Sự thành đạt và bí quyết thành bại

11:59 SA @ Thứ Ba - 13 Tháng Mười, 2015

1. Bàn về thành đạt

Ai làm kinh doanh cũng muốn người đời công nhận mình là người thành đạt. Ý niệm Thành Đạt chiếm cứ tâm trí ta từng giây phút bởi nó là một trong những nhu cầu căn bản của con người – 2 mức nhu cầu tâm lý cao nhất là Nhu cầu về sự tự hoàn thiệnNhu cầu về sự kính mến và lòng tự trọng thuộc Mức cao của tháp nhu cầu Maslow. Bởi vậy, biết được làm sao để thành đạt, những nhân tố cơ bản làm nên sự thành công là biết được một bí mật to lớn, vô giá đối với một con người.

Ở trường phổ thông không có một khóa học nào dạy học sinh Thành đạt là gìLàm thế nào khi ra đời trở nên Thành đạt. Bởi vậy, người chưa thành đạt cứ mong ngóng, dõi theo người đang thành đạt để quan sát, khám phá các biểu hiện của người Thành đạt, tìm các nguyên nhân làm cho người Thành đạt khác mình. Nhiều người đã bắt chước, mô phỏng sự thành đạt của người khác bằng cách san lấp các khác biệt với người thành đạt hơn mình, đôi khi nhầm lẫn thành quảđạt được của người Thành đạt là nguyên nhân làm nên sự thành đạt ấy. Ví dụ, người thành đạt đeo dây chuyền vàng thì cũng cố mua dây chuyền vàng đeo, người thành đạt có ôtô xịn thì cũng cố sắm bằng được ô tô xịn...

Theo cách khác, nhiều người lại chăm chỉ tìm đọc các bài báo, sách tổng kết, đúc rút, đi lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm thành đạt của người nổi tiếng hòng lựa chọn các nguyên nhân căn bản, bản chất để cố gắng vươn lên, hoàn thiện mình. Làm giống rồi mà không thành đạt thì đổ tại số mệnh. Hỡi ôi, học hỏi là một quá trình liên tục không dễ gì trong một thời gian ngắn đã mong đạt tới ngay. Ngoài ra cơ hội, vận may và điều kiện của từng người khác nhau, không được ghi chép rõ và đủ qua các bài học thành công, nhưng chúng cũng là những yếu tố quan trọng không thể bỏ qua.

Các bạn và tôi đang cùng muốn tìm hiểu về thành công để thành công hơn nữa. Ở đây, tôi muốn chia sẻ về biểu hiện và vài cách nghĩ của mọi người tôi thường thấy.

2. Biểu hiển và cách nghĩ về thành đạt

Trên học đường, thành đạt nấp dưới bóng các điểm số sau những bài kiểm tra, những kỳ thi nóng bỏng. Ngoài xã hội, thành đạt biểu hiện qua địa vị, danh tiếng, tiền bạc hay thành quả lao động. Một người làm kinh doanh cuốn hút ta bởi các yếu tố bề ngoài và cá nhân của họ: tài sản cá nhân, sức mạnh điều động nguồn lực, hình ảnh tên tuổi, địa vị xã hội. Tất nhiên, còn có cả những người thành đạt không khoe cuộc sống cá nhân của mình trong công việc kinh doanh. Thế nhưng những gì người đời chứng kiến về cuộc sống riêng của người thành đạt đã đủ cho thấy đó là tấm gương sáng, phổ quát của xã hội về một con người mẫu mực. Chính vì thế mà phần đông xã hội lao vào tìm kiếm và xây dựng hình ảnh của mình tương tự như đã nhìn thấy của người khác để khẳng định giá trị của bản thân mình. Nhưng liệu những điều nhìn thấy đó là nguyên nhân hay hệ quả làm nên sự thành công của người thành đạt?

Thành đạt hấp dẫn ta bởi nó đem đến cho ta niềm tin rằng ta đã sống có giá trị. Đôi khi ta có được cảm giác đó từ những lời ngợi khen, sự thán phục của bạn bè, người thân và cả những người mà ta không hề quen biết. Nhiều người cho rằng và theo đuổi để tìm kiếm thứ gì đó bên ngoài (như lời khen, điểm số, sự thán phục của đám đông...) khẳng định cho giá trị thành đạt của mình. Cũng nhiều người nhận ra Thành đạt của mình theo cách đánh giá của những người khác là ảo tưởng và chưa phải là thực chất.

Thông thường, chúng ta luôn mong mình trở thành người có năng lực và hành vi tương ứng để có một công việc tương xứng, công việc ấy cho bạn được thoả mãn bản năng và nhu cầu thiết yếu. Phần đông mong có cuộc sống bình an, đóng góp theo khả năng và trưởng thành theo thời gian. Một số trong họ là vĩ nhân, danh nhân - những người sống và cống hiến cho lí tưởng cao cả, đạt tới mục đích sống riêng, làm nên nghiệp lớn, đóng góp cho lợi ích chung, lâu dài của xã hội và do đó được xã hội đánh giá cao. Cũng có không ít người lại sống một cuộc sống thiếu mục đích, đam mê và ước vọng.

Ta cần tránh rơi vào một trong ba nhóm người sau:

- một là những người tin vào và theo đuổi thành đạt (theo nghĩa vật chất) như mục đích duy nhất, hay cao đẹp nhất của cuộc đời

- hai là những người sống vô định, thiếu mục đích sống, thiếu tham vọng.

- ba là nhóm người theo đuổi mục đích thành đạt dựa theo sự thành đạt, quan niệm về thành đạt của những người khác.

Nhóm người thứ nhất khó biết đến sự bình an: động lực của họ hoàn toàn mang ý nghĩa cá nhân, không phản ánh trách nhiệm đối với xã hội, văn hoá chung. Họ thường thành đạt theo nghĩa: “Bọn nghèo thường nhăm nhăm đi mua thứ mình thiếu để khoe”. Họ không biết quý từng giây phút nhưng lại dùng đồng hồ xịn để khoe, họ không thưởng ngoạn thắng cảnh nhưng lại dùng xe cộ để khoe, họ không biết quý mến phụ nữ nhưng lại thích cặp kè gái đẹp để khoe. Như Gớt nói, khi nào chỉ nghĩ đến tiền thì không thể làm lý tưởng của mình đơm hoa kết trái. Đồng tiền còn làm cho kẻ khôn kém trí, đứa mất khôn dễ tội lỗi, chơi bời và ngày một ngu đi. Người thuộc nhóm này cho rằng, người không thành đạt và người thành đạt chỉ khác nhau bởi số lượng tiền và cách dùng tiền mua sắm, hưởng thụ cuộc sống. Bởi vậy, khi họ mới có chút tiền, họ sẽ vội vàng mua sắm vật chất để khoe. Chỉ những người chưa có thành tựu gì mới vội vàng chứng minh cho thành tựu, trong khi không chuẩn bị những thứ cho thành tựu đó sẵn sàng “ra hoa, đậu quả”.

Họ không biết rằng bản lĩnh chịu đựng còn khó hơn năng lực hưởng thụ. Viên đạn súng trường bay đi xa hơn đạn súng ngắn là bởi vì bị ép trong nòng súng dài. Năng lực hưởng thụ bị ép, bị khuất phục là để làm được những việc lớn, thành công lớn chứ không phải để nhanh chóng khoe sự hưởng thụ.

Nhóm người thứ hai bước song hành cùng sự tuyệt vọng trong thầm lặng. Mục đích sống cao đẹp là tối cần thiết và không có mục đích họ sẽ hoài phí sức sống, hoài bão, lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và thành đạt không đến với họ. Tỷ phú Bill Gates đã nói: “Trong cuộc sống của mỗi con người, sự rỗng tuếch là cái đáng sợ hơn cả. Không có mục đích, họ cứ sống trôi nổi trong đời như những mảnh giẻ rách trên dòng sông!” Hẳn không cần bàn thêm về chuyện cọc cạch giữa ham muốn và thành quả. Cuộc sống bon chen, xô bồ không ban cho ai có cơ hội ăn may kéo dài.

Nhóm người thứ balấy sự hơn kém với người khác làm thước đo sự thành đạt của mình giống như Con gà tức nhau tiếng gáy. Ta có thể gọi đây là cách thành đạt hơn người theo kiểu dễ thấy nhất, dễ chứng minh nhất. Bởi vậy, chúng ta thường thấy ngay tại khu phố mình ở, nhà này có xe A Còng thì nhà kia cố mua bằng được xe Dylan, nhà này đua sân rộng thì nhà kia đua mái cao hơn nhà hàng xóm. Rồi các cô thiếu nữ kém hiểu biết thì đua nhau bởi số lượng bộ váy đẹp, bởi số anh chàng cùng một lúc đến tán tỉnh mình… Thành đạt do hơn người khác, do những người khác cho rằng anh hay nàng có vẻ thành đạt là thứ thành đạt phù phiếm, bề ngoài mà hơn ai hết phải chính anh mới hiểu mình có thực sự thành đạt hay không. Và nếu anh là người thành đạt thì đâu cần ai đó tung hô anh là "muôn vàn thành đạt"?!

Như ở nhóm người thứ nhất tôi đã nêu, năng lực chịu đựng mà không hưởng thụ để làm việc lớn lao là thứ bản lĩnh cao nhất của người thành đạt. Một phẩm chất chung của người thành đạt là họ làm được sự “Ở đời khó nhất là biết dùng đồng tiền khi có tiền sẵn sàng”.

Thành đạt đúng đắn cho một người phải là mỗi ngày anh tiến bộ hơn chính anh ngày hôm trước về năng lực lao động, trí tuệ, đạo đức và tình yêu nhân loại. Kết quả thành đạt phản ánh gián tiếp qua chất lượng sống cá nhân và trực tiếp hiệu quả lao động mà qua đó anh đóng góp cho xã hội, đóng góp cho nhiều người khác. Với định nghĩa này, ước muốn thành đạt trở thành đồng nghĩa với luôn khao khát rèn luyện phẩm chất bản thân và cống hiến cho xã hội.
Khổng Tử là nhà tư tưởng vĩ đại thời kỳ Trung Quốc cổ đại - sáng lập nên Nho giáo, coi nhà nho là người đóng góp cho xã hội, biết xử sự đúng lẽ trời, người được thiên hạ chờ đợi để giúp việc đời. Nói một cách đơn giản, ông đã chỉ ra cách sống hài hoà với vũ trụ và đưa quy luật muôn đời này vào xã hội, mang lại lợi ích cho mọi người.

Nhiều luận điểm của ông vẫn có sức sống và ý nghĩa vượt thời đại giúp cho con người hướng đến sự Thành Đạt. Điều “Nhân” là hạt nhân trong học thuyết của Khổng Tử. Nhân là thương người (ái nhân), “điều mình không muốn thì cũng đừng đem áp dụng cho người khác”, “mình muốn lập thân thì cũng giúp người khác lập thân, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người khác thành đạt” là nội dung cơ bản của học thuyết về Nhân của Khổng Tử. Ông cho rằng, phẩm chất chất phác, tình cảm chân thực là điều kiện cần thiết để trau dồi đức “Nhân”, những người thích chau chuốt, hình thức, khéo nói, hay khoe là ít đức “Nhân”.

Đây, một ví dụ bạn có thể tìm thấy ở các cuốn sách về thành đạt: Triết gia Mỹ Emerson đã đưa ra suy nghĩ của ông về thành đạt: "Cười nhiều và thường xuyên, chiếm được sự tôn trọng của những người thông minh, và cảm tình của trẻ em; được sự trân trọng của những nhà phê bình trung thực và chịu đựng sự phản bội của những người bạn giả dối; biết thưởng thức cái đẹp; nhìn thấy điều tốt đẹp nhất trong con người; để lại cho thế giới một chút gì khiến nó tốt hơn, như một đứa con khoẻ mạnh, một mảnh vườn được chăm sóc hay một điều kiện xã hội được cải thiện; biết rằng có một cuộc đời đã dễ thở hơn bởi vì ta đã từng sống. Như vậy là ta đã thành đạt".

Một doanh nhân đáng được mọi người khâm phục thì trước hết người này phải thể hiện sự thích thú, say mê lãnh đạo/ quản lý, đi từ hệ thống tổ chức đến chi tiết của kinh doanh, đầu tư. Với nhân sự của mình thì đó là công tác tuyển dụng, sử dụng hiệu quả nhân lực, động viên và giải quyết mâu thuẫn con người, với đầu tư là tính toán tối ưu hóa nguồn lực tiền bạc, cân đối thu - chi, đáp ứng nhu cầu cổ đông... Khi gặp những doanh nhân thành đạt thì họ tận dụng thời gian chia sẻ với nhau, truyền bảo thế hệ kinh doanh sau những lời khuyên về công tác hàng ngày, kinh nghiệm kinh doanh của họ.

Ẩn chứa trong các kỹ năng hiệu quả, trình độ chuyên môn đáng khâm phục lại chính là kỹ năng của một người lao động có phẩm chất tốt đẹp, một doanh nhân có văn hóa kinh doanh tốt và những tư tưởng phục vụ cho sự thịnh vượng, lợi ích chung của cộng đồng. Đó chính là nội dung quan trọng của học làm người. Nói đến học làm người nghe có vẻ răn dạy, giảng giải chứ thực ra là hiểu biết về văn minh kinh doanh, nền văn hóa hình thành con người và lao động, từ đó hệ thống kinh doanh được xây dựng từ hệ thống văn hóa con người, hệ thống chia sẻ giá trị con người, giá trị kinh doanh. Rõ ràng đứng sau công tác kinh doanh thì để thuận lợi, hơn được, sinh tử, doanh nhân phải có tầm, có tâm văn hóa kinh doanh cao. Do đặc thù công tác của doanh nhân mà nhân loại đã xếp hạng doanh nhân thuộc tầng lớp trí thức, tầng lớp thượng lưu mang giá trị văn hóa cao của xã hội. Mọi phân tích doanh nhân từ nguồn gốc của thành công lẫn hệ quả của sự thành công là mức độ nhân văn, trí tuệ của doanh nhân hơn là cách nhìn nhận thông thường nhìn doanh nhân như một thương nhân giàu sang khó hiểu.

3. Những bí quyết để trở thành người thành đạt

Rất nhiều doanh nhân thành đạt đã tự viết về những bí quyết, giá trị cốt lõi ảnh hưởng sâu sắc đến sự thành công của mình. Nhiều nhà nghiên cứu cũng lấy sự thành đạt của người kinh doanh làm chủ đề nghiên cứu và công bố dưới dạng sách. Lại có cả những người chọn lọc những cuốn sách về thành đạt để tìm hiểu xem nét chung của các khám phá về người thành đạt là gì. Xem cuốn: 50 cuốn sách kinh điển về sự thành công.

"Trong suốt quá trình giảng dạy của tôi, có một điều làm tôi trăn trở rất nhiều là: ví dụ nếu có hai người cùng học chung một lớp, cùng học một bài học về những nguyên tắc và kế hoạch làm giàu. Sau đó một người thì thành đạt, một người thì thất bại. Điều gì đã xảy ra?" - T. Harv Eker

Và đây một nét chung của những người thành công được rút ra là: cần dành thời gian đọc nhiều: Nhìn vào những thói quen của người thành công bạn sẽ thấy họ là những người đọc nhiều. Nếu bạn có thể đọc về thành công của những người bạn ngưỡng mộ, bạn sẽ nâng cao tầm nhìn của chính mình. Chúng tôi đọc nhiều và cho rằng nguyên nhân của sự thành công trong kinh doanh ở tầm một người có thể phấn đấu được bao gồm: phẩm chất cá nhân như đạo đức/ tác phong, kiến thức và kỹ năng cá nhân đối với trọng trách lãnh đạo và quản lý của người đó. Còn bạn, bạn đã đọc, nghiền ngẫm một cuốn sách về tấm gương thành đạt nào chưa? Hãy bắt đầu đọc, vẫn chưa muộn đâu.

Các cuốn sách về Bí quyết của tỷ phú, triệu phú tôi ghi nhận được 5 nét chung làm nên sự thành công của họ là:

1- Phát huy được sở trường, sở đoản; tài năng, ước vọng của cá nhân
2- Không ngừng đóng góp giá trị cho nhiều người khác, cho nhiều tổ chức khác một cách tận tâm, chân thành
3- Bằng mọi giá giữ uy tín cá nhân, chữ tín doanh nghiệp mình đối với mọi đối tác
4- Có kỹ năng giải quyết vấn đề trong môi trường kinh doanh hiện đại, phối hợp với nhiều người đạt mục tiêu lớn
5- Biết mình, biết người qua nghiêm khắc nhìn nhận bản thân, tình hình thực tế, không ngừng hoàn thiện, rút kinh nghiệm liên tục, không để sai lầm lặp đi lặp lại, không hành động tùy tiện

Tôi nghĩ mỗi người đang thành đạt đều có thể giống như các tác giả sách, từ trải nghiệm chỉ ra vài nét, vài nguyên nhân làm nên sự thành công riêng. Một cách tương đối phổ quát, tôi xin giới thiệu một đúc rút về những điều cơ bản nhất làm nên sự thành đạt mà tôi thấy khá hợp lý.

Stephen Covey là tác giả của cuốn sách nổi tiếng "7 thói quen của người thành đạt" xuất bản lần đầu năm 1989. Ông là người nghiên cứu những nguyên nhân đúng đắn, hợp lý và vững chắc, có thể đạt kết quả như mong đợi là Thành đạt trong cuộc đời. 7 thói quen ông nêu ra trong cuốn sách được coi là những thói quen để một nhà lãnh đạo/ quản lý, nhân viên/ cá nhân và một tổ chức cùng nhau trở thành người thành đạt. Nhờ vậy, nước Mỹ gọi Covey là triết gia về quản lý và cuốn sách được coi như giáo trình để học thành đạt nhờ có nó giải phóng được tiềm năng của cá nhân, giúp cho họ cống hiến một cách tốt nhất; Nó giúp mỗi cá nhân rèn luyện nhân cách của mình để tự quản lý bản thân và cuộc sống; Mỗi người đều mang toàn bộ Cái Tôi của mình vào công việc chung, nhận rõ cách đóng góp và đạt kết quả lâu bền.

Đối với các nhà quản lý, bộ sách của Covey là một đột phá khâm phục trong tư tưởng quản lý so với cách quản lý con người truyền thống của thời kỳ công nghiệp. Trước kia, nhân viên chỉ được đào tạo đạt mức năng lực tối thiểu; Không được rèn tính cách/ nhân cách/ đạo đức. Nhà quản lý không có công cụ, kỹ thuật quản lý hành vi của người nhân viên. Bởi vậy cách quản lý trước kia là nhà quản lý thành đạt còn không dẫn dắt để cho các nhân viên thành đạt hoặc chỉ dựa vào nhau theo cơ chế tiền - vật chất thông thường.

Covey cho rằng một người mà hàng ngày lãng phí năng lực tiềm tàng của bản thân thì không thể trông đợi vào kết cục thành đạt. Bởi vậy muốn khai thác, phát huy được năng lực ấy thì phải gieo trồng sự thành đạt thông qua thói quen, để cho kết quả tự "chăm sóc" chính nó. Đúng như, “Gieo suy nghĩ, gặt hành động Gieo hành động, gặt thói quen Gieo thói quen, gặt tính cách Gieo tính cách, gặt số phận” (Samuel Smiles). 7 thói quen do Covey nêu ra thực sự là bí quyết thành công cho bất kỳ ai muốn thành đạt trong công việc, kinh doanh và cuộc sống:


A. Khả năng cá nhân – chế ngự, chiến thắng chính bản thân

Thói quen 1. Luôn luôn chủ động - tự chủ, không để ai giục giã, nhắc nhở (vẫn là trẻ con khi cứ phải để người lớn, đối tác giục giã)
Thói quen 2. Mục tiêu rõ ràng - nắm vững mục đích, hiểu rõ yêu cầu công việc, nhận thức rõ mức độ quan trọng, biết lập kế hoạch
Thói quen 3. Quan trọng làm trước - Tác phong công nghiệp, Làm việc theo trật tự độ quan trọng trong kế hoạch đã xếp

B. Khả năng làm việc tập thể - hòa nhập cộng đồng đem lại chiến thắng tập thể

Thói quen 4. Cùng có lợi - Luôn luôn chọn giải pháp để mình và người khác cùng có lợi
Thói quen 5. Lắng nghe, hiểu rõ ý tưởng, yêu cầu, nhu cầu người khác (đồng nghiệp, nhà quản lý, đối tác, khách hàng) hơn là chỉ truyền thông làm cho họ hiểu mình
Thói quen 6. Biết hiệp đồng cùng làm việc và sáng tạo trong làm việc nhóm để có kết quả tốt hơn làm việc cá nhân, một mình

C. Tự đổi mới – biết tự mài giũa bản thân

Thói quen 7. Biết cân bằng giữa:
- vật chất và tinh thần (chăm lo tinh thần không ít hơn chăm lo vật chất)
- lao động và nghỉ ngơi
- cá nhân và tập thể
- doanh nghiệp và xã hội
để liên tục tiến bộ.

Các doanh nhân lớn đều cho rằng để trụ vững và luôn tiến lên trên con đường thành công lâu dài thì người doanh nhân phải biết bám sát hơi thở cuộc sống kinh doanh. Họ không những nắm bắt tình hình, tinh thông giải quyết mà còn biết tự phản biện, sử dụng sự ý kiến phản biện bên ngoài. Người kinh doanh không có khả năng kiềm chế cảm giác khó chịu khi có ý kiến chính xác, chỉ ra điểm yếu của họ thì tiến một lùi ba trên con đường thành đạt.

Thành đạt khó kiếm nhưng lại rất dễ mất. Ở bài tiếp theo, tôi sẽ trình bày tiếp về những ngộ nhận, những bước lùi, những lối rẽ ngang của nhiều người trên con đường vươn tới thành công.

(Còn nữa...)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Về sở hữu, vị thế và xã hội hóa

    26/02/2019Nguyễn Tất ThịnhĐây là ba khái niệm lớn nhất trong đời sống Con người và luôn mang tính Cá thể, tính Thời đại, tính Cộng đồng. Ngày nay những khái niệm đó càng rõ ràng và càng là điều thôi thúc với mọi người hơn cả…
  • Lincoln từ chối cho vay tiền

    15/11/2014"Sự lãng phí thời gian vô ích đó chính là toàn bộ nguyên nhân gây nên khó khăn". Bồi dưỡng cho người khác nếp làm việc chuyên cần quan trọng hơn nhiều so với việc có được một khoản tiền...
  • Có rủi ro mới thành đạt

    12/11/2013Can đảm, biết chấp nhận rủi ro và mạo hiểm là những đức tính vô cùng cần thiết cho những người có tham vọng trở thành một doanh nhân thành đạt, trong một thế giới đầy thử thách và biến động như ngày nay...
  • Làm thế nào để thành đạt?

    11/09/2013Jack Canfield“Tổ sư làm giàu” này, tác giả của bộ sách gối đầu giường của thời đại tân thời Chicken Soup For The Soul, đã có một tài sản tàm tạm gồm 110 đầu sách với hơn 100 triệu bản phát hành trên thế giới bằng 46 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có hơn 60 quyển trong danh sách bán chạy nhất của New York Times... Không có những gì trừu tượng, trên trời dưới biển trong những nguyên tắc thành đạt. Jack Canfield nói rằng khả năng thành đạt này đang “có sẵn nơi mỗi người"...
  • Thành đạt hay thành tiền?

    19/08/2013Có một số ngành học hoàn toàn không có sinh viên Việt Nam như: tâm lý học, xã hội học, Phật học và các ngành nghệ thuật. Vậy du học sinh Việt Nam học ngành gì?
  • Bàn về sự thành công

    29/04/2009MatsushitaNgười có được địa vị và danh tiếng xã hội, hoặc tất cả những người làm nên gia sản lớn không hẳn đều hạnh phúc. Vậy thì tựu chung thành công của con người là gì?
  • Sự thành đạt

    08/06/2008Nguyễn Nhàn Cát ĐằngSự thành đạt là một giá trị sống của con người, ở Tây Phương cũng như Đông phương. Đặc biệt, Tây phương rất chú trọng đến phát triển xã hội và sự thành đạt trong mặt xã hội của mỗi cá nhân nên về kinh tế xã hội, họ luôn luôn đi trước. Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, các loại sách “học làm người” có một bước tiến mới. Những cuốn sách này được dịch ở Việt Nam khá nhiều, ở đây chỉ nêu vài cuốn tiêu biểu...
  • Đặc điểm của những con người thành đạt

    22/07/2005“Đánh mất mục tiêu chính là bạn đang mất đi hướng đi của mình”. Vì vậy bạn nên xác định rõ ràng mình là ai và cái đích mà bạn đang hướng tới là gì. ...
  • Bảy thói quen của người thành đạt

    11/11/2003Bùi Quang MinhĐây là cuốn sách kỳ diệu có thể biến đổi cuộc đời mỗi chúng ta, giúp mỗi người đi từ làm chủ bản thân vươn lên hợp tác thành công trong công việc và cuộc sống. Cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt” của Stephen R. Covey là một cuốn sách đã nổi tiếng từ hàng chục năm nay trên khắp thế giới. Trong cuốn sách, Stephen Covey muốn giới thiệu một phương pháp, kết hợp toàn diện và thực tiễn để giải quyết các vấn đề về tính cách con người và sự nghiệp...
  • Một lầm lẫn về sự thành đạt

    15/06/2005Trong một bài trả lời phỏng vấn, người giàu có và thành công nhất thế giới Bill Gates đã nói quan niệm của mình: Cuộc sống là một cuốn sách to, dày. Kẻ dại thì lật quá nhanh.
  • xem toàn bộ