Mở rộng năng lực sáng tạo của những người thầy

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

   Nhiều lần trong lúc trò chuyện, có người đặt câu hỏi với tôi: Tại sao trước đây, không nói đâu xa, trong khoảng thời gian trước sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhiều vị đại trí thức, đại học giả, nhiều nhà hoạt động chính trị, văn hóa, khoa học nổi tiếng của nước ta, cả những nhà lãnh đạo cao cấp của Cách mạng, của Nhà nước, thường vẫn xuất thân là thầy giáo mà phần lớn là thầy giáo cấp thấp, có người chưa từng học đại học nói chi đến dạy đại học; thế mà sao họ giỏi thế? Chưa dám nói đến các nhân vật như cụ Phạm Văn Đồng, cụ Võ Nguyên Giáp hay cụ Nguyễn Thị Bình. Hãy lấy thí dụ những người được Giải thưởng Hồ Chí Minh như cụ Đặng Thai Mai, cụ Cao Xuân Huy, cụ Đào Duy Anh cụ Tạ Quang Bửu, cụ Hoàng Xuân Hãn v.v . có cụ nào có bằng tiến sĩ đâu, các cụ đều xuất thân là giáo sư trung học (nhưng không ai từng gọi các cụ là giáo viên!); nếu dạy đại học thì các cụ đã có trình độ và năng lực đó từ lâu trước khi được bổ nhiệm làm giáo sư đại học, thậm chí có người là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ Đại học. Điều quan trọng là các cụ đều là các nhà văn hóa, các nhà khoa học, các nhà trí thức lớn, được mọi người thừa nhận. Thế thì tại sao bao nhiêu năm nay, số giáo sư trung học của chúng ta nhiều như vậy , được đào tạo đầy đủ như vậy, phần rất lớn đều có trình độ đại học hoặc cao hơn, thế mà hình như các ngôi sao sáng chói lại ít thấy xuất hiện trong bầu trời của họ? Phải nói rằng các thầy giáo tận tụy gương mẫu, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giáo dục, đến phút cuối cuộc đời mình vẫn giữ trọn vẹn phẩm cách thanh cao của người thầy, số đó rất nhiều, song những người gọi là xuất sắc, những nhân tài lỗi lạc, có thể đem so ngang với các vị ngày xưa thì phải nói rằng hiếm. Phải chăng trong giáo dục bây giờ mang tính chất "quần chúng" tính chất "đại trà", cho nên ít ai vượt trội lên như xưa? Hay "chủ nghĩa trung bình" đã bám rễ khá sâu và khá lâu trong giáo giới chúng ta?

    Cũng có thể như vậy. Cũng có thể sự so sánh, cách nhận định như trên là chưa thỏa đáng, chưa chính xác. Cũng có thể do tâm lý thông thường xưa nay, đối với các bậc tiền bối người ta dễ tôn vinh, thừa nhận (chẳng ai so bì với họ!) hơn là đối với những người đồng bối. Biết đâu rồi đây thế hệ sau sẽ nhận ra nhiều ngôi sao sáng trong đám quần tinh đang lờ mờ hiện nay! Dù sao cách đặt vấn đề như trên đây cũng đáng cho chúng ta dành cho nó một chút suy nghĩ.

   Bản thân tôi nhiều lần tự trách mình mỗi khi chợt có ý nghĩ hay thái độ coi thường, coi nhẹ các học sinh trung học, các sinh viên đại học, nghĩ rằng họ còn non nớt. Non nớt thế nào? Hãy đọc hồi ký của nhà thơ Tố Hữu xem ông đã làm gì khi mới 17, 18 tuổi và khi 25 tuổi đã là Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa ở Huế những ngày diễn ra Cách mạng Tháng Tám. Có thể nào coi thường các thầy giáo tiểu học hiện nay khi nghĩ rằng Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, một thầy giáo tiểu học còn trẻ tuổi, năm 1930 đã thảo ra Luận cương chính trị của Đảng, vạch đường Cách mạng Việt Nam. Trong lĩnh vực văn hóa học thuật, Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam khi mới ngoài 30 tuổi đang là giáo sư trung học ngang với trung học cơ sở bây giờ. Cùng dạy với Hoài Thanh một cấp, một trường là Đào Duy Anh, lúc này đã là nhà sử học, nhà ngôn ngữ học và văn hóa học nổi tiếng. Tạ Quang Bửu, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn, Lê Thước, Ca Văn Thỉnh... đều như vậy. Họ đâu có chờ có học vị, học hàm để xưng là tiến sĩ, giáo sư rồi mới nghiên cứu khoa học, mới trở thành nhà bác học!

