Kinh tế tư nhân và các giá trị chân chính của nó

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
10:38 CH @ Thứ Tư - 23 Tháng Ba, 2016

Nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, chủ nghĩa xã hội kiểu cũ đã làm mọi cách, cố gắng thực hiện cho được mục tiêu xây dựng kinh tế nhà nước thành lực lượng thống trị trong nền kinh tế. Nhưng thực ra kinh tế nhà nước hay kinh tế tư nhân không bao giờ là mục đích của nhân loại, nó chỉ là phương tiện để con người phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Trong quá trình phát triển của mình, kinh tế tư nhân ngày nay đã trở thành một phương tiện cực kỳ hiệu quả để phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta sẽ lần lượt phân tích giá trị của kinh tế tư nhân trên các khía cạnh này.

Phương tiện hiệu quả nhất để phát triển kinh tế

Trong quá trình phát triển, nhân loại đã sáng tạo ra nhiều hình thức có tác dụng như những phương tiện để thực hiện các hoạt động kinh tế. Vấn đề là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước cùng song song tồn tại trong thế giới ngày nay nhưng tại sao kinh tế tư nhân lại tỏ ra năng động hơn, có sức sống hơn và phát triển mạnh mẽ hơn? Câu trả lời là kinh tế tư nhân có sự tương thích rất cao với kinh tế thị trường, đặc biệt là khi tính chất mở của thị trường ngày càng tăng, sự hợp tác và cạnh tranh quốc tế đòi hỏi các thực thể kinh tế phải rất linh hoạt và tự chủ trong hoạt động kinh doanh, điều này vốn là nhược điểm của kinh tế nhà nước.

Tính cạnh tranh cao của kinh tế tư nhân không phải ngẫu nhiên mà có, nó được hình thành thông qua hàng chuỗi các vụ phá sản của các công ty, đó chính là sự chọn lọc tự nhiên trong quá trình phát triển. Về phương diện tình cảm xã hội, người ta thấy ái ngại và thương xót mỗi khi có một vụ phá sản nào đó nhưng kinh tế có quy luật riêng của nó, không phụ thuộc vào tình cảm của chúng ta. Kinh tế tư nhân đối mặt với những thử thách khắc nghiệt như vậy để phát triển cũng như mỗi cá nhân chúng ta cần trải qua những gian lao, thậm chí vấp ngã để trở nên vững vàng hơn trong cuộc sống.

Giá trị nhân văn của kinh tế tư nhân

Khi chúng ta nhìn kinh tế tư nhân dưới lăng kính của kinh tế học, sự năng động, tính hiệu quả cao và những lợi ích thiết thực khác của kinh tế tư nhân trong việc xây dựng và phát triển kinh tế đã quá rõ ràng nhưng sẽ rất thiếu sót nếu chúng ta không nhìn nhận nó dưới góc độ xã hội học để khám phá những giá trị tuy không đo đếm được bằng những lượng vật chất cụ thể nhưng lại là những giá trị rất thực và rất cần thiết cho quá trình phát triển. Nếu nhìn kinh tế tư nhân dưới góc độ xã hội học, chúng ta sẽ khám phá ra những giá trị mới mẻ và quan trọng của nó, đó là kinh tế tư nhân như một phương tiện để phát triển con người và chính điều này giải thích tại sao nhân loại không thể dễ dàng vứt bỏ nó.

Vào thời tiền tích luỹ tư bản, nhiều học giả nhìn kinh tế tư nhân như một đấu trường mà ở đó con người cạnh tranh, cấu xé lẫn nhau để tồn tại. Ngày nay cũng còn không ít người nhìn nhận kinh tế tư nhân một cách thiển cận như vậy. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Chủ nghĩa xã hội kiểu cũ cùng với sự phủ nhận kinh tế tư nhân đã tỏ ra xem nhẹ các giá trị cá nhân. Khi kinh tế tư nhân không có cơ hội để phát triển thì các giá trị cá nhân hầu như tan biến cả, con người trở nên mờ nhạt trong mọi khía cạnh của đời sống vật chất cũng như tinh thần. Nhưng thực tế cho thấy kinh tế tư nhân có vai trò đắc lực tạo ra sự phát triển của xã hội, tạo cho mỗi cá nhân có cơ hội có việc làm để khẳng định mình, để mưu cầu cuộc sống và hạnh phúc, tức là góp phần tạo ra con người với nhiều phẩm chất tốt đẹp hơn. Phát triển kinh tế, suy cho cùng không phải là mục tiêu mà chỉ là phương tiện. Mục tiêu tối thượng của nhân loại là xã hội phát triển, con người phát triển. Có thể nói rằng kinh tế tư nhân là một phương tiện quan trọng để con người có cơ hội hoàn thiện mình trong quá trình phát triển hướng thiện của nhân loại. Con người đã sáng tạo ra và quyết định lựa chọn kinh tế tư nhân để phát triển, nhưng đồng thời kinh tế tư nhân lại là môi trường tốt để con người tự thân phát triển, con người có cơ hội tự hoàn thiện vì sự phát triển của chính nó và thông qua đó phát triển toàn xã hội. Đó chính là giá trị nhân văn chân chính của kinh tế tư nhân.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: