Khoa học cơ bản thế kỷ XX đối với một số vấn đề lớn của Triết học
Lời nhà xuất bản
Trong lịch sử phát triển của mình, triết học luôn được gắn liền với khoa học tự nhiên. Thời kỳ cổ đại, triết học thường được đồng nhất với các khoa học tự nhiên, vì vậy các nhà triết gia thời đó cũng đồng thời là các nhà khoa học, nhà thông thái.
Các khoa học tự nhiên, trong quá trình phát triển dần dần tách khỏi và trở nên độc lập với triết học. Tuy nhiên giữa chúng vẫn có một mối liên hệ rất chặt chẽ:
Thứ nhất, mỗi một thành tựu của khoa học tự nhiên lại là một minh chứng hùng hồn đối với sự đúng đắn của các học thuyết triết học duy vật tiến bộ, nhưng bên cạnh đó, những thành tựu của khoa học tự nhiên đôi khi cũng dẫn đến một sự khủng hoảng của triết học, khi mà khoa học khám phá ra những kiến thức mới trái ngược với những nhận thức đó. Triết học duy tâm đã lợi dụng điều này để chống lại triết học duy vật và củng cố cho hệ thống lý thuyết sai lầm của mình.
Thứ hai, những lý thuyết của các hệ thống triết học lại là những gợi ý cho khoa học trên con đường khám phá thế giới và cung cấp cho khoa học phương pháp nghiên cứu để khám phá bản chất của đối tượng.
Thế kỷ XX kết thúc, nhân loại đã ghi thêm vào lịch sử của mình rất nhiều sự kiện đáng nhớ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Khoa học ở thế kỷ này có một bước phát triển nhảy vọt mà trước đây chưa từng có, nó giúp cho loài người hiểu biết ngày càng toàn diện và sâu sắc về thế giới xung quanh cũng như về chính bản thân mình. Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều bí mật về vũ trụ và loài người, mà khoa học thế kỷ XX chưa giải đáp được.
Khoa học thế kỷ XX nói chung và những khoa học cơ bản nói riêng, đã có ảnh hưởng rất to lớn đến sự phát triển của triết học giai đoạn này. Nhiều vấn đề được lý giải và cũng rất nhiều vấn đề mới được đặt ra.
Nhằm giới thiệu với bạn đọc một cách nhìn tương đối toàn diện về những thành tựu của khoa học cơ bản thế kỷ XX, mà đặc biệt là mối quan hệ tương hỗ giữa khoa học cơ bản và triết học trong thế kỷ này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Khoa học cơ bản thế kỷ XX đối với một số vấn đề lớn của triết học của tác giả Lê Văn Giạng. Cuốn sách muốn khẳng định: triết học Mác - Lê nin thực sự là triết học của khoa học và điều này ngày càng được chứng minh bằng những thành tựu của khoa học.
Với bố cục rõ ràng, tổng hợp nhiều kiến thức khoa học cơ bản, hy vọng cuốn sách là một tài liệu tham khảo bổ ích đối với bạn đọc.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Lời nói đầu
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác thường nhấn mạnh rằng, lịch sử của triết học duy vật gắn liền với- lịch sử của khoa học. Mỗi một bước phát triển quan trọng của khoa học đều kéo theo một bước phát triển mới của triết học duy vật.
Khoa học ở thế kỷ XX đã phát triển như vũ bão cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng to lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội loài người.
Là một người ham nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, đã hơn nửa thế kỷ nay, tôi rất quan tâm tìm hiểu ảnh hưởng của khoa học hiện đại tới triết học duy vật biện chứng.
Trong phạm vi khả năng của mình, tôi đã cập nhật hoá và hệ thống hoá các điều đã nghiên cứu và suy nghĩ về vấn đề nói trên, rồi viết ra với mục đích trước hết là làm cho các hiểu biết của mình được rõ ràng và chính xác. Khi viết xong, đọc và sửa lại vài lần, tôi tự thấy rằng, những điều viết ra, tuy về cơ bản chỉ là sự ghi chép những điều tới đã nghiên cứu, nhưng cũng có thể dừng để tham khảo cho những bạn đọc có những quan tâm giống như tôi. Tôi mong qua đó sẽ nhận được những trao đổi, góp ý, nhận xét của các bạn và của các nhà nghiên cứu đã đi sâu vào các vấn đề nêu trên.
Về nội dung khoa học của các thành tựu cơ bản ở thế kỷ XX, cho đến nay đã có sự nhất trí trong giới khoa học và phần lớn các nội dung đó đã được đưa vào các giáo trình ở bậc đại học. Công việc của tôi chỉ là cố gắng làm cho người đọc hiểu được trên đại thể các nội dung đó và lựa chọn để hiểu kỹ hơn một số vấn đề nhằm giúp bạn đọc đáp ứng yêu cầu học tập và nghiên cứu. Ở đây, tôi đã tự giới hạn ở các ngành khoa học cơ bản (tự nhiên và xã hội), mà không đi vào các ngành ứng dụng, công nghệ, kỹ thuật, một phần để khỏi quá rộng, nhưng phần chính là vì các khoa học cơ bản mới có nhiều mối liên hệ sâu sắc với triết học.
Còn về nội dung triết học của các thành tựu khoa học thế kỷ XX, tất nhiên là có nhiều ý kiến khác nhau trong giới khoa học và triết học, nhất là ở các nước Âu - Mỹ. ở đây, tôi phải lựa chọn ý kiến nào mà tôi cho là đúng, hoặc có khi tôi phải làm công việc “múa rìu, đánh trống", mạnh dạn đưa ra một cách hiểu của tôi. Vì khả năng tham khảo tài liệu có hạn nên chắc chắn không khỏi mắc những thiếu sót. Chính vì vậy, tôi rất mong nhận được những nhận xét và góp ý của bạn đọc quan tâm tới các vấn đề này.
Phần thử nhất, về các thành tựu lớn có ý nghĩa triết học quan trọng của các ngành khoa học cơ bản ở thế kỷ XX, như thuyết tương đối, cơ học lượng tử, cấu tạo của vật chất và sự sống, nguồn gốc và tiến hoá của sự sống, của vũ trụ, sự toán học hoá logic cổ điển và phi cổ điển, cách mạng thông tin, các khoa học về tư duy, các khoa học xã hội. Về các vấn đề này, tôi chỉ trình bày các kết luận khoa học có ý nghĩa triết học, dưới dạng định tính, tức là không có hay rất ít các công thức toán học và các chứng minh cho các kết luận ấy, để khỏi quá dài và để tập trung sự chú ý của người đọc vào những điểm chính.
Phần thứ hai là những vấn đề triết học về khoa học thế kỷ XX, cụ thể là những vấn đề triết học mà giới khoa học, nhất là giới triết học Âu - Mỹ thế kỷ XX nêu ra và tranh luận xung quanh giá trị của khoa học.
Đồng thời, ở phần này cũng nêu lên một số đóng góp của khoa học thế kỷ XX cho những vấn đề lớn của triết học, mà trung tâm là vấn đề tranh luận giữa triết học duy tâm và triết học duy vật biện chứng.
Thế kỷ XX sắp kết thúc. Đây là một thế kỷ lớn trong lịch sử loài người, đầy ắp những sự kiện đáng làm nhân loại hoặc rất vui mừng, hoặc rất lo âu trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội và sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới lịch sử của thế kỷ XXI.
Khoa học ở thế kỷ XX đã có những bước phát triển nhảy vọt, không một thế kỷ nào trước đây có thể sánh được. Các ứng dụng của khoa học ở thế kỷ XX đã làm thay đổi hẳn bộ mặt đời sống của xã hội, về ăn, ở, đi lại giải trí, chữa bệnh, đồng thời cũng tạo ra mối đe doạ về môi trường, về đạo đức và ngay cả về sự tồn tại của con người khi các thành tựu của khoa học bị lạm dụng một cách mù quáng.
Mặt khác, khoa học thế kỷ XX đã cho loài người hiểu biết thêm rất nhiều và rất sâu về thế giới xung quanh ta và về chính bản thân ta. Có lẽ ở đây xét theo một ý nghĩa nào đó, những điều mà khoa học thế kỷ XX cung cấp cho chúng ta còn quý giá và cơ bản gấp trăm lần những ứng dụng kỹ thuật mà nó đem lại, vì chính những hiểu biết về thế giới và về bản thân chúng ta là cơ sở để suy nghĩ về cách ứng dụng khôn ngoan những thành tựu của khoa học vì hạnh phúc loài người.
