Tính lạc hậu tương đối của Văn hoá
Thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới. Toàn cầu hóa đã len lỏi vào ngay cả những phần nhỏ bé nhất của thế giới, không chỉ làm trỗi dậy những khát vọng về sự phát triển mà còn tạo ra trạng thái phát triển thực thụ. Tuy nhiên, ở một số vùng trên thế giới, con người, đường như, chưa khai thác được những lợi ích mà toàn cầu hóa mang lại, thậm chí còn nhận thức một cách phiến diện về nó như là thủ phạm gây ra những xung đột về kinh tế, chính trị và văn hóa. Có thể nói, trong số những cuộc xung đột ấy, những xung đột về văn hóa tuy không phải luôn hữu hình và quyết liệt, nhưng âm thầm, bền bỉ, dai dẳng và có sức cản rất lớn đối với tiến trình phát triển chung của nhân loại. Do đó, nghiên cứu về tính lạc hậu tương đối của văn hóa với tư cách một thuộc tính tự nhiên của văn hóa và ảnh hưởng của nó đối với tiến trình phát triển và toàn cầu hóa là việc làm rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp các dân tộc hạn chế khả năng xảy ra xung đột trên cơ sở đó, khai thác những ảnh hưởng tích cực của văn hóa đối với tiến trình phát triển và toàn cầu hóa.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không có tham vọng phân tích một cách đầy đủ và cặn kẽ tất cả các khía cạnh của vấn đề, mà chỉ dừng lại ở việc chứng minh tính lạc hậu tương đối của văn hóa như là một trong những nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình phát triển và toàn cầu hóa. Hy vọng rằng, điều này sẽ góp phần vào việc giúp con người nhận thức lại về văn hóa và rút ra công nghệ khai thác những lợi ích mà nó mang lại.
1. Lạc hậu tương đối – thuộc tính tự nhiên của văn hoá
Tính tất yếu của tính lạc hậu tương đối của văn hóa
Trong nhiều bài viết trước, chúng tôi đã khẳng định văn hóa luôn mang trong mình tính lạc hậu tương đối. Trước khi lý giải hiện tượng này, chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ khái niệm tính lạc hậu tương đối của văn hóa. Có thể thấy rằng, mặc dù văn hóa có khả năng phản ánh một cách trung thực các khía cạnh của đời sống nhưng văn hóa không thể theo kịp một cách tuyệt đối các trạng thái hiện đại của cuộc sống. Điều này không khó lý giải bởi văn hóa luôn được hình thành sau những quá trình tương tác giữa các cá nhân trong một cộng đồng và giữa những cộng đồng khác nhau. Do đó, chúng ta có thể hiểu tính lạc hậu tương đối của văn hóa như là tính bảo lưu khách quan tự nhiên của các kinh nghiệm văn hóa, hình thành nên cái gọi là chủ nghĩa kinh nghiệm, khiến cho văn hóa không thể phản ánh kịp các trạng thái hiện đại, hay các trạng thái có tính tiếp diễn của cuộc sống.
Văn hóa là chất kết tinh sau những chu trình lịch sử khác nhau, hay nói cách khác, văn hóa chính là sản phẩm của quá khứ là sự tích luỹ những kinh nghiệm sống của cả một cộng đồng, một dân tộc. Tất cả các thành tố của văn hóa, tức là mọi khía cạnh của cuộc sống nhân loại, mọi trạng thái hiện đại đều do quá khứ tạo ra và phụ thuộc vào quá khứ. Với đặc tính là cái được hình thành sau và luôn trong trạng thái "ngày hôm qua", văn hóa luôn mang trong mình tính lạc hậu như là một quy luật của cuộc sống.
Chúng ta đều biết rằng, cuộc sống là một chuỗi các yếu tố vận động liên tục trong sự dính kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngày hôm nay, con người tư duy và hành động bằng các công cụ tư tưởng hình thành trong quá khứ song song với việc tạo ra những công cụ cho tương lai. Nói cách khác, con người, ở trạng thái hiện tại, chỉ có thể hát những bài hát của ngày hôm qua và sáng tác những bài hát về ngày hôm nay sau khi ngày hôm nay cũng trở thành một phần quá khứ. Trong bất kỳ bài hát nào, con người có thể mường tượng về tương lai, nhưng chắc chắn không thể có những kinh nghiệm tương lai. Do đó, mỗi thời đại đều có sứ mệnh riêng, nhưng luôn thực thi nhiệm vụ của mình bằng kinh nghiệm của thời đại trước, tức là được dẫn dắt bởi văn hóa. Văn hóa, với tư cách là sản phẩm của quá khứ, không thể tự mình tạo nên những kinh nghiệm mà con người chưa từng trải qua. Chính điều đó tạo ra tính lạc hậu của văn hóa so với sự phát triển của cuộc sống.
Tuy nhiên, tính lạc hậu của văn hóa bao giờ cũng chỉ ở trạng thái tương đối. Sở dĩ nói như vậy là bởi kinh nghiệm của ngày hôm qua luôn lạc hậu với kinh nghiệm của ngày hôm nay và kinh nghiệm của ngày hôm nay sẽ trở nên lạc hậu so với những kinh nghiệm của ngày mai. Hơn nữa, mức độ lạc hậu của văn hóa phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tích lũy kinh nghiệm văn hóa của con người bởi con người tích luỹ kinh nghiệm đến đâu thì sẽ đi được đến đó. Chính bởi vậy, con người có nghĩa vụ dịch chuyển trạng thái "ngày hôm qua" của văn hóa nhằm tiệm cận trạng thái "ngày hôm nay" của chính nó. Phải hiểu rằng, trạng thái "ngày hôm qua" của văn hóa sẽ rất khác nhau ở những khoảng thời gian khác nhau và ở những khoảng không gian khác nhau. Xung đột chỉ xảy ra khi trạng thái "ngày hôm qua" của văn hóa quá xa với trạng thái "ngày hôm nay" của chính nó. Nói cách khác, quá khứ luôn phục vụ hiện tại và tương lai chừng nào con người đủ dũng cảm vứt bỏ sự lạc hậu của nó.
Biểu hiện của tính lạc hậu tương đối của văn hóa
Những cộng đồng khác nhau có những tốc độ phát triển hoàn toàn khác nhau. Tính lạc hậu tương đối của văn hóa thường bộc lộ trong quá trình tương tác giữa các cộng đồng không cùng trình độ phát triển. Hãy hình dung nếu các cộng đồng có cùng tốc độ phát triển, họ sẽ đối thoại bằng ngôn ngữ của ngày hôm qua, và do giống nhau về tốc độ phát triển nên các trạng thái ngày hôm qua của các cộng đồng sẽ không quá khác nhau. Điều này sẽ giúp họ hiểu biết lẫn nhau một cách tương đối, và do đó, không gặp phải những trở ngại quá lớn trong quá trình tương tác. Ngược lại, nếu khác nhau về tốc độ phát triển, các cộng đồng sẽ dùng loại ngôn ngữ của riêng mình; mặc dù những ngôn ngữ mà các cộng đồng sử dụng trong quá trình tương tác đều là ngôn ngữ của ngày hôm qua, nhưng do khác nhau về tốc độ phát triển, nên các trạng thái ngày hôm qua của những cộng đồng sẽ rất khác nhau, thay vì giống nhau một cách tương đối. Điều này sẽ khiến họ rơi vào trạng thái bất đồng ngôn ngữ, nói cách khác, các cộng đồng sẽ vấp phải những mâu thuẫn nhất định. Đây chính là bằng chứng về sự thiếu kinh nghiệm đối thoại của mỗi cộng đồng trong từng giai đoạn cụ thể, và đồng thời, là một biểu hiện của tính lạc hậu tương đối về văn hóa.
Tính lạc hậu tương đối của văn hóa, thậm chí, còn thể hiện ngay trong quá trình tương tác giữa các cá thể trong cùng một cộng đồng. Mỗi cá nhân có nền tảng văn hóa khác nhau, hệ quả là, họ sẽ có những kính nghiệm sống, kinh nghiệm hành xử khác nhau. Trong quá trình tương tác, các cá nhân sẽ dùng những kinh nghiệm khác nhau của mình để xử lý các vấn đề của cuộc sống. Nếu giống nhau về kinh nghiệm văn hóa, các cá nhân sẽ không có sự mâu thuẫn về mặt nhận thức. Điều này sẽ giúp họ hợp tác với nhau một cách dễ dàng hơn. Ngược lại, khác nhau về kinh nghiệm văn hóa, giữa các cá nhân sẽ có trạng thái vênh về mặt nhận thức. Con người, khi không thể gần nhau về mặt nhận thức, sẽ tự mình tạo ra những khác biệt rất lớn, và do đó, không thể hợp tác với nhau. Xuất phát từ luận điểm này, chúng tôi cho rằng tính lạc hậu tương đối của văn hóa thể hiện rất rõ qua năng lực hợp tác của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Biểu hiện thứ ba của tính lạc hậu tương đối về văn hóa chính là nhu cầu hay sự khác biệt về chất lượng phát triển. Ở các quốc gia phát triển, con người luôn đòi hỏi dân chủ, trong khi ở các nước đang và kém phát triển, con người mới chỉ dừng lại ở việc đòi hỏi thỏa mãn các nhu cầu căn bản nhất. Tại sao lại có sự khác biệt rõ rệt như vậy? Câu trả lời là, chính văn hóa đã tạo ra khoảng chênh lệch về chất lượng của nhu cầu, chất lượng của sự phát triển cũng như chất lượng của cuộc sống. Từ các biểu hiện trên có thể khẳng định, tính lạc hậu tương đối của văn hóa không chỉ thể hiện trên một đường thẳng, tức quá trình tương tác và phát triển diễn ra bên trong mỗi cộng đồng, mà còn thể hiện trong cả mặt phẳng, được hiểu là quá trình tương tác và phát triển giữa các cộng đồng.
Giới hạn của tính lạc hậu tương đối của văn hóa
Như trên đã phân tích, tính lạc hậu tương đối của văn hóa là một trong những thuộc tính tự nhiên của văn hóa, tuy nhiên, nó cũng có giới hạn. Vậy, đâu là giới hạn của tính lạc hậu tương đối của văn hóa? Chúng tôi cho rằng, giới hạn của tính lạc hậu tương đối của văn hóa chính là khi các kinh nghiệm văn hóa đã từng tích luỹ trong quá khứ không còn khả năng ứng dụng trong hiện tại. Đó cũng chính là thời điểm con người nhận ra sự thiệt thòi, mất mát quyền lợi cả về vật chất lẫn tinh thần do việc duy trì thái quá các thái độ cực đoan về văn hóa hay áp dụng các kinh nghiệm văn hóa lỗi thời. Do đó, nhận ra giới hạn của tính lạc hậu tương đối của văn hóa mang một ý nghĩa rất quan trọng.
Nó không chỉ giúp con người giảm thiểu nguy cơ biến các giá trị văn hóa đương đại thành các giá trị văn hóa lỗi thời, tức là làm cho chúng mất dần giá trị sử dụng, mà còn khiến họ đủ dũng cảm chia tay với chúng. Chính điều này sẽ làm giảm sự khác biệt, tăng cường năng lực hợp tