Cái “mới” thì sai, cái đúng thì đã cũ…

10:08 SA @ Chủ Nhật - 23 Tháng Chín, 2018

Mới đây, TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo khoa học Kỷ niệm 160 năm ngày quân và dân Đà Nẵng anh dũng chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp (có sự hỗ trợ của thực dân Tây Ban Nha - 8.1858). Đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa để làm sáng tỏ những điểm mờ (mà nền sử học VN có vô số…), ngộ nhận trong lịch sử.

NGười viết bài này không có điều kiện để tham gia, tuy nhiên, theo những gì mà chúng tôi được biết, được đọc về Hội thảo trên, có không ít điều cần xem xét, bàn luận. Hai vấn đề nổi cộm được gần 100 học giả trong nước và quốc tế quan tâm đó là: Có phải Nhà Nguyễn thụ động, ươn hèn, chịu trách nhiệm chính về việc mất nước vào tay thực dân Pháp sau này và, Pháp âm mưu tấn công ĐN với mục đích gì?

Về vấn đề thứ nhất, từ cuối thế kỷ trước, rất nhiều hội thảo đã kết luận rồi: Nhà Nguyễn đã chống trả quyết liệt, khiến cho quân Pháp phải chịu tổn thất nặng nề, mất gần 1.000 sĩ quan, binh lính; buộc phải rời khỏi ĐN, trở vào Nam để đánh chiếm miền Tây Nam Bộ…


Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ tấn công Đà Nẵng ngày 1/9/1858 (Le Monde illustré, 1858)

Thiết nghĩ, một vấn đề gần như đã minh định xong từ thế kỷ trước thì chỉ nên công bố thêm các tư liệu mới chứ không phải là tiếp tục làm sáng tỏ những gì… đã rõ(!?) Hơn nữa, có lẽ cũng không nên mổ thêm, khâu lại những điều đã cũ của cái thời mà không hiếm các nhà sử học ăn theo chính trị, những tưởng giẫm đạp lên Triều Nguyễn là cách tốt nhất để tôn vinh Quang Trung, gây ra biết bao lầm lạc khiến lịch sử (nếu như “nó” biết nghĩ) phải hổ thẹn…

Vì lẽ trên, bài viết này chỉ nhằm bàn về vấn đề tạm coi là mới mà các nhà sử học có uy tín đã đặt lên bàn dư luận.

TS Lê Sơn Phương Ngọc (LSPN) cho rằng "Thực ra, thực dân Pháp chiếm đánh Đà Nẵng với mưu đồ lớn hơn, có ý nghĩa chiến lược bao quát hơn, để tiến tới xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự hùng mạnh, thành một bàn đạp lý tưởng, nhằm giành lấy toàn bộ khu vực thuộc địa rộng lớn gồm cả Đông Nam Á cho mình" (chúng tôi nhấn mạnh, HVT , xem: https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nhieu-quan-diem-moi-ve-cuoc-khang-phap-160-nam-truoc-3801605.html).

Ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, BVT), hết sức tán đồng ý kiến của TS LSPN, đồng thời nhấn mạnh thêm “nếu Đà Nẵng thất thủ thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra và chắc không thể loại trừ khả năng người Pháp nhanh chóng tiếp viện lực lượng viễn chinh và dùng bộ binh nuốt chửng nước Đại Nam qua cửa ngõ Đà Nẵng” (sic!?)

Dường như để cộng hưởng, nâng tầm quan điểm hết sức “độc đáo” ấy, nhà sử học Dương Trung Quốc (DTQ) cho rằng, “liên quân Pháp - Tây Ban Nha mượn cớ triều đình nhà Nguyễn cấm đạo để nổ súng xâm lược Việt Nam với mục tiêu tìm đường vào Trung Quốc. Bằng chứng là khi không chiếm được Đà Nẵng ngay, Pháp đã đưa quân vào chiếm Gia Định và sau đó đánh ra Bắc để tiếp cận tỉnh Vân Nam, chứ không nhằm vào Huế” (dẫn theo bài trên, sic).

Lịch sử không có chữ “nếu”…

Rất lạ là trong một hội thảo khoa học chính thức, quốc tế, tiếng tăm… mà người đứng đầu giới sử học ĐN lại dụng lạm từ “nếu”?! Thậm chí, ông BVT còn đi xa hơn nữa khi ông cho rằng, nếu ĐN thất thủ, thực dân Pháp sẽ “nuốt chửng”cả Đại Nam(!?). Người Pháp có câu, nếu cứ… nếu; thì, có thể bỏ cả Paris vào trong một cái chai. Chữ “nếu” chỉ được phép dùng trong hai trường hợp, nói về cái chưa xảy ra và, bày tỏ sự oán trách hay tiếc nuối về cái không bao giờ thay đổi được nữa. Mặt khác, lịch sử là một môn khoa học không thể đồng hành với những nhận xét bùng phát bởi cảm xúc. Trớ trêu thay, người viết sử lại không thể viết thật hay về quá khứ, nếu thiếu đi sự chân thành của cảm xúc, trái tim. Cái khó nhất của cuộc đời và khoa học là “kẻ” đứng giữa cái lằn ranh mỏng mảnh ấy, chính là sự thật.

Chắc chắn không một ai có quyền nghi ngờ về lòng yêu nước của ông BVT; nhưng, thật đáng tiếc khi phải nói rằng cái từ “nuốt chửng” luôn đồng nghĩa, hàm ý với sự chê bai lòng dũng cảm của người dân ĐN nói riêng, cả dân tộc Việt Nam nói chung. Lịch sử hàng ngàn năm không thể bị đồng hóa, không thể bị phai bạc bản sắc, không thể bị khuất phục của dân tộc Việt Nam đã đoan quyết rằng, chẳng có một kẻ thù nào có thể nuốt chửngdải đất “hình tia chớp” (từ của nhà thơ Nguyễn Duy) kiêu hãnh này…

Cũng phải nhấn mạnh rằng, phải chăng khi nói thế, ông BVT còn ngầm định mặc nhiên vị thế vô cùng quan trọngcủa ĐN? Không ai không biết vị thế chiến lược đặc biệt của ĐN; nhưng, đề cao quá mức theo cách, nếu không còn ĐN thì chẳng còn VN là điều khó có thể nhẹ nhõm mỉm cười...

Người Pháp muốn chiếm CẢ Trung Quốc?

Trước hết, phải thú thật rằng, dẫu có gần 50 năm theo nghề sử, tôi đã bị sốc thật sự khi nghe TS LSPN khẳng định chắc như dùng đinh để đóng vào đống cát rằng, khi tấn công ĐN, người Pháp muốn chiếm cả TQ!

Rõ ràng, không thể nghĩ khác về cụm từ “vùng thuộc địa rộng lớn GỒM cả Đông Nám Álà vùng nào khác ngoài TQ, bởi, Philippines thì người Tây Ban Nha đã “đặt gạch”, chiếm chỗ từ năm 1521, Indonessia là của người Hà Lan từ lâu rồi, Malaysia, Singapore, Mianmar, Ấn Độ thì người Anh đã ở đó đến mấy thế hệ rồi…

Chỉ còn lại TQ để điền - thếvào chữ rộng lớn,bao gồmấy!

Thứ nhất, xin nói thẳng ra rằng nhận xét đó khác xa với những gì lịch sử đã xảy ra. Quân tử đích thực phương Tây không giống với quân tử giả thời xưa ở Tàu và Việt. Họ luôn tôn trọng "bản quyền"! Người Pháp không thể liều mạng và xuẩn ngốc đến mức đòi chiếm cả vùng ĐNA và TQ một khi chỉ còn Đông Dương là vùng “trống” (theo cách hiểu của thực dân phương Tây). Nói cách khác, Pháp không thể - không đủ sức để gây chiến tranh với một loạt nước.
Nếu làm thế, Pháp sẽ vi phạm "luật chơi": Hãy nghĩ xem, sau khi người Bồ Đào Nha đi về phía Đông để đến Ấn Độ năm 1487, người TBN đã không đi theo - ăn theo con đường đó mà họ tìm một con đường riêng, đi về phía tây để đến Ấn Độ - và, năm 1492 đã tìm ra châu Mỹ. Chẳng lẽ cứ suy nghĩ theo cung cách như bao người làm ăn kiểu cà lăm bây giờ? Ví dụ, tôi phát hiện ra tuyến vận tải hành khách mới, làm được ít bữa, đông khách là y như rằng vài chục người sắm xe đón khách theo, chẳng thèm biết đến bản quyền của ý tưởng, sáng tạo của tôi...
Thứ hai, mỗi nước chiếm một vùng đất "trống" là nguyên tắc bất thành văn của các đế quốc (quân tử) phương Tây. Người Anh khi đến vùng đất mới, nước Mỹ bây giờ, chỉ cần rào lại, đồng nghĩa rằng không có bất kỳ ai dám xâm phạm. Nếu lỡ xảy ra nguy cơ "đụng chạm" nhau thì, nước sông không phạm nước giếng - đó là nguyên do chính dẫn đến việc Thái Lan là vùng "đệm" giữa Anh và Pháp - không bị biến thành của riêng (thuộc địa) của bất kỳ đế quốc nào.

Thứ ba, tại sao làm sử nhưng không chịu nghĩ (liên hệ, so sánh) chuyện đã xảy của thời nay với thời "xưa"? Tôi đoan chắc, dẫu nhiều người biết nhưng các nhà sử học trên, chưa bao giờ chịu hiểu vì sao Mỹ lại chọn Hòn Gai, Vinh, Đồng Hới làm mục tiêu tấn công miền Bắc ngày 5.8.1964!

Xin trả lời như sau.
1, Đây là đòn "thăm dò" các phản ứng, một dạng test hoàn hảo. Mỹ ném bom để dò tìm phản ứng của Hà Nội, Bắc Kinh. Tôi dám nói là một phép thử bởi sau đòn đánh bất ngờ ấy, mãi 6 tháng sau, ngày 7.2.1965, Mỹ mới chính thức ồ ạt ném bom miền Bắc.
2, Ba địa điểm - số 3, ngầm ám chỉ, nếu miền Bắc không ngừng đưa quân vào miền Nam thì Mỹ sẽ tấn côngtoàn diện, toàn miền Bắc, từ địa phương đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh cuối cùng của miền Bắc, Quảng Bình (Vĩnh Linh là khu vực – khu phi quân sự, không phải cấp tỉnh.Số 3, theo quan niệm triết học, là con số của sự đầy đủ; như trời, đất, con người; hay như cha, mẹ, con cái...).
3, Hòn Gai cách Hà Nội và biên giới Việt - Trung gần 100 km: Nhằm dò xét phản ứng của cả 2 chính phủ, đồng thời ngầm "thông báo" với HN về sự tôn trọng - để "chừa ra" cần thiết... Nên hiểu là Mỹ ngầm thông báo là sẽ không xâm phạm "vùng ảnh hưởng trực tiếp đến lãnh thổ TQ".
4, Vinh là cái nôi của phong trào Cách mạng (1930-1931, lại là quê hương của HCM; Đồng Hới cũng cách vĩ tuyến 17 gần 100km, và Quảng Bình là điểm dừng chân sau cùng của hậu phương trước khi đến khu phi quân sự (Khu vực Vĩnh Linh) và cũng là quê hương của tướng Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng. Thông điệp rất rõ và đủ (đừng nghĩ "chúng nó" không nghiên cứu kỹ càng lịch sử...).
5, Ngày 5.8.1964, tôi, 9 tuổi, đang trên đường đem cái săm xe đạp đi vá thì chứng kiến máy bay Mỹ ào đến, thả vài quả bom xuống chân núi Quyết, sông Lam, cách chỗ tôi đứng hơn 1 km - chứ chẳng phải "căn cứ quân sự” nào cả. ...
6, Cả TS LSPN và ông DTQ đều cho rằng lẽ ra (lại “nếu”!) Pháp sẽ đánh vào Thuận An bởi từ Thuận An đến Huế chỉ gần 15km!?

Trên đời này có nhà quân sự nào kém đến mức khi xâm lược nước khác, đòn phủ đầu là tấn công Kinh Đô?! Làm thế có khác gì tiếp sức cho hàng triệu người đứng lên để chống lạị! Lịch sử chứng minh là hầu hết các cuộc chiến tranh xâm lược đều diễn ra theo “kịch bản”: Kẻ xâm lược tiếp tục duy trì bổng lộc cho vua quan bản xứ để hòng dễ bề cai trị chứ chẳng hề muốn “nuốt chửng” các vua quan đâu…

Phải chăng quý vị nói… theo “lối mòn”: Có một thời nghe nói VN là bàn đạp để chủ nghĩa cộng sản bành trướng khắp vùng Đông Nam Á; bây giờ nói là đánh Đà Nẵng để chiếm Đông Nam Á và TQ – một cách tung hô sự "đắc địa" của VN lên cao hơn trời!?

Thứ tư,khẳng định thực dân Pháp muốn chiếm ĐN để làm bàn đạp – một căn cứ quân sự hùng mạnhđể tấn công TQ là một trong những nhầm lẫn thuộc dạng chân thành nhất mà tôi từng biết. Đó là cách tư duy có sau khi anh em nhà Wright phát minh ra máy bay – ngày 17.12.1903(!) Hay nói cách khác, TS LSPN và ông DTQ đã đánh giá thời điểm lịch sử năm 1858 bằng cách nhòm vào căn cứ quân sự liên hợp khổng lồ của Mỹ ở ĐN, sau ngày 8.3.1965.

Làm sao có thể nói, vào giữa thế kỷ XIX, khi tàu thủy chỉ chạy với tốc độ chưa đến 10 knots, lại chọn một bàn đạp cách xa cả ngàn cây số để tấn công? Chẳng lẽ Hải Phòng không phải là bàn đạp bắc tiến tốt hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn? Toàn bộ lịch sử của thời Pháp thuộc cũng nói rõ điều này: Chưa bao giờ ĐN là căn cứ quân sự hùng mạnh của người Pháp.

Chính vì thế, “chọn” ĐN là nhằm gửi “thông điệp” trực tiếp đến triều đình Huế về ”sức mạnh” của người Pháp. Nhân đây cũng nói thêm, ông DTQ diễn đạt, phụ họa theo TS LSPN với “bằng chứng” người Pháp quay vào Nam, rồi vòng ra Bắc để tìm đường tới Vân Nam. Thật ra, ý đồ và thực tiễn đã xảy ra đối với Pháp là rất rõ (mà tôi đã nói ở phần trên và, hầu hết các sinh viên sử học đều biết): Nam Kỳ là thuộc địa, Bắc kỳ là thuộc địa nửa phong kiến, còn Trung Kỳ là phong kiến nửa thuộc địa.

Có lẽ chẳng cần bàn thêm về việc không một đế quốc thực dân nào có thể một mình gặm nổi toàn bộ TQ: Đó cái bánh ngon khổng lồ không thể bỏ nhưng một đế quốc riêng rẽ thì chẳng thể nuốt trôi. Chính vì thế, không thể cho rằng chiếm Đà Nẵng để làm bàn đạp tấn công TQ!

Lịch sử không bao giờ cho phép việc phán xét bằng các áp đặt chủ quan, tệ hơn nữa là những ngộ nhận. Lịch sử không dung thứ cho cách lấy lối nghĩ thời sau để suy đoán về thời xa xưa. Và, sự thật lịch sử là người bạn đời khó tính với bất kỳ ai muốn lạm dụng nó vì những mưu toan chính trị sai lạc…

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kém ý thức pháp luật vì... “quen” phản kháng ngoại xâm!

    17/10/2005Doãn PhươngBáo Tiên phong trích Tổng thuật các tham luận Hội thảo đưa ra 7 khuyết tật của người Hà Nội. Thử đọc mà giật mình về khuyết tật thứ 6: "Lịch sử hơn ngàn năm chống ách đô hộ nước ngoài tạo nền trong tính cách người Hà Nội một tinh thần phản kháng, chống lại những quy định và chính sách mà ngoại bang áp đặt, từ đó hình thành thói quen không tuân thủ pháp luật, coi trọng luật tục hơn luật pháp, chưa định hình một lối sống theo pháp luật"...