Nhiều tiền để làm gì?

07:56 SA @ Thứ Sáu - 22 Tháng Hai, 2019

Tôi vốn khâm phục những doanh nhân kiếm ra đồng tiền để nuôi người lao động. Họ như một đội quân đạp trên gai để tìm ra con đường nhỏ của mình. Hàng triệu con đường trên mặt đất chông gai. Với nữ doanh nhân, tôi càng muốn nghiêng mình khâm phục. Nhưng tiền là quyền lực, bập sâu vào nó thì như thể ngồi ở trên ngai, bước xuống không dễ...

.


Con người bây giờ, dường như bị cuốn vào công việc, kiếm tiền… mà vô tình đánh mất nhiều điều ý nghĩa khác trong cuộc sống.

.

Người thứ nhất là M, tôi gặp lần đầu từ nhà anh trai mình ở Cần Thơ. M khoảng năm mươi tuổi, ở góc độ sinh học, đây là tuổi quá chín, trên đỉnh, hay nói đang tàn cũng được. Nhưng M trẻ hơn tuổi rất nhiều. Da mịn, mũi thanh, môi nét, mày nâu, mắt vành vạnh đẹp. Chị dâu ghé tai tôi ganh tỵ: “Dân doanh nghiệp nhiều tiền, các bà hay đi Sing đi Nhật làm thẩm mỹ đó mà”. Quả nhiên M có vẻ đẹp của diễn viên Hàn Quốc, không mấy tự nhiên. Nhưng phải công nhận là đẹp, vẻ sang trọng hoàn hảo khiến đàn ông muốn sán lại gần và đàn bà thì muốn đứng xa xa ngắm trộm.

Từ dạo đó M hay gọi cho tôi nói chuyện khào. Khào là phiếm, là tào lao, trên trời dưới biển. Nhưng thời gian là vàng bạc, câu ấy chí lý hơn hết với mọi doanh nhân. Không thể không có nội dung trong những cú phôn của M. Bộc bạch, khoe vui, than buồn, nói lửng… tất cả đều dẫn đến một mục đích: M muốn tâm sự, thế thôi. Tôi làm tư vấn gia đình mười năm cho một tờ báo, những “nùi” tơ lòng khắp nơi gửi đến cho tôi qua thư bưu chính, qua thư email, tuần nào cũng cho tôi nhìn thấy những góc đời, như tôi có nhiều con mắt ở khắp nơi. Nhưng điện thoại như M thật hãn hữu.

Xem nào. M là con gái một cán bộ hồi kết, tốt nghiệp đại học sư phạm Văn nhưng lao vào thương trường lúa gạo thời đất nước trở mình. Chồng M lúc ấy làm ở Sở Ngoại vụ, nhàn tản với mớ tiếng Nga lưng vốn. M bắt đầu bị “guồng quay điều khiển” - từ của M - khi để cho các nhà máy xay xát ở các tỉnh lần lượt “bắt cóc” ngày và đêm của một người đàn bà trẻ. Gạo trắng quá nên ham, mùi của thành quả chứ không phải mùi tiền nó ngầy ngà thơm thảo. Báo hiếu cha mẹ hai bên, nuôi người của họ mạc, gầy dựng cơ nghiệp cho em út và đẩy con lên bệ phóng… Trong một lần vào kho kiểm tra, M bị một bao gạo trượt vào xương sống. Người chồng lép vế được dịp chì chiết: “Thấy chưa, tiền vô đó, nhiều tiền để làm gì, thấy chưa?” M than thở: Cái thứ xương sống tổn hại này chơi khăm em, gần chồng thì nó trở chứng mà xa chồng thì mình sân sẩn như thường!” Đó là những lúc M điện thoại cho tôi dày hơn, hầu hết vào đêm khuya, khi tỉnh này khi tỉnh kia, khi Sài Gòn khi Hà Nội và có khi đang ở Thái Lan, ở Mỹ. Điện chứ không gặp nhau được, người như chim bay, người ngại tiệc tùng, có đêm M ở quận 1 mà chúng tôi cũng chỉ nhờ vào điện thoại. Giọng nói, cách nói, nhịp thở, thậm chí mùi của nỗi niềm mà tôi nghe thấy cho tôi hình dung: M đang sắp ngã quỵ dưới cái ách của mình.

*


Người thứ hai là B. Thiên ngộ viết lách đã cho tôi cơ hội với B. Một chuyến xe lên nhà B trên phố trung tâm cho biết, đến công ty B tham quan, về nhà B ăn bữa cơm gia đình và được mời cộng tác. Ấn tượng của tôi về B thì la liệt, vì tôi là cái ngữ thích trữ chi tiết. Mùi thơm của chiếc ô tô B đi nói với tôi vẻ sành điệu của một bà chủ trẻ. Những món trang sức trên người B thật tinh tế, vừa phải. Ngôi nhà nép trong ngõ cạn ở trung tâm cho tôi sự phân vân: B giỏi giang hay may mắn? B từ miền Bắc vào với hai bàn tay trắng, đi lên mười năm bằng khôn lanh hay có bí mật nào? Những công ty của B đi tắt đón đầu hay là chỗ rửa tiền của ai? Bố mẹ B như hai quản gia tận tụy, bữa cơm đặc trưng kiểu Bắc và càng vào sâu bên trong ngôi nhà, những căn phòng bí mật cứ mở ra, như thiên cung trên mảnh đất không khiêm tốn chút nào. B chỉ cho tôi ngắm một tủ giày hàng hiệu, những tủ áo váy có thể sánh với các ngôi sao Hollyood và những chiếc túi xách như một cửa hàng! Tôi được mời spa trong phòng ngủ của B, thiên đường chắc cũng dễ chịu cỡ này mà thôi.

B để tôi tự do với cơ ngơi của B và nàng bảo phải đi có việc. Tôi được bố mẹ B mời trà trong phòng khách, ánh sáng êm đềm của khách sạn năm sao và những chiếc tách, không biết tả thế nào nữa. Nhưng sao tôi vẫn thấy chạnh lòng, thiếu vắng? Hỏi người đàn ông của B đâu, các con B đâu, đang ở trường, hay là… Ông bố và bà mẹ chân quê của B bấy giờ mới bắt đầu câu chuyện của họ. Rằng ông bà vào Nam thì được mà không ra Bắc được vì “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Chồng nó có trang trại cao su ở Bình Phước, chẳng mấy khi về, chồng một vương quốc, vợ một vương quốc, ai cũng muốn là vua nên hai đứa hai nơi, một bữa cơm chung còn khó! Con thì mới lớp 10 đã tống sang Anh, ăn học tới năm chục triệu đồng mỗi tháng, có mà điên! Đứa nhỏ mới tiểu học đã cho đi trường Mỹ tại đây, nói tỵ nạn giáo dục, có tiền tội gì đi trường công Việt Nam cho bọn họ hành! Vậy đấy! Nhà cửa như cung điện, chúng tôi mà ra Bắc thì bọn người làm có mà dọn sạch đồ! Tiền để mà chi, khối nhà người ta gia sản chưa bằng một chiếc ô tô nhà nó mà vợ chồng con cái quây quần bên nhau hàng đêm, cũng đâu có phải không ra con người! Tiền để mà chi mà nhiều vậy không biết!

Cộng tác với B vài lần tôi cũng tháo lui, vì công ty truyền thông của B không phải là nơi mình có thể ký thác những vấn đề của báo chí nghiêm chỉnh.

*


Người thứ ba là T, một tiến sĩ ngữ văn kiêm giám đốc một công ty sách và thiết bị trường học. T từ Hà Nội, hay tạt qua chỗ tôi mỗi khi bay vào Sài Gòn có việc. Căn hộ của hệ thống chung cư cũ thì khỏi phải nói, những vũng nước mỗi khi triều cường hỏi thăm, rác lá đầy trong cống hở, những dây quần áo trong công viên bị chiếm dụng và những chiếc cầu thang bộ nhem nhuốc màu thời gian. Nhưng lần nào T cũng trầm trồ ngay khi thả mình xuống salon nhà tôi, em chỉ mong một không gian như chị, túi tiền như chị và thời gian dài rộng của chị! Sao, em có nói ngược không đó? Nhìn cách T thả lỏng người, cách T nhẩn nha ăn uống và những phút T thừ ra, tôi biết T không trêu chọc chúng tôi. T định nghĩa cuộc sống của chúng tôi là “tới cõi”.

Chỉ một thế hệ sau tôi mà đã quá khác. T có tất cả nhờ Hà Nội: học lên dễ dàng, vào guồng bằng vài món bất động sản và từ đó gây dựng công ty. Không biết từ bao giờ, người chồng của T đứng lại bên ngoài cái guồng đó, cắm cúi với công sở và ngôi nhà mà anh ta bảo sẽ “chết sống cùng với nó” (chắc là vì hai đứa con của họ sinh ra ở đây). T nhất quyết đánh đổi, cũng dễ hiểu thôi, cái ngõ ấy ô tô không ra vào được! Thế là tan. Một người đàn ông khác xuất hiện, T lập luận, tài giỏi gì thì cũng phải có người chống lưng chứ. Bắt đầu cảnh con anh con tôi. Anh còn đẽo tiền của tôi để thầm lặng mua đất xây nhà cho vợ cũ của anh ở trong quê ra Hà Nội đổi đời. T chặc lưỡi, thôi, dù gì họ cũng có với nhau ba mặt con! Sau chuyện đó T tạt qua chỗ tôi thường hơn, bảo không thiết làm ra tiền, không thiết nhà cao cửa rộng, không thiết gì nữa cả. Nhưng chẳng lẽ lại bỏ lửng anh chàng này nữa, chẳng lẽ cho hai đứa con “chết dí với sự học trong nước”, chẳng lẽ đóng cửa công ty để hàng chục con người mất việc, chẳng lẽ…

*


Tôi vốn khâm phục những doanh nhân kiếm ra đồng tiền để nuôi người lao động. Họ như một đội quân đạp trên gai để tìm ra con đường nhỏ của mình. Hàng triệu con đường trên mặt đất chông gai. Với nữ doanh nhân, tôi càng muốn nghiêng mình khâm phục. Nhưng tiền là quyền lực, bập sâu vào nó thì như thể ngồi ở trên ngai, bước xuống không dễ. Chồng lánh, con rời, thời gian sống cho chính mình còn không có. Tôi thường ngắm họ trên tivi, trên sân khấu các giải thưởng và trên sân khấu cuộc đời, ngắm và không khỏi những ý nghĩ đàn bà với nhau: đủ chưa chắc đã sướng, giàu chưa chắc đã biết một bữa ăn ngon đúng nghĩa và nhiều tiền chưa chắc đã đem được hạnh phúc về.

Đó là nghịch lý của việc làm ra tiền, nhưng biết làm sao!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Làm ăn bất chính sinh ra những kẻ ngông đốt tiền tỉ

    13/10/2015Huyền Biển (Thực hiện)"Chúng ta chưa có những đại gia thực sự, và nếu có những người
    tự nhận mình là đại gia thì họ không phải là doanh nhân. Bởi kinh doanh
    chân chính thì không thể có tiền nhiều như thế được trong điều kiện của
    xã hội chúng ta".. - Ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng Giám đốc
    Công ty Tư vấn Đầu tư InvestConsult Group khẳng định với Phunutoday như
    vậy xung quanh lùm xùm việc tổ chức đám cưới siêu khủng của một số nữ
    đại gia.
  • Đồng tiền dễ chà đạp lên phẩm giá, đạo đức

    15/09/2019Nhật Minh (thực hiện)Dường như xã hội càng phát triển thì văn hoá, đạo đức càng xuống cấp. Nghịch lý đó khiến nhiều người bi quan...
  • Đồng tiền hai mặt

    08/07/2019Nguyễn Khắc PhêThực ra thì ở đời, hầu như mọi sự đều có hai mặt với cả nghĩa đen và nghĩ bóng. Như đồng tiền luôn có hai mặt khác nhau về họa tiết và chúng ta vẫn thường bảo đồng tiền này “trong sạch” còn đồng tiền kia là “nhơ bẩn”. Khi xã hội đang có một số mặt sa sút, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “mặt trái” của đồng tiền xuất hiện ở mọi nơi cũng là điều dễ hiểu...
  • Ăn ở với đồng tiền

    18/06/2017TS. Phạm Duy NghĩaChuyện tiền nong thường khó nói. Khi ta nghèo, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, thoảng qua nhanh đâu còn thời giờ để nghĩ ngợi làm gì. Khi ta có chút của ăn của để, tiền ở lại với ta lâu hơn, ấy là lúc ta tập nghĩ tới cách ứng xử với đồng tiền. Từ một xứ nghèo, vươn lên kiếm lấy đồng tiền là nhu cầu rất tự nhiên và chính đáng, song cách ứng xử tiêu dùng tiền ấy có thể cũng là chuyện nên bàn...
  • "Kinh doanh cũng không đơn giản là để kiếm tiền"

    31/03/2016Đối với tôi kinh doanh cũng không đơn giản là để kiếm tiền, đôi khi người ta phải giải thích hành vi của mình với đối tượng khác và khi sử dụng mục tiêu kiếm tiền để giải thích thì dễ dàng tìm được sự đồng thuận của những người liên quan như gia đình, bạn hữu. Nhưng tôi nghĩ rằng tiềm ẩn trong tâm lý các nhà kinh doanh thì không đơn giản như thế. Đôi khi người ta tìm kiếm sự độc lập bản thân...
  • Trò chuyện với đồng tiền

    12/09/2013Xuân Sách“Tiền tài như phấn thổ. Đạo nghĩ trọng thiên kim”. Hãy coi đồng tiền như bụi như đất. Còn đạo nghĩa đáng trọng như ngàn vàng. Chị thấy không để đánh giá sức nặng của đạo nghĩa vẫn phải đem so sánh với nghìn vàng, với đồng tiền...
  • Tiền đè đàn ông

    18/06/2013Nguyễn Việt HàĐàn ông cũng như đàn bà thường bị nhiều thứ đè. Có thứ tưởng là to ví như công danh sự nghiệp, lại có thứ cứ nghĩ là nhỏ ví như miếng cơm manh áo. Trong tiếng Việt, nghĩa của chữ "đè" nôm na là, bị một cái gì đó dùng sức nặng áp đặt lên
  • Ngợi ca... đồng tiền

    04/08/2012Bùi Quang MinhNgợi ca! Không thể như thế được. Loài người chỉ ngợi ca những giá trị mang tính nhân văn, nhân tính, thiên về tinh thần bởi có ích lâu dài cho con người, cho xã hội và nhân loại như tình yêu, sự dũng cảm, yêu lao động, sáng tạo... Đồng tiền con người nghĩ ra trung tính. Nó phải kết hợp với các giá trị khác để đem lại lợi ích hay tác hại, từ đó mới đánh giá được là tốt hay xấu...
  • Tiền bạc, ruộng đồng, và... thân phận của người nông dân

    29/01/2012Nhà thơ Nguyễn Quang ThiềuVụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã cho thấy một cách xử lý bất hợp lý của chính quyền địa phương với người nông dân. Điều hệ trọng hơn là chính quyền đã không hiểu và không có cảm xúc về lịch sử và công lao của người nông dân với ruộng đồng của họ...
  • Con người và chính trị tiền – hiện đại

    28/08/2011Bùi Văn Nam SơnTừ chỗ các nhà nhân văn chủ nghĩa thời Phục hưng bắt đầu biết tôn vinh những đức hạnh của con người cá nhân và con người công dân cho đến quan
    niệm hiện đại về nhà nước như là việc định chế hoá nhân quyền và dân
    quyền, là một hành trình gian khổ qua nhiều bước trung gian trong quan
    niệm về con người...
  • Nguồn vốn của mỗi người: Năng lực, quan hệ, tiền bạc

    24/09/2010Nguyễn Thị Thùy Dương - Tâm Việt GroupDân gian ta có câu “Buôn tài không bằng dài vốn”. Trong thời đại kinh tế thị trường ngày nay, làm bất kỳ công việc gì cũng cần có vốn. Vậy vốn của một con người bao gồm những gì, đâu sẽ là nguồn vốn cần phát triển vào đầu tư để phát triển bản thân và vững vàng trong thời đại cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi diễn ra đến từng giây phút...
  • Hành trình của Tiền

    14/09/2010Nguyễn Tất ThịnhTôi đã có một số bài viết về Tiền…Nhưng tôi đã nghe bao nhiêu chuyện của bao nhiêu người để hình dung rằng số phận của nó lại thê thảm đến vậy ! Nhưng cái khổ thực sự lại thuộc về con người….và xã hội của họ!
  • Linh hồn của tiền

    30/07/2010Tác giả: Lynne Twist. Dịch giả: Hoàng Anh. Thanh Hà. NXB Hà NộiNhững khám phá tràn đầy cảm hứng và trí tuệ về sự kết nối giữa tiền bạc và một cuộc sống toàn vẹn. Trong linh hồn của Tiền, Lynne Twist đã nhìn nhận trung thực về sức mạnh chi phối phi thường là mang tính phá huỷ của nó đối với sự tự nhận thức và các mối quan hệ của con người...
  • xem toàn bộ