“Văn hóa chợ” trên Facebook

04:39 CH @ Thứ Tư - 12 Tháng Sáu, 2013
Mạng xã hội đang tồn tại, phát triển cùng với những biến tướng đầy hệ lụy đã phơi bày một “bộ mặt xấu thời đại” đáng báo động..

Không chỉ riêng giới showbiz, mạng xã hội hiện nay cũng gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống văn hóa, xã hội khi cộng đồng mạng sử dụng trang cá nhân như một thế giới tự do phát ngôn, tự do cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân không được kiểm soát, cả những phát ngôn bốc đồng nông nổi bất chấp hậu quả.

Ca sĩ Pha Lê là người nổi tiếng chửi bậy trên Facebook

Những “chiếc mặt nạ” đáng sợ

Mạng xã hội có khả năng liên kết nhanh, rộng, sức lan tỏa lớn, tính tương tác cao nên những thông tin trên mạng xã hội thường tạo ra hiệu ứng nhanh chóng. Nhiều vấn đề trở thành điểm “nóng” của xã hội trong thời gian qua, tích cực lẫn tiêu cực bắt nguồn từ hình ảnh, thông tin trên các trang cá nhân. Nhưng chính cộng đồng mạng cũng đã tạo nên một thế giới “ảo” khổng lồ phơi bày những “hiện thực đời sống” đáng sợ.

Được tự do bày tỏ suy nghĩ, chia sẻ, giao lưu trong một cộng đồng nhất định, ở thế giới ảo này, người ta tha hồ nói xấu nhau, đăng tải hình ảnh vô tội vạ. Cái gì cũng có thể tìm thấy trên mạng xã hội: clip học sinh đánh nhau, giới trẻ ăn chơi thác loạn, quan điểm sống lệch lạc... Nguy hại hơn là những biến tướng của các trang cá nhân tự tạo, cổ xúy cho lối sống không lành mạnh, một hình thức “chào hàng” mua bán dâm trá hình hay lợi dụng mạng xã hội lập nên những hội nhóm phân biệt vùng miền, hội những người chống đối hay lên án một hiện tượng, sự kiện dưới góc nhìn phiến diện, thậm chí có những hội nhóm nhảm nhí, vô bổ…

Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, nhận định: “Facebook bây giờ không còn là một công cụ kết nối bình thường nữa mà đã trở thành phương tiện để ai cũng có thể nói lên quan điểm cá nhân, dần dần xuất hiện những biến tướng xấu gần như đã trở thành vấn nạn của mạng xã hội”.

“Mạng xã hội giúp người ta bớt cô đơn hơn trong cuộc sống vội vã hiện nay, xóa bỏ được những ranh giới, rào cản, mọi người có thể liên lạc với nhau dễ dàng hơn nhưng kẻ xấu trên mạng xã hội cũng nhiều. Ở đó, người ta tô vẽ bản thân mình nhiều quá, thậm chí tự tạo nên những chiếc mặt nạ đáng sợ. Người ta cũng có quyền đưa tin mà không cần kiểm chứng, quyền nói xấu làm tổn thương người khác, phát ngôn không có trách nhiệm” - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận xét.

Nhà văn Di Li góp thêm góc nhìn: “Tôi ngạc nhiên là có nhiều người phát ngôn trên Facebook hoàn toàn trái ngược với cách họ thể hiện ở ngoài. Bất kỳ là ai, dù là người nổi tiếng, có địa vị hay là người bình thường, khi tham gia mạng xã hội cũng có nghĩa là chấp nhận phơi mình trước cộng đồng, dư luận; nếu không cẩn trọng, có thể gây ảnh hưởng xấu, trước nhất là với bản thân”.

Cần tiếng nói của ý thức

Cộng đồng mạng có đóng góp rất lớn trong việc tạo nên dư luận, phân tích vấn đề xã hội tường tận theo những góc nhìn đa chiều nhưng số đông giấu mặt cũng tự do sử dụng ngôn từ tùy tiện, phản ứng quá khích. Dư luận xã hội đúng đắn sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực nhưng nếu nhận thức lệch lạc trong góc nhìn phiến diện sẽ chỉ khiến sự tương tác trên mạng xã hội trở thành thế giới ngôn từ hỗn độn.

“Công chúng trên mạng là số đông giấu mặt nên ngôn từ không được kiểm soát, những gì họ không dám nói danh chính ngôn thuận thì lên mạng chửi cho hả hê. Đây không chỉ là vấn đề của showbiz mà còn là thực trạng xã hội, tôi cho rằng rất khó thay đổi, bởi chẳng ai có thể quản lý hay kiểm duyệt ngôn từ trên mạng cả” - nhà báo Phạm Thành Trung phân tích.

Diễn viên Lan Phương ưu tư: “Cộng đồng mạng có thể làm tổn thương bất kỳ ai, không cần quan tâm những lời xúc phạm ảnh hưởng đến cá nhân người tiếp nhận như thế nào”.

Nhà văn Di Li cho rằng mạng xã hội đang dần trở thành một tiếng nói chung, mọi người được quyền bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân hoặc cũng nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội mà góp phần tạo được dư luận tích cực. “Vẫn phải thấy rằng Facebook có những mặt tích cực rất lớn trong cộng đồng nhưng tôi hoàn toàn phản đối, lên án cách sử dụng ngôn từ của một bộ phận công chúng mạng hiện nay, đúng nghĩa là làm méo mó, lệch lạc, xâm phạm sự trong sáng của tiếng Việt” - tác giả tiểu thuyết Trại hoa đỏ, nhà văn Di Li, chia sẻ quan điểm.

Bàn về “văn hóa ngôn từ” trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng đòi hỏi văn hóa ứng xử trên Facebook chính là đặt ra yêu cầu ý thức tôn trọng cộng đồng của mỗi cá nhân. Cái gì liên quan đến văn hóa cũng cần đến ý thức nhưng thực tế trông mong vào ý thức cũng rất… “khó nói, mông lung” khi ứng xử trong đời sống thật vốn cũng đã hỗn tạp. “Mỗi người phải hiểu rằng một khi đã mở lòng mình ra trên thế giới ảo thì cũng phải đến với mọi người bằng tâm thế thiện chí, chân thật; phê phán vấn đề, hiện tượng cũng cần mang tính phản biện, xây dựng chứ không phải buông tuồng tùy tiện, nói gì thì nói. Tôi nói thật, cái gì cũng bắt đầu từ giáo dục, mọi thứ phải được bồi đắp từ nền tảng gia đình, nhà trường và xã hội” - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phân tích.
Facebook đôi khi phản ánh rõ nhất bản chất, lối sống của một người. Nói to tát hơn, mạng xã hội cũng đang góp phần ghi lại một thời đại sống.
(Nhà văn Di Li)

Tự do nhưng phải kiểm soát

Theo bà Nguyễn Thế Thanh: “Internet nói chung hay mạng xã hội nói riêng ra đời đem lại nhiều tiện ích, những giá trị tích cực trong cộng đồng nhưng hệ lụy nằm ở chỗ người sở hữu, làm chủ các trang cá nhân. Tôi cho rằng những ai có Facebook ít nhất cũng là người có học, hiểu biết công nghệ nhưng thử nhìn lại xem, không ít trong số những trí thức ấy lại là nhân tố góp phần làm cho thế giới mạng trở nên hỗn loạn. Tôi nói thật, ngôn từ trên mạng hiện nay nói “hàng tôm hàng cá” cũng chưa đủ, mà có khi còn là ngôn ngữ của lưu manh, côn đồ. Đừng nói mạng là thế giới ảo, mọi thứ đều là thật hết cho nên những gì diễn ra trên mạng cũng chính là phản ánh xã hội. Muốn thay đổi, trước nhất vẫn là cần ở ý thức cá nhân của mỗi người nhưng cũng cần phải quyết liệt hơn trong chế tài. Rõ ràng là chúng ta có luật về internet nhưng chúng ta chưa làm gì để loại bỏ cái xấu trên mạng.

Nhiều nước trên thế giới, chỉ cần nói xấu, bôi bác, vu khống người khác trên mạng là có thể bị ra tòa. Tất nhiên, ai cũng có quyền bày tỏ chính kiến nhưng mọi thứ đều phải dựa trên nguyên tắc xây dựng, tự do nhưng cũng phải trong vòng kiểm soát của pháp luật. Một khi luật không điều chỉnh theo kịp với sự phát triển của xã hội, không thay đổi cách thức quản lý thì tất yếu sẽ có những rối loạn”.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-4

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mạng xã hội - kết nối hay chia rẽ con người?

    19/07/2011Vương ĐỗNhững mạng xã hội như Twitter hay Facebook không giúp kết nối người ta với nhau – thay vào đó chúng cách ly con người với thế giới thực. Đây là lời cảnh báo mới nhất từ giới học giả về trào lưu sử dụng mạng xã hội hiện nay...
  • Sức mạnh đáng kinh ngạc của mạng xã hội

    22/12/2009Hoàng Giáp (lược dịch từ City-Journal)Trước khi mạng xã hội xuất hiện thì rất ít người trong số chúng ta từng muốn có một người bạn như vậy.