Căn cứ vào đâu để minh định tinh thần dân chủ và khoa học trong phê bình văn học?

02:49 CH @ Thứ Sáu - 01 Tháng Bảy, 2016

Có văn chương, có bàn luận. Ngay từ thời cổ đại, đã có hoạt động bàn luận văn chương, Văn tâm điêu long (Lưu Hiệp), Nghệ thuật thi ca (Aristotle) đã phần nào minh chứng cho điều đó. Tuy nhiên, phải đến cuối thế kỉ XIX, khi khoanh vùng được đối tượng, Nghiên cứu văn học (NCVH) mới trở thành khoa học độc lập và dần hoàn thiện với những phân môn như Lịch sử văn học, Lí luận văn học, Phê bình văn học (PBVH)... Mỗi phân môn như thế lại có đối tượng, phương pháp, mục đích nghiên cứu… tương đối độc lập.

Đối tượng của PBVH chủ yếu là những tác phẩm, những vấn đề văn học đương đại. Chính vì tiệm cận với những sáng tác mới chưa thực sự định hình về giá trị nên PBVH trở thành lĩnh vực nhạy cảm nhất trong khoa NCVH. Tuy vậy, cứ nhìn vào một số bài viết được xem là PBVH trên báo chí hiện nay, bạn đọc bình tĩnh nhất cũng phải hoang mang. Thay vì chức năng giới thiệu, định hướng thị hiếu thẫm mĩ cho công chúng văn học, tác động kích thích sự sáng tạo của chủ thể (dù khen hay chê, theo chúng tôi cũng có tác động nhất định), một số nhà phê bình lại dùng ngòi bút tấn công nhau, lôi nhân thân của tác giả ra bàn luận, biến các diễn đàn văn học thành đấu trường. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, công chúng nếu không quay lưng với văn học thì cũng có cái nhìn méo mó về đời sống văn học. Cực chẳng đã, ở một comment trên lethieunhon.com, tôi đã tạm gọi kiểu phê như vậy là “phê bình kungfu” trong khi chờ tìm ra một khái niệm hợp lí hơn.

Trong bối cảnh như vậy, những bài viết như Tinh thần dân chủ và khoa học trong phê bình văn học hôm nay (Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 18, 3-2009) của Hoài Nguyên là cần thiết. Nhưng đọc rồi, chúng tôi không khỏi băn khoăn, băn khoăn vì cách lập luận của Hoài Nguyên có điều gì đó không ổn. Xuất phát điểm để Hoài Nguyên lập luận là ý kiến về dân chủ của Bác trích trong Hồ Chí Minh toàn tập (Theo Nguyễn Hoà, tác giả bài viết này chưa trích dẫn đầy đủ). Điều này dễ làm người đọc hiểu việc diễn giải văn chương, PBVH bị chi phối, quy chụp, chỉ đạo bởi những “quyền uy” ngoài văn học. Ngoài ra, những dẫn chứng mà Hoài Nguyên trích dẫn và đưa ra bàn luận không hẳn đã thuyết phục. Có lẽ chính vì vậy mà Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã trở lại vấn đề này bằng bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Hoà và lời ngỏ mong tiếp tục nhận được các ý kiến bàn luận trên tinh thần học thuật. Tôn trọng ý kiến của người đi trước và tinh thần vì khoa học của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong bài viết này, chúng tôi muốn minh định tinh thần dân chủ và khoa học trong phê bình văn học từ những vấn đề nội tại của văn bản văn học và khoa NCVH ngỏ hầu giúp bạn đọc nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo hơn. (Rất tiếc về sau, Tạp chí VNQĐ không tiếp tục đăng ý kiến trao đổi nữa).

Để chỉ ra cơ sở để minh định tinh thần dân chủ và khoa học trong phê bình văn học, dẫu biết rồi, khổ lắm, nói mãi nhưng chúng tôi cũng thấy cần thiết phải “vẽ” ra những nét chính về khoa học văn học từ trước đến nay theo hình dung của mình.

Như đã nói ở trên, từ khi xác định được đối tượng nghiên cứu, NCVH đã thực sự trở thành một khoa học độc lập tồn tại bên cạnh các Khoa học Xã hội và Nhân văn khác. Nhìn trên tổng thể, từ đó đến nay, NCVH trải qua ba mốc quan trọng: Cuối thể kỉ XIX, là phát hiện ra tác giả, đầu thế kỉ XX, là văn bản - tác phẩm và cuối thế thế kỉ XX đến nay là người đọc. Và với việc phát hiện ra vai trò của người đọc trong việc cụ thể hoá văn bản, khoa NCVH trong đó có PBVH, đã có những góc nhìn toàn diện về một chỉnh thể văn học. Như vậy, nhà nghiên cứu phê bình văn học tuỳ theo thời điểm và phương pháp nghiên cứu của mình có thể chọn một trong ba vấn đề trên để tiếp cận. Tiếp cận ở góc độ nào để giải mã các vấn đề văn chương là tuỳ thuộc vào sở trường của người nghiên cứu. Thực tế, từ việc phát hiện ra tác giả đến người đọc, trong NCVH đã có sự phủ định biện chứng. Theo chúng tôi, mỗi góc nhìn đều có hạt nhân hợp lí. Và như vậy, ngay việc tiếp cận văn học ở góc độ nào cũng đã chứa đựng tinh thần dân chủ và khoa học trong phê bình văn học.

Tiếp cận vấn đề tác giả để lí giải tác phẩm thực ra là nhìn cha mẹ để đoán tính cách con cái, tức là đi từ cái đã biết đến cái chưa biết. Nhìn từ góc độ này, các nhà phê bình hay sử dụng các phương pháp như phương pháp tiểu sử, phân tâm học hay xã hội học…(được gọi chung là phương pháp cận, ngoại quan). Các nhà thơ cổ điển Việt Nam(Xuân Diệu), Trông dòng sông Vị (Trần Thanh Mại)…là những công trình nghiên cứu chủ yếu dựa vào các phương pháp này. Tuy nhiên, không phải vấn đề nào của tác phẩm văn học cũng có thể lí giải được từ phía tác giả và cũng không nên xem tác phẩm như là một thứ tài liệu để lí giải những ẩn ức của nhà văn, trạng thái kinh tế - xã hội thời anh ta sống.Vậy mà, như trong một câu chuyện cười, có nhà phê bình thân thiết với nhà văn kiểu con chấy cắn đôi. Anh ta ngây thơ đưa những dữ kiện về đời tư của bạn thân lên mặt báo làm cơ sở để lí giải tác phẩm của bạn, tỉ như vì yêu cô này, cô kia không được, thất tình mới viết bài thơ này…Và kết cục là nhà văn kia không thèm nhìn cái mặt không chơi được ấy nữa. Tinh thần dân chủ và khoa học trong phê bình văn học nhìn ở góc độ này là ở chỗ, nhà phê bình có được nhiều dữ kiện về tác giả, thời đại, biết thẩm định sáng suốt thì những luận giải của anh ta sẽ thuyết phục và đạt được sự đồng thuận cao.



Nhìn từ vấn đề tác giả, nhiều vấn đề văn học không thể lí giải được. Với sự xuất hiện lí thuyết ngôn ngữ học của F. Saussure vào đầu thế kỉ XX, vấn đề tác phẩm văn học được nhìn dưới ánh sáng mới. Nhờ việc phát hiện ra bản chất kí hiệu của ngôn ngữ, sự khác nhau của lời nói (của cá nhân) và ngôn ngữ (của xã hội), cấu trúc nội tại của văn bản… NCVH đã chuyển từ vấn đề tác giả đến văn bản. Như chúng ta đã biết, văn học là nghệ thuật của ngôn từ -mang tính kí hiệu. Chất liệu để nhà văn kiến thiết tác phẩm khác chất liệu của hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc (chất liệu trơ)… ở chỗ, bản thân nó đã mang nghĩa, khi vào tác phẩm, nghĩa đó được cấu trúc lại. Văn bản văn học là một sáng tạo về ngôn ngữ có ý nghĩa tự thân. Như vậy, văn bản văn học là một hình thức ngôn ngữ đặc trưng. Vì thế, việc giải mã văn bản đó lại tuỳ thuộc vào khả năng am hiểu về chất liệu ngôn ngữ, về cách tổ chức văn bản. Nhà phê bình tuỳ thuộc vào trình độ của mình sẽ biết mở những nếp gấp của văn bản- tức là nghĩa đã được cấu trúc lại - chứ không phải là đi tìm nghĩa của vật liệu. Những tranh luận trong PBVH lấy văn bản làm trung tâm thường xuất phát từ độ vênh của sự giải mã này. Có nhiều nhà phê bình lầm tưởng nghĩa của văn học cũng là nghĩa của chất liệu nên kết tội nhà thơ nhà văn này không hiểu tiếng Việt. Đọc thơ Trần Dần, Lê Đạt và một số nhà thơ trẻ sau này, nếu nhà phê bình không hiểu được nghĩa đã được cấu trúc lại trong văn bản như thế nào thì chỉ có cách vẫy cờ trắng đầu hàng hoặc sẽ thốt lên: Thơ gì mà kì cục? Vậy nên, tinh thần dân chủ và khoa học trong phê bình văn học nhìn từ góc độ này nằm ở đặc trưng của văn bản, nó đòi hỏi mỗi nhà phê bình phải tự trang bị chìa khoá riêng để giải mã cái mê cùng tạo nghĩa không ngừng đó. Văn bản được lí giải như thế nào là tuỳ thuộc vào khả năng am hiểu chất liệu mà nhà văn đã dùng, đã cấu trúc để viết văn bản. Những lớp sóng ngôn từ trong Số đỏ (Đỗ Đức Hiểu), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (Phan Ngọc) là những công trình tiếp cận văn bản văn học từ góc độ ngôn ngữ học, phong cách học thành công.

Việc phát hiện ra văn bản văn học như một hình thức ngôn ngữ đặc trưng, một mặt, đã giúp NCVH thoát khỏi cách làm đáng chán: hiểu tác giả để hiểu văn bản, mặt khác, nó cũng đặt ra vấn đề là việc giải mã văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào người đọc. Khái niệm người đọc ở đây cần được hiểu là công chúng văn học chứ không riêng gì nhà phê bình, có chăng là nhà phê bình được vũ trang các công cụ phê bình được xem là siêu độc giả có nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng việc giải mã văn bản để thẩm định các giá trị văn học.

Trước khi phát hiện ra người đọc, nhiều người cho rằng lúc nhà văn đặt dấu chấm kết thúc văn bản - cắt rốn cho đứa con tinh thần của mình- là đã có tác phẩm văn học. Nhưng kì thực đó mới chỉ là văn bản và nói như I.M.Lotman là cần loại bỏ quan niệm đồng nhất văn bản với toàn bộ tác phẩm. Theo R.Ingarden, trong công trình Tác phẩm văn học 1 ,văn bản chỉ là một bộ khung xương sơ lược, bằng hoạt động đọc những chỗ trống ấy được thêm da thêm thịt- được cụ thể hoá- mới thành tác phẩm. Sự cụ thể hoá này phụ thuộc vào kinh nghiệm thẩm mĩ, vốn văn hoá, tri thức của người đọc. Nói cách khác, tác phẩm văn học sẽ mở theo mỗi cách đọc, phụ thuộc vào tầm đón đợi ( Hans Robert Jauss) của độc giả. Nhìn ở góc độ này, tác phẩm văn học được xem là một hình thức đọc đặc trưng. Như vậy, tinh thần dân chủ và khoa học trong phê bình văn học nằm ở cách chúng ta đọc văn bản. Bạn đọc ngây thơ thường chỉ chăm chú đối chiếu những gì nhà văn viết trong tác phẩm và sự thật ngoài đời xem có ngang tầm hay không. Còn bạn đọc lí tưởng sẽ dùng những tri thức mình có được để thẩm định giá trị của tác phẩm văn học nếu có). Đọc văn bản không phải là cuộc truy tầm chủ ý của tác giả mà là cuộc đối sánh các thang giá trị giữa tác giả và độc giả. Và nói như Nguyễn Thanh Sơn: “Phê bình văn học là một cuộc tổng duyệt lại các thang giá trị của nhà phê bình đối với cuộc sống thông qua phản ứng của các thang giá trị đó đối với tác phẩm” . Và ở đây ai dám cho mình là người có tiếng nói cuối cùng? Vậy nên, mới có chuyện, một nhà văn có thể cười khẩy trước những điều người đọc tuỳ tiện gán ghép cho tác phẩm của anh ta hoặc bàng hoàng trước những phát hiện bất ngờ của độc giả về đứa con tinh thần nằm ngoài chủ ý của mình. Nhà phê bình văn học - những siêu độc giả - không nên làm cái việc chỉ ra cái đúng, sai trong tác phẩm mà cần cung cấp cho người đọc một cách nhìn, cách thẩm định các giá trị văn học. Sự phân tầng trong tiếp nhận văn học hiện nay phản ánh sự phân hoá về cách đọc. Những bạn đọc tìm đến văn học để giải trí theo tiêu chí vui vẻ trẻ khoẻ, vô bổ vô hại thì thích những tác phẩm kiểu như Phải lấy người như anh, Coktail cho tình yêu(Trần Thu Trang), Lạc giới (Thuỷ Anna), Khi nào anh thuộc về em? (Cấn Vân Khánh)…Độc giả khó tính hơn thì có thể đọc những sáng tác của M. Kundera, G.Marqez, Cao Hành Kiện, O.Pamuk, Haruki Marukami…Hay những bạn đọc vốn yêu truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thì không thể chịu được khi ăn món tiểu thuyết ba xu của ông.

Từ sự dẫn dắt dài dòng như trên, chúng tôi đi đến kết luận, tinh thần dân chủ và khoa học trong phê bình văn học nằm trong chính đặc trưng của tác phẩm văn học và việc lựa chọn công cụ để giải mã chúng. Tác phẩm văn học với tính kí hiệu, với tính chất mở của nó mời gọi các cách giải mã và tiếp nhận khác nhau tuỳ vào tầm đón đợi của người đọc. Độc giả nào văn học ấy. Phương pháp tuỳ đối tượng. PBVH nói riêng, NCVH nói chung, không phụ thuộc vào những uy quyền nằm ngoài văn học. Nếu có thì điều đó chỉ có tác dụng biến văn học và sự diễn giải văn học vào mục đích vụ lợi, đi ngược lại với chức năng của văn học nghệ thuật. Bài viết của Hoài Nguyên cũng đề cập đến sự đa diện trong tiếp nhận như là biểu hiện của tinh thần dân chủ. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh hơn bằng việc chỉ ra cơ sở sâu xa của tinh thần dân chủ và khoa học trong phê bình văn học để bạn đọc có cái nhìn thấu đáo hơn, với mong muốn có một bầu không khí cởi mở, thân tình trên hành trình đi tìm chân lí.

Cũng trong bài viết trên, Hoài Nguyên đã đưa ra một số vấn đề bàn luận, từ hồi kí của Nguyễn Đăng Mạnh, cuộc toạ đàm của Viện Văn học về tiểu thuyết Giã biệt bóng tốicủa Tạ Duy Anh đến lời phát biểu của Nguyễn Đình Chính trên BBC …Toàn là vấn đề nhạy cảm.

Về cuốn hồi kí của G.S Nguyễn Đăng Mạnh, theo chúng tôi, chúng ta không nên tranh cãi về việc tại sao nó được viết ra, ai là người chơi xấu đưa lên mạng? Sẽ là ấu trĩ vì khi Internet đã trở thành ngôi nhà chung của thế giới rồi mà ta cứ quan niệm chỉ những gì viết ra, được kiểm duyệt và in thành sách mới là tài liệu chính thống, đáng đọc. Vậy những cuốn e-book (sách điện tử) thì sao? Theo tôi, việc chúng ta cần đặt ra sau những ồn ào không đáng có này là xét theo đặc điểm của hồi kí - thể văn thiên về kể lại sự thật khách quan bằng cảm xúc của người chứng kiến, người viết ra- thì những gì Nguyễn Đăng Mạnh viết đã là một tác phẩm văn học hay chưa? Những điều ông viết ra có thể kiểm chứng được hay không? Qua sự vụ om sòm này, chúng tôi nhận thấy rằng lịch sử là những gì đã diễn ra chứ không phải là những gì đã được viết. Có nhiều sự thật lịch sử cần được nhìn nhận lại cũng như viết lại để thế hệ sau nhận chân giá trị lịch sử, tránh sự tò mò không đáng có về chuyện ngoài chính sử, nhất là có liên quan đến các danh nhân.

Việc Nguyễn Hoà chỉ ra bảy nỗi thất vọng hay nhiều hơn thế nữa với tôi là một việc bình thường trong tiếp nhận văn học. Trong khuôn khổ một buổi toạ đàm về một tác phẩm văn học (chứ không phải là một hội thảo khoa học) thì các ý kiến đưa ra cũng không nhất thiết phải nêu được ý nghĩa cấp thiết, tính thời sự, khẳng định cái mới, chỉ ra hạn chế… như Hoài Nguyên nói. Cái bất bình thường là ở chỗ trong khi dàn đồng ca đang tấu lên khúc ngợi ca thì có kẻ cả gan phá bĩnh bằng một lời chê bai nghịch nhĩ mà thôi. Người ta thường mủi lòng khi con mình bị cấu véo, nhà văn - cha đẻ của những đưa con tinh thần cũng vậy, tâm lí chung là thích khen hơn chê. Nhưng tôi nghĩ rằng, những lời chê đó nhiều khi lại giúp Tạ Duy Anh bước qua lời nguyền, giã biệt bống tối bằng những tác phẩm hay hơn chăng? Ngay cả các tác phẩm của Haruki Murakami- nhà văn được chờ đợi nhất hiện nay trên thế giới - khi ra mắt ở Nhật Bản cũng không nhận được thiện cảm của giới phê bình - những người đã quen với Tazinaki, Akutagawa, Y.Kawabata… Điều đó cũng không ngăn được việc cứ bảy người Nhật thì có một người đọc Rừng Na Uy.Những tác phẩm được hoài thai từ lao động sáng tạo và tâm huyết của tài năng sẽ lọt sàng thời gian và sự thẩm định của công chúng. Tôi cũng kì vọng sẽ có ngày cứ mười người Việt Nam thì có một người đọc một tác phẩm văn học Việt đương đại của nhà văn nào đó - nếu người đó đã bầm dập vì giới phê bình như H. Murakami thì càng thú vị!

Lời phát biểu của Nguyễn Đình Chính trên BBC, ngày 10-2-2009, sau đó được đăng tải ở một số website ở Việt Nam đã khiến nhiều người bất bình. Thế nhưng, nếu ai đã từng đọc trong bài viết Về vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc của cố G.S Trần Đình Hượu đoạn: Xã hội (Việt Nam) coi trọng văn chương, nhưng… bản thân các nhà thơ cũng không ai nghĩ cuộc đời, sự nghiệp của mình là ở thơ ca. (Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1996) thì tôi tin bạn sẽ điềm tĩnh hơn. Nhìn rộng ra, trong xã hội phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, bậc trí giả phải có vai chấp sự thì tiếng nói của anh ta mới được coi trọng. Nói cách khác, trí thức lệ thuộc vào vai vế, nhà văn cũng vậy, trách gì họ được. Chỉ có điều cách nói của Nguyễn Đình Chính, cái cách vơ đũa cả nắm ấy đã khiến nhiều người giẫy nẩy lên: không phải tôi - kiểu làng Vũ Đại ai cũng nghĩ nó chừa mình ra.

Nói như Eliot, phân tích thơ ca là để sáng tạo thơ ca. PBVH dựa trên tinh thần dân chủ và khoa học để tìm ra giá trị thẫm mĩ đích thực của văn học vì sự phát triển hoàn thiện nhân cách con người bao giờ cũng được đón chờ nhiệt liệt. Trân trọng cảm ơn Văn nghệ Quân đội đã mở ra diễn đàn này để chúng tôi có dịp trao đổi các vấn đề học thuật.

(Quảng Ninh, 14-5-2009)
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đừng ép học sinh thành nhà phê bình văn học

    30/07/2018Hồ Ngọc thực hiệnTSKH Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, cho rằng tham vọng biến học sinh thành nhà phê bình văn học của những người làm chương trình – SGK môn Ngữ Văn khiến “văn mẫu” thịnh hành trong đời sống học đường...
  • Phê bình Văn học Con vật lưỡng thế ấy

    19/01/2011Đỗ Lai ThúyCách gọi tên sách của tiến sĩ Ðỗ Lai Thúy cũng góp phần làm mềm hóa những trang viết thường được xem là khó đọc trong lĩnh vực văn chương: lý luận phê bình. Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, hơn thế, lại là một tập sách không nhằm vào các vấn đề lý luận, mà tác giả làm động tác hệ thống lại các trường phái phê bình văn học từng xuất hiện tại văn đàn Việt Nam...
  • Phê bình văn học nữ quyền

    04/03/2009Lý LanTrong nửa thế kỷ qua, các học viện trên khắp thế giới, nhất là ở Âu Mỹ, đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng liên quan đến giới tính. Chẳng những số lượng nữ giáo sư và nữ sinh viên tăng nhanh trong các học viện, mà học thuyết nữ quyền còn ảnh hưởng đến nhiều bộ môn học thuật khác, từ triết học, lịch sử, đến ngôn ngữ học, xã hội học, nhân chủng học, truyền thông đại chúng, kinh tế, luật…
  • Đặc điểm phê bình văn học Việt Nam - nhìn từ gốc độ tiếp nhận

    18/11/2006Đỗ Lai ThúyXã hội Việt Nam đã và đang hiện đại hóa, nên văn học Việt Nam không thể dẫm chân mãi trong vũng cổ truyền mà không hiện đại hóa. Và, thực tế, hơn một thế kỷ qua, nó cũng đã và đang hiện đại hóa...
  • Lý luận - phê bình văn học và các “vấn nạn”

    27/03/2006vài năm trở lại đây tình trạng “khủng hoảng” của lý luận - phê bình đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều người, nhiều báo chí đã đề cập một cách trực tiếp và về mặt tổ chức, một số hội thảo, hội nghị do Hội Nhà văn, Viện Văn học… đã được tiến hành để mọi người cùng bàn thảo tìm cách tháo gỡ. Các động thái ấy mang lại một niềm tin vì đây chính là thể hiện của ý thức trách nhiệm...