Rousseau: Copernicus trong giáo dục

02:51 CH @ Thứ Tư - 15 Tháng Giêng, 2014

"Không có sự thay đổi nào giàu tính cách mạng hơn thế. Giống như Copernicus đã phá hủy vũ trụ học Trung cổ, Rousseau đã đặt dấu chấm hết cho các quan niệm cổ truyền về trẻ em, bằng cách cho thấy rằng trẻ em là một tạo vật của thiên nhiên, hoạt động và lớn mạnh hòa điệu với quy luật của thiên nhiên". Đó là nhận định của Frederick Eby (Sự phát triển của giáo dục hiện đại/The Development of Modern Education, 1964) về triết thuyết giáo dục của Rousseau. Thật thế, suốt bao thế kỷ, lý thuyết và thực hành giáo dục được xác lập từ thế đứng và lợi ích của xã hội người lớn. Không ai có thể nghĩ từ một quan điểm nào khác!

Lấy trẻ em làm trung tâm

Trong bài giới thiệu kiệt tác "Émile hay về giáo dục" của Rousseau qua bản dịch tuyệt vời của hai dịch giả Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương (NXB Tri Thức 2008, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2009), chúng tôi có viết: "Bước ngoặt trong tư duy giáo dục được thể hiện dày đặc trong từng trang sách khiến người đọc dường như luôn cảm thấy muốn dừng lại, dùng bút để gạch dưới hay tô đậm hàng loạt những câu đặc sắc! Vượt qua khoảng cách 250 năm, tưởng như Rousseau là người sống đồng thời với chúng ta, đang chia sẻ những nỗi lo âu và bất bình của những người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một nền giáo dục đang phạm nhiều sai lầm từ cơ sở triết lý, cách thiết kế cho đến phương pháp sư phạm với mọi hậu quả đáng sợ cho phụ huynh lẫn con cái. Ta hãy thử nghe ông nói: "chúng ta xót thương cho số phận của tuổi thơ, thế nhưng chính số phận chúng ta mới cần xót thương! Những nỗi đau lớn nhất của chúng ta là do chúng ta mà ra". Vì đâu nên nỗi? Vì "người ta không hề hiểu biết tuổi thơ: dựa trên những ý tưởng sai lầm của ta về tuổi thơ thì càng đi càng lạc lối (...) Họ luôn tìm kiếm người lớn trong đứa trẻ mà không nghĩ về hiện trạng của đứa trẻ trước khi nó là người lớn". Nói cách khác, đó là nền giáo dục không hề "nhìn rõ chủ thể mà trên đó ta cần thao tác. Vậy xin các vị hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ hơn các học trò của mình". Và cũng vì không hiểu rõ "chủ thể" của giáo dục là người học nên người lớn tha hồ sử dụng phương pháp áp đặt: "thay vì giúp ta tìm ra các chứng minh, người ta đọc cho ta viết các chứng minh ấy; thay vì dạy ta lập luận, ông thầy lập luận hộ ta và chỉ rèn luyện trí nhớ của ta thôi". Trong khi đó, đúng ra "vấn đề không phải là dạy các môn khoa học, mà là đem lại hứng thú để yêu khoa học và đem lại phương pháp để học những môn đó, khi hứng thú này phát triển hơn lên. Chắc chắn đó là nguyên lý cơ bản của bất kỳ nền giáo dục tốt nào".

Thiếu các nguyên lý đúng đắn dẫn đạo, ta chỉ tạo ra những con người "được gia công", vừa được nuông chiều quá đáng trong vòng tay cha mẹ, vừa bị kiềm tỏa dưới mái nhà trường: "Những ý tưởng đầu tiên của trẻ là những ý tưởng về quyền lực và khuất phục! Nó hạ lệnh trước khi biết nói, nó vâng theo trước khi có thể hành động, và đôi khi người ta trừng phạt nó trước khi nó có thể biết lỗi, hay nói đúng hơn là có thể phạm lỗi. Như vậy là người ta sớm rót vào trái tim non nớt của nó những đam mê mà sau đó người ta quy tội cho tự nhiên, vàsau khi đã nhọc công làm cho nó thành tai ác, người ta lại phàn nàn vì thấy nó tai ác!". Sản phẩm tất yếu của một nền giáo dục áp đặt như thế thật đáng sợ: ... "vừa là nô lệ vừa là bạo chúa, đầy kiến thức và thiếu lương tri, yếu đuối bạc nhược về thể chất cũng như tâm hồn, và bị quẳng vào xã hội"...

Đóng góp lớn của Rousseau là vạch rõ sự sai lầm của quan niệm xem đứa trẻ là “người lớn thu nhỏ”, và tiến trình giáo dục không gì khác hơn là "gia tăng" kích thước của thể xác và trữ lượng của kiến thức! Người ta kỳ vọng trẻ em hiểu những chủ đề và quan tâm những ý tưởng giống hệt như người lớn. Chúng bị buộc phải tập tành những quy củ của đời sống xã hội và những chuẩn mực đạo đức của người lớn. Vì thế, theo ông, phải làm ngược lại! Nếu trẻ em phải trở thành trung tâmcủa giáo dục, thì giảng dạy không còn là nhồi nhét kiến thức mà là cung cấp những cơ hội để "vận hành" những hoạt động mang tính tự nhiên đối với từng lứa tuổi và từng giai đoạn.

Vấn đề khác của quan niệm cổ truyền là thói quen đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi ích cá nhân. Đứa trẻ được huấn luyện để thích hợp với xã hội hiện tồn. Cá nhân bị hy sinh cho yêu cầu của xã hội. Rousseau rất phẫn nộ trước điều này, vì, theo ông, tính thiện và hạnh phúc của cá nhân là thiết yếu hơn nhiều so với việc phát triển tài năng nhằm phục vụ cho xã hội! Đặt nhu cầu và nguyện vọng của cá nhân lên trên xã hội có tổ chức, Rousseau đã đảo lộn trật tự cố hữu. Trái tim của triết thuyết giáo dục Rousseau là tìm hiểu bản tính tự nhiên của trẻ em Nguyên tắc của triết thuyết ấy là phải hiểu những gì bản thân tự nhiên phát triển trong đứa trẻ.

Mục đích tối hậu của giáo dục

Mục tiêu tối hậu của Rousseau là bảo tồn cái thiên chân và những đức tính tốt đẹp của con tim và của xã hội hài hòa với những đức tính ấy. Trong thiên nhiên, Rousseau thấy trật tự, hài hòa và vẻ đẹp. Trong đời sống con người, ngược lại, đầy rẫy những xấu xa, đê tiện, xung đột và nghèo đói. Chính sự tương phản giữa hai thế giới này dẫn đến những tệ trạng cho xã hội và cho nền giáo dục. "Cứu cánh tối cao phải đạt được là một xã hội trong đó những đức tính cao thượng cơ bản như dũng cảm, kiên trì, điều độ, bình đẳng, bác ái, giản dị và tự do... phải được thực hiện".

Thật ra, Rousseau không hề chống lại đời sống xã hội, trái lại, như đã thấy, ông tha thiết mong mỏi cá nhân có thể toàn tâm toàn ý đi vào cuộc sống chung trong tình nhân loại đích thực.

Vì thế, trước thực trạng khắc nghiệt, ông thấy cần thiết phải phác họa hai hệ thống giáo dục khác biệt triệt để với nhau: một hệ thống giáo dục chủ động dành cho một xã hội tốt đẹp, hợp tự nhiên; và một hệ thống giáo dụcphòng vệ dành cho xã hội "văn minh" đang thịnh hành.

"Émile hay về giáo dục" sẽ làm công việc ấy. Một việc làm vừa mới mẻ, tiến bộ, vừa có không ít nghịch lý, cực đoan như bản thân cuộc đời và toàn bộ học thuyết của ông. Nó là một "thử nghiệm tư duy" kiệt xuất, "khiêu khích" và buộc ta phải suy nghĩ hơn là quá "trơn tru" như một "đề án" được cắt gọt để dễ được thông qua và mọi người nhắm mắt làm theo!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cải cách giáo dục - Điểm hội tụ của tất cả các cuộc cải cách

    21/05/2014Nguyễn Trần BạtCuộc sống nối tiếp nhau bằng các thế hệ và thế hệ đi trước chuẩn bị cho thế hệ sau bằng con đường giáo dục. Hay nói cách khác, sứ mệnh quan trọng của giáo dục là chuẩn bị lực lượng cho tương lai. Đó có thể là việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của lực lượng kinh tế mới, lực lượng chính trị mới hay con người mới nói chung...
  • Cải cách giáo dục nhìn ra thế giới

    07/09/2013Xã hội thay đổi, mục tiêu của giáo dục cũng phải thay đổi theo. Xây dựng chương trình cải cách giáo dục riêng nhằm đáp ứng các nhu cầu trong nước, nhưng tất cả các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục đích: Dạy - học như thế nào để có hiệu quả nhất. Xin giới thiệu cách dạy học ở một số quốc gia để các bạn có thể so sánh với nội dung cải cách giáo dục ở nước ta...
  • “Emile, hay vấn đề giáo dục”

    22/08/2013Dương Thị Ngọc DungEmile, hay vấn đề giáo dục chính là "tuyên ngôn giải phóng tuổi trẻ " với lý luận đòi tự do cho con người cá nhân ở lứa tuổi thiếu niên. Xuyên suốt năm quyển - tương ứng với năm giai đoạn phát triển khác nhau của thời kỳ niên thiếu, từ lúc mới sinh ra cho đến khi trở thành một công dân trong xã hội - tư tưởng của Rousseau đều nhằm vào một mục đích duy nhất là tạo ra mẫu người công dân tự do cho một xã hội dân chủ lý tưởng...
  • “Giao lưu trực tuyến” với Hobbes, Locke và Rousseau

    02/09/2011Bùi Văn Nam SơnMời quý vị theo dõi buổi tranh luận “trực tuyến” (tưởng tượng!) với ba vị tổ sư Jean-Jacques Rousseau, Thomas Hobbes và John Locke chung quanh câu hỏi: Nhà nước để làm gì? Dân quyền cần được thể chế hoá ra sao?
  • Tư tưởng chủ quyền nhân dân trong tác phẩm khế ước xã hội của J.J.Rousseau

    20/04/2007Phạm Thế LựcCho đến ngày nay, nhiều nội dung trong tác phẩm Khế ước xã hội của J. J. Rousseau vẫn được kế thừa đã được nêu trong các văn kiện chính trị quan trọng như một tinh thần cách mạng đối với nhân loại. Trong Khế ước và xã hội, chủquyền nhân dân là tư tưởng xuyên suốt tác phẩm...
  • Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới

    22/07/2005Cuốn sách được biên dịch là tài liệu tham khảo có giá trị nhằm phục vụ các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các nhà nghiên cứu cũng như các bậc phụ huynh muốn tìm hiểu thêm nguồn gốc những phương pháp và chính sách giáo dục đã được áp dụng trên thế giới. Trong quá trình gian nan để tìm ra các giải pháp giáo dục hiệu quả và phù hợp nhất với điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay, việc tham khảo các quá trình cải cách giáo dục, nhất là những mô hình cải cách đã thành công và thất bại...
  • Cải cách giáo dục: Phá không phải là…Xây

    09/07/2005Nguyễn Minh Danh... Từ những ý kiến mang tính xây dựng theo kiểu mong muồn phá bỏ ngay những cái đang tồn tại trong bộ máy giáo dục nước nhà không hẳn khi nào cũng có thể mang tới những kết quả cần thiết. Giáo dục là một công việc tinh tế, đòi hỏi một thái độ ứng xử cẩn trọng và thực tế hơn là những khẩu hiệu dân tuý mang tính phủ nhận hiện trạng một cách đầy quyết liệt....
  • Cải cách giáo dục: Trước thách thức của thế kỷ XXI

    19/04/2005Phạm Khiêm Ích(Edgar Morin) Nhà trường phải giúp cho sinh viên thấm nhuần “một thứ văn hoá về tính phức hợp” (culture de la complexité), tức là nền văn hoá của thế giới ngày mai...
  • Cải cách giáo dục phải làm lại từ đầu

    10/11/2003Bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc cải cách giáo dục (CCGD) của ta đến nay đã qua hơn hai mươi năm. Thế nhưng những gì chúng ta làm được cho cuộc cách mạng này xem ra chưa đâu vào đâu cả. Nhiều chương trình, dự án tốn bạc tỷ, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ, tưởng đã xong, nhưng đưa ra thực thi, bị chính các GS, TS các NGND, NGƯT danh tiếng trong ngành và dư luận xã hội phản ứng gay gắt, quyết liệt, buộc phải huỷ bỏ. Trong khi đó, nhiều vấn nạn giáo dục, nhân cơ hội đó mọc lên như nấm. Cuộc đấu tranh giữa một nền giáo dục dân tộc, văn minh, tiến bộ với nền giáo dục thương mại hoá ngày một gay gắt...
  • xem toàn bộ