Xuân tóc đỏ thời nay, trong một xã hội chuộng hư danh

02:40 CH @ Thứ Hai - 03 Tháng Sáu, 2019
Câu chuyện “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn bị vạch mặt vừa qua như một câu chuyện đùa cười ra nước mắt khi “nhà báo” dỏm này dễ dàng lừa được hàng loạt cơ quan, tổ chức nghe tên rất danh giá, từ Hội Luật gia, Hội Nhà báo cho đến Viện Báo chí thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu thuộc Hội Luật gia, hiệu trưởng trường đại học này, trung học phổ thông kia, thậm chí cả Viện Kiểm sát Tối cao và Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An...
.


.

Người tự xưng “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn vừa bị tạm đình chỉ chức vụ Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu
.

Lê Hoàng Anh Tuấn thực ra có tên khai sinh là Lê Văn Tuấn, sinh năm 1979 tại Nghệ An. Đến 2013, Tuấn đổi tên từ Lê Văn Tuấn nghe quá bình thường thành cái tên hiện nay nghe có vẻ sang trọng hơn. Nhiều nguồn tin cho biết Tuấn từng bị tố cáo lừa đảo, rồi rời quê đi xuất khẩu lao động, sau một thời gian trở về nước hóa thành một nhân vật hoàn toàn khác, khoác lên mình hàng lô hàng lốc bằng cấp.

Nhiều bài báo liệt kê quá trình đào tạo của Lê Hoàng Anh Tuấn như: tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ostrava, Séc (2001-2004): khoa triết, chuyên ngành ngôn ngữ học (tiếng Séc); Đại học Tổng hợp VSB, Séc (2004-2008): hệ đại học chính quy, chuyên ngành quản lý nhân sự; Đại học Tổng hợp VSB, Séc (2008- 2010): hệ cao học, chuyên ngành quản lý hành chính nhà nước; Đại học Luật Hà Nội: hệ cử nhân và thạc sĩ luật học; đang học tiến sĩ tại Học viện Ngoại giao, chuyên ngành quan hệ quốc tế; tiến sĩ triết học danh dự do Đại học Leeds (Anh) cấp năm 2018... Để rồi từ đó y có thể tự xưng là “Nhà báo quốc tế, thạc sĩ luật học, tiến sĩ, Tổng biên tập Tạp chí Chống tham nhũng & Hợp tác quốc tế” và được cả ngàn giáo viên và học sinh đón tiếp long trọng như một người thành danh về thăm trường cũ là trường THPT Nghi Lộc 3 (Nghệ An).


Học sinh trường THPT Nghi Lộc 3 chụp ảnh lưu niệm cùng “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn hôm 27.2.2019. Ảnh: website trường Nghi Lộc 3

Cứ tưởng Xuân tóc đỏ, một sáng tạo của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ, một nhân vật được “đóng đinh” như điển hình của một kẻ từ tầng lớp dưới đáy xã hội ngoi lên tầng lớp thượng lưu nhờ sự lưu manh, giảo hoạt của mình chỉ tồn tại trong cái xã hội nửa tân nửa cựu, nửa thực dân nửa phong kiến thời xa xưa ấy. Nhưng không, Xuân tóc đỏ thời nào cũng có, và thời nào cũng có những kẻ thuộc tầng lớp trên trong xã hội ra tay nâng đỡ, PR giúp, nhằm mục đích nào đó.

Thời Vũ Trọng Phụng tất nhiên chưa có từ "PR" vì chưa có khoa marketing hiện đại, nhưng bản chất hành vi thì thời nào cũng thế. Và cũng như Xuân tóc đỏ thời xưa được bà Phó Đoan, vợ chồng nhà may Văn Minh giúp đỡ, tiếp tay để ngoi lên, thời nay tuy không có những nhân vật như trên thì Lê Hoàng Anh Tuấn vẫn được sự giúp sức của một số người có vai vế trong các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương. Điều đáng nói trong vụ “nhà báo quốc tế” dỏm này không phải là sự gian manh của y mà chính là: vì sao nhiều cơ quan, tổ chức, cán bộ vô tình hoặc tự nguyện tiếp sức cho y chơi trò lừa bịp, lừa đảo đến thế?

Trước hết cần thấy rằng sở dĩ “nhà báo quốc tế” này dễ dàng thực hiện được ý đồ của mình như vậy vì y đã gặp một mảnh đất vô cùng thuận lợi là cái xã hội háo danh và chuộng hư danh này. Có lẽ nhiều người đã lóa mắt trước hàng loạt bằng cấp và danh xưng "hoành tráng" mà Tuấn trưng ra, đến mức không mảy may hoài nghi rằng làm gì có cái thể loại nhà báo nào gọi là “nhà báo quốc tế” (trừ phi anh là nhà báo được cử đến đưa tin tại quốc gia nào đó và được cơ quan phụ trách báo chí sở tại cấp cho cái thẻ hành nghề trong thời gian làm nhiệm vụ).

Thế nhưng lóa mắt không chỉ có những người bình thường hay một bà hiệu trưởng trường THPT Nghi Lộc 3, nơi Tuấn chọn ra mắt với những banderole liệt kê đủ thứ chức danh tự mình mang đến treo và những khách mời do tự mình chọn, trong đó có hai vị chức sắc cao, đầy học hàm học vị ở Hội Nhà báo Việt Nam. Hai vị chức sắc mang đầy học hàm học vị của Hội Nhà báo Việt Nam này dự buổi ra mắt của Tuấn và qua đó dù vô tình hay cố ý đã PR cho y, lẽ nào lại không nhận ra cái danh hiệu “nhà báo quốc tế” của Tuấn là bịp bợm? Nếu đúng như vậy thì hiểu biết của họ về nghề và về thế giới bên ngoài quả là có vấn đề.

Hay là vì lý do nào khác? Dù thế nào, người ta không thể không hoài nghi về giá trị của mọi thứ bằng cấp, học hàm học vị qua vụ PR cho Lê Hoàng Anh Tuấn này. Người ta chỉ thấy một xã hội chuộng hư danh, chạy theo hư danh thay vì làm những điều thiết thực, dù nhỏ, cho người dân.

Nhưng xa hơn, khi Hội Nhà báo Việt Nam kết nạp một kẻ mạo danh “nhà báo quốc tế” làm hội viên (dù chưa kịp cấp thẻ, và với lý do nêu ra là do Chi hội Nhà báo Viện Báo chí thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền giới thiệu); khi Viện Báo chí mời một kẻ với lý lịch nghề nghiệp không rõ ràng lên lớp cho sinh viên của mình và giới thiệu y cho Hội Nhà báo kết nạp làm hội viên; khi Hội Luật gia Việt Nam phong cho y làm viện trưởng một viện thuộc hội thì quả thực người ta có lý do để, nếu không lo cho sự hiểu biết của những người chịu trách nhiệm về hoạt động của những tổ chức này, thì lo cho sự ngay ngắn và ý thức bảo vệ lợi ích công của những người cầm chịch.

Một kẻ bịp bợm như Lê Hoàng Anh Tuấn mà qua mặt được nhiều cơ quan, được nhiều đơn vị tiếp đón, giới thiệu rình rang, tạo điều kiện giúp y đánh bóng tên tuổi để đến lúc nào đó, ai biết được, y có thể làm một cú lừa lớn, thì sao có thể không lo việc người ta bán rẻ lợi ích công cho được?

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói hư tật xấu của người Việt: Hư danh, kém hợp quần, không hiệp tác, hư hỏng

    06/06/2019Vương Trí NhànTục ta nghề nào lập hội ấy, một là để giữ gìn công việc cho nhau, hai là để liên lạc tình nghĩa với nhau, ba là để binh vực nhau cứu giúp nhau, vậy là cái chủ ý cũng hay... Tiếc thay dân trí ta hẹp hòi, chỉ biết có tiền thì lo ngay đến một mảnh danh giá cúng về dân, để lấy cái tên ghi...
  • Giấc ngủ và hư danh

    25/06/2018Tản văn của Trần Đức TiếnNhiều năm nay, văn chương nước nhà đã “thắng” được trận nào đình đám như vậy chưa? Hình như chưa. Hình như làng văn buồn ngủ lâu quá. Có lẽ vì thế mà một câu hỏi quá cũ vẫn cứ được láy đi láy lại: bao giờ chúng ta mới có tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao?
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Nặng óc hư danh, Sống không lý tưởng

    10/09/2015Vương Trí NhànKhông có lòng danh dự mà có tính hiếu danh thời dễ táng thất lương tâm. Quỵ lụy khúm núm trước mặt người trên, châu tuần(1) nơi quyền quý để cầu sự nọ, khấn việc kia, ví phải đập đầu xuống đất mà lạy cũng cam tâm...
  • Chữa chứng bệnh Đua đuổi hư danh

    14/02/2012Phan Bội Châu (1927)Còn một chứng bệnh nữa là chứng bệnh người ta hay đua đuổi theo cái hư danh vô vị...
  • Không phục vụ dân, đại biểu Quốc hội chỉ là hư danh

    09/08/2011Cao Nhật thực hiện“Là đại biểu của dân thì phải đặt lợi ích của dân lên trên hết nhưng
    tôi thấy không ít đại biểu suốt nhiệm kỳ 5 năm gần như không có tiếng
    nói gì cả…”- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên ĐBQH khóa 8,9,10 chia
    sẻ với Tiền Phong...