Xem phim "Đừng đốt": Thông điệp của lòng yêu thương

07:04 SA @ Thứ Ba - 28 Tháng Tư, 2009

>>Xem thêm:

Xem phim "Đừng đốt": Thông điệp của lòng yêu thương
(Việt Văn, Báo Lao Động)

Câu chuyện kỳ lạ về số phận của cuốn nhật ký bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm được người cựu chiến binh Mỹ Fred lưu giữ suốt 35 năm để cuối cùng trao lại cho gia đình nữ bác sĩ như một cổ tích.

Cổ tích lên phim và khán giả khi xem có quyền quên câu chuyện cổ tích ngoài đời thực đi để dõi theo nhân vật trong phim.

Tâm hồn, tình cảm trong sáng, cao đẹp của nữ bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã tái hiện qua từng trang nhật ký, qua hồi ức của những người đồng đội và người mẹ. Đan xen quá khứ và hiện tại, đặt các cảnh huống có vẻ như đối lập nhau để so sánh, trong một tiết tấu phim tương đối nhanh, tất cả dựng lên một Đặng Thuỳ Trâm bằng xương bằng thịt.

Đó không chỉ là một nữ bác sĩ dũng cảm, kiên gan đầy tinh thần trách nhiệm trong việc cứu chữa, chăm sóc thương bệnh binh mà còn là một người con gái Hà Nội lãng mạn "tiểu tư sản" khát khao yêu thương, nhất là trong bối cảnh ở một trạm xá trơ trọi giữa bom đạn khốc liệt và những cơn mưa rừng xối xả.

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã xử lý bộ phim theo tư duy sáng tạo riêng. Ông chọn lọc những chi tiết đắt giá và để tự nó toát lên tính khốc liệt của cuộc chiến, các nhân vật đóng rất tiết chế trong phản ứng tình cảm, không quá đà, không thừa thãi. (Xin nói thêm: Những cảnh khói lửa trong phim được dàn dựng rất chuyên nghiệp, hơn hẳn nhiều bộ phim VN khác về đề tài chiến tranh).

Phép so sánh, ẩn dụ trong thủ pháp đạo diễn của ông ở nhiều bộ phim truyện nhựa trước lần này cũng được áp dụng khá thành công. Cảnh sinh nhật của Đặng Thuỳ Trâm qua hồi ức mẹ cô đặt cạnh cảnh gia đình Fred quần tụ mừng sinh nhật người mẹ Mỹ như một phép ẩn dụ. Rồi hai lần tiếng hát của bác sĩ Thuỳ Trâm và người lính da đen đều bị tiếng bom cắt nghẹn.

Tiếng hát - âm nhạc của tình yêu khát khao hoà bình - được cất lên từ những người lính tham dự cuộc chiến ở cả hai phía là một thái độ phản kháng chiến tranh...


"Đừng đốt" mang thông điệp của tình yêu mạnh mẽ.

Tình yêu thương những bà mẹ dù là Việt hay Mỹ, dù ở bất cứ đất nước nào đều rộng lớn và không biên giới. Chính mẹ Fred đã bắt con trai đi tìm để trao trả cuốn nhật ký cho gia đình Đặng Thuỳ Trâm và bà biết rằng "nó - cuốn nhật ký - sẽ thiêu đốt cả đời con" (Fred). Và muốn cuốn nhật ký đó được công bố vì tâm hồn của nữ bác sĩ "Việt cộng" đó thật cao đẹp.

Một cảnh trong phim "Đừng đốt".

Fred cũng nhận ra "cô ấy đã dạy cho con bài học về tình yêu thương con người". Và "ai trong đời cũng chết một lần. Nhưng mình không muốn chết theo cách này". Sự cảm thông - cũng có thể coi là quyền lực tinh thần về sự đồng cảm đã giúp Fred quyết tâm tìm lại gia đình bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm trao trả cuốn nhật ký và công bố nó, dù người em phản đối quyết liệt vì làm như thế là xúc phạm danh dự một gia đình quân nhân.

Phim khá dài nhưng cuốn hút khán giả, dù rằng có những thay đổi trong tâm lý nhân vật chưa thật thuyết phục như việc Fred bị cuốn nhật ký hút hồn quá nhanh qua lời dịch của trung sĩ Huân (dù thực tế ngoài đời có thể dễ như vậy), hay người yêu của anh Rob của Fred đã có người nhà bị phía "Việt cộng" giết, từ chỗ phản đối dịch cuốn nhật ký, sau thay đổi thái độ nhanh...

Và cảnh kết phim, cô gái đạp xe trên đường thênh thang trong tiếng nhạc của bài hát "Bài ca hy vọng" của nhạc sĩ Văn Ký có một cái gì đó chưa thật nhuần nhuyễn. Và ngay cái tên phim ban đầu "Đừng đốt, trong đó có lửa" nghe cảm xúc hơn cái tên sau này "Đừng đốt" - như một mệnh lệnh. Nhưng phải chăng đó cũng là ý đồ của đạo diễn: Đừng đốt - không chỉ như lời khuyên mà còn là mệnh lệnh - đối với quyền năng vô hạn của tình yêu thương.

"Đừng đốt" dài 102 phút (Hãng phim Hội Điện ảnh VN) có sự tham gia diễn xuất của 7 diễn viên chuyên nghiệp Mỹ (từ Hiệp hội Diễn viên New York), một quay phim Mỹ (cùng với hai quay phim VN là Vũ Đức Tùng và Lý Thái Dũng) và âm nhạc do hai nhạc sĩ người Hungari đảm nhận. Là một bộ phim "đa quốc tịch" nhưng tất cả phối hợp khá ăn ý, nhịp nhàng dưới bàn tay đạo diễn của Đặng Nhật Minh - đó cũng là thông điệp của tình đoàn kết - lòng yêu thương.

Nói về bộ phim, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho biết: "Đoàn làm phim đã làm hết sức mình trong một tâm nguyện chung: Bộ phim như một nén hương tưởng nhớ nữ bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm và những ai đã hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước". Còn bà Doãn Ngọc Trâm - mẹ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm - rưng rưng: "Tôi không biết nói gì hơn để diễn tả lòng biết ơn đoàn làm phim. Bộ phim sẽ giúp thế giới hiểu thêm tâm hồn, tình cảm con người VN".


Không kìm được nước mắt với "Đừng đốt"

(Hạnh Phương, Vietnamnet)

11 tỉ đồng là chi phí không nhỏ đầu tư cho một bộ phim của Việt Nam nhưng "Đừng đốt", bộ phim về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tỏ ra đáng đồng tiền bát gạo.

Bộ phim thực hiện trong hai năm với chi phí 11 tỉ đồng, không phải là một dự án phim bình thường. Không giống với một số bộ phim "cúng cụ" từng được nhà nước đặt hàng và đổ vào nhiều tỉ đồng mà không mang lại hiệu quả như mong muốn cho người xem, "Đừng đốt" thật sự là một bộ phim có chất lượng và mang trong mình nhiều thông điệp.

Là phim về chiến tranh, về cuộc đời của một liệt sĩ -bác sĩ và số phận kỳ lạ của một cuốn nhật ký, nhưng "Đừng đốt" không chỉ có bom đạn, máu và nước mắt mà còn có cả những khoảng lặng, những cảnh quay đẹp như trong chuyện cổ tích.

Buổi ra mắt bộ phim về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Hà Nội ngày 8/4 thật đặc biệt. Hiếm có bộ phim nào lại gây sự xúc động mạnh mẽ cho nhiều người xem như thế. Sự đồng cảm dành cho nhân vật Đặng Thùy Trâm khiến người xem không kìm nổi những giọt nước mắt lăn dài. Có nhiều trường đoạn xúc động, đó là lúc Đặng Thùy Trâm trở về căn nhà bé nhỏ của mình ở Hà Nội trong giấc mơ của mẹ, là khi Đặng Thùy Trâm ao ước có người thân ở bên cạnh trong sự cô độc giữa mênh mang núi rừng...

"Đừng đốt" không chỉ vạch ra sự bi thảm của chiến tranh, với những nỗi đau thể xác hiển hiện trong cơ thể đầy máu của những người lính ở cả hai bên chiến tuyến mà bộ phim còn có những cảnh quay đầy chất thơ. Xen lẫn bom đạn, chết chóc, hình ảnh về cuộc sống gia đình hạnh phúc và yên bình của Đặng Thùy Trâm cứ trở đi trở lại trong phim.

Dù tên phim không thật hấp dẫn, nếu không muốn nói là khó gây được sự chú ý, tò mò cho khán giả nhưng nó lại rất có ý nghĩa nếu đặt vào bối cảnh của bộ phim. Đó là lời Huân nhắn nhủ khi đưa cuốn nhật ký anh nhặt được ở trạm xá cho Fred Whitehurst. Cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm không những không bị đốt đi mà còn ám ảnh Fred hơn 30 năm và gần như đốt cháy cả quãng đời còn lại của người cựu binh Mỹ này. Sự ám ảnh về chiến tranh Việt Nam của Fred Whitehurst cũng là sự ám ảnh của cả một thế hệ người Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam.

Từ cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và rất nhiều tư liệu thu thập được, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tự viết kịch bản và với kinh nghiệm của một đạo diễn điện ảnh bậc thầy, ông đã làm nên một bộ phim hấp dẫn hơn cả trông đợi. Bối cảnh của phim kéo dài từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, "Đừng đốt" là câu chuyện nối dài về số phận của cuốn nhật ký nổi tiếng sau hàng chục năm lưu lạc trên đất Mỹ để rồi cuối cùng tìm về với gia đình của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Các diễn viên nước ngoài được tuyển chọn từ Hiệp hội diễn viên tại New York.

Góp phần vào thành công của bộ phim còn phải kể đến phần nhạc phim do hai nhạc sĩ người nước ngoài Benedicfi Zoltan và Benedicfi Istvan thực hiện, đã thể hiện rất tốt diễn biến tâm lý của nhân vật cũng như không khí các cảnh quay. "Đừng đốt" còn chinh phục người xem bằng những khuôn hình đẹp ở Việt Nam và Mỹ do các tay máy cả trong và ngoài nước thực hiện (Vũ Đức Tùng, Lý Thái Dũng và Richard Connors). Đáng tiếc là diễn xuất của diễn viên Minh Hương (vai Đặng Thùy Trâm) còn khá mờ nhạt trong khi Mathews Korchs (vai Fred lúc trẻ) lại hơi cứng và đôi khi quá cường điệu.

Bên cạnh các diễn viên Việt Nam, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã mời 7 diễn viên chuyên nghiệp của Mỹ tham gia bộ phim này thông qua tuyển chọn từ Hiệp hội diễn viên tại New York và tất cả đều đã đọc rất kỹ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâmđược xuất bản bằng tiếng Anh trước khi tham gia bộ phim. Do phim mới được hoàn tất cách đây 1 tuần và là bản phim đầu nên một số hình ảnh chưa chuẩn, phần phụ đề tiếng Việt cho các đoạn thoại bằng tiếng Anh chưa hoàn chỉnh và sẽ phải chỉnh sửa thêm nhưng "Đừng đốt" là một bộ phim đáng xem.

"Đừng đốt" dự kiến sẽ được chọn chiếu khai mạc trong tuần phim kỷ niệm ngày 30/4 năm nay và đang có kế hoạch phát hành ra quốc tế.


Bộ phim "Đừng đốt" về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: Truyền cảm và xúc động
(Thanh Hằng thực hiện, Công An Nhân Dân)

Sáng 8/4, bộ phim về Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm có tên "Đừng đốt" đã được Bộ VH, TT&DL giới thiệu với báo giới, trước khi công chiếu trên toàn quốc vào dịp 30-4 năm nay. Phim được làm trong 2 năm, với hơn 10 tỷ đồng.

Suốt buổi chiếu, khán phòng lặng im phăng phắc, chỉ có tiếng nghẹn ngào dọc theo hơn 100 phút của bộ phim. Có lẽ, đây là một trong không nhiều bộ phim do đặt hàng, lại gây được xúc động mạnh với người xem đến thế. Ngay sau buổi chiếu, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với NSND Đặng Nhật Minh - người biên kịch và đạo diễn bộ phim.

PV: Thưa đạo diễn, bộ phim này đã đến với ông như thế nào?

NSND Đặng Nhật Minh (ĐNM): Ngay khi đọc cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", tôi đã trút tất cả tình cảm của mình để viết một kịch bản. Khi Cục Điện ảnh đặt vấn đề, tôi đã gửi kịch bản và được Bộ VH, TT&DL lựa chọn đặt hàng. Phim hoàn toàn là tiền Nhà nước, cũng không có tài trợ, nhưng lại nhiều yếu tố nước ngoài.

Tôi mời 7 diễn viên Mỹ tham gia, do Hiệp hội Diễn viên New York tuyển chọn. Ngoài ra, từ phục vụ hậu cần, người đẩy đường ray, phục trang, đạo cụ đều là người Mỹ. Một số nhân vật như Mai cũng là người Mỹ gốc Việt.

PV: Làm phim có nhiều yếu tố nước ngoài, ông có gặp khó khăn?

NSND ĐNM: Đạo diễn mà nghiêm túc, có nghề sẽ được tin cậy. Trước khi làm, điều tôi băn khoăn nhất là các diễn viên Mỹ có hiểu kịch bản không? Có nhiệt tình không? Nhất là, lần đầu làm việc với một đạo diễn nước ngoài, của một nền điện ảnh không thể so được với Mỹ, họ sẽ ra sao?

Nhưng sang Mỹ thì tôi yên tâm, vì các diễn viên đều rất nhiệt tình và chuyên nghiệp. Ai cũng có trong tay một cuốn "Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình" của chị Trâm bằng tiếng Anh và đã thuộc lời thoại. Họ đã đọc kỹ cuốn sách, xúc động thật sự, nên nhập vai rất có hồn.

Diễn viên Matthews Korch sang Việt Nam đóng vai Fred (lúc trẻ), trước khi trở về Mỹ, anh ấy nói với chúng tôi: "Đây là giai đoạn tôi hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Mỗi ngày làm việc ở Việt Nam, tôi đều ghi nhật ký để mang về cho mẹ tôi đọc.

PV: Để xây dựng bộ phim hoành tráng và chân thực đến từng chi tiết, đòi hỏi sức lao động nghệ thuật rất lớn. Đạo diễn đã gặp phải những khó khăn gì?

NSND ĐNM: Khó khăn lớn nhất chính là những sự việc cũng như chuyện xoay quanh số phận cuốn nhật ký đều rất thật. Mà muốn biến chất liệu thật thành phim truyện, đạo diễn phải tìm ra một cấu trúc tổng thể, để sắp xếp các sự việc và đưa đến người xem thông điệp muốn nói.

Vì thế, khi quay xong rồi, kể cả lúc dựng phim, chúng tôi vẫn phải cấu trúc lại, mới có được bộ phim nhiều sự kiện, nhuần nhuyễn trong thể thống nhất như hiện nay. Câu chuyện thật, nhưng lại không thể nệ thực, vì sẽ không thành phim truyện. Có hư cấu, nhưng vẫn mang tinh thần tôn trọng sự thật, đúng với tính cách nhân vật. Ví như mẹ chị Trâm không phải là người năng lễ chùa, bà cũng không đốt cuốn sổ, nhưng trong phim thì bà lại lên chùa, đốt cuốn sổ cho chị Trâm.

Thực tế, bà cũng là người theo đạo Phật và đốt cho người âm là phong tục của người Việt Nam. Khó khăn còn không có một bối cảnh nào có sẵn. Để có được căn hộ tập thể của gia đình chị Trâm, cũng phải dựng từ một căn hộ ở Kim Liên đang chuẩn bị phá dỡ, rồi sơn lại, phục hồi thành căn hộ tập thể thời bao cấp.

Chúng tôi phải về Nam Định, đặt một người từng làm nghề đan vỏ phích, để có được cái phích nước thời đó, rồi tìm đúng cái quạt tai voi. Đó là chưa kể những cảnh thời chiến. Căn cứ quân sự thời Mỹ, hay ngôi làng để máy bay càn quét đều phải phục dựng trên Đồng Mô. Chúng tôi phải nhờ Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam giúp đỡ, mới có cảnh hàng loạt máy bay trực thăng đổ bộ.

PV: Thông điệp lớn nhất mà ông gửi gắm trong phim?

NSND ĐNM: Bác Doãn Ngọc Trâm đã nói hộ chúng tôi, là mong muốn với bộ phim này, thế giới sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn. Cũng như 2 câu thơ của chị Trâm mà tôi để kết phim: "Và ai có biết chăng ai/Tình thương đã chắp cánh dài cho ta". Hồi ở Mỹ, tôi hỏi Fred, cuốn nhật ký đọng lại trong anh là gì, Fred cũng nói là 2 câu đó. Làm nên sức mạnh của chị Trâm chính là tình yêu thương con người, tình cảm tha thiết, yêu gia đình, quê hương và điều đó đã thuyết phục được những người phía bên kia, như anh lính Sài Gòn và Fred.

PV: Cảm ơn ông!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những hồi ức sống động...

    27/04/2009Việt VănSau 34 năm, chiến tranh VN đã thành quá khứ, nhiều vết thương được hàn gắn, nhưng những ký ức về chiến tranh không thể nhạt phai đối với những người đã từng có mặt trong cuộc chiến tranh...
  • Chiến tranh - Hệ quả & hệ lụy

    18/04/2009Nguyễn Tất ThịnhXã hội loài người liên miên trong thế kỉ nào cũng có ít nhất vài cuộc chiến tranh với bên trong hay bên ngoài, qui mô lớn hay nhỏ… như là một định mệnh của xã hội Loài người vậy!