Về chứng bệnh ảo tưởng

07:09 CH @ Chủ Nhật - 27 Tháng Tám, 2017

Chúng ta đang sống trong thời đại có quá nhiều kẻ hão huyền và ảo tưởng về bản thân mình. Có lẽ những người nông dân gắn cả đời họ trên đất đai và ngũ cốc không mang trong mình cái chứng bệnh chết người ấy. Bởi, danh phận đơn giản và đầy thách thức xác thực đã cho họ một con đường đúng.

Sự xác thực của đất đai, của hạt giống, của bão mưa, của sâu bệnh, của mùa màng đã truyền cho họ sự xác thực của những giấc mơ. Bởi họ đã tìm ra niềm vui giản dị và bất tận trên chính đất đai của họ. Bởi vị trí lớn nhất của họ là được đứng vùi hai bàn chân trần trong đất ấm và màu mỡ để mở hai bàn tay họ ra. Từ hai bàn tay đó, hạt giống đã tuôn chảy như những dòng ánh sáng vô bờ của sự sống.

Còn chúng ta, hàng ngày đi trên những đường phố, ngồi trong công sở, trong những quán cà phê, trong các nhà hàng và chúng ta nói không ngưng nghĩ về bản thân mình. Chúng ta không phải nói về bản thân mình với những khiếm khuyết, những lầm lỗi, những giày vò hay những chia sẻ và khát vọng của chúng ta mà chúng ta nói về mình với những ngạo mạn và những hãnh tiến chứa đầy ảo tưởng. Chứng bệnh ảo tưởng không làm cho chúng ta sổ mũi, nhức đầu. Trái lại, chứng bệnh ấy làm cho chúng ta luôn mang theo những mộng mị ngay cả lúc đang bước đi hoặc lái xe. Trong giấc mộng tồi tệ và thương hại ấy, chúng ta chỉ thấy sự "vinh quang" của chúng ta và tiếng reo hò của đám đông. Chúng ta bị kích động hơn ai hết bởi chính những mộng mị ấy.

Trong hiện thực của đời sống xã hội của chúng ta, đã có những speaker mang ảo tưởng về tài năng của họ. Chỉ qua một vài chương trình ngắn ngủi trên một phương tiện thông tin đại chúng nào đó đã làm cho họ tin rằng: Họ có thể dẫn khán, thính giả đi theo con đường của họ. Họ bắt đầu đùa bỡn trước cả triệu người. Họ bắt người khác phải xác lập giá trị của họ bằng chính hành động như một anh hề trước đám đông và bằng những cátxê hợm hĩnh của họ. Nhưng họ có biết đâu, trong đám đông đang reo hò nhiều khi chỉ bằng bản năng hay bởi mượn họ để làm một cuộc giải trí gián tiếp thì có những người đã cúi xuống thở dài hoặc bỏ đi với lòng thương hại và tức giận đối với họ.

Họ có bao giờ ngồi xuống một mình trong đêm khuya để nghe lại chính họ đang nói hay đang hùng biện, đang vung chân múa tay. Nếu họ làm như thế đến lần thứ ba, tôi tin họ bắt đầu nhận ra một sự không ổn nào đó từ chính bản thân họ. Hình như những gì họ đang nói kia đang bắt đầu làm cho họ cảm thấy bất ổn và hoang mang. Cảm giác này đã đến với không ít những nhà báo lỗi lạc của CNN hay của một vài hãng tin lớn trên thế giới trong buổi đầu sự nghiệp của họ. Nhưng hình như những người của chúng ta lại không thế. Trong một vài khoảng im lặng nào đó nếu họ may mắn có được thì họ lại một lần nữa ướp họ vào bể muối của sự tự phấn khích và tự thỏa mãn. Họ đã từng, dù rằng rất ít, có khả năng ngờ vực trí tuệ của họ, nhưng sự hiếu thắng và chứng bệnh ảo tưởng đã làm cho họ dễ dãi bỏ qua khả năng ngờ vực ấy để tiếp tục hưởng thụ chính họ cả trong im lặng. Chính vì thế mà không ít những người như họ mỗi ngày càng trở nên mờ nhạt và đôi khi trơ trẽn rồi biến mất trong chính sự hiện diện hàng ngày hay hàng tuần của họ.

Các nhà văn, nhà thơ chiếm tỷ lệ nhiễm chứng bệnh ảo tưởng còn nhiều hơn. Họ không kìm nổi cơn khát danh vọng của họ trước độc giả và đám đông. Họ không thể nào hiểu được điều tối quan trọng là: nhà văn, nhà thơ chính là những kẻ phải biết vùi sâu hơn ai hết xuống những đau đớn, những bất trắc, những vật lộn và những quên lãng của đời sống. Bất kỳ một nhà văn hay nhà thơ nào viết với ý thức làm cho thiên hạ phải kinh hãi mình thì anh ta luôn luôn tự hủy diệt một chút tài năng có được của mình. Họ không có quyền sinh ra để dạy bảo thiên hạ. Họ không có quyền sinh ra để thiên hạ phải cúi đầu ngưỡng vọng họ.

Họ chỉ có quyền sống trung thực nhất và phải hy sinh mình nhiều nhất so với mọi người. Chúng ta sẽ cay đắng như thế nào khi một nhà văn dùng bút danh để viết bài ca ngợi chính tác phẩm hay công việc của bản thân mình. Đấy thực sự là sự suy đồi không gì cứu vãn nổi. Hành động ấy còn tồi tệ hơn cả hành động của một kẻ ăn cắp. Một người bạn tôi nói: "Không có thời đại nào bỏ quên vĩ nhân của mình dù rằng anh ta sống trong một căn hộ năm mét vuông". Đúng vậy, có không ít nhà văn đã mang nỗi "thù hận" với chính bạn đọc, bởi họ cho rằng bạn đọc đã không nhận ra họ. Bạn đọc thông thường có thể không trở thành những nhà phê bình hay lý luận xuất sắc.

Nhưng bạn đọc có thể cảm nhận được tác phẩm của họ dù rất mơ hồ như họ cảm nhận được những ngày đổi mùa và những cơn mưa trên đất đai của họ. Nhưng ảo tưởng là một vĩ nhân còn thảm hại hơn. Nó đã biến không ít nhà văn hoặc nghệ sỹ trở thành một kẻ thảm hại. Ảo tưởng luôn luôn biến những người này thành một kẻ mù lòa trên chính những đôi mắt láu cá và quá nhiều toan tính, quá nhiều tham vọng của họ. Ảo tưởng như một chiếc la bàn hỏng đã đánh lừa hướng đi của họ. Cứ như thế, thêm một ngày ảo tưởng là họ thêm dần xa ngôi nhà nơi những giá trị đích thực của lòng nhân bản và cái đẹp đang trú ngụ và tỏa sáng.

Tại sao quá hãn hữu hoặc không có những thương gia ảo tưởng mình là một kẻ giàu có? Bởi sự giàu có luôn luôn phải đi kèm với một hiện thực khắc nghiệt không thể pha một chút nào của sự lãng mạn, đó là đồng tiền và hành động sử dụng đồng tiền hay vật chất trong mỗi hành vi của anh ta. Còn trong nghệ thuật, giá trị của nghệ thuật không thể xác thực hóa như đồng tiền hoặc bất động sản. Nó mơ hồ một cách chết người. Nó là một thứ tiền âm phủ được tiêu xài một cách vô tội vạ. Chỉ có nhân cách cộng với tài năng đích thực mới giúp chúng ta nhận ra nó.

Có một người làm thơ bao nhiêu năm nay tự photo những tập bản thảo thơ của mình gửi cho nhiều người. Trong những tập thơ photo ấy, anh ta luôn nói rằng chính anh ta là một ngọn núi của thơ ca Việt Nam. Nhưng người ta đã chấp thuận sự ảo tưởng của anh ta đôi khi với một thiện cảm đứng về một ý nghĩa nào đấy vì anh ta đã không dùng cái ảo tưởng mình là một vĩ nhân để mê dụ và lợi dụng đám đông. Ảo tưởng là một cơn mê ngày nguy hiểm biết chừng nào.

Nó đã kéo không ít người vào vòng quay của nó. Có người 30 tuổi, có người 40, 50, có người 80 tuổi và có người cho đến tận đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mới rùng mình tỉnh khỏi cơn mê ma quái ấy. Nhưng có những người không bao giờ có khả năng nhận ra mình đang trôi trong cơn mê sảng này và kết thúc cuộc đời mình một cách tội nghiệp. Người trước khi chết mới thấu hiểu lẽ đời cũng được sống đủ với mọi ý nghĩa của từ này bằng người thấu hiểu lẽ đời từ mười tám đôi mươi. Bởi điều có ý nghĩa nhất của cuộc sống là sự thấu hiểu ý nghĩa đích thực của đời sống mà chúng ta đang sống. Nếu thấu hiểu được thì ngay lập tức mọi sự lầm lẫn, u mê và huyễn hoặc trước đó đồng loạt được chiếu sáng trong khoảnh khắc và tan biến. Cùng lúc đó, những giá trị vĩnh hằng của cuộc sống được hoàn trả cho kẻ thấu hiểu. Sự hoàn trả này không phụ thuộc vào thời gian hay không gian của đời sống. Nó chỉ phụ thuộc vào sự nhận biết mà thôi. Một nhà thơ danh tiếng của thế kỷ XX đã viết: "Chúng ta mang trong mình cái chết của chúng ta". Cái chết ở đây là sự suy tàn chứ không phải sự chuyển dịch huyền ảo từ sự sống sang cái chết hay ngược lại. Theo tôi, sự ảo tưởng chẳng bao giờ thúc đẩy con người đến một nỗ lực sống, một nỗ lực phải khám phá và một nỗ lực hướng tới đức tin và cái đẹp. Sự ảo tưởng về quyền lực đối với việc chuyển động nhanh hay chậm của thời gian trong một con gà khi nó cất tiếng gáy chỉ làm cho một vài người hay mất ngủ bị đánh thức. Tất cả những con gà trống trên thế gian này không gáy thì mặt trời vẫn mọc.

Nếu những con gà trống ngốc nghếch nhưng tự mãn và mắc chứng bệnh ảo tưởng biết được điều này thì chúng sẽ biến mất trong những cái chuồng của chúng. Nhưng sự ảo tưởng là một vĩ nhân của một nghệ sỹ hay một trí thức vô cùng nguy hiểm. Nó kéo theo một đám đông những người hâm mộ không lý do vào một ảo tưởng khác đối với những giá trị của đời sống. Khi chúng ta ảo tưởng về chính chúng ta và đời sống chúng ta đang sống nghĩa là chúng ta đang tưới tắm cho sự suy tàn trong chúng ta. Đấy chính là cái chết. Chúng ta không thể sống mà không mắc sai lầm. Có không ít những sai lầm chứa trong nó một sự quyến rũ ma quái mà đôi khi chúng ta không lý giải một cách rành mạch được. Chúng ta có thể nói, dù sai lầm của chúng ta lớn hay nhỏ, thì chúng ta cũng không bao giờ có thể chấm dứt hoàn toàn được sai lầm của chúng ta trừ khi chúng ta giã biệt cuộc sống thế gian. Nhưng điều then chốt nhất là chúng ta có được ý chí để dời xa cái sai lầm đầy quyến rũ ma quái hôm nay để chạy tới ngày mai.

Cho dù chúng ta biết được rằng: ngày mai mà chúng ta hy vọng cũng chứa đựng trong nó ngần ấy sự sai lầm quyến rũ ma quái như của hôm nay. Chúng ta có thể mắc phải hoặc không mắc phải, nhưng chúng ta không được phép lúc nào lãng quên điều ấy. Và sống một cách trung thực và mãnh liệt nhất là đôi cánh giúp chúng ta băng qua sự suy tàn, một sự suy tàn lại luôn luôn mang màu sắc sặc sỡ để đánh lừa thị giác tham lam của chúng ta.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sống thứ sinh: Nguồn gốc sự bất hạnh của con người

    04/06/2018Trích đoạn sau nằm trong tiểu thuyết Suối nguồn (The Fountainhead) của Ayn Rand, ở đó bà khắc hoạ chân dung, cuộc đấu tranh, và chiến thắng của những con người thực sự - người chỉ công nhận năng lực tư duy độc lập như động lực duy nhất cho hành vi cá nhân – với xã hội những người sống dựa vào ánh sáng của người khác...
  • Thời đại ảo và những hệ luỵ mang tên @

    24/06/2015Dương Bình NguyênNhưng đã đến lúc, cần nhận thức một cách cụ thể rằng, có không ít người trẻ coi internet là một công cụ để thực hiện mục đích xấu và những hành vi đồi bại. Đã đến lúc cần phải tạo ra một môi trường để cho họ “tư duy lại tương lai” của mình. Nói như giáo sư Chu Hảo, rằng cho đến tận bây giờ để trả lời sòng phẳng câu hỏi “sống để làm gì?” thật không phải dễ dàng. Nhưng sống với ước mơ và vươn tới cái đẹp thì cũng không phải quá khó khăn. Có bao nhiêu người đã bội ước với tuổi trẻ của mình? Cái đó tuỳ thuộc vào tư duy của bạn. Nhưng @ thì phải đẹp, đẹp hơn rất nhiều ước mơ về một chiếc xe 5.900USD
  • Hình mẫu

    15/06/2015Nguyễn Hữu TháiHình mẫu là gương tiêu biểu về nhân cách và hoạt động của những con người mà ta có thề lấy làm chuẩn noi theo để tiến lên trong cuộc sống. Thường thì họ là những người thành công và hoạt động chân chính trong các lĩnh vực sinh hoạt khác nhau trong đời thường và là các nhân vật xuất sắc mà các phương tiện truyền thông đại chúng hay đề cập đến...
  • Lối sống

    27/02/2013Nguyễn Trần BạtCon người luôn luôn phải tồn tại trong một cộng đồng người, một nước, một khu vực nhất định. Trong cuộc sống chung như thế, người ta buộc phải tuân thủ những qui tắc nhất định, thành văn hoặc bất thành văn. Những qui tắc này bao trùm tất cả các lĩnh vực: đạo đức, thẩm mỹ... Trong số đó, có những qui tắc dần dần được cá nhân thừa nhận và trở thành thói quen...
  • L.N.Tonxtôi với câu hỏi: “Đời tôi là gì ?”

    26/11/2005Thanh ThảoMỗi nhà văn đích thực đều là mỗi nhà không tưởng ở những mức độ khác nhau. Tônxtôi là nhà văn vĩ đại, đồng thời là nhà không tưởng vĩ đại. Sự vĩ đại bắt đầu ở chỗ tất cả những tư tưởng những dằn vặt những đau đớn khắc khoải của ông đều bắt nguồn từ một câu hỏi nó bật ra tự thâm tâm ông khi đã trải đời và...
  • Thương hiệu cá nhân - Tại sao không ?

    25/11/2005Ths. Lê Hoàng TùngNgày nay, khái niệm thương hiệu không chỉ gắn với sản phẩm mà có thể gắn vời bất kỳ chủ thể nào: tổ chức, địa đanh... thậm chí cả con người...
  • Một số mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay

    08/11/2005Võ Văn ThắngQuá trình xây dựng lối sống ở nước ta hiện nay đang gặp phải một số mâu thuẫn. Đó là, mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với xu hướng phủ nhận những phẩm chất đó; mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với xu hướng phương Tây hóa; mâu thuẫn “hóa giải” các mâu thuẫn đó, đồng thời đảm bảo mục tiêu xây dựng lối sống mới, hiện đại, văn minh và mang đậm bản sắc dân tộc...
  • Để chống lại sự "hạ cấp và phàm tục" trong đời sống văn hóa

    17/08/2005Tương LaiKhi đòi hỏi cần tạo cho được thật nhiều “mô hình thuyết phục”, những mô hình về đạo đức và văn hóa (*), tôi muốn nói thêm về “trách nhiệm nắm chắc các chuẩn mực văn hóa và điều chỉnh nó trong đời sống xã hội bằng các mô hình thuyết phục”...
  • Nhân cách trẻ

    27/01/2004Mỗi thế hệ có một quan niệm của mình về nhân cách. Lớp già và lớp trẻ nhiều khi “xung khắc” cũng một phần vì nghĩ về nhân cách khác nhau, về ứng xử khác nhau. Nhân cách có nét chung phổ biến mà cũng có nét riêng đặc thù của mỗi lớp người, mỗi thành phần, thậm chí mỗi cá nhân...
  • Chữ tín không quan trọng

    11/11/2003Người Việt Nam mạnh về nghĩa mà yếu về tín. Lời ấy dễ khiến người nghe giật mình vì sự nặng lời. Ai cũng cảm thấy mình như là bị "sốc", mặc dù vẫn lờ mờ hiểu rằng điều đó không phải là không có lý.
  • Về “con người có giáo dục”

    11/02/2003Đẩy lùi thế kỷ XX, cái “thế kỷ ngang ngạnh, cái thế kỷ nổi loạn” như có người đã đặt tên, loài người bước vào thế kỷ XXI dường như còn “ngang ngạnh” hơn, “nổi loạn” hơn ! Hai năm đã trôi qua trong những sự biến “ngang ngạnh”, “nổi loạn” với những sắc thái mới.
  • xem toàn bộ