Vì sao sợ về hưu?

10:17 SA @ Thứ Sáu - 24 Tháng Bảy, 2009

Ở các nước tiên tiến, người lao động về hưu có thể sống an nhàn với các phúc lợi do chế độ hưu trí mang lại: lương hưu đủ, thậm chí dư, để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, bao gồm vui chơi, giải trí, du lịch; bảo hiểm y tế cho phép được chăm sóc sức khoẻ trong những điều kiện chấp nhận được. Cuộc sống của người lao động về hưu điển hình ở Việt Nam không được như thế, nếu không muốn nói là rất khó khăn, thiếu thốn.

Nhiều người nói phúc lợi hưu trí cao một phần lớn là nhờ mức thu nhập bình quân cao; xã hội sung túc và đủ khả năng bảo bọc người về hưu bằng các nguồn lực dự trữ của cải vật chất dồi dào của quốc gia. Việt Nam còn nghèo, người công chức, công nhân trung bình lúc đi làm còn chưa đủ ăn, nói gì đến chuyện bảo đảm cuộc sống vật chất bình thường bằng lương hưu.

Nhưng, các nước tiên tiến cũng đã trải qua thời kỳ nghèo khó. Trong thời kỳ đó, người lao động trong trường hợp điển hình sống chật vật cả lúc còn đi làm và lúc về hưu. Điều đáng nói, đồng thời cũng là sự thể hiện dấu ấn tích cực của một chế độ an sinh xã hội được tổ chức tốt, là hầu như không có sự chênh lệch về mức sống, điều kiện sống của người lao động đang làm việc và người lao động hưu trí. Nói khác đi, sự kiện về hưu không gây ra những biến động bất lợi về cơ cấu thu nhập, không làm xáo trộn theo nghĩa tiêu cực đối với sự vận hành của nguồn thu nhập cơ bản của người lao động và không dẫn đến những thay đổi theo chiều hướng xấu đối với hoàn cảnh sống của họ.

Nguồn quỹ để bảo đảm điều này không phải từ trên trời rơi xuống: trong trường hợp người làm công ăn lương, đó trước hết là kết quả đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Việc trích một phần thu nhập của người lao động góp vào quỹ bảo hiểm là phù hợp với bản chất của bảo hiểm xã hội, một hình thức tích luỹ hoặc tiết kiệm tập thể trực tiếp từ thu nhập của người lao động. Nghĩa vụ đóng góp của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm, về phần mình, được lý giải bằng nhiều cách: thay một lời cảm ơn dành cho người lao động về lòng trung thành, tận tuỵ; thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với việc gìn giữ những giá trị mà doanh nghiệp đã khai thác trực tiếp hoặc gián tiếp trong quá trình sử dụng lao động, như phẩm chất nghề nghiệp của người lao động, gia đình hạnh phúc – chiếc nôi nuôi dưỡng và tăng cường sức lao động;... Mức đóng góp của người sử dụng lao động phải thiết thực, nhằm bảo đảm cuộc sống bình yên cho người lao động khi về già. Theo lộ trình hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội, mức đóng góp này càng lúc càng cao.

Quỹ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam không tích tụ được nhiều, dù mô hình đóng góp này cũng được áp dụng. Lý do chính là lương cơ bản thấp, mức trích từ tiền lương để góp vào quỹ bảo hiểm quá khiêm tốn; phần đóng góp của người sử dụng lao động cũng không được bao nhiêu, vì luật không đòi hỏi cao. Chưa nói đến chuyện không ít người sử dụng lao động cố tình găm giữ sồ tiền đáng lý ra phải nộp vào quỹ: họ sẵn sàng trả một khoản tiền phạt chậm nộp, được luật ấn định một cách rất tượng trưng, để có thể sử dụng phần tiền quỹ này như một nguồn vốn kinh doanh bổ sung đến được lúc nào hay lúc ấy.

Vả lại, ai cũng biết phần lớn người làm việc toàn thời gian trong khu vực công không có thói quen (đúng ra là không thể) sống chỉ dựa vào lương. Di sản của thời bao cấp, cơ chế thu nhập phức tạp với vô vàn các thứ bổng lộc có tên và không tên, bổ trợ vào thu nhập chính thức gọi là lương. Chính những thứ đó, chứ không phải số tiền lương còm cõi, là phương tiện sinh sống chủ yếu của người làm việc trong khu vực công, bao gồm cả công nhân, viên chức của các doanh nghiệp quốc doanh, từ rất nhiều năm. Không ít người vẫn sống khoẻ trong điều kiện lương thấp, thậm chí còn sắm được nhà cao cửa rộng, xe hơi,…

Gắn chặt với cương vị đảm nhận, các bổng lộc ngoài lương tự động chấm dứt khi người thụ hưởng rời khỏi vị trí công tác. Không được khai báo và không phải là một phần của tiền lương, những bổng lộc này không được dùng làm căn cứ để ấn định mức trợ cấp cho người về hưu. Bởi vậy, có thể ví việc về hưu của người công chức, trong chừng mực nào đó, như việc trở về với thực tại sau khi tỉnh dậy từ giấc mộng đẹp: mọi thứ phù hoa hào nhoáng đều biến mất, chỉ còn lại một ít đồ đạc khiêm tốn làm hành trang cho phần còn lại của cuộc đời. Không khó để hiểu tại sao sợ về hưu đã trở thành căn bệnh nghề nghiệp của không ít cán bộ, công chức,… cùng với biến chứng của nó là bệnh tham quyền cố vị.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Xã hội dân sự: khái niệm và các vấn đề

    15/04/2014Bùi Quang DũngXã hội dân sự hiện đang là vấn đề được cả giới nghiên cứu khoa học lẫn các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Khái niệm "xã hội dân sự” xuất hiện khá sớm ở Châu Âu. Các đinh nghĩa phổ biến về "xã hội dân sự” hiện nay đều nhấn mạnh tới tinh thần tự nguyện của công dân trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp và giá trị của mình. Theo đó, xã hội dân sự được tạo lập bởi các đoàn thể nhằm kết nối giữa những nhóm quyền lợi hiện đại và những tổ chức truyền thông, giữa các tổ chức chính thức và phi chính thức...
  • Bàn về lao động

    01/05/2009Masushita KonosukeGần đây người ta hay nói: Người Nhật làm việc quá nhiều. Nhưng theo tôi, lao động là thứ mà thời đại nào cũng quý, cũng quan trọng. Lấy một ví dụ có thể là hơi cực đoan, nhưng nếu không một ai lao động thì cũng sẽ không có sự tiến bộ nào và không thể hình thành nên thế giới con người.
  • Khi ta so sánh chuyện đời...

    25/09/2008Lê Ngọc Sơn (thực hiện)(SVVN) Ở đời, khi ta làm những phép toán so sánh, cuộc đời sẽ có những đáp án khác nhau, có thể dẫn đến việc thấy mình "thiếu thốn" và "ganh tỵ" với người khác. Theo PGS.TS Trần Nam Bình, giảng viên Khoa Luật, Trường Thuế vụ Australia (Đại học New South Wales) thì "thiếu thốn tương đối" và "ganh tỵ" cũng là hai biểu hiện, hai trạng thái của một nền kinh tế. Nếu đẩy hai trạng thái này đến cực điểm sẽ gây ra tình trạng chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng và vô số những bất ổn.
  • Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề

    12/04/2008Nguyên thủ tướng Võ Văn KiệtNgười nghèo trên thực tế chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng, trong khi chính họ phải gần như lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra. Muốn đất nước có được sự phát triển bền vững, tôi cho rằng chúng ta không thể thiếu những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo...
  • Chuyện về hưu

    01/01/1900Nguyễn Quang ThânThời nay, nhiều quan to về hưu không có được cái thanh cao như thế của tiến nhân. Người thì bòn Nhà nước (tức là nắn túi dân đóng thuê) một chuyến du lịch giả mạo hàng chục ngàn đô
  • Sao về hưu mới thẳng đương chức thì cong?

    29/06/2006T. G....không ít những cụ về hưu kể cảcác cụ vốn là cán bộ cao cấp đã có tháiđộ thẳng thắn nói ra nhiều điều mà khi đương chức không dám nói hoặc nói khác. Đa số bình luận rằng, khi đương chức là phải lo giữ ghế, giữ miếng cơm nên phải thả diều theo chiều gió, nói năng phải lựa lời. Còn bây giờ về hưu rồi, chẳng có gì để mất, không sợ gì ai nữa, nói thẳng sướng mồm lại khoái tai mọi người..
  • xem toàn bộ