Loài người từ xa xưa đã biết đặt ra cho mình bao nhiêu câu hỏi về thế giới xung quanh, về bản thân con người, về những gì 'mắt, tai có thể nghe và thấy' và cả về những gì không thấy, không nghe được nhưng từ óc của con người suy đoán, tưởng tượng là có thể tồn tại.
Và những bộ óc vĩ đại của loài người trăn trở để tìm câu trả lời. Chỉ chủ yếu bằng tư biện và suy ngẫm về cuộc đời để tìm câu trả lời là công việc của các nhà tôn giáo và các nhà triết học. Nhiều cách kiến giải khác nhau đã được đưa ra, nhiều đạo giáo ra đời, nhiều trường phái xuất hiện, mỗi đạo, mỗi phái đều có tín đồ đi theo, nhiều hay ít, nhưng các đạo, các phái đó không thuyết phục được nhau, thường mâu thuẫn, xung đột với nhau, có khi phải dùng đến vũ lực, thiêu đốt, chém giết để áp đặt ý kiến của kẻ mạnh. Đó là những việc đã xảy ra trong suất chiều dài của lịch sử, từ thượng cổ và ngày nay vẫn đang còn tiếp diễn. Nhưng từ khi có sự phát triển của khoa học, đặc biệt từ thế kỷ XVII tới nay, đã nhanh chóng xuất hiện một quang cảnh khác trong các cố gắng của loài người tìm câu trả lời cho các điều chưa hiểu. Đó là quang cảnh chỉ dựa vào thực nghiệm thận trọng và suy luận chặt chẽ rõ ràng để quyết định độ tin cậy của câu trả lời và để thuyết phục người khác. Tất nhiên là quang cảnh mới này chưa thay thế được quang cảnh cũ ở ngoài lĩnh vực khoa học. Nhưng dù sao quang cảnh mới đó cũng là một sự tiến bộ của trí tuệ và đạo đức của loài người.
Triết học, từ khi có khoa học phát triển, đại thể là từ thế kỷ XVII tới nay, đã có một nguồn tư liệu mới, ngày càng dồi đào, để suy ngẫm. Đó là nguồn tư liệu có độ tin cậy cao có thể góp phần giải đáp các câu hỏi triết học mà mấy ngàn năm nay vẫn là nơi tranh cãi vô tận vì bất phần thắng bại. Vì thế, tìm hiểu những đóng góp mà khoa học có thể đem đến cho triết học là một việc làm cần thiết, vừa có ích cho triết học, cũng vừa có ích cho chính bản thân khoa học.
Thực vậy, khoa học các thế kỷ trước thế kỷ XX đã chỉ rõ là trái đất xoay quanh mặt trời và mặt trời cũng chỉ là một ngôi sao trung bình như muôn vàn ngôi sao khác, chứ không phải trái đất có vị trí gì đặc biệt trong vũ trụ; thuyết về lực hấp dẫn chứng tỏ muôn vàn ngôi sao trong vũ trụ cũng vận động tuân theo những quy luật chung chi phối cả đến "cái lá rụng, quả táo rơi"; thuyết tiến hoá của giới sinh vật, kể cả của loài người, cũng tuân theo những quy luật chung của tự nhiên không có gì là thần bí. Và tất cả, kể cả loài người, cũng từ những dạng vật chất thô sơ, nguyên thuỷ như các đơn bào, đa bào, các vi khuẩn phát triển lên mà thành ra các loại cây cỏ, chim muông, đến con khỉ, con vượn, con hắc tinh tinh, rồi con người (trong muôn loài thì con hắc tinh tinh là bà con họ hàng gần nhất với con người)... Đó là một vài điều có ý nghĩa triết học lớn lao mà khoa học các thế kỷ trước đã đem lại cho chúng ta với chứng cớ rõ ràng. Khoa học thế kỷ XX đã tiếp tục đi sâu thêm và cho ta nhiều hiểu biết bất ngờ và lạ lùng về thuyết tương đối, về cơ học lượng tử, về mật mã di truyền...
Tất nhiên, hoàn toàn không phải khoa học thế kỷ XX đã vén xong bức màn che phủ các bí mật của vũ trụ và của loài người. Đặc biệt còn hai khu vực mà khoa học mới chỉ bước đầu tiếp cận đến, đó là khu vực các bí mật về ý thức và tư duy, và khu vực các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội: đây có thể là hai khu vực mà sự khám phá sâu sẽ đành cho thế kỷ sắp tới, thế kỷ XXI, thế kỷ có nhiệm vụ sẽ cho chúng ta những câu trả lời cũng sâu sắc và cơ bản tương đương với các câu trả lời về thế giới vật chất mà khoa học các thế kỷ vừa qua đã cung cấp. Và chỉ khi đó, khi chúng ta có những hiểu biết tương đối cơ bản và sâu sắc cả về tự nhiên, về xã hội và về tâm lý con người, thì mới có điều kiện tổ chức và quản lý được một cuộc sống hợp lý, hài hoà và bảo đảm hạnh phúc tương đối cho tất cả mọi người.
Để góp phần vào việc tìm hiểu ý nghĩa triết học của các thành tựu khoa học thế kỷ XX và cũng để góp phần chuẩn bị đón các thành tựu khoa học của thế kỷ XXI, người viết những dòng này đã dành hơn một nửa thế kỷ để học tập, nghiên cứu và suy nghĩ, cố gắng hiểu được những điều đã được nghe, được đọc. Năm 2000 là năm kết thúc thế kỷ XX, tôi tự thấy những điều hiểu được đã tương đối có hệ thống nên muốn ghi chép lại, mong đóng góp đôi chút tài liệu cho những độc giả muốn tìm hiểu về các vấn đề này.
Trong cuốn sách, các thuật ngữ hiện nay ít dùng hoặc chưa thông dụng ở Việt Nam, được ghi kèm theo thuật ngữ tương ứng trong tiếng Anh hoặc tiếng Pháp khi chúng cơ bản giống nhau; khi chúng khác nhau nhiều thì được ghi kèm cả hai (các thuật ngữ được ghi trong dấu ngoặc đơn). Thí dụ: Tiền đề (prémisse), tiên đề (axiome hoặc postulat); tập hợp mờ (fuzzy sét, ensemble flou). Vì khó khăn trong in ấn, nên trong cuốn sách không ghi kèm thuật ngữ tương ứng trong tiếng Nga.
Xin chân thành cám ơn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã tạo điều kiện để cuốn sách được xuất bản.
Tôi cũng mong nhận được những ý kiến đóng góp và nhận xét của bạn đọc về cuốn sách này.
Mục lục cuốn sách
Phần thứ nhất. Các thành tựu lớn có ý nghĩa triết học quan trọng của các ngành khoa học cơ bản ở thế kỷ XX
Chương I. Thuyết tương đối của Einstein
Chương II. Cơ học lượng tử
Chương III. Cấu trúc vi mô của vật chất
Chương IV. Cấu trúc và tiến hoá của vũ trụ
Chương V. Thuyết tiến hoá của giới sinh vật và thuyết di truyền
Chương VI. Sự phát triển của logic học ở thế kỷ XX
Chương VII. Thông tin và cách mạng thông tin
Chương VIII. Khoa học thế kỷ XX nghiên cứu về tâm lý, tư duy và ý thức con người
Chương IX. Các khoa học xã hội ở thế kỷ XX
Kết luận phần thứ nhất
Phần thứ hai. Các vấn đề triết học về khoa học và những đóng góp của khoa học cho triết học ở thế kỷ XX.
Chương I. Đối tượng nghiên cứu của khoa học
Chương II. Các vấn đề triết học về phương pháp nghiên cứu khoa học
Chương III. Mấy đặc điểm có nội dung triết học trong sự phát triển của khoa học
Chương IV. Bốn câu hỏi lớn của triết học
Chương V. Khoa học thế kỷ XX soi sáng một số thuộc tính phổ biến của vật chất
Chương VI. Khoa học thế kỷ XX soi sáng một số phạm trù lớn của triết học
Kết luận phần thứ hai
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn