Sức sống của một cuộc tranh luận
Cuốn sách là một công trình được giới nghiên cứu, giảng dạy ngữ văn học, văn hóa học, nghệ thuật học đón đợi với nhiều chương mục phong phú, đặc biệt là hai thư mục: Các bài viết tham gia tranh luận từ 1935 đến 1939 và các bài nghiên cứu về cuộc tranh luận nói trên từ 1940 đến nay.
Để bạn đọc dễ theo dõi, chúng tôi xin thuật lại diễn biến cuộc tranh luận từ chỗ đứng hôm nay. Có thể chia cuộc tranh luận thành ba đợt: Đợt thứ nhất được mở đầu bằng bài của Thiếu Sơn: Hai quan niệm về văn học (2/1935) khi ông không tán đồng Nguyễn Bá Học chủ trương văn chương phải “biết chép sự thực” và phê phán Phạm Quỳnh, người chỉ coi trọng sách giáo khoa còn thơ văn, tiểu thuyết là loại “văn chương chơi”.
Hai quan niệm này chịu ảnh hưởng Nho giáo lấy việc phục vụ đạo lý làm mục đích văn chương. Tiếp theo, Thiếu Sơn còn viết Nghệ thuật với đời người (3/1935), Văn học bình dân và quan niệm: Văn chương làm việc cho đời theo cách riêng, đòi hỏi tính khách quan, không vụ lợi.
Nhận thấy quan điểm trên rất phổ biến trong xã hội, đặc biệt là trong giới văn nhân, Hải Triều trước đó hai năm trong Sự tiến hóa của văn học và sự tiến hóa của nhân sinh (10/1933) chủ trương: Văn học là “cái biểu hiện của nhân sinh”, có hai thứ văn học căn bản: hợp với tiến hóa hay trái với tiến hóa. Còn loại văn học chủ trương không dính gì với “tiến hóa của nhân sinh, siêu nhiên bạt tục, hô hào thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật” là trái với tiến hóa.
Hải Triều còn có bài dài đăng trên hai kỳ báo Đời Mới: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh đã theo sát những bài viết trái với quan điểm duy vật về nghệ thuật của ông, và cho rằng: “Cái phát nguyên của nghệ thuật là ở trong xã hội, mà cái cứu cánh của nó cũng ở trong xã hội”. Hải Triều bác bỏ loại nghệ thuật của thiểu số, mua vui cho một giai cấp đủ ăn đủ mặc, không bao giờ diễn đạt nỗi tình cảm, ý chí, nguyện vọng của số đông dân chúng.
Đợt thứ hai kéo dài chừng một năm nhân việc đánh giá cuốn Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, được mở đầu bằng bài Văn chương là văn chương của Hoài Thanh. Theo ông, văn chương là “vật quý”, là sản phẩm kết tinh và thăng hoa của tâm hồn nghệ sĩ rung động từ cái đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên và nỗi buồn - vui muôn thuở… Ông ví văn chương như “bông hoa đẹp, đầy hương sắc, đem lại cho con người những giây phút say sưa, thoát tục để quên đi nỗi nhọc nhằn mà hướng tới cái Đẹp, cái Đạo cái Thâm Chân cao cả và huyền diệu”.
Cùng với Hoài Thanh, các ông Lưu Trọng Lư, Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều, Phan Văn Dật, Lê Quang Lộc đều chủ trương duy trì tự do tuyệt đối của nhà văn trước áp lực của nhà cầm quyền và của công chúng, bảo vệ tính độc lập của văn chương trước mọi ràng buộc xã hội.
Đáp lại những lập luận cực đoan, tuyệt đối hóa thiên chức của nghệ thuật và cá tính nghệ sĩ, Hải Triều cho rằng, đó là thứ lý thuyết “tự dối mình và lừa người khác”, tìm sự ẩn nấp cho văn học và nhà văn trên những tháp ngà. Nhiều bài viết của Hải Vân, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang, Hồ Xanh khẳng định văn học là sản phẩm của xã hội là ý thức tinh thần xã hội; nó mang nội dung xã hội sâu sắc và giáo dục tư tưởng, bồi đắp tình cảm cho người đọc.
Song, do nhiều lẽ, bấy giờ các ông chưa chú ý thích đáng đến đặc trưng nghệ thuật, vai trò cá tính sáng tạo của nghệ sĩ, những phương tiện của “sức đẩy hình thức”, tính đa dạng, đa thanh của ngôn ngữ văn học. Đó là chưa kể còn có đôi chỗ các ông nặng lời đối với phía đối thoại khi gọi họ bằng “Văn sĩ phu hào”, “Văn sĩ trưởng giả tiếp tay cho giai cấp bóc lột”, v.v…
Năm 1936 -1938, cuộc tranh luận bước sang đợt thứ ba và có phần lắng dịu. Lúc này, cả hai phía đều có những điều chỉnh cần thiết trong nhận thức, quan niệm, và sách lược của mình. Những dấu hiệu đó thấy rõ khi cuốn Văn chương và hành động (1936) do Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều viết, bị chính quyền thực dân cấm lưu hành.
Còn Hải Triều thì cho in Văn sĩ và xã hội (1937) và nhiều bài về văn học và chủ nghĩa duy vật. Thời điểm lịch sử này là “đêm hôm trước” của cuộc chiến tranh thế giới mới mà những đám mây đen đang vần vũ bao phủ bầu trời nhân loại. Vấn đề cấp thiết, sống còn lúc này là việc bảo vệ nền văn hóa dân tộc được đặt lên hàng đầu.
Vậy những điểm quy tâm giữa hai phái là ở chỗ nào để tạo nên ý nghĩa và bài học của cuộc tranh luận nghệ thuật 1935 - 1939? Theo tôi, ít nhất là có bốn điểm sau đây:
- Văn học phản ánh cuộc sống xã hội, là công cụ phục vụ lợi ích của người lao động; đối tượng phản ánh của văn học không chỉ bó hẹp vào tính giai cấp, vào một giai cấp cần lao nào đó mà là CON NGƯỜI viết hoa, con người mang tính nhân loại. Đây là ý kiến của Thiếu Sơn: “Nếu người bình dân chưa được nói đến trong văn chương nước ta, thì bây giờ chúng ta cần chú ý đề cập tới họ để thế giới con người trong văn chương không bị khiếm khuyết, đồng thời không thể hạn chế ngòi bút viết về các đối tượng khác” (tr.52).
- Sứ mệnh cao quý của nhà văn được cả hai phía tôn vinh ở những mức độ khác nhau. Nếu như Hải Triều nhấn mạnh nhà văn xã hội, nhà văn của giai cấp cần lao (tr.56), thì Hoài Thanh coi nhà văn là một người sống giữa xã hội… làm hết phận sự đối với xã hội… phải biết bênh vực kẻ yếu chống lại sức mạnh của tiền của và súng đạn… cầm bút chưa phải là viết văn. “ Văn chương là vật quý có đâu được nhiều thế” (tr.163).
- Việc đánh giá truyện Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan giữa họ cũng có điểm gần nhau. Hải Triều coi Kép Tư Bền là một tác phẩm thuộc trào lưu nghệ thuật vị nhân sinh, “xem văn Kép Tư Bền chúng ta nhận thấy rõ tác giả đứng về mặt tả thực chủ nghĩa (réalisme)”,… "nó đã mở ra một kỷ nguyên mới cho cái tư triều tả thiệt và xã hội ở nước ta” (Tr.132).
Còn Thiếu Sơn thì khen ngợi nhà văn họ Nguyễn là cây bút “thiên tài hiếm có” đã say sưa nói đến bề trái xã hội, ưa phanh phui những cái hèn kém sâu xa, độc ác của đời người. Với sở trường các biện pháp nghệ thuật tương phản (Art du constraste) nên các truyện của ông thường có hai cảnh trái ngược nhau, cảnh này làm tăng ý nghĩa của cảnh kia, gây nên vị chua chát của đời người (Tr.129, 130).
- Xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc trong điều kiện lịch sử mới là điểm đồng thuận giữa các đại biểu của hai phía. Chúng ta biết rằng, ý thức dân tộc, chủ nghĩa dân tộc là nội hàm ẩn chứa nhiều giá trị, là phương châm lớn để hoạt động cách mạng, chiêu tập hiền nhân, là hạt nhân của chính sách đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay từ bấy giờ, chúng ta thấy các vị có những quan điểm rõ ràng, những nhận thức sâu sắc về xây dựng nền văn hóa dân tộc. Bởi đó là “Quốc hồn”, “Quốc túy” của dân tộc. Qua khảo sát văn nghiệp của các nhà văn lớn M.Gorki, R. Rôlăng, H. Bácbuýt, Hải Triều tìm thấy tính cách dân tộc, ý nghĩa quốc tế trong nhiều văn phẩm của họ, khẳng định sự thống nhất giữa tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân loại của văn học.
Bùi Công Trừng nói đến quan điểm kế thừa văn hóa dân tộc và sự tiếp nhận văn hóa các nước. Hồ Xanh ca ngợi Hải Triều đã có công đồ cờ: Nghệ thuật vị nhân sinh để khôi phục “cái hồn nghệ thuật xưa, để thức tỉnh cõi lòng các thế hệ trẻ, cảnh tỉnh hồn nghệ thuật của nước nhà bằng cái thuyết biện chứng duy vật của ông” (Tr.241).
Còn Lưu Trọng Lư và Lan Khai phê phán óc sùng ngoại, tình trạng “mất gốc”, “ngoại hóa” văn chương nước ta, do sự lười biếng, cẩu thả, do thói quen chỉ muốn hưởng thụ những cái có sẵn của người Tàu và người Pháp. Theo các ông trong địa hạt văn chương, đặc tính dân tộc nằm ở ngôn ngữ dân tộc, cách cảm, cách nghĩ của dân tộc, tâm hồn dân tộc. “Tính dân tộc là phần tinh tuý thuần thục sâu xa trong tâm hồn của dân tộc” (Tr.67).
Cuộc tranh luận đã khép lại, tính đến nay vừa tròn 70 năm. Nhưng ý nghĩa và bài học của nó là sâu sắc và to lớn, bởi sức sống và sự phát triển của một nền văn nghệ dân tộc được tính không chỉ bằng định lượng và định tính của chiều cao tác phẩm, mà còn được đo bằng những cuộc tranh luận văn nghệ với mục đích làm trong sáng, lành mạnh những quan điểm văn nghệ chân chính dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn