Xin một chữ thôi

03:21 CH @ Thứ Hai - 06 Tháng Giêng, 2014

Đón Xuân xin một chữ, quản lý Nhà nước xin đổi thành quản trị, rồi một ngày nước ta sẽ trở thành một xứ dân trị. Xứ ấy đích thị là của dân.

Ngày xuân người ta kháo nhau đi xin chữ. Mong đức thì xin đức, mong phúc thì xin phúc, bâng quơ nhặt một câu thơ viết bằng thứ chữ nguệch ngoạc làm sang. Trong cái âm hưởng sang xuân ấy, tôi cũng xin một chữ, chỉ xin một chữ thôi.

Ôn cũ, biết mới, nhìn lại năm cũ, và nhìn lại cả hai thập kỷ đổi mới, một chặng đường dài cải cách đã qua, những gì đạt được trên đất nước này là công sức nhân dân, những đều được tạo điều kiện bởi những chính sách hợp lý của Nhà nước. Một Nhà nước mạnh, can thiệp đúng mức, khuyến khích mọi sáng kiến cá nhân và bảo vệ trật tự cạnh tranh là hết sức cần thiết. Thiếu Nhà nước mạnh thì ngư dân không còn dám đánh bắt xa bờ, bà nội trợ rối đầu vì an toàn thực phẩm. Kẹt xe, lũ lụt, nước biển dâng, người dân nào mà chả mong Nhà nước ta phải cực kỳ mạnh mẽ. Làm thế nào để xây dựng một Nhà nước mạnh mẽ, đó sẽ là thách thức cửa những năm tới đây. Nếu chỉ loay hoay thêm bớt các bộ, sáp nhập hay phân tách các tỉnh, luân chuyển cán bộ, cuộc cải cách hành chính mới chỉ quan tâm đến sắp xếp lại thứ bậc trong nội bộ nền quan chế. Cuộc cải cách ấy mới chỉ quan tâm đến bản thân chính quyền. Điều quan trọng hơn là phải làm cho chính quyền ngày càng chịu nhiều áp lực trước nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Điều này là tôn chỉ của Nhà nước ta, vì mọi quyền bính đều thuộc về nhân dân, việc nội bộ của chính quyền không quan trọng bằng mọi việc đảm bảo lợi ích quốc gia và buộc chính quyền phải tuân thủ ý chí nhân dân. Sự chính danh của chính quyền thường chỉ có được qua sự ủy trị của nhân dân, thể hiện qua những lá phiếu tự do, phổ thông và bình đẳng của họ.

Chỉ có điều từ thuở nào không rõ, Nhà nước ta quen với việc hưởng thụ những quyền lực, tự cho mình đặc quyền quản lý toàn bộ đời sống xã hội, từ quản lý Nhà nước về kinh tế, về đất đai, về y tế, giáo dục cho đến quản lý Nhà nước về tôn giáo. Trong các đạo luật đều mặc nhiên có những chương quản lý Nhà nước, sắp xếp quyền uy và phân công trách nhiệm trong nội bộ bộ máy công quyền để quản lý cuộc sống của nhân dân. Thì thế mới có những chuyện quản không được thì cấm, vô số thực tiễn đã diễn ra minh chứng cho nhận định này. Quan điểm Nhà nước quản lý toàn diện này đã bám rễ ở nước ta sâu và chặt tới mức Học viện Hành chính Quốc gia đào tạo mỗi năm hàng ngàn sinh viên nghiên cứu đủ các hệ cử nhân quản lý Nhà nước, thạc sĩ quản lý Nhà nước, thậm chí có cả tiến sĩ ngành quản lý Nhà nước.

Điều ấy chắc cũng đúng, song chưa thể đủ. Nhà nước quản nhân dân, thế thì ai quản lý Nhà nước, ai sẽ bắt cái “cơ chế” mà người ta hay đổ lỗi phải tuân thủ ý chí nhân dân. Nhà nước cũng là bộ máy với vài triệu quan chức với những lợi ích của riêng họ, ai sẽ ép buộc bộ máy ấy tuân thủ lợi ích quốc gia và bảo vệ nhân phẩm, danh dự và những quyền căn bản khác của từng người dân.

Tân Xuân, thay vì “quản lý Nhà nước”, chỉ xin thay dần một chữ thôi, đổi thành “quản trị Nhà nước”. Chữ cũ, ấy là Nhà nước quản dân. Chữ mới, ấy là dân giám sát Nhà nước, cai quản Nhà nước, buộc Nhà nước phải thay đổi theo ý chí nhân dân, tức là người dân tham gia quản trị quốc gia.

Muốn làm được điều ấy, trước hết chính quyền phải minh bạch và chịu trách nhiệm công khai hơn trước nhân dân. Ví dụ tài sản, chi tiêu của các doanh nghiệp Nhà nước và các công sở phải công khai cho toàn dân biết. Tiền của dân thì ông chủ nhân dân phải có quyền được có thông tin. Muốn làm được điều ấy thì cơ quan dân cử và tòa án phải độc lập dần so với chính quyền; nói cách khác chính quyền phải bị giám sát. Thêm nữa, Đảng lãnh đạo nghĩa là Đảng phải hóa thân vào chính quyền, tôi nghĩ rằng người đứng đầu tổ chức Đảng đồng thời phải là người đứng đầu tổ chức chính quyền mới đúng. Làm như thế Đảng và chính quyền là một và trách nhiệm của Đảng trước nhân dân cũng thật rõ ràng.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phải dám so mình với thế giới bên ngoài

    05/07/2018TS. Phạm Duy Nghĩa"Không muốn góp thêm lời phàn nàn, không mơ ước sự kỳ diệu của Gióng" PGS.TS Phạm Duy Nghĩa "góp vài thiển nghĩ tản mạn vì những trường đại học xứng đáng cho thế hệ con cháu chúng ta".
  • Nho giáo và pháp luật

    08/06/2017Phạm Duy NghĩaNho giáo, “một cái nhà đẹp, lâu ngày không ai sửa sang, đến nỗi bị cơn gió bão đánh đổ bẹp xuống”, tưởng như đã hoang tàn vụn nát trước đủ luồng triết lý Tây phương, liệu có còn giá trị đáng kể gì trong cuộc kiến thiết hệ thống pháp luật Việt Nam. Một câu hỏi lớn, chắc sẽ còn day dứt người đương thời và các thế hệ con cháu mai sau. Bài viết dưới đây bước đầu nghiên cứu vai trò và giới hạn của pháp luật trong những phương cách tác động đến thói quen hành xử của con người, sự tương tác giữa các phương pháp của Nho giáo và phương pháp điều chỉnh của pháp luật, cũng như đưa ra một vài thiển ý góp phần làm cho pháp luật nước ta ngày càng gần hơn với cuộc đời.
  • Nước Việt cần nhiều những Damo Weaver

    18/07/2016Trần Ngọc Kha thực hiệnDamo Weaver là tên cậu bé 10 tuổi học lớp 5 ở trường tiểu học Cana Point của nước Mỹ, cái tên đã trở thành hiện tượng khi được nhắc đến nhiều trên báo chí Mỹ và trên thế giới trong thời gian qua. Vì cậu bé này đề nghị được phỏng vấn vị Tổng thống mới đắc cử Obama. Bản thân cậu bé 10 tuổi này đã từng có cơ hội phỏng vấn phó Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, Caroline Kennedy và Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt tại trường quay ở chính ngôi trường cậu đang theo học KEC TV.
  • Sự học lấy bằng

    17/06/2009TS. Phạm Duy NghĩaNgười làm quan ở nước ta, xưa thì được tuyển mộ qua đường khoa cử (giỏi thơ ca và thuộc sách thánh hiền thì được đỗ đạt, làm quan), nay về cơ bản phải kinh qua ba kênh đào tạo chính: đào tạo về chuyên môn, đào tạo về chính trị và đào tạo về quản lý nhà nước...
  • Rước chữ chào Xuân

    29/01/2009Long Tuyền

    Khởi đầu từ thời kỳ nào xa xăm trong lịch sử, không ai dám chắc, chỉ biết rằng với ảnh hưởng từ phương Bắc, nền văn hóa Việt Nam từ ngàn đời nay vẫn coi trọng chữ nho...