“Chỉ thị” giảm tải 15% chương trình tiểu học… chỉ là hình thức!

08:30 SA @ Thứ Năm - 10 Tháng Mười Một, 2005

Năm học này Bộ GD - ĐT chỉ “giảm tải 15% chương trình tiểu học”. Đến nay đã qua nửa học kỳ I của năm học mới, những chủ trương trên vẫn “chưa đi vào cuộc sống” vì dù chương trình đã được “ấn định” nhưng không biết sẽ được “cắt giảm” như thế nào.

“Lớn lên các con sẽ học tiếp”

Tại Hà Nội, có gần 90% HS tiểu học học 2 buổi/ngày, nhưng nhiều HS vẫn phải học thêm ở các buổi tối. Các Bộ thì khẳng định “chương trình vừa sức”, quá tải do trình độ GV, trình độ quản lý giáo dục cấp dưới. GV các trường tiểu học trực tiếp giảng dạy thì kêu "chương trình nặng, không thể thực hiện đủ các yêu cầu vào giờ học chính khóa". Buổi học thứ hai, vốn được coi là giờ HS tự học, và tham gia sinh hoạt ngoại khóa thì nay trở thành giờ để GV "chữa cháy giáo án”.

Theo phản ánh của GV nhiều trường tiểu học của HN , chương trình mới bậc tiểu học vẫn nặng nề. Ở một số môn học, và phần của môn học. Yêu cầu dạy học đối với các phân môn quá nhiều trong khi điều kiện dạy học không đáp ứng được. Cô giáo Nguyễn Thu Lan, GV trường tiểu học Thành Công B, cho biết: Dạy một tiết học mà tôi không biết phải phân phối thời gian thế nào để có thể thực hiện được tất cả các yêu cầu của môn học. Bài "trao đổi chất trong cơ thể con người" thuộc môn Khoa học của HS lớp 4 được ấn định dạy trong 35 phút, GV phải giảng cho HS chức năng của các cơ quan trong cơ thể, hoạt động của các cơ quan đó và sự phối hợp với các cơ quan khác, các vòng tuần hoàn to nhỏ…GV chỉ có trong tay một sơ đồ để minh họa, nhìn vào đó người lớn cũng chưa chắc hiểu, nói gì con trẻ… Đành phải giải thích “lớn lên các con sẽ học tiếp"!

Một số cha mẹ HS trường tiểu học LVT cho biết: Nhiều lần HS được giao những bài tập nằm trong phần kiến thức chưa học, các dạng bài tập chưa hướng dẫn trên lớp. thắc mắc, cô giáo dạy lớp 3 phát biểu: “Những bài dễ... Cha mẹ tự hướng dẫn các con, vì trên lớp không có thời gian để dạy!”.

Không chỉ ôm nhiều kiến thức, đề ra lắm yêu cầu, chương trình của môn Tiếng việt, tập làm văn của HS lớp 3, 4 có những phần rất khó, không phù hợp đối với lứa tuổi HS. Ví như yêu cầu HS phải tường thuật một lễ hội, tường thuật một cuộc thi đấu thể thao, viết một tin về một cuộc thi thể thao vừa diễn ra. Có HS đã khóc không dám đến lớp vì không thể hoàn thành bài tập về nhà với yêu cầu "kể lại một việc làm của em giúp đỡ người bị nghiện ma túy cai nghiện"!

Giảm tải 15% ở đâu ?

Chỉ thị giảm tải 15% chương trình tiểu học của Bộ GD-ĐT là giải pháp tình thế cho tình trạng trên.

Bà Đặng Huỳnh Mai, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phụ trách bậc tiểu học, khẳng định: Bộ GD-ĐT chủ trương giảm tải 15% chương trình tiểu học. Nhưng không phải cắt xén chương trình đã được xây dựng, mà giảm tải bằng cách thay đổi cách phân phối chương trình và phương pháp dạy học của GV. Theo đó, chương trình tiểu học sẽ được đầy theo khả năng tiếp thu của HS để đạt được cái đích cuối cùng là kiến thức.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý và GV đều cho rằng: Chủ trương chung chung, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì không thể thực hiện được. Làm sao có thể biết đã giảm tải được chính xác bao nhiêu phần trăm khi sự "giảm tải” nằm trong thực tế dạy học của từng trường, từng lớp, từng GV, tương ứng với nhiều đối tượng HS. Không có chỉ đạo cụ thể không có giám sát thực hiện. Bởi thế con số 15% hoàn toàn tồn tại trên lý thuyết.

Thực tế hiện nay ở nhiều thành phổ lớn, đặc biệt là HN, sĩ số HS /lớp ở mức rất cao, có nơi đến trên 60 Hs/lớp, phòng học chật chội, thiết bị hiện đại trợ giúp dạy học thiếu thốn, GV có giỏi cũng không thể cùng lúc áp dụng"dạy theo trình độ với từng đối tượng HS”.

Bà Mai giải thích: "HS tiếp thu ở mức trung bình trở lên thì học theo phân phối chương trình, HS yếu kém có thể dạy chậm lại một chút ở giai đoạn đầu đến khi nào theo kịp các bạn thì tốt, nếu không thì học đến đâu, chắc đến đó."

Làm theo cách diễn giải trên không đơn giản, thậm chí không khả thi. Bới như vậy sẽ phải giảm sĩ số lớp xuống, chỉ khoảng 25- 35 Hs/lớp, phải phân loại trình độ, chia nhóm HS, mỗi nhóm áp dụng một cách dạy riêng. Về cách này, việc đánh giá HS cũng không thể áp dụng đồng loạt như hiện nay…

Quy trình ngược

Không riêng chương trình tiểu học, mà cả chương trình phổ thông nói chung, ở nhiều nước khác, người ta phải xây dựng một chuẩn kiến thức. Chuẩn kiến thức bất di bất dịch được xây dựng trên cơ sở mục đích, điều kiện dạy học, tâm sinh lý lứa tuổi…Toàn cở sở chuẩn kiến thức đó, mới xây dựng chương trình cụ thể và SGK cho các bậc học. Nhưng ở VN, ngành GD đang thực hiện một quy trình ngược là xây dựng chương trình, SGK mới xong xuôi rồi mới xây dựng một chuẩn kiến thức theo yêu cầu đặt ra trong các kỳ họp Quốc hội. Chương trình ra đời với nhiều bất ổn khiến cho việc triển khai thực hiện phải kèm theo nhiều "giải pháp tình thể"' trong đó có những giải pháp đề ra để "yên lòng dư luận" là chính.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: