Thêm một tiếng chuông cảnh báo

03:51 CH @ Thứ Ba - 23 Tháng Mười Hai, 2003

Cải tiến thi cử cũng là một cách nâng cao chất lượng giáo dục.
NGƯT Hoàng Huy Lập, Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên-Huế đánh giá: "Những nhân tố liên quan đến chất lượng GD đang trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu như: Chương trình, SGK chậm đổi mới; GV chưa đồng bộ về cơ cấu; cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị còn thiếu thốn, chưa kiên cố, chuẩn hoá và hiện đại hoá; công tác quản lý, chỉ đạo GD còn bất cập; nguồn lực và động lực cho GD phát triển còn rất hạn chế... chất lượng GD hiện nay còn thấp".

"Phải thay cách làm GD", GS Hồ Ngọc Đại khẳng định. Ông nhấn mạnh: "Giả thử Nhà nước dành cho GD không phải 16 - 17% ngân sách mà 40 - 50% hay nhiều hơn nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi tin, nếu vẫn theo cách nghĩ (tư duy) và cách làm GD hiện nay thì chỉ tốn tiền vô ích, thậm chí còn chứa nguy cơ gây tệ nạn, không thể tạo ra chút chuyển biến nào có ý nghĩa đối với tình hình GD hiện nay... Phải thay cách làm GD, kiểu như thay cày chìa vôi bằng máy cày, như thay công nghệ sản xuất trong các nhà máy". GS Đại đưa ra bản đề cương 9 điểm: Ba mặt: Nghiên cứu - đào tạo - chỉ đạo; ba bước: T.Ư - địa phương - đại trà; ba nhân vật: Học sinh - giáo viên - cha mẹ học sinh và các nhân vật thứ ba khác.

Còn theo GS Trần Thanh Đạm, để cải thiện tình hình chất lượng GD cần phải "thanh xuân hoá" GD phổ thông, tức là tinh giản nội dung để năng động phương pháp, dành nhiều hơn nữa không gian và thời gian suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo cho thầy giáo và học sinh. GS Đạm cho rằng "Đây là điều hoàn toàn khả thi... để chuẩn bị cho các cháu, các em vào đời thành những người khoẻ mạnh, thông minh, sáng tạo".

Tháo nút "thắt cổ chai"
GS Văn Như Cương cho rằng nền GD của chúng ta chưa thoát ra khỏi mô hình truyền thống của một nền "GD ứng thí", trong đó mục tiêu chủ yếu của người học là để đi thi. Điều này khiến cho càng lên lớp trên thì sự học càng trở nên căng thẳng, mệt mỏi. Thế nhưng con đường học tập tuy khá rộng rãi ở bậc phổ thông thì lại bị "thắt cổ chai" ở quãng đường lên ĐH, CĐ. Để giải bài toán "tắc đường" này - như cách gọi của GS Văn Như Cương - việc mở rộng hệ thống các trường ĐH, CĐ là một đột phá để xoay chuyển tình hình...

Theo GS Hoàng Tụy, đáng lo nhất hiện nay chưa phải là chất lượng GD phổ thông mà là "chất lượng dạy nghề, ĐH và sau ĐH. Đây mới chính là nơi mà quy mô và chất lượng đều kém ". Một số biện pháp cấp bách để "cứu GD ra khỏi nguy kịch", theo GS Tụy - dù sao cũng phải bắt đầu từ cấp học phổ thông - "trước hết phải xử lý các khối u trong vấn đề thi cử, dạy thêm và SGK".

Còn GS Phạm Phụ đưa ra 5 đề nghị về nâng cao chất lượng và đánh giá chất lượng GD ĐH: Sớm chuyển đổi cơ cấu nền GD ĐH; đặt hoạt động đánh giá chất lượng trong quản lý "Hiệu quả và trách nhiệm xã hội"; bắt đầu đánh giá chất lượng theo các chương trình đào tạo; quan điểm "phù hợp với mục đích" và cần sử dụng hợp lý hơn các "chỉ số thành tích"; sử dụng "đánh giá chất lượng từ bên ngoài" qua "đánh giá ngang cấp".

Với hội thảo này, các nhà chuyên môn hy vọng sẽ "góp tiếng nói" đánh giá về chất lượng GD một cách "thận trọng, nghiêm túc, đúng đắn...", nhưng điều quan trọng là "tiếng nói" này phải được lắng nghe.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: