Cái tôi to tướng và cái tập thể nhạt nhẽo
Cái chủ nghĩa cá nhân vô lối này cũng đầy rẫy trong nghệ thuật, vì là một thứ không chết ai, nên cũng chẳng có một sự phê bình nào, và nhất là những cơ quan quản lý văn nghệ chỉ lo những gì sai đường lối. Thế là có vô số thứ nghệ thuật không sai đường lối nhưng tầm thường vô cùng trở thành thời thượng
Báo Vietnamnet muốn đưa ra một đề tài cần trao đổi, đó là cái tôi trong nghệ thuật. Vietnamnet cho rằng, sáng tạo nghệ thuật cái tôi và cá tính rất cần thiết, nhưng gần đây một số văn nghệ sỹ đã phát triển cái tôi tới mức ích kỷ, kệch kỡm. Một cái tôi không hay ho gì và chỉ thu hẹp cái tầm của tác phẩm nghệ thuật. Con người cá nhân ở nước ta vốn chưa được đề cao, nhất là qua thời kỳ chủ nghĩa tập thể dài, khi đặt vấn đề này ra tất yếu sẽ đụng chạm đến sự hình thành còn rất non trẻ của cá tính sáng tạo.
Khi xem các triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, hay triển lãm Mỹ thuật của một khu vực, chẳng hạn khu vực đồng bằng sông Hồng, đôi khi người ta có cảm giác cả phòng tranh tượng chỉ do một người vẽ nặn ra. Sự thiếu cá tính, thiếu cái nhìn của một con người duy nhất đến cả năm mươi năm qua vẫn chưa khá lên bao nhiêu. Người nghệ sỹ quen được bao cấp, lĩnh lương cơ quan để kẻ vẽ, trang trí dăm ba khẩu hiệu hàng năm, khi nào gần dịp triển lãm mới vẽ, rồi lại đòi hỏi hội nghề nghiệp, cơ quan hỗ trợ tiền. Khi triển lãm, địa phương, hội trung ương xét duyệt, cho ô tô chở tranh đi về, được giải thưởng thì tiếng tăm nức tỉnh, huyện. Thậm chí còn đòi hỏi hội Mỹ thuật chỉ đạo xu hướng sáng tác, đề tài sáng tác.
Sự bao cấp tinh thần vẫn còn nguyên trong hàng ngàn cán bộ mỹ thuật, dù rất nhiều người đã không đi làm cơ quan nào. Chiến tranh đã qua hơn ba mươi năm mà người ta vẫn coi vẽ về chiến tranh và lực lượng vũ trang là đề tài mũi nhọn. Nhưng nếu có được một tác phẩm phản ánh cuộc chiến kỳ vỹ của dân tộc thì quá tốt, đằng này chỉ rặt những minh họa sơ sài về bộ đội, không có một chút nhãn quan cá nhân nào về lịch sử và cuộc chiến, và đáng ngạc nhiên không ít người cầm bút từng kinh qua chiến tranh.
Chủ nghĩa cá nhân được đặt ra và giải quyết sâu sắc ở Âu Mỹ làm thay đổi đời sống gia đình truyền thống, phát huy được tiềm năng cá nhân, nhưng cũng tạo ra những khủng hoảng tâm lý do quá cô độc. Nói chuyện với ông chủ nhà người Mỹ, ông cho biết cách đây nửa thế kỷ sinh hoạt thường ngày của người Mỹ cũng không khác người Việt. Đến chơi nhà bạn không cần gọi điện trước, con cái kết hôn phải được cha mẹ đồng ý. Nhưng xã hội công nghiệp đã đòi hỏi phải thay đổi và thấy thế này tiện hơn.
Là người Việt thuần túy, tôi hỏi một người Mỹ rằng: tại sao bạn bè đã mời nhau đi ăn, ai nấy lại tự trả tiền cho mình? Trả lời: không phải người Mỹ ky bo, mà họ rất cá nhân, sau bữa ăn về nhà, họ không muốn bận tâm về bất cứ điều gì ngoài đường. Họ không muốn mình mang ơn hay làm ơn, dù là món nhỏ nhất. Quan điểm chung là tất cả nên nói thẳng với nhau, sau đó là chỉ còn mình mình. Tôi từng sống trong một chung cư cao ốc ở New York, thấy người ta viết ở bảng chung tầng một là: Có một nghệ sỹ Việt Nam đến ở tòa nhà của chúng ta, khi gặp anh, mọi người hãy nói hello. Tầng tôi sống có nhiều căn hộ, một bà cụ sinh nhật, bà đứng ở ngoài cửa không mời ai vào nhà, nhưng ai đi qua đều thân ái chúc bà thêm một tuổi và khỏe mạnh, bạn của bà đến cũng chỉ buộc bó hoa ở cửa rồi đi về. Chủ nhà nói với tôi rằng: ở phương Đông gia đình là số một, cá nhân thứ nhì. Ở Mỹ cá nhân là thứ nhất, gia đình là thứ hai.
Một vài chuyện nhỏ trên cho thấy chủ nghĩa cá nhân có cả hai mặt hay và dở, tất nhiên có những xu hướng muốn kết hợp, như xã hội Hàn Quốc hay Nhật Bản, tức là con người cá nhân được đảm bảo trong cộng đồng gia đình. Nếp sống tập thể từ thời bao cấp cũng có những mặt tích cực, đặc biệt trong thời chiến ai nấy đều cần sự tương trợ cộng đồng, nhưng sau đó là sự thụ động, ít chịu trách nhiệm về việc làm cá nhân, cuối cùng là không có tư cách cá nhân. Ở ngoài quán nước, người ta thoải mái nêu ý kiến, và nào là chỉ trích phê bình, nhưng vào cuộc họp, trước tập thể tất cả lại ăn nói nghiêm trang theo một khuôn mẫu, lâu dần cứ thế cứ thế, một lối nói năng vô nghĩa và sáo rỗng hình thành. Lời lẽ nghe rất to cao, nhưng vô nghĩa và không thay đổi gì về nội dung hàng vài chục năm. Văn học nghệ thuật cũng đã có hơi hướng này, nhiều cuốn truyện vô bổ với những nhân vật chung chung, nhiều bức tranh nhạt nhẽo mang danh đề tài xã hội, nhiều bản nhạc chỉ giống như tranh cổ động chẳng truyền đạt tâm hồn gì.
Thoắt một cái, từ chủ nghĩa tập thể biến thành chủ nghĩa cá nhân vô lối, phần lớn chỉ lo cho bản thân và gia đình mình và tha hồ làm thiệt hại đến lợi ích công cộng. Vứt rác ra đường, xả nước tự do, dùng điện thoại chùa, tăng giá vô độ khi mua hàng hóa cho cơ quan, chiếm đất công, những ai không lấy được gì thì lãn công, ăn cắp thời gian. Đáng lẽ nền kinh tế thị trường phải đi theo với sự trưởng thành của tinh thần công dân, thì chưa bao giờ tinh thần công dân lại thấp kém như bây giờ. Trẻ em và thanh niên cắt dây điện thoại, dây điện đường, vặn ốc vít đường ray, tháo thanh chắn đường, cắt dây cáp quang, đổ từng ô tô bùn, rác ra giữa đường thành phố rồi tháo chạy...hẳn là một sự ma ám đập phá cho vui, chứ chưa hẳn vì lợi.
...Từ New York đến Hà Nội, Graffiti giống nhau như đúc, thoạt tiên là vài chữ in, in hoa Anh, Việt, vài mô típ, vài hình công nghiệp, rồi phun xịt mầu chì chạt... |
Cái chủ nghĩa cá nhân vô lối này cũng đầy rẫy trong nghệ thuật, vì là một thứ không chết ai, nên cũng chẳng có một sự phê bình nào, và nhất là những cơ quan quản lý văn nghệ chỉ lo những gì sai đường lối. Thế là có vô số thứ nghệ thuật không sai đường lối nhưng tầm thường vô cùng trở thành thời thượng. Từ những dân ca nhạc kịch cải biên đến mức xa lạ với chủ nghĩa nhân văn truyền thống và tinh thần tôn giáo, những sắp đặt trình diễn tốn kém và ngớ ngẩn cho sướng cái cá nhân muốn nhanh chóng có vị thế xã hội, những tập vè có vần được gọi là thơ rất thời sự và triết lý, và miêu tả tình dục trở thành thủ pháp nghệ thuật.
Đúng như công thức của phim rẻ tiền Mỹ: cướp - hiếp - giết, hay phim tình và quảng cáo hàng hóa Hàn Quốc: anh A yêu chị B, chị B theo đuổi anh C, anh C lại thích chị D, và chị D lại mê anh A. Miễn là các anh chị này đều đẹp trai xinh gái và dùng điện thoại di động, mặc áo quần, đi ô tô của các hãng nổi tiếng. Hấp dẫn đến mức xem vài trăm tập chẳng chán. Đây là món quà văn nghệ sau bữa ăn tối của hàng triệu nông dân Bắc bộ. Tóm lại là nơi cần có tinh thần cộng đồng xã hội thì rất nhiều người Việt rất cá nhân, nơi cần nêu cao vai trò của cá nhân thì họ lại rất tập thể, dùng theo chữ của vài văn sỹ là rất bầy đàn.
Khó có thể nói những người sáng tác hiện giờ đang phát triển tinh thần cá nhân hay tập thể. Tôi dự buổi tổng kết của một chi hội văn nghệ một huyện nọ có hơn chục nhà văn nhà thơ. Tổng kết là năm qua có hơn chục tiểu thuyết ra đời nhưng hầu hết là chuyện lịch sử, các đồng chí nhà văn ít chú ý đến thời sự quá, địa phương ta có biết bao nhiêu vấn đề, mà các đồng chí chỉ tìm bới quá khứ. Viết chuyện lịch sử đang là trào lưu của các nhà văn nông thôn. Dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư hoặc sách nào đấy, thời Lý, thời Trần, thêm bớt vài nhân vật, bịa ra vài đạo quân, vài trận đánh, vài ba mối tình xuân thu, in thì nhuận bút quy ra sách, cố gắng có hai đầu sách là đủ tiêu chuẩn làm đơn xin vào hội Nhà văn.
Đây cũng là một thứ phi tính cách trong văn chương, vì tất cả đều giống nhau về phương pháp, mục đích, và tầm phào như nhau về nhãn quan lịch sử, kết thúc bằng hội viên hội Nhà văn. Nhìn về giới Mỹ thuật , trước kia là cùng nhau vẽ bộ đội, sản xuất tổ đội, nay cùng nhau vẽ về môi trường, thân phận với những hình thù đàn bà quằn quại, hoặc cùng nhau vẽ trừu tượng, cùng nhau trình diễn vài màn na ná. Ví dụ màn dùng một cái dây tự trói mình. Hay màn Sắp đặt bằng hàng ngàn quả trứng cũng rất được ưa chuộng. Hoặc là đốt cái gì đó, hoặc dùng bong bóng, hoặc dùng rơm rạ, hoặc bầy biện mây tre... Đây có lẽ chính là cái mà Vietnamnet muốn nói về sự thiếu cá tính sáng tạo, nhưng thừa cái tôi duy nhất.
Từ New York đến Hà Nội, Graffiti giống nhau như đúc, thoạt tiên là vài chữ in, in hoa Anh, Việt, vài mô típ, vài hình công nghiệp, rồi phun xịt mầu chì chạt. Không có một bóng dáng cá nhân nào, nhưng rất nhiều kẻ bôi bẩn ra các bức tường công cộng. Không phát triển được cá tính sáng tạo bên cạnh thái độ công dân, nghệ thuật trở nên yếu đuối, xa lạ với dân tộc, bằng cách này hay cách khác đều rơi vào tình trạng giống nhau, hoặc lặp đi lặp lại các ngón nghề cũ rích từ phương Tây. Hỡi ôi những sáng tác như vậy lại có khả năng lôi kéo không biết bao nhiêu dự án, tài trợ, hội thảo bằng English hẳn hoi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015