Giáo dục đại học: phải cải cách triệt để!

10:47 SA @ Thứ Ba - 12 Tháng Bảy, 2005

Mỗi đại biểu đều mang đến hội thảo một giải pháp riêng của mình với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo bậc học này. Và tựu trung, các đại biểu đều đánh giá nền giáo dục ĐH hiện nay đã không theo kịp, không phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước...
Chương trình đào tạo: yếu tố quyết định!

Ý kiến của GS.TSKH Đỗ Trần Cát (tổng thư ký Hội đồng Học hàm nhà nước) đã được nhiều đại biểu đồng ý, đó là con người (tức giáo viên, SV) chỉ là yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề chất lượng, còn chương trình đào tạo mới là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo.

Theo GS Cát: “Chương trình có nhiều bất cập nhưng việc sửa đổi đã và đang được tiến hành không hiệu quả. Chẳng hạn việc giảng dạy các môn khoa học xã hội trong các trường công nghệ, với số lượng giờ quá nhiều trong tương quan giữa các môn khoa học tự nhiên và xã hội…”.

Đánh giá về vai trò người thầy, TS Nguyễn Chương Nhiếp (trưởng khoa giáo dục chính trị, ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng cho rằng: “Thầy giáo không phải là người quyết định chất lượng giáo dục mà chỉ là người thực hiện chương trình. Thầy giáo chỉ quyết định hiệu quả của việc biến mục tiêu, nội dung giáo dục thành hiện thực. Nếu thầy giỏi thì sản phẩm của họ - SV - đạt gần với mục tiêu, với nội dung giáo dục đã đề ra.

Ngược lại, nếu thầy dở thì sản phẩm của họ sẽ xa rời, lệch lạc so với mục tiêu, nội dung giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, trước hết xin hãy cởi trói cho thầy trò khỏi những hình thức thi cử, nội dung chương trình, giáo trình... cũ kỹ lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay”.

TS Nguyễn Chương Nhiếp đề nghị: “Để có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục ĐH, phải mạnh dạn thay đổi từ mục tiêu đến nội dung giáo dục. Phải cải cách triệt để! Thái độ nhùng nhằng thiếu mạnh dạn, nửa muốn gạt bỏ nửa muốn níu giữ những cái lỗi thời thì chỉ có thất bại”.

Đại biểu người nước ngoài duy nhất tại hội thảo, ông B. Keith Inksret - đại diện Trường ĐH Quốc tế RMIT - cũng đánh giá về những “nỗi niềm” mà một giảng viên VN phải chịu, đó là “công nghệ trong lớp học vẫn không có gì hơn là bảng đen phấn trắng. Các giáo viên làm việc rất cực nhọc, phải dạy nhiều lớp ở các đơn vị khác nhau nên không có thời gian phát triển chuyên môn. Chất lượng của chương trình bị hạn chế bởi phần lớn SV ở các trình độ khác nhau và khả năng sử dụng công nghệ kém”.

Còn theo TS Đoàn Văn Điều (trưởng khoa hóa, ĐH Sư phạm TP.HCM), hiện nước ta vẫn còn thiếu những cán bộ giáo dục được đào tạo đúng chuyên môn. Do đó, TS Điều đề xuất: “Cử những người có trình độ, có nhiệt huyết đi đào tạo về các chuyên ngành quản lý giáo dục, hoạch định chính sách giáo dục, chương trình học... Các chuyên gia này sẽ có khả năng lập kế hoạch, nội dung và quản lý giáo dục ở mức độ địa phương, đồng thời giúp các trường sư phạm có chiến lược đào tạo giáo viên lâu dài cho đất nước”.

Đại học như là doanh nghiệp?

Nét khá mới tại hội thảo lần này là các đại biểu thay vì bàn hoặc thảo luận về “giáo dục có phải là hàng hóa hay hàng hóa đặc biệt không” như các buổi thảo luận khác, nhiều đại biểu đã thẳng thắn cho rằng “nhà trường là doanh nghiệp”.

Bức xúc nhất có lẽ là TS Hà Bích Liên (ĐH Sư phạm TP.HCM) khi bà đề nghị Tuổi Trẻ hãy “nói mạnh” về vấn đề này: “Chúng ta không nên và không được tiếp tục cơ chế bộ bao cấp gần hết cho các trường ĐH. “Sai đâu bộ chịu”, không một trường ĐH nào phải đứng ra trả lời trước dư luận xã hội về chất lượng đào tạo vì đã có bộ chịu trách nhiệm”.

Và theo TS Liên: “ĐH như là doanh nghiệp, các trường ĐH công lập phải năng động nhanh chóng trở thành những tập đoàn tri thức kinh doanh. Trường ĐH có nguồn thu từ những nguồn khác nhau, phát triển những sản phẩm đào tạo mới và những thị trường mới. Đảm bảo tái đầu tư và việc làm, đón nhận những thực tế quản lý hiện đại, cùng lúc gìn giữ những giá trị đào tạo”.

Cũng mới mẻ, TS Lê Văn Hảo (ĐH Thủy sản) đã đưa ra những khái niệm liên quan đến kinh tế thị trường, trong đó giáo dục ĐH là “nhà sản xuất” có “sản phẩm” và “khách hàng” riêng của mình. “So với các doanh nghiệp, trường ĐH có loại sản phẩm đa dạng hơn, lượng khách hàng cũng đa dạng”.

Sản phẩm của một trường ĐH là SV cung cấp cho các công ty xí nghiệp..., là các khóa học đáp ứng cho khách hàng là người học, xã hội.Với mặt hàng khoa học công nghệ có từ nghiên cứu thì lượng khách hàng còn đa dạng hơn nữa vì ai có nhu cầu đều có thể mua và sử dụng.

Theo TS Hảo, đối với sản phẩm là SV trong mối quan hệ “sản xuất” thì nhà trường quá chú trọng đến số lượng, dẫn đến sa sút về chất lượng. Phương pháp giảng dạy và đánh giá kém hiệu quả, chưa coi trọng khả năng hợp tác giữa các trường - viện, chưa chú trọng đào tạo kỹ năng xã hội dành cho người học.

Về việc “quảng bá sản phẩm” thì nhà trường không giới thiệu SV tốt nghiệp ra bên ngoài, chủ yếu SV vẫn tự lo. Về mặt phản hồi từ sản phẩm là SV, các trường không tổ chức thu thập thông tin về SV tốt nghiệp, yêu cầu nguồn lực của các tổ chức doanh nghiệp...

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Ba nhược điểm của giáo dục ĐH là tách rời giáo dục với các cơ quan nghiên cứu khoa học, tổ chức theo đơn ngành và quá hẹp, trực thuộc nhiều bộ, tỉnh thành khác nhau”. Theo TS Tống, để khắc phục các nhược điểm nói trên cần phải tạo môi trường cạnh tranh nâng cao chất lượng.

“Cần có biện pháp nhằm khuyến khích cạnh tranh hơn là xây dựng các tổ chức độc quyền trong hoạt động giáo dục. Việc thành lập các viện ĐH tập trung qui mô quá lớn và chiếm vị trí duy nhất hay mang tính độc quyền khu vực sẽ dẫn đến tính tự mãn khiến chất lượng có thể giảm sút vì không lo bị cạnh tranh. Việc để phân tán quá nhiều trường ĐH với nhiều hệ đào tạo lẫn lộn trong những năm qua đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh theo chiều hướng lạm phát bằng cấp và giảm chất lượng” - TS Nguyễn Thiện Tống nói.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: