Biết tự học và biết sáng tạo

03:51 CH @ Thứ Tư - 12 Tháng Hai, 2003

Qua những sáng tạo được thể hiện từ thời Thomas Edison đến thời Bill Gates, giới khoa học kỹ thuật ngày càng nhận thấy giữa trí sáng tạo và việc tự học có một mối liên hệ nhân quả. Tạp chí Science et Vie (Pháp) đã viết :"Ai tự học mạnh nhất, người đó tích lũy được một tiềm năng sáng tạo dồi dào nhất. Ngược lại, ai có nhu cầu sáng tạo nhiều hơn, người ấy càng thôi thúc ý chí tự học cao hơn".

1. Tự học để tiếp cận với sáng tạo
Gần đây, tạp chí Korean Times cũng đưa ra một khái niệm về chân dung của người trí thức mới. Đó là người biết dùng thái độ tự học và kỹ năng tự học để thường xuyên tiếp cận với cái mới, để học hỏi cái mới, từ đó làm nên cái mới của chính mình, mang tính sáng tạo ngày càng cao.

Bước chuyển hoá về chất trong cách học.
Do sự thúc đẩy của nền kinh tế xã hội và cuộc cách mạng thông tin, từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 20 nhân loại đã trải qua những bước chuyển hoá về cách học. Đó là những bước chuyển hoá về chất (tăng cấp độ) được ghi nhận như sau:

Tiến trình lịch sử

Thời kỳ

Bước chuyển hoá về chất trong cách học

Trung cổ

- Phong kiến

Trước thế kỷ 17

Kinh viện -> nhồi nhét -> tái hiện (theo thánh hiền)

Tiền tư bản

- Tư bản

Thế kỷ 17-19

Tầm chương -> ghi nhớ -> thực hành (theo khuôn mẫu)

Tư bản phát triển

Đầu thế kỷ 20

Động não -> tìm tòi và khảo sát -> ứng dụng triển khai (trong cuộc sống)

Nhiều nước phát triển

Cuối thế kỷ 20 đầu tkỷ 21

Nghiên cứu ứng dụng -> nghiên cứu triển khai -> nghiên cứu sáng tạo (vượt ngoài khuôn mẫu)


Loài người phải mất hơn ba thế kỷ (trước thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19) mới bỏ được lối học kinh viện, từ chương, chuộng ghi nhớ và nếu có thực hành cũng chỉ là tái tạo, rập khuôn. Mãi qua thế kỷ 20 việc tự học mới được đề cao để tích cực tư duy, động não khi tìm tòi, khảo sát trước tình huống có vấn đề. Song phải chờ đến cuối thế kỷ 20, sự biến đổi về chất căn bản nhất trong cách học mới được bộc lộ khi chính việc ứng dụng triển khai được đi kèm với những nghiên cứu sáng tạo để đưa tới những sản phẩm sáng tạo.

Chỉ số AQ
Khi bước vào nghiên cứu sáng tạo, các nhà tâm lý học sáng tạo thường đối đầu với một câu hỏi: Tuổi nhỏ và học chưa cao chắc không thể sáng tạo? Qua nhiều công trình khảo cứu của Altshuller, Sperenman, Bergson, Skinner... lời đáp đã được tìm thấy: Trí sáng tạo không đợi tuổi, cũng không cứ phải chờ trình độ. Đương nhiên, đối với mỗi người, tuổi càng cao trí càng lớn sẽ càng có điều kiện để thăng hoa trí sáng tạo; song tuổi tác và bằng cấp không phải là "tấm hộ chiếu". Nhiều sản phẩm sáng tạo lại đã ra đời từ tuổi nhỏ. Tháng 7-1999, tại cuộc thi về bảo vệ môi trường (do Sở Giáo dục - đào tạo tp. HCM kết hợp với Công ty Tetra Pak tổ chức, dành cho học sinh tiểu học), trong số 31 mô hình được chế tác từ các phế liệu (bao bì, vỏ hộp...) làm tại chỗ, có ba sản phẩm được chọn là tuyệt vời nhất, thể hiện trí sáng tạo tài hoa của 3 em học sinh tiểu học mới 8-9 tuổi (TTCN 25-7-1999).

Các sản phẩm sáng tạo của những nhà thiết kế, sáng chế và phát minh (khi học không còn ngồi trên ghế nhà trường) đã nói lên điều ấy. Với họ, dường như chẳng có tình huống khó khăn nào mà họ không thể xoay trở được. Họ sẵn sàng đương đầy với thử thách, biến khó khăn thành thuận lợi, biến nghịch cảnh thành niềm vui của sự vươn tới. Ý tưởng này đã chắp cánh cho công trinh nghiên cứu mới đây của nhà tâm lý học Mỹ - tiến sĩ Paul Stoltz (dạy ở đại học Minesota). Năm 1997, ông cho ra đời một cuốn sách nổi tiếng mang tên Biến khó khăn thành thuận lợi, và tác phẩm này của ông đã được liệt vào danh sách 30 cuốn sách hay nhất nước Mỹ. Cái lõi của cuốn sách ấy là chỉ số AQ (Attitude Quotient) do ông đề ra - chỉ số về thái độ sống, còn gọi là chỉ số về khả năng đảo ngược tình thế, xoay chuyển tình hình một cách tích cực và sáng tạo. Sau IQ (Intelligence Quotient) đến EQ (Emotion Quotient) của các tác giả khác, bây giờ là đến chỉ số AQ. Nhà tâm lý học Paul Stoltz đã giúp ta khẳng định lại một quan điểm rất nhân văn, đó là: chính thái độ sống của mỗi người góp phần chủ yếu vào sự quyết định số phận của người đó, chứ không phải là trí thông minh. Đương nhiên, người đã có một thái độ sống tích cực càng có điểm tựa để kích thích cảm xúc tích cực và cũng kích thích trí tuệ phát triển.

Khi nhấn mạnh yêu cầu tự học, điều đó không có nghĩa coi nhẹ việc đào tạo chính quy, bài bản (theo trường lớp) . Sẽ là ấu trĩ nếu cho rằng việc tự học hoàn toàn thay thế được vai trò người thầy. Thầy giáo xứng đáng là bậc thầy khi đóng vai trò tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh của mình. Thầy giỏi là người sẽ dạy cho ta cách tự học, cách sáng tạo, chớ ỷ lại vào thầy, chớ rập khuôn theo sách.

Cố giáo sư Tạ Quang Bửu (nguyên bộ trưởng Bộ Đại học và chuyên nghiệp) trong một buổi nói chuyện trước sinh viên Bách khoa Hà Nội năm 1970 đã nhấn mạnh: "Tự học là khởi nguồn của phong cách tự đào tạo, đồng thời là cái nôi nuôi dưỡng trí sáng tạo. Ai giỏi tự học khi đang ở trường, người đó sẽ tiến xa".

2. Giải pháp nào cho việc tự học để sáng tạo?

Theo các chuyên gia giáo dục và khoa học của Tổ chức UNESCO, kỹ năng tự học và giá trị biểu hiện của việc tự học là những thước đo của tâm lý sáng tạo và sản phẩm sáng tạo. Bước vào thế kỷ 21, kỹ năng đó sẽ tồn tại như một trong những kỹ năng sống mà con người không thể thiếu, đồng thời giá trị đó giúp cho mỗi cá nhân tự khẳng định chính mình trong xu thế nhảy vọt của thời đại thông tin.
Gía trị biểu hiện của việc tự học phản chiếu từ các sản phẩm của lao động trí óc, hay nói đầy đủ hơn: từ các sản phẩm của trí não. Nhà khoa học nổi danh cuối thế kỷ 20 - Stephen Hawking - đã nói: "Có gương soi mặt chứ không có gương soi tâm hồn và trí não. Vậy cần phải thay thế chiếc gương soi bằng sự phản chiếu của các sản phẩm lao động, chúng ta "đi ra" từ bàn tay nhưng gốc gác chủ yếu là từ trái tim và khối óc".

Có một hệ thống các giải pháp thường nhật.
Việc định hình một hệ thống các giải pháp hiệu nghiệm thường đi kèm với một hệ thống các giá trị biểu hiện (được đánh giá theo thang bậc). Các chuyên gia UNESCO đã đưa ra một bảng lượng giá với bảy bậc thang giá trị sau đây:

Từng giải pháp cho sản phẩm

(giá trị biểu hiện đạt theo thang bậc)

Bậc

1. Ghi chép vào phiếu (thu thập chọn lọc từ việc truy cập mọi nguồn thông tin khác nhau, cả trong dân gian và Internet)

1

2. Xử lý thông tin từ việc ghi chép (đối chiếu, phân loại, phân tích, tổng hợp, cấu trúc lại thông tin...)

2

3. Phối kiểm thông tinsau khi xử lý (tự kiểm chứng qua khảo sát thực tế và thực nghiệm khoa học)

3

4. Nhận thức lại vấn đề ->Tự khởi phát thông tin (điều chỉnh thông tin, hoàn thiện thông tin, nêu ý tưởng, nêu sáng kiến)

4

5. Tìm cách giải quyết vấn đề -> Chọn phương án xử lý (tự thể nghiệm và tự điều chỉnh phương án, nêu giải pháp, nêu sáng kiến)

5

6. Hình thành tạo phẩm (hiện thực hoá giải pháp):

- Bằng ngôn ngữ (bài viết/nói)

- Bằng vật chất(phi ngôn ngữ)

6

7. Cái biên sản phẩm (điều chỉnh, cải biên, nâng cấp hình thái và chất lượng của tạo phẩm bằng những cách thể hiện mới)

7

Bảng này giúp ta hình dung một tiến trình tự học để sáng tạo, đồng thời cho ta một cách lượng giá việc tự học (theo giá trị sản phẩm), một cách đo đạc sức sáng tạo (theo thái độ tự học)

Giải pháp gốc: luyện thái độ tìm tòi và kỹ năng ứng biến

Hệ thống các giải pháp và các thang bậc nêu trên cũng gợi ý cho ta thấy những tiêu chí cần thiết để thẩm định sự thông thái của một chủ thể nhận thức đồng thời là chủ thể sáng tạo.

Trí thông minh và óc sáng tạo của mỗi người được thể hiện chủ yếu bằng hành động, thay vì chỉ dừng lại ở ý tưởng: được thể hiện chủ yếu bằng sự đáp ứng những thử thách trong quá trình vận dụng kiến thức, thay vì chỉ quanh quẩn ở việc vun bồi kiến thức. Bởi vậy, các chuyên gia UNESCO đã có lý khi khẳng định :"Người hiểu biết ít mà vận dụng nhiều (có hiệu quả) biểu hiện một trí tuệ hơn hẳn một người biết nhiều mà vận dụng ít" . Đó là một trong những "quy luật thành tài", là nguyên nhân ra đời của những bậc tài danh sáng chói như Thomas Edison trước đây (người chưa học hết bậc đại học) hoặc như Bill Gates hiện nay (người chưa học hết bậc đại học). Đó cũng là một cơ sở để xác quyết học rộng không bằng tài cao (nếu chỉ được một trong hai thứ).

Khoa tâm lý học sáng tạo đã cho thấy người học rộng cũng có thái độ tìm tòi, nhưng nặng về tìm tòi hiểu biết, vả lại mức độ tìm tòi đó không thiết thực và hiệu quả bằng sự tìm tòi sáng tạo của người tài cao.

Mặt khác, chính nhờ liên tục tìm tòi mang tính ứng dụng sáng tạo nên mới thành tài và ngày càng phát triển tài năng, cao hơn hết là tài năng sáng tạo.

Người có tài năng sáng tạo không bao giờ dừng lại ở mức độ lĩnh hội, họ chuyển rất nhanh qua thái độ tìm tòi cách cải biến và cách ứng dụng sự lĩnh hội đó.

Tìm tòi những gì, đối với những người có thái độ sáng tạo. Một nghiên cứu gần đây về tâm lý học sáng tạo đã tổng hợp sáu nội dung cơ bản của sự tìm tòi đó:

1- Tìm hiểu nhu cầu xã hội hoặc nhu cầu khoa học đối với một sản phẩm nào đó.
2- Tìm hiểu những ưu điểm vượt trội cùng với những khuyết tật lớn nhỏ của một sản phẩm
3- Tìm kiếm cách thức đi tới cải tiến sản phẩm, chủ yếu: hạn chế những khuyết tật đó.
4- Tìm kiếm những hiểu biết mới nhất kết hợp với những kinh nghiệm cổ truyền cho việc giải quyết vấn đề đó.
5- Tìm kiếm mọi ý tưởng giản đơn cho việc phân tích và giải quyết một vấn đề phức tạp
6- Tìm hiểu những điều kiện khả thi và cách vượt lên khó khăn để thực hiện ý tưởng sáng tạo.

Như vậy, thái độ tìm tòi trong khoa học và kỹ thuật tạo nên sự khai phá nhận thức khi tiếp cận thông tin, giúp chủ thể nhận thức tự thể hiện và làm nên những cá tính sắc sảo khi vận dụng kiến thức. Tố chất thông minh này càng được phát tiết khi chủ thể sáng tạo tích luỹ được một kỹ năng ứng biến. Tài ứng biến là một hình thức đơn giản nhất, nhưng là một khởi đầu quan trọng nhất của năng lực sáng tạo.

Nếu kỹ năng ứng biến đó được tôi rèn thì lâu dần nó biến thành một tiềm năng, biết "tự động hoá" khi phản ứng hay xử lý một cách nhẹ nhàng, mau lẹ và hiệu quả. Để chuẩn bị cho sự rèn luyện được như thế, ngay từ đầu phải có một tâm thế đợi chờ thử thách (đừng sợ đối đầu với thử thách nếu không thể tránh khỏi), như một ý thức thường trực sẵn sàng ứng biến, bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả lúc bình yên, thuận lợi. Nhà doanh nghiệp Bill Gates đã từng nói với những trợ lý kỹ thuật dưới quyền (đa số là các tiến sĩ công nghệ tin học) rằng: "Chúng ta phải sẵn sàng ứng biến để không bị lạc lối khi đương đầu với mọi tình thế. Nếu chủ quan, ngay cả khi thuận buồm xuôi gió, ta cũng có thể mất phương hướng và không phản ứng kịp trước những sự cố bất ngờ. Lúc bình yên là lúc mà sự cố đang tiềm ẩn, khó phát hiện sớm dễ khiến ta chủ quan không kịp ứng biến hoặc ứng biến sai lầm".

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: