Hiệu quả chưa cao là lãng phí

07:22 SA @ Thứ Hai - 20 Tháng Ba, 2006
Với sự bùng nổ Internet thời gian qua, con số 13,34% dân số VN online thường xuyên đã nói lên mức độ tiếp cận nguồn tri thức và khả năng thông tin vô tận từ Internet ở nước ta. Nhưng bên cạnh chỉ số không phải không còn tâm lý cản trở sự phát triển Internet ở VN cũng như những chỉ số cần thực tâm đối diện, suy ngẫm.

TTCN trao đổi với TS Đỗ Xuân Thọ, chủ tịch Hội Tin học VN, về tốc độ phát triển Internet và khả năng quản lý của nhà nước cho phù hợp với sự phát triển đó. TS Thọ nói:

- Dù làm trong lĩnh vực ứng dụng máy tính ngay từ những năm 1970 nhưng tôi cũng không ngờ tốc độ phát triển Internet ở VN lại nhanh đến thế. Chỉ cách đây mấy năm, Bộ Bưu chính viễn thông đưa ra mục tiêu thấp hơn con số 13,34% nhiều mà mọi người vẫn nghĩ là khó.

Bởi vì muốn đạt con số đó phải có nền kinh tế thế nào và số máy tính phải lên tới cả chục triệu. Nên khi nghe công bố khoảng gần 12 triệu người Việt đang dùng Internet, ban đầu tôi chưa thật sự tin. Nhưng cũng phải nói vừa qua Internet ở VN đã phát triển rất ấn tượng.

Chỉ số chủ yếu và thứ yếu

* 13,34% đúng là con số đáng để tuyên truyền. Nhưng theo ông, sự phát triển Internet thời gian qua ở VN chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước hay do người dân tự vận động?

- Ở đây có nhiều yếu tố. Trước hết là chính sách cởi mở. Khi mới cho Internet vào VN tôi thấy có phương châm “quản đến đâu, mở đến đó”, nhưng bây giờ thì phương châm đã đảo ngược: “quản lý phải theo kịp thực tiễn”. Nhờ đó, Internet mới phát triển nhanh vậy.

Các bộ, ngành cũng có vai trò khi lập dự án đưa Internet xuống tận trường học. Đối với xã hội thì đúng là sự tự thân vận động của người dân vẫn mạnh mẽ nhất và quyết định tất cả. Kinh tế đi lên, người ta có tiền thuê bao, mua máy. Việc hội nhập và cơ hội làm ăn tạo điều kiện cho việc ứng dụng Internet được mở rộng.

* Nhưng còn một vài chỉ số quan trọng hơn lại không được nhắc tới, như chỉ số sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử của VN?

- Thật ra số người sử dụng Internet chỉ là một trong những con số để người ta định ra chỉ số sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử (E-Readiness Index). Bản thân tôi cũng không ngạc nhiên về vị trí của VN ở chỉ số thứ hai này. Theo công bố của các tổ chức quốc tế vẫn xếp hạng các quốc gia theo nhiều tiêu chí liên quan đến công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông công bố tháng 4-2005, chỉ số E-Readiness Index của VN đứng thứ 61/65 quốc gia.

Một chỉ số quan trọng khác là mức độ xây dựng xã hội thông tin của chúng ta cuối năm 2004 cũng đứng thứ 52/53 quốc gia. Nhìn nhận cho đúng thì đến nay, ngoài một số lĩnh vực phát triển rất nhanh như truyền thông, còn một trong những lĩnh vực ta chưa theo kịp là ứng dụng CNTT.

Các nước khác họ ứng dụng nhanh vì có nền sản xuất phát triển. VN từ nền sản xuất nhỏ đi lên, đặc tính làm ăn nhỏ hằn sâu vào cả suy nghĩ lẫn lề lối làm việc. Mà ứng dụng CNTT gắn liền với cải cách hành chính, nó là cuộc cách mạng về lề lối làm việc. Nên việc xây dựng xã hội điện tử không đơn thuần là tăng số người sử dụng Internet mà vấn đề cơ bản là đấu tranh với suy nghĩ cũ, cách làm cũ.

* Một thống kê cho thấy việc phát triển Internet ở VN phần không nhỏ là phục vụ... giải trí. 13,34% thật sự chỉ là một con số phụ bởi sử dụng Internet quan trọng nhất là hiệu quả?

- Đúng như vậy. Cũng như anh dùng điện thoại di động, nếu chủ yếu chỉ để tán gẫu với bạn bè thì không có tác dụng dù trong túi anh có 3-4 cái điện thoại đời mới nhất. Nên một mặt ta tăng số người sử dụng, nhưng nếu không quan tâm đến vấn đề hiệu quả thì sử dụng nhiều Internet là lãng phí chứ không tích cực.

* Để tăng hiệu quả sử dụng Internet dứt khoát phải nói đến vai trò của Chính phủ. Nhưng thật không đáng phấn khởi khi chỉ số chính phủ điện tử của VN năm 2004 tụt 15 bậc (xuống thứ 112) - trùng hợp với nghị quyết 112 về tin học hóa quản lý hành chính nhà nước?

- Chính phủ điện tử là để thuận tiện hóa quan hệ giữa cơ quan nhà nước - công dân, doanh nghiệp; giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Nhưng chúng ta đừng mong rằng khi mối quan hệ giữa các chủ thể trên ở phương diện thủ công chưa tốt thì điện tử hóa nó sẽ tốt hơn.

Gặp trực tiếp còn khó nữa là gửi qua mạng. Muốn đưa CNTT vào phải giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội trước. Từ những cơ chế rõ ràng mới tháo gỡ được những khúc mắc, tiêu cực. Thời gian qua việc xây dựng chính phủ điện tử ở VN chậm bởi cải cách hành chính chậm.

* Bên cạnh lý do như ông nói, một lý do khiến xếp hạng chính phủ điện tử của VN thấp, người ta giải thích rõ rằng: “Nhiều dự án CNTT ở VN đã triển khai nhưng khi kiểm tra thì không thấy đâu”.

- Vẫn là hiệu quả đầu tư. Tôi cũng là người triển khai nhiều dự án CNTT. Để một dự án có hiệu quả đòi hỏi phải giải quyết được ba việc. Thứ nhất là có văn bản qui phạm định hướng. Thứ hai mới đến phần cứng rồi mua phần mềm. Nhưng nhiều dự án của chúng ta làm ngược, quá chú trọng vào việc mua máy, mua phần mềm đắt tiền.

Sau đó, do chưa có qui phạm định hướng nên khả năng ứng dụng bị hạn chế, người không có hoặc không làm được việc. Nên triển khai thì rầm rộ, sau lụi dần, thiết bị phải trùm mền hoặc bị đem đi làm việc khác. Bây giờ ngoài công nghiệp phần cứng, phần mềm, thế giới người ta đã nói đến khái niệm “công nghiệp nội dung”. Đảm bảo nội dung rồi mới triển khai sẽ tránh được lãng phí. Chứ cái máy có tốt mấy, web đẹp mấy mà không có nội dung thì cũng vô nghĩa.

Quản lý phải theo kịp thực tiễn

* Khi khả năng ứng dụng của các cơ quan nhà nước yếu kém thì sự nhanh nhạy của người dân là một điểm sáng. Phương châm hiện nay là quản lý phải theo kịp thực tế. Nhưng nhìn lại, ông còn thấy văn bản nào vẫn cố cản trở sự phát triển Internet ở VN không?

- Khi Internet mới vào VN đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Và khi thấy có vấn đề tiêu cực, người ta hay nghĩ ngay ra các biện pháp về hành chính, kỹ thuật. Nhà nước đã ban hành một số văn bản thông thoáng. Bộ Văn hóa thông tin đang xây dựng văn bản pháp qui về quản lý Internet nên chưa biết nó sẽ thế nào. Nhưng theo tôi, về cơ bản, chính sách đã thông thoáng. Nhưng phải cân nhắc ban hành văn bản là một chuyện, làm sao để thực hiện đầy đủ văn bản ấy lại là một chuyện.

* Văn bản là một chuyện, thực hiện đúng là một chuyện khác. Khi trên nói phải tăng người sử dụng Internet thì mới đây ở TP.HCM lại có qui hoạch cấm mở thêm đại lý Internet công cộng vì đã có 2.500 đại lý rồi. Chưa nói văn bản trên chống lại chủ trương mà nó còn vi hiến?

- Theo tôi, các nhà quản lý mang tâm lý chung là thấy cái gì khó thì hay nghĩ đến việc cấm cho nhàn. Chưa nói đến căn cứ vào đâu để nói 2.500 đại lý đủ cho hơn 5 triệu dân, mà phải nhận thức muốn giải quyết vấn đề cần có giải pháp đồng bộ.

Với môi trường xã hội ngày càng cởi mở như hiện nay thì giải pháp cấm phải được hạn chế. Bởi cấm là biện pháp hành chính cuối cùng, nó mang tính đơn phương và bản thân nó không giải quyết được triệt để mọi vấn đề, chưa nói đến nó lại trái với các văn bản qui phạm pháp luật cao hơn.

* Biện pháp cấm trong bối cảnh hiện nay vừa cản trở sự phát triển vừa thể hiện sự bất lực, yếu kém của các cơ quan quản lý?

- Như chuyện đăng ký xe máy chẳng hạn, khi mình nghĩ đơn giản cấm là hạn chế được ách tắc, tai nạn nhưng thực tế anh cấm kiểu này, người ta làm kiểu khác. Một số cơ quan không nghĩ ra được chiến lược tổng thể nên dùng biện pháp cấm. Đề xuất ra biện pháp cực đoan chứng tỏ năng lực của anh chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Và cuối cùng những việc cấm đoán đó chỉ để lại dấu ấn trong sự chê trách của người dân. Vấn đề Internet cũng thế thôi.

* Nghĩa là điều quan trọng nhất đối với các cơ quan nhà nước bây giờ là làm sao cho năng lực của mình khá lên chứ không phải suốt ngày soi, họp, thở dài rồi cấm?

- Trong chiến lược phát triển CNTT đến 2010 mà Chính phủ mới phê duyệt, các chỉ tiêu như số người sử dụng Internet hay các chỉ số khác đều gần như tăng gấp đôi hiện nay. Như vậy rõ ràng là không thể hạn chế. Quản lý như vậy sẽ khó khăn nhưng logic đúng là anh phải cố lên.

* Chúng ta nhìn khía cạnh khác của vấn đề. Thời gian qua sự bùng nổ Internet đã đem lại lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp nhưng nó lại bỏ qua lợi ích của các nhà quản lý. Phải cấm để còn có “cửa” khi người dân “chạy”; 20-30 triệu đồng/giấy phép/ đại lý chẳng hạn?

- Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói trong buổi gặp gỡ với doanh nghiệp gần đây rằng nhiều cơ quan nhà nước vẫn nghĩ phải làm sao quản lý cho chặt trong khi đúng ra phải tạo điều kiện, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Chính những quan điểm không rõ ràng, không phù hợp tạo ra kẽ hở để gây tiêu cực. Nghĩa là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm chứ cấm rồi để tiêu cực thì tự nó sẽ hạn chế hiệu quả và vô hiệu hóa dần chính sách.

* Khi Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích mà địa phương cứ cấm nghĩa là chống lệnh? Phải chăng sự trả giá của các cơ quan quản lý trước những hành vi sai luật ở ta còn quá ít, cần phải có chế tài mạnh hơn?

- Trong quá trình đi lên bao giờ cũng diễn ra sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Có lúc cái mới cũng bị hạn chế do người ta chưa hiểu nhưng rồi bao giờ cái tiến bộ cũng thắng. Vừa qua, Bộ Tư pháp đã bãi bỏ nhiều văn bản trái luật. Đấy là nét mới đáng mừng của xã hội chúng ta.

Muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền thì tất cả các cơ quan, tổ chức cũng phải tuân theo pháp luật. Mà chúng ta cũng đã có qui định, việc làm sai của các cơ quan gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp thì phải bồi thường. Ta đang trong quá trình thực hiện cái đó. Còn khi đã triệt để rồi, mọi người đều quen rồi, đều kiên quyết bảo vệ cái đúng rồi thì tôi chắc sẽ không ai dám làm sai nữa.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan