45 năm dạy học và mối bận lòng về giáo dục

03:51 CH @ Thứ Năm - 04 Tháng Mười Hai, 2003

Tâm sự với chúng tôi, GS. Tống nhẹ nhàng:  “Gia đình tôi chín đời làm thầy giáo, tôi ở căn nhà này 35 năm và thấy sung sướng lắm rồi! Hồi năm 1945, tôi là một trong những thầy đầu tiên dạy Anh văn tại Việt Nam, tiếng Anh lúc đó là nghề tay phải của tôi, rồi tôi sang Anh, sang Mỹ học về giáo dục, từ đó giáo dục là nghề tay phải, tiếng Anh trở thành tay trái. Về nước, tôi chỉ dạy và nghiên cứu về tâm lý giáo dục ở Đại học Sư phạm, không dạy thêm tiếng Anh một giờ nào. Với vốn tiếng Anh như vậy, nếu tôi bỏ môn giáo dục, thì có lẽ tôi giàu từ lâu rồi!”


- Thưa Giáo sư, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển vừa trả lời chất vấn của Quốc hội rằng, việc Bộ tổ chức và ra đề thi tuyển sinh đại học và cao đẳng đã loại được tiêu cực, nhưng có thế lực ngầm đang chống lại ông, đòi giao lại trường tổ chức tuyển sinh, để tự ra đề thi, tự mở lò luyện thi và tự chấm thi. Giáo sư nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Bộ trưởng nói vậy thì ai còn dám góp ý? Tiêu cực trong giáo dục là vấn đề khác, vấn đề xã hội có cơ quan pháp luật lo, tuy nhiên, nhà quản lý giáo dục phải hạn chế tiêu cực trong phạm vi khả năng của mình chứ? Muốn hạn chế tiêu cực phải đi từ cái gốc của nó là trường sư phạm, cái lò đào tạo ra những con người  đào tạo con người. Tất cả người quản lý giáo dục cũng từ trường sư phạm mà ra, lò dạy đạo đức cũng từ đó mà ra. Thầy của trường sư phạm mà dạy thêm thì học trò nó bắt chước mình thôi. Nhưng tệ hại nhất là mọi người thiếu niềm tin nhau. Cấp dưới thiếu niềm tin ở cấp trên, vì cấp trên không phải lúc nào cũng đúng cả.

Hồi xưa tôi có niềm tin với thầy tôi, bây giờ viết sách tôi vẫn nhắc thầy mình! Hồi năm 1945, tôi đi dạy trung học chỉ có bằng tú tài, lúc đó kiếm đâu ra cử nhân, toàn tú tài. Bây giờ, toàn là cử nhân, nhưng cấp trên thiếu lòng tin cấp dưới, chỉ có cấp trên tổ chức thi mới tốt, để cấp dưới tổ chức thì gian lận hết !? Cấp trên không tin, nên cầm tay chỉ việc cấp dưới từng li, bắt phải dạy, ôn tập, kiểm tra theo ý của mình. Thầy giáo không được tin, tìm cách đối phó; thành ra, việc giáo dục toàn là hình thức cả! Nếu có niềm tin, ý thức trách nhiệm của thầy giáo được nâng cao.

- Thưa Giáo sư, Giáo sư có thể tâm sự rõ hơn về sự khập khiễng, chệch choạc giữa nội dung và hình thức trong giáo dục hiện nay ?

- Tôi thấy giáo dục hiện nay của chúng ta chưa ổn, nhưng mình thích so sánh quốc tế! Thấy học sinh ra nước ngoài học giỏi, rồi cử học sinh được đào tạo kiểu gà chọi, đi thi đoạt được giải quốc tế, ta nói ta dạy giỏi bằng quốc tế, nền giáo dục mình cao! Tôi nói, chúng ta không thể xây dựng nền giáo dục mới nếu ta không cử người ra nước ngoài học. Không phải cử một vài người, vì chúng ta cần rất nhiều chuyên gia cao cấp về mọi lĩnh vực giáo dục, từ chuyên gia về quản lý giáo dục, về quy hoạch giáo dục, về kinh tế trường học, về chương trình học, về đo lường và đánh giá trong giáo dục, về nghiên cứu phương pháp giảng dạy  Lĩnh vực nào cũng phải có chuyên gia cao cấp, trong đó có chuyên gia về tiểu học, chuyên gia về trung học, chuyên gia về đại học  Không có một chuyên gia nào giỏi tất cả các lĩnh vực và tất cả các cấp học! Từ xưa đến giờ mình chưa có trường đại học giáo dục, mà chỉ có trường đại học sư phạm, tức chỉ đào tạo ra người thầy đứng lớp, rồi từ hiệu trưởng đến chuyên gia cao cấp ở Bộ đều xuất thân từ đó, theo  kiểu sống lâu lên lão làng!    

- Nhưng hiện nay trong cả nước vẫn có nhiều trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo, thưa Giáo sư ?

- Muốn mở trường gì cũng được, đặt tên gì cũng được, nhưng vấn đề thầy ở đâu? Thầy phải là những chuyên gia được huấn luyện và nghiên cứu suốt đời, chứ chọn thầy là chuyên gia sống lâu lên lão làng thì thiếu gì. Tất nhiên, sống lâu lên lão làng giúp người ta nhìn lại kinh nghiệm trong quá khứ, còn chuyên gia giáo dục giúp người ta nhìn về tương lai! Chuyên gia phải có bằng tiến sĩ giáo dục. Chúng ta bàn về xây dựng nền giáo dục mới, không thể nói theo lương tri hay nói theo kinh nghiệm xưa cũ. Kinh nghiệm xưa cũ bây giờ không còn thích hợp với thời đại mới, thời đại khoa học bùng nổ thông tin. Giáo dục cũng giống với ca nhạc: lúc đầu ai ca cũng được, ca hay thành ca sĩ, về sau, số người làm nhạc đông, người ca phải đi học nhạc. Nhưng có điều, có người học thanh nhạc đàng hoàng lại không được yêu thích bằng người không học, giống anh không học khoa học giáo dục nói người ta nghe, còn anh có học nói không ai nghe!

- Có thể chuyển qua một khía cạnh khác, Giáo sư  đánh giá thế nào về chương trình và sách giáo khoa hiện nay?

- Chương trình học của ta là chương trình dựa trên nội dung (Content–based curriculum), nghĩa là chương trình môn này gồm những phần này phần nọ, sao chép từ nội dung của nước ngoài hoặc căn cứ vào kinh nghiệm quá khứ của mình. Trong khi đó, các nước trên thế giới áp dụng chương trình hiện đại là chương trình bị chi phối bởi mục tiêu (Objective – based curriculum). Bộ Giáo dục áp dụng chương trình bị chi phối bởi nội dung, nên mỗi môn học có đề mục, thầy soạn sách giáo khoa căn cứ theo đề mục đó mà soạn, theo phương pháp của mình. Sách giáo khoa trở thành pháp lệnh, thầy giáo không thể dạy theo phương pháp của mình. Sách giáo khoa đổi phải huấn luyện lại thầy giáo. Sách giáo khoa vốn chi phối cả người dạy lẫn người học, chi phối cả chương trình lẫn phương pháp. Thế nhưng, người viết sách giáo khoa chỉ chú trọng viết nội dung, mà không để ý tới phương pháp! Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển nói, phải thay đổi tư duy quản lý giáo dục, nhưng tư duy quản lý đổi thế nào thì còn đang lúng túng! Tôi hơi thất vọng, vì tư duy còn lúng túng thì khó đưa ra được một chương trình học và phương pháp dạy ổn định!

- Vậy theo Giáo sư, tư duy quản lý giáo dục phải dựa vào các yếu tố nào để xác định?

- Công việc giáo dục phải dựa vào 5 yếu tố lớn, mà các nước trên thế giới đều quan tâm. Đó là: yếu tố phân cấp quản lý giáo dục; yếu tố kinh tế thị trường; yếu tố kinh tế tri thức; yếu tố cách mạng công nghệ thông tin; yếu tố vai trò nhà nước và tư nhân trong sự nghiệp giáo dục. Phân cấp quản lý, nói đúng ra là phân cấp trong vấn đề đưa ra quyết định (Decentralization in decision making) được các nước đang phát triển áp dụng, còn các nước phát triển đã áp dụng từ lâu. Bởi vì, nước ta có 24 triệu học sinh, mà Bộ ôm hết từ việc tổ chức tuyển sinh, tổ chức thi tốt nghiệp, ra đề thi, chương trình học, soạn sách giáo khoa, phương pháp dạy  thì làm sao xuể?

Kinh tế thị trường làm thay đổi hết đời sống kinh tế xã hội, 80% dân số thế giới theo kinh tế thị trường, nước ta cũng vận dụng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vậy phải xem yếu tố này tác động đến giáo dục thế nào? Yếu tố kinh tế tri thức đòi hỏi nguồn nhân lực phải có kỹ năng cao, tri thức cao, rồi cộng với yếu tố thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, thì không lẽ cứ thầy đọc, trò chép, ngồi học vẹt hoài sao được? Cuối cùng, vai trò nhà nước và tư nhân trong sự nghiệp giáo dục, tuy nó tương tự xã hội hóa giáo dục, nhưng không giống hẳn, cần phải nghiên cứu thêm các mô hình trên thế giới!

- Thưa Giáo sư, ngay cả các bậc học giả, trí thức cũng khó có thể “ngồi chung với nhau” được mà, thực tế đó có phải do trí thức của ta được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau?

- Không, đó mới chính là thuận lợi, nền giáo dục Việt Nam qua lịch sử đã tiếp thu được nhiều nền văn hóa, nhiều luồng tư tưởng khác nhau. Trí thức Việt Nam có nhiều nguồn đào tạo, bổ sung cho nhau là rất may mắn! Vấn đề không ngồi với nhau được có nguyên nhân sâu xa, tôi đánh dấu hỏi để nhà quản lý giáo dục lý giải! Nhưng, riêng tôi học ở Anh, ở Mỹ, lại được nhiều nhà trí thức đại thụ học ở Liên Xô, Đông Đức, Hungary  vẫn ngồi làm việc với tôi rất tâm đắc. Hiện có một học giả học ở Liên Xô, tôi xin giấu tên, vẫn trao đổi với tôi hàng ngày qua email! Từ đó, tôi rút ra một điều, những người có cùng suy nghĩ về tương lai đất nước Việt Nam, về tương lai thế hệ con cháu, chứ không nhằm quyền lợi vật chất hoặc tinh thần của bản thân, thì đều có thể ngồi tâm đắc với nhau được!

- Thưa Giáo sư, nếu bây giờ Giáo sư còn trẻ và Giáo sư  vẫn đứng lớp thì Giáo sư sẽ thực hiện điều gì trước tiên?

- Dù tôi là thầy giáo giỏi, có lương tâm, không dạy thêm, sẵn lòng giúp đỡ học sinh yếu kém thì tôi cũng không thể dạy giỏi! Bởi vì, phương pháp dạy của tôi là quan tâm đến học sinh trung bình và yếu, để nâng học sinh từ yếu lên trung bình, từ trung bình lên khá, nhưng tôi bị chỉ tiêu phải quan tâm đến 20% học sinh giỏi, rồi tôi bị làm sổ sách, thu tiền học sinh. Hồi xưa dạy học, tôi chỉ biết dạy, không thu tiền, không dạy thêm, để thì giờ đến từng nhà học sinh trung bình kém, tìm hiểu hoàn cảnh, rồi bàn bạc với phụ huynh! Bây giờ dạy học khó lắm, chương trình quá nặng, dạy thấu đáo trong lớp là hết giờ, lại còn dạy thêm tiết, ôn thi, làm hồ sơ  thì giờ đâu mà thăm học sinh? Tôi còn trẻ cũng không hoàn thành nhiệm vụ, nên tôi rất thông cảm với thầy, cô giáo hiện nay!

Xin cám ơn Giáo sư!

Trương Hiệu (thực hiện)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: