"Sách giáo khoa là một sản phẩm đặc biệt"

03:51 CH @ Thứ Ba - 16 Tháng Mười Hai, 2003

Việc dùng thuật ngữ "độc quyền" xuất bản SGK phổ thông ở đây có lẽ không phù hợp, và câu hỏi này nên dành cho lãnh đạo Bộ GDĐT. Về phía NXBGD chúng tôi xin nói rõ như sau: Kể từ quyết định thành lập NXBGD cho đến các quyết định tiếp theo của Bộ trưởng Bộ GDĐT qua các thời kỳ, NXBGD đều được giao nhiệm vụ xuất bản, in và phát hành SGK phổ thông. Từ đó đến nay, NXBGD đã đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ và kịp thời SGK phổ thông cho HS, GV ở mọi vùng miền của tổ quốc.

- Nếu bỏ "độc quyền", theo ông có lợi gì, hại gì?

- Nói đến "bỏ độc quyền" chắc là ý muốn các NXB khác cũng có quyền được tham gia vào việc xuất bản, in và phát hành SGK. Việc lợi, hại ở đây nên xem xét theo góc độ phục vụ nhiệm vụ chính trị, đó là phải đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ và kịp thời cho HS, GV ở mọi vùng miền các cuốn SGK có chất lượng tốt về nội dung và hình thức. NXBGD đã và đang ngày càng làm tốt hơn công việc này. Còn có giao công việc này cho các NXB khác cùng tham gia hay không là thuộc quyền của Bộ GDĐT, sau khi cân nhắc "lợi, hại" như đã nói trên. Nguyên nhân dẫn đến dư luận này cũng là tự nhiên, bởi vì xu thế chung hiện nay là "chống độc quyền". Tuy nhiên cần lưu ý SGK là một sản phẩm đặc biệt thuộc lĩnh vực văn hoá tư tưởng, đồng thời là quyền lợi hưởng thụ của mọi người nên cần có sự cân nhắc xem xét.

- Hiện nay việc xây dựng giá SGK được thực hiện như thế nào?

- Hiện nay việc xây dựng giá được thực hiện như sau: Hàng năm khi có in sách mới, NXBGD tự xây dựng giá trên cơ sở các chi phí thực tế theo giá cả thị trường, theo số lượng bản dự kiến phát hành. Sau đó NXBGD trình lên Bộ GDĐT, Ban Vật giá Bộ Tài chính. Sau khi được duyệt, NXB thực hiện in. Ngoài các chi phí cơ bản như tất cả các NXB khác (giấy, công in, nhuận bút, tiền lương)... riêng đối với xuất bản SGK còn phải đầu tư thêm một chi phí rất đáng kể cho công tác thẩm định, góp ý hoàn thiện bản thảo SGK. NXBGD là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong ngành giáo dục nên cũng phải đóng góp ngân sách theo quy định chung: Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng đầu vào của các chi phí sản xuất (như giấy, công in), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân... Có một điều cần nêu ở đây: Theo Luật thuế GTGT mặt hàng SGK thuộc đối tượng nhóm hàng không phải chịu thuế GTGT đầu ra, nhưng phải chịu thuế GTGT đầu vào của giấy, công in rất lớn nhưng lại không được khấu trừ.

- Có ý kiến cho rằng giá SGK hiện nay rẻ so với giá sách nói chung nhưng vẫn còn đắt so với giá thành vì không phải trả nhuận bút và có số lượng xuất bản lớn. ý kiến của ông về việc này? Theo ông, giá sách có thể giảm hơn?

- Đúng là SGK giá rẻ hơn sách thị trường vì có số lượng in lớn. NXBGD phải trả nhuận bút SGK. Sau khi được duyệt giá SGK, NXB cố gắng hạ giá thành để đảm bảo chi phí sản xuất và lưu thông. Nếu giảm giá thành sách thì phải giảm chất lượng in ấn, sách sẽ xấu, chất lượng kém trong khi chúng ta phải cố gắng nâng cao chất lượng hơn nữa mới đuổi kịp chất lượng sách khu vực và thế giới. Việc giữ ổn định không tăng giá SGK hàng năm là sự cố gắng lớn của NXBGD giảm giá thành tăng chất lượng, điều này xem như hạ giá sách. NXBGD đã giữ giá sách nhiều năm nay trong khi giá cả thị trường của tất cả các mặt hàng cấu thành SGK đều tăng hàng năm theo chỉ số tăng giá chung.

- Xin cảm ơn ông.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: