chất đạm cho rau củ trong vườn. Người nông dân đến mỗi buổi sáng dậy hoặc trước lúc đi ngủ hay mỗi khi đi đâu về đều tạt qua thăm "kho đạm" quý báu của mình rồi mới vào nhà làm việc khác. Trong khi đó, các quan phụ mẫu, chánh tổng, lý trưởng đều là những kẻ sang, giàu có. Họ không cần "dự trữ" đạm cho cây trồng. Vì vậy, họ mới thực sự có tâm hồn khoáng đạt và thực sự yêu thiên nhiên. Trong các tác phẩm văn học mô tả xã hội thời phong kiến chúng ta đã gặp cảnh tượng ông lão nông dân đi trên đường làng "vinh hạnh được" gặp cụ lý đang làm cái động tác giống như con khuyển ngay tại ngã tư, giữa thanh thiên bạch nhật. Ông lão đó vẫn phải dừng chân, hơi cúi người và chào: "Lạy cụ lý đang đái ạ". Vào lần như thế, cụ chánh, cụ lý thấy thích và cho rằng,... trong một không gian mở là một thú chơi tao sang, chứng tỏ đẳng cấp trước những người nghèo. Và thế là hình thành thói quen của những người thuộc đẳng cấp như họ. Dần dà, trong làng một vài anh nông dân nghèo nhưng thích chơi ngông bắt chước thói quen đó của cụ lý, tuy có kém phần dương dương tự đắc trong khi thực hiện. Rồi chẳng bao lâu sau, không ai xác định được chính xác thời điểm, những anh nông dân khác cũng mạnh dạn du nhập thói quen này của người giàu, tuy trong bụng có hơi tiếc cho nguồn đạm bị phí phạm. Nhưng họ cũng biết rằng, ăn chơi thì phải tốn kém, nên đành bấm bụng để có được tác phong sinh hoạt như những người giàu. Có thể, vì vậy mà sinh ra tục tè bậy của người mình, một nét riêng của "văn hóa cụ lý" trở thành nét chung của chúng ta mới chết chứ.

Nhận xét thứ hai liên quan đến một hiện tượng phổ biến mà dân gian thường gọi là trưởng giả học làm sang hay là đồ trọc phú. Về bản chất nó cũng giống như mấy anh chàng nông dân thích chơi ngông trong làng đi tiên phong trong việc học cách "tè sang trọng" của các cụ lý. Tại sao họ lại bắc chước thói quen đó mà không học cách đi đứng oai vệ, tay ô, tay guốc của cụ. Xin thưa, cái thói quen thứ hai này của cụ lý đòi hỏi phải khổ luyện cách đi, phải bỏ tiền sắm ô, sắm guốc, nghĩa là có nhiều trở lực và phức tạp nên không dễ bắt chước, trong khi thói quen thứ nhất rất đơn giản để làm theo, chẳng phải tập luyện gì, tuy có mất một ít nguồn thức ăn cho cây cối trong vườn. Ngày xưa, ở nông thôn chỉ một số ít anh nhà giàu mới học được thói quen thứ hai bằng cách bỏ tiền ra mua những chức tước không kèm theo quyền lực trong làng.

Trong quá trình tương tác văn hóa, một điều hiển nhiên là mức độ ảnh hưởng của văn hóa A lên văn hóa B sẽ bị hạn chế rất nhiều, nếu sự bảo thủ của các thành viên của văn hóa B là đáng kể. Tính bảo thủ cao thường trú ngụ trong những con chiên ngoan đạo, hoặc ở những con người có bản lĩnh. Những người có niềm tin lớn vào tôn giáo thường không thích và né tránh những cái ngoại lai, nhất là những thứ không phù hợp với tín ngưỡng của họ. Còn người có bản lĩnh thì chỉ bắt chước những cái gì mà họ cho là quan trọng, hay cần thiết. Vì thế mà trong các làng quê Việt Nam ngày xưa vẫn có một số "Đờgientờlờmen-nông dân" thấy làm xấu hổ cho cái thói quen của cụ lý ngoài đường nên cương quyết không học đòi thói quen đó. Những người này không chỉ bảo vệ cho những giá trị đạo đức sáng ngời nơi công cộng mà rau quả của họ trong vườn thường có năng suất cao hơn so với mấy nhà hàng xóm.

Bây giờ chúng ta quay lại cái xu thế hội nhập kinh tế và thử xem xét một vài biểu hiện tương tác văn hóa phương tây lên người mình ra sao.Tại thời điểm này, văn minh phương tây đang ở vị trí gần như độc tôn, vì từ sớm họ đã sinh ra được những đứa con vĩ đại như Galilê (phát hiện ra trái đất quay xung quanh mặt trời), Niu tơn (lập nên nền tảng của cơ học cổ điển), Men đen (phát hiện ra định luật di truyền), Oát (phát minh ra máy hơi nước), Pharađây (phát minh ra máy phát điện), Eđixơn (tác giả của rất nhiều phát minh kỹ thuật). Vì thế, ta cũng biết được chiều của véc tơ ảnh hưởng văn hóa hướng đi đâu khi chúng ta bước vào cuộc chơi hòa nhập.

Như ở phần đầu bài viết này, chúng ta đã nói đến sự cần thiết phải hiện đại hóa xã hội trong quá trình hội nhập. Đó phải là quá trình cần đến sự điều tiết của Nhà nước, để xây dựng nhanh chóng những yếu tố văn hóa cần thiết cho sự hiện đại hóa đó. Nếu nói một cách thẳng thắn thì người Việt chúng ta không chịu ảnh hưởng sâu sắc của các tôn giáo hiện có trên thế giới, vì phần đông người Việt Nam không theo một đạo nào, một số tương đối đông thì theo đạo Phật, mà đạo Phật thì không có nhiều nghi lễ bắt buộc và thường xuyên phải thực hành như các tôn giáo khác. Mặt khác, người Việt chúng ta vốn trọng sĩ hão, lại giỏi bắt chước nên mới có nhiều xe Mécxêđéc chạy ở ngoài đường, nhất là vào những ngày lễ Tình yêu hay lễ Giáng sinh, những ngày lễ mà cách đây không lâu còn chưa mấy người biết đến. Trong khi đó, những thói quen cần thiết như cách nghĩ, cách làm theo tác phong công nghiệp, đề cao trách nhiệm cá nhân, năng động sáng tạo, ... thì do tính "phức tạp" vốn có nên các thói quen này vẫn còn phải xếp hàng dài chờ "vi da" từ phía chúng ta để du nhập.

Thiết nghĩ, mỗi chúng ta cần có suy nghĩ mang tính trách nhiệm vì cộng đồng hơn, và các chính sách thích hợp của Nhà nước cũng cần phải áp dụng để có được các thế hệ "Đờgientờlờmen" hậu nông dân có bản lĩnh biết chọn lọc để du nhập những cái gì là cần thiết, nhằm làm cho vườn trái Việt Nam mãi mãi xum xuê, đời đời trĩu quả như vườn rau năng suất cao của số ít các "Đờgientờlờmen-nông dân" đáng kính ngày xưa.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tương lai trong lòng quá khứ

    06/02/2009Nguyễn QuânÔi cái biện chứng văn hóa - kinh tế: quá khứ - hiện tại - tương lai, bảo tồn - phát huy - khai thác du lịch đang là một thách đố lớn nhất của quốc gia ta. Khó vô cùng. Các vị có biết cho không !
  • Thế hệ trẻ văn minh hay bơ vơ

    26/11/2019Nguyễn Vĩnh NguyênĐơn giản, nếu được hỏi sẽ mang gì khi đến một hòn đảo, câu trả lời của thanh niên Đức là: đĩa CD mà tôi thích! Cuộc triển lãm Jung:de do viện Goethe tổ chức tại TP.HCM “dọn ra” 17 cái mặt CD, mỗi CD là một vấn đề thuộc đời sống người trẻ Đức. Thanh niên Đức đang thực sự quan tâm đến vấn đề gì trong cuộc sống của họ? Họ sẽ “định diện” nền văn hoá mà họ đang làm chủ như thế nào?
  • Quan trọng là "sống như thế nào"?

    09/04/2019Hoàng NhânỞ ta vẫn có một số nhà văn sống bằng nhuận bút, nhưng số nhà văn như vậy đếm trên đầu ngón tay. Vì sao ở một đất nước có số lượng người cầm bút đông đảo (căn cứ trên danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) lại ít người sống được bằng nghề như vậy?!
  • Lệch chuẩn văn hóa

    15/04/2019Nhà Sử học Dương Trung QuốcMỗi con người ít nhiều mang trong mình một giá trị ảo bởi đều sống trong không gian và thời gian mà khái niệm của chuẩn mực đang xáo trộn để tiếp cận chân lý. Để tiến tới một chuẩn mực hoàn hảo thì hãy chấp nhận thay đổi từng bước.
  • Về cái thời chúng ta đang sống

    14/07/2017Phong LêCái thời ấy thế mà cũng đã hơn 20 năm, trong tên gọi Đổi mới. Dài hơn hai lần chống Pháp. Dài hơn hai lần cả nước chống Mỹ. Hơn hai thập niên đất nước chia cắt... Những thời ấy, có lúc là ngàn cân treo sợi tóc - nhưng cả dân tộc cùng chung lo, cùng chịu đựng, cùng nhất tề xông lên, nhất tề đồng khởi... Còn bây giờ - là trăm mối lo toan. Mỗi biến động lớn nhỏ của đời diễn ra ở quanh ta, hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới là trực tiếp đến với từng ngôi nhà, từng căn hộ, từng cá nhân riêng lẻ. Không bom đạn trên đầu, mà bối rối trong óc và bồn chồn trong lòng. Một cuộc sống sôi sục, cựa quậy trong những chuyển đổi.
  • Khoảng cách thế hệ, ai là người hoá giải?

    22/12/2016Nhóm PV SVVNXung đột thế hệ có thể chỉ là một cuộc tranh luận nảy lửa giữa bố mẹ và con cái, nhưng đôi khi cũng có thể là mâu thuẫn đỉnh điểm phải cần đến sự can thiệp của tòa án.
  • Sự hình thành trong im lặng của văn hóa

    09/04/2015Nguyễn Trần BạtPhải nói rằng đất nước chúng ta mới mở cửa được 20 năm và không phải lớp người nào cũng nhận được lợi ích từ Văn hóa Việt, vì thế mọi người đều vội vã đi tìm những cái cho mình trong đời sống, và do đó chúng ta nhìn thấy sự vội vã...
  • Toàn cầu hoá không phải là "tây hoá"

    08/09/2014Hà YênNhư nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, sinh hoạt văn học - nghệ thuật hiện đang phát lộ nhiều vấn đề mà nhìn từ góc độ xã hội học văn hoá, không khó để nhận ra một số chuyển dịch vừa biểu thị sự khởi sắc, vừa chứa đựng một số nội dung cần giải quyết...
  • Báo động ô nhiễm môi trường văn hoá

    30/03/2014Minh ThiVăn hoá, nói như nhà văn Nguyên Ngọc, là cái phanh của xã hội, của lịch sử. Một khi cái phanh ấy bị hỏng, thảm hoạ xảy ra khôn lường. Những bộc lộ gần đây ở lĩnh vực văn hoá cho thấy cái phanh ấy đang bị hỏng hóc; hoặc giả đó là hệ lụy từ một quá trình du nhập nhiều loại rác văn hoá, mà không qua một màng lọc của hệ thống quản lý hiệu quả...
  • Truyền thống và hội nhập

    16/01/2009Tô PhánLịch sử luôn có thăng trầm nhưng xu thế là không ngừng phát triển. Sự phát triển đó hội tụ đủ những giá trị truyền thống tốt đẹp như một sự kế thừa tất yếu di sản, đồng thời thích nghi trong chọn lọc giá trị thời đại...
  • Giao lưu văn hóa trong thời hội nhập

    12/08/2008GS. TS Hồ Sĩ VịnhGiao lưu văn hóa (GLVH) trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đòi hỏi bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Bản lĩnh, bản sắc dân tộc là cội rễ của GLVH. Trong mọi hoạt động văn hóa, Đảng và Nhà nước ta bao giờ cũng nêu cao định đề biện chứng: Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại...
  • xem toàn bộ