   Tôi vẫn nghĩ có một cái gì đó đang kìm hãm sức bật, sức vượt lên, hạn chế cái xung lực sáng tạo của các thầy giáo, cô giáo chúng ta hiện nay. Tôi muốn nói đến các nhà giáo trung học, những người mà tôi đã bao lần đề nghị chính  danh gọi họ là giáo sư cho đúng với chức nghiệp của họ song vẫn chưa được lắng nghe và hiện tại họ vẫn đang đành phận với hai chữ giáo viên nhỏ bé và khiêm nhường, chỉ khi nào bất tiện với hai chữ đó quá thì người ta gọi họ là nhà giáo, thầy giáo - tức cũng là giáo sư chứ không là gì khác. Tôi cho rằng chính cái sự coi nhẹ, có phần coi thường như vậy của xã hội đã góp một phần không nhỏ làm suy giảm các vị trí xã hội, cái động lực tinh thần, cái ý thức trách nhiệm của hàng chục vạn nhà giáo Việt Nam trên khắp miền đất nước, những con người do sứ mệnh giáo dục  thiêng liêng của mình đang chất chứa biết bao tiềm năng trí tuệ sáng tạo cao quý có thể phát huy.

  Mọi người đều biết cái danh có khi chỉ là hư song nhiều khi lại rất là thực. Trong kháng chiến, chúng ta gọi anh Bộ đội Cụ Hồ là chiến sĩ, gọi đồng bào và tuổi trẻ hậu phương phục vụ chiến trường là dân công hỏa tuyến, là thanh niên xung phong, điều đó có ý nghĩa lớn lao biết bao đối với cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta, nhân dân ta. Điều đó thể hiện niềm tin yêu, lòng kính trọng đối với những người xả thân, hy sinh vì Tổ quốc. Trong lúc chúng ta nuôi dưỡng cái thói hiếu danh hủ lậu bằng sự lạm phát trong giáo dục rất nhiều thứ danh hiệu trống rỗng, dài dòng, không cần thiết đối với một số người thì lại tỏ ra khó khăn, thậm chí bất công, trong danh hiệu chính đáng và xứng đáng đối với hàng vạn con người thực sự là những chiến sĩ tận tụy trên một mặt trận cao cả mà thầm lặng, nơi đó không có sự đền đáp nào có ý nghĩa hơn là sự động viên, sự thừa nhận, sự khích lệ về tinh thần.

  Cố nhiên, vấn đề không chỉ là tên gọi. Cái cách gọi tên ấy phản ánh một thái độ và thái độ ấy tác động vào tâm lý, vào tinh thần - một cách vô hình và vô tình - của đội ngũ các nhà giáo chúng ta. Tôi còn cho rằng trong sự quản lý nhà trường, quản lý giáo dục của chúng ta cũng còn những cách thức chưa phù hợp, thể hiện cái thái độ nói trên. Trong khi vẫn còn không ít tư tưởng xem học sinh dù lớn đến đâu cũng còn là những đứa trẻ non nớt thì đồng thời cũng có thái độ xem các thầy giáo dù già dặn, kỳ cực đến đâu cũng là những "giáo viên" dường như phải hướng dẫn, bày vẽ, dìu dắt từng chút mới có thể dạy học - người ta gọi là dạy đúng, dạy tốt - được. Tôi không nói ngoa đâu. Hãy xem bao nhiêu chỉ thị, quy chế ràng buộc các thầy giáo trong nghiệp vụ của mình, lại còn bao nhiêu tài liệu tham khảo, hướng dẫn, bồi dưỡng, v.v... gần như bắt buộc đối với thầy giáo. Cứ như mọi thầy giáo đều là sinh viên thực lập, giáo viên tập sự. Ngay cả các vị được gọi là giáo sư, khi ngồi vào Hội đồng chấm luận án thạc sĩ tiến sĩ cũng được chỉ dẫn đồng loạt cách thức phải tiến hành công việc như thế nào, phải ghi nhận xét, đánh giá về những điểm gì, cách cho điểm bỏ phiếu thì nay thế này, mai thế khác. Luận án tiến sĩ bắt buộc phải đóng bìa cứng, chữ nhũ vàng, khuôn khổ ngang dọc bao nhiêu cm, số trang thì bắt buộc khi thì để dưới, khi thì để trên, v.v và v.v. Có cảm tưởng các nhà quản lý giáo dục khi đi vào nội dung giáo dục không thể nghĩ ra được những gì cao sâu hơn là các quy định hành chính tẩn mẩn tỉ mỉ đó.

   Cái cách quản lý, chỉ đạo giáo dục theo kiểu đó góp phần thu hẹp không gian sáng tạo của các nhà giáo. Lâu dần thành nền nếp, thành thói quen, thành đường cũ, lối mòn, ai cũng thấy là tự nhiên, tất nhiên. Các thầy giáo gọi là xuất sắc thường cũng phải làm theo các thủ tục đó sao cho phù hợp với các khuôn khổ đó, nếu mong được thừa nhận là xuất sắc. Thành ra, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng đã đành mà một trăm góc cạnh cũng gọt cho tròn. Kể ra, các nhân vật gọi là có bản sắc, có phong cách sư phạm riêng cũng khó mà xuất hiện trong một bối cảnh như vậy.

   Là một nhà giáo và cũng từng làm quản lý, tôi hiểu rõ rằng nhà trường, giáo dục cần có kỷ cương, chuẩn mực. Hơn nữa, số lượng nhà trường, lớp học, thầy giáo, học sinh của chúng ta ngày nay, ở một địa phương cũng như trên cả nước, là vô cùng lớn lao. Giáo dục quả là một mặt trận thực sự. Mọi nhà quản lý - nhất là quản lý tập trung quan liêu - thường muốn đừng để xảy ra sơ sót, "cái sảy nẩy cái ung", "quan trên trông xuống, người ta trông vào", cái bệnh bên trong không ai thấy cũng được song cái vết bên ngoài thì đừng để ai cũng thấy. Cho nên tâm thế quản lý là tâm thế đối phó, đề phòng không dám phân cấp, phân công, tin cậy, ủy thác. Thà gò bó một chút mà được gọi là nghiêm minh, mới là an toàn. Vì thế mới có sự thụ động dài dài của học sinh và của thầy giáo nữa, sự hạn chế của mọi tư duy phóng khoáng, tìm tòi, mọi phong cách tự chủ, sáng tạo.

   Dĩ nhiên, lỗi không chỉ ở phía quản lý. Bản thân các nhà giáo cũng có lỗi, cũng cảm thấy ghép mình trong các quy định ấy thì bảo đảm an toàn hơn, có khi đỡ phải lao tâm khổ tứ tìm tòi, thử nghiệm, đỡ phải suy nghĩ độc lập và sáng tạo. Dạy theo sự quy định của sách giáo khoa, theo tài liệu hướng dẫn, tham khảo, bồi dưỡng, v.v. không cần nghiên cứu tìm hiểu chương trình, tinh túy giáo dục của môn học, theo quy chế dù sao cũng là kế vạn toàn, có gì khi các thứ ấy chịu trách nhiệm thay mình, hơn là tự mình phải gánh lấy trách nhiệm. Phê bình, góp ý cho chương trình sách giáo khoa lại càng không nên, không phải việc của mình. Còn dành tâm trí, thời gian cho các việc khác, nhất là các việc có liên quan đến đời sống vốn không bao giờ hết khó khăn đối với các nhà giáo chỉ tập trung vào mỗi công việc dạy học.

   Cũng có thể bức tranh tôi phác họa trên đây không phải 100% là sự thật. Song theo tôi, chắc chắn có một tỷ lệ không thấp là sự thật: Đó là nguyên nhân khách quan và chủ quan hạn chế sự xuất hiện những ngôi sao chói sáng trong hàng ngũ các nhà giáo chúng ta hoặc làm cho các ngôi sao đó dù đã xuất hiện cũng khó lòng được phát hiện. Việc sửa chữa, bổ cứu các bất cập trên đây - nếu có, cũng không phải dễ dàng, khi quy mô giáo dục của chúng ta đã trở nên gấp trăm, thậm chí gấp nghìn lần so với thời xưa. Song dù sao, bước vào thế kỷ  21, ai cũng mong giáo dục và nhà trường chúng ta có những thay đổi lớn, những chuyển biến tốt đẹp. Một trong những nguyện vọng đồng thời cũng là biện pháp mà tôi cho là cần thiết, đó là: Từ khách quan cũng như chủ quan, hãy mở rộng không gian sáng tạo của các nhà giáo Việt Nam, cho các thầy giáo Việt Nam để họ có điều kiện phát huy nội lực của mình, trở thành các nhà trí thức ưu tú, xuất sắc của dân tộc, những bậc thầy không những của thế hệ trẻ mà còn của đất nước, xứng đáng là những sứ giả về tư tưởng, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam và của trí tuệ thời đại, trong thế kỷ 21.

Trần Thanh Đạm (Văn Nghệ)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: