Từ "hiện tượng Obama" đến những chuyển biến mang tính thời đại
Barack Obama đắc cử tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa kỳ đang là một sự kiện làm chấn động thế giới. Từ Bắc Mỹ đến Châu Mỹ Latinh, từ Châu Âu sang Châu Á, không phải chỉ chính giới chú tâm theo dõi hành trình tiến vào Nhà Trắng của Obama, mà những người dân bình thường đều hồi hộp dõi theo diễn biến đầy kịch tính của hành trình ấy.
Người ta hồi hộp theo dõi hành trình của Obama vì, nếu điều khó có thể trở thành sự thật ở một quốc gia đang có một vị trí trực tiếp ảnh hưởng đến toàn thế giới ấy biến thành sự thật, thì đó là một chuyển biến có ý nghĩa đột phá mang tính thời đại. Hiện tượng Obama không chỉ là một sự kiện của một quốc gia dù cho đó là một siêu cường, mà là một hiện tượng mang tầm vóc nhân loại ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI với những biến động dồn dập.
Gọi là “hiện tượng”, vì khi nhân dân Mỹ bầu một người da màu, một người Mỹ gốc Phi làm tổng thống thứ 44 của mình, họ đã chọn sự thay đổi. Có nghĩa là với Obama, thế giới đang ghi nhận một cột mốc trong hành trình tư duy của con người trên con đường chưa có tên trên bản đồ.
Trên hành trình đó, Obama là một “hiện tượng” nổi bật đáng suy ngẫm. Với “hiện tượng Obama” người ta tìm thấy dẫn chứng sinh động cho một luận điểm tuyệt vời được đưa ra vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước: “Con đường cũ dừng ở đây. Thế giới đã thay đổi, và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp vớí một thế giới phi tuyến tính… những ai chần chừ, tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục đơn giản của quá khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại: sẽ đi đến đâu và bằng cách nào đi đến đó, khi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi"*.
Với “hiện tượng Obama” cùng với những diễn biến dồn dập của thời cuộc ở hai thập kỷ cuối thế kỷ XX và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI bước vào thiên niên kỷ mới đang khẳng định một sự thật: Chuẩn mực chính là sự thay đổi!
Đó là một dữ kiện có ý nghĩa lớn lao thôi thúc những cái đầu biết tư duy phải tự nhìn lại sự hạn hẹp của nhận thức đã có, rà soát lại để nhặt ra những thô thiển, những ngộ nhận, những sai lầm để tự bổ sung cho mình những tri thức mới, giúp thay đổi cách nhìn, cách nghĩ sát với sự vận động của cuộc sống.
Hành trình của Sự thay đổi
Sinh năm 1961 vị tổng thống nước Mỹ thứ 44 không giống như phần lớn những người từng bước vào Nhà Trắng với niềm kiêu hãnh của một người xuất thân từ những danh gia vọng tộc, nhiều đời là những thống đốc, thượng nghị sỹ vốn dòng dõi của những gia đình triệu phú như các dòng họ Roosevelt, Kennedy, Bush... Không giống những chính khách với tên tuổi lẫy lừng đã dày dạn trong các cương vị quan trọng tại nghị trường hay trên các diễn đàn quốc tế như Truman, Nixon hay Reagan; cũng chẳng phải là những danh tướng đã lập chiến công từng được mọi người biết đến như Ulysses Grant, Dwight Eisenhower.
Theo truyền thống vốn có, những kiểu người như vậy mới xứng đáng đại diện cho những tập đoàn tư bản kếch sù chi phối lá phiếu cử tri Mỹ. Với “hiện tượng Obama”, cách tư duy truyền thống ấy đã tỏ ra lạc hậu! Chính đối thủ của cuộc đua vào Nhà trắng, McCain, trong lời phát biểu chấp nhận thất bại và chúc mừng Obama cũng đã nhấn mạnh rằng việc cử tri chọn một tổng thống da màu đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của nước Mỹ. Và chắc rằng bước ngoặt lịch sử ấy không chỉ của nước Mỹ.
Mẹ của Obama là một phụ nữ da trắng kết hôn với một người Kenya. Cuộc hôn nhân của họ bị đổ vỡ khi Obama mới 2 tuổi. Ông Barack Hussein Obama trở về Kenya, với cuộc sống nghèo khổ, thêm tật nghiện rượu, ông qua đời năm 1982. Obama ở với mẹ, rồi bà Ann Dunham tái hôn với một người gốc Indonesia, vì vậy năm 1967 Obama theo học ở các trường tiểu học ở Jakarta, nơi chỉ giảng dạy bằng tiếng Indonesia.
Quá khứ trắc trở so với các bạn da trắng cùng lứa tuổi đã từng đẩy Obama vào khủng hoảng như chính ông đã viết trong cuốn tự truyện “Giấc mơ của cha tôi” năm 1995: Ông từng uống rượu, hút cần sa, thậm chí hít heroin để “đẩy ra khỏi đầu câu hỏi: tôi là ai?”. Sẽ hiểu thêm sức nặng của câu hỏi đó khi biết rằng trong vận động tranh cử, Obama không ngần ngại giới thiệu vợ mình, nữ luật sư Michelle Obama, vốn mang dòng máu nô lệ da đen!
May mắn là chàng trẻ tuổi với những năm tháng tuổi trẻ khá buồn tủi ấy đã không rơi xuống vực, anh đã thoát hiểm khi trở về Los Angeles, được vào học tại đại học Occidental, để rồi tại đây khởi đầu con đường mới bằng một bài phát biểu trong cuộc biểu tình của sinh viên chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Từ đó, sau bốn năm tại đại học Columbia theo học khoa học chính trị, Obama chuyển đến Chicago với vai trò của nhà tổ chức hoạt động cộng đồng để cuối 1988 vào học tại trường luật Havard và cuối năm, do điểm số xuất sắc, Obama được nhận vào làm biên tập viên tạp chí Havard Law Review danh tiếng để rồi trở thành chủ nhiệm tờ tạp chí đó bằng tài năng thực sự của mình.
Từ đấy, luật sư Obama tiến vào con đường sự nghiệp chính trị bằng bản lĩnh và năng lực nổi trội của chính mình mà không hề có một bảo trợ về quá khứ gia đình dòng họ hoặc bất cứ một ô dù nào. Obama tự tin chinh phục cử tri của mình bằng quan điểm và trình độ hiểu biết sâu sắc của một người đã chiếm lĩnh được tri thức qua sự khổ luyện và dấn thân, với sự am hiểu thấu đáo về tầng lớp trung lưu và biết cách diễn đạt ý tưởng chính trị và hoài bão thay đổi nước Mỹ đi thẳng vào lòng người.
Ông được họ lắng nghe, ủng hộ đúng như lời của McCain trong phát biểu chúc mừng thắng lợi của Obama: “Người Mỹ đã lên tiếng”! Chính sự “lên tiếng” đó ghi nhận “hiện tượng Obama”, một biểu tượng của sự biến đổi! Và “sự thay đổi đã đến với nước Mỹ” như lời tuyên bố của Obama.
Khi người Mỹ bỏ phiếu cho Obama, họ đã bỏ phiếu cho một khát vọng đổi mới cuộc sống. Khát vọng đó đủ sức vượt qua những cản ngại ghê gớm về tệ phân biệt chủng tộc đã trầm tích trong lòng nước Mỹ và ngoài nước Mỹ, về bề dày chính trị và sức mạnh tài chính của bản thân người sẽ đứng đầu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với gốc gác của ông ta.
Đừng quên rằng, “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thành hoá”, điều mà Ph. Ăngghen đã từng cảnh báo.**
Phải chăng cử tri Mỹ đã làm nên “sự nổi loạn” đó nhằm đổi thay một thực trạng kéo dài với những bước thăng trầm của một xã hội tích tụ trong nó những tiềm năng lớn lao cũng như những nghịch lý quái gở đã đến lúc phải có những đột phá để hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn?
Liệu đó có phải là cái đích mà Obama chỉ ra: “Chúng ta đã phải đợi rất lâu và hôm nay sự thay đổi đã đến với nước Mỹ. Nhưng con đường phía trước sẽ dài và chúng ta phải vượt qua dốc đứng. Chúng ta sẽ không thể tới đích trong một năm hay thậm chí trong một nhiệm kỳ. Nhưng chưa bao giờ tôi tràn đầy hy vọng hơn lúc này rằng nước Mỹ sẽ tới đích. Tôi hứa với các bạn rằng chúng ta sẽ tới được đích đó”.
Phải chăng vì cái đích đó mà cử tri Mỹ dám đưa vào Nhà Trắng một con người đã từng dằn vặt, trăn trở về thân phận hẩm hiu và tủi cực của mình với sự tự giày vò trong câu hỏi “Tôi là ai?” của một người Mỹ sinh ra tại Hawaii giữa Thái Bình Dương có bố là người Kenya, mẹ là người Mỹ da trắng ở bang Kansas.
Cũng đừng quên rằng hành trình của cuộc đua vào Nhà Trắng được khởi đầu ở vào thế lép vế của một thượng nghị sĩ không khai thác được chút hào quang nào từ dòng họ mà là ngược lại, cũng chẳng có những thế lực tư bản hùng mạnh nào đỡ đầu như chính Obama giãi bày trong diễn văn đắc cử tổng thống tại công viên Grand Park ở Chicago: “Chúng tôi khởi đầu khi không có nhiều tiền hay sự hậu thuẫn. Chiến dịch của chúng tôi không khởi động trong những đại sảnh ở Washington, nó bắt đầu tại sân sau của khu nhà Des Moines và các phòng khách của khu nhà Concord và cả hiên trước của khu Charleston. Chiến dịch này được xây dựng nhờ những người lao động đã đóng góp 5, 10 và 20 USD từ khoản tiền tiết kiệm ít ỏi của mình”.
Và Obama xúc động nói với những cử tri đã chọn ông: “Đây là chiến thắng của chính các bạn. Tôi biết các bạn không chỉ làm việc đó để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và tôi biết các bạn làm cũng không làm điều đó vì cá nhân tôi. Các bạn đã làm điều đó vì hiểu rõ tầm cỡ của nhiệm vụ đang nằm ở phía trước”.
Diễn biến dồn dập của thời cuộc đã chứng minh: Chuẩn mực chính là Sự thay đổi!
Là giáo sư đại học ngành luật, luật sư, nhà báo từng phụ trách một tạp chí danh tiếng của đại học Havard, người Mỹ da màu Obama giành thắng lợi vang dội chính là thắng lợi mang tính biểu tượng thời đại của nền kinh tế tri thức, của nền văn minh trí tuệ mà thế hệ trẻ, nguồn lực quyết định làm thay đổi thế giới đang khát khao hướng tới.
Bộ máy vận động bầu cử của Obama đã huy động một đội ngũ tình nguyện viên tuổi từ 16 đến 35, được huấn luyện bài bản như một bầy ong thông minh cần mẫn, bằng mọi phương tiện nhằm đưa thông điệp đổi mới đến từng cử tri để chinh phục họ. Họ hiểu rằng còn có nhiều nghịch lý, nhiều sự thật phũ phàng và bất công, những mâu thuẫn chồng chất trong lòng nước Mỹ và thế giới, chính vì vậy họ mong chờ một sự thay đổi. Và vì muốn thay đổi, họ chọn Obama mặc dầu biết con đường phía trước còn rất nhiều chông gai.
Với “hiện tượng Obama”, người ta hiểu thêm được rằng, biến đổi chính là một hằng số trong thế giới đầy bất định khó mà tiên liệu được hết. Sức sống mới của các khả năng thích nghi và đổi mới của thời đại đã sáng tạo nên những hợp trội của tiến hoá, tạo ra đây đó những trật tự mới có chất lượng tổ chức cao hơn cho cuộc sống.
Quả là chúng ta đang tiếp cận với một thế giới mà độ phức tạp của nó đòi hỏi phải có cách tư duy mới để nhìn nhận và khám phá. Hệ thống lớn với những tầng cấu trúc cực kỳ phức tạp như xã hội loài người lại đang ở trong một thời kỳ mà các quy luật của lượng biến thành chất và phủ định của phủ định bột phát, tác động đa trùng ở nhiều tuyến, nhiều diện, cộng hưởng trong không gian và hội tụ trong thời gian.
Người ta hiểu ra rằng, dường như quá khứ dừng lại ở đây, tương lai không còn là sự nối tiếp giản đơn theo tuyến tính của cái đã xảy ra trong cuộc sống. Nói cuộc sống, chính là nói sự vận động của tự nhiên và hoạt động của con người.
Trong vòng 30 năm qua từ thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, thế giới đã trải qua những biến động dữ dội với những sự kiện làm thay đổi diện mạo chính trị trên bản đồ các quốc gia mà trước những năm 90 của thế kỷ XX không ai có thể hình dung được.
Cùng với những biến động chính trị và xã hội long trời lỡ đất, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động đến cuộc sống của cả loài người trên quả đất, nhất là những người nghèo, những nước nghèo, là những thiên tai dồn dập với những cơn sóng thần tàn phá các nước Nam Á và Đông Nam Á dạo nào, những cuộc động đất khủng khiếp xảy ra trên đất nước đông dân nhất hành tinh…, đã cho chúng ta hiểu rõ về tính bất định và không dự đoán được của cái thế giới mà chúng ta đang sống.
Thì riêng với chuyện nước mưa nhấn chìm Hà Nội vừa mở rộng khiến ngay giữa Thủ đô mà số người chết vì nước lụt lại lớn hơn tất cả các địa phương khác, ngoài việc phơi bày sự yếu kém của bộ máy quản lý đô thị càng chứng minh tính phức tạp của hoạt động quản lý đòi hỏi phải đặt vào đó những người có năng lực và phẩm chất như thế nào mới có thể chủ động đối phó với biến động khó lường của thiên nhiên cũng như của xã hội.
Dòng chảy của cuộc sống ấy vẫn miệt mài không một phút giây ngừng nghỉ. Nói cuộc sống, chính là nói sự vận động của tự nhiên và hoạt động của con người. Miệt mài không ngừng nghỉ, song không phải là cái trước tiếp cái sau theo trình tự tuyến tính mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng nảy sinh những hợp trội không dự báo trước được.
Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, từ bên trên quyết định. Trong dòng chảy miệt mài với những đột phá những hợp trội ấy của cuộc sống, con người tịến vào những miền đất mới mà hành trang cần thiết nhất chính là đôi mắt mới, một tư duy mới.
Nếu chỉ quen với con đường mòn, người đi sau dẫm lên dấu chân của người đi trước, sẽ dẫn đến thảm hoạ vì con đường mòn đó không có lối ra trong một thế giới đầy biến động với những bước đột phá mà mọi sự dự đoán đều không chắc chắn.
Không có một bản đồ vạch sẵn cho con đường phía trước. Những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống không còn đủ cho hành trình của dân tộc đi về phía trước. Vì thế, sáng tạo và linh hoạt trong tư duy cũng như trong hành động phải là phẩm chất hàng đầu của con người Việt Nam đang sống trong thời đại của những biến động như chúng ta đang chứng kiến.
Với những đột phá ấy của cuộc sống, con người tịến vào những miền đất mới mà hành trang cần thiết nhất chính là đôi mắt mới nhìn vào cuộc sống để phân tích và hành động. Hiện tượng Obama góp thêm một giục giã phải có đôi mắt mới ấy.
-------------
Ghi chú:
* “Tư duy lại tương lai”. NXB Trẻ. 2000
** C.Mác và PH.Ang-ghen Toàn tập. Tập 21.NXBCTQG HàNôi 1995, tr.421
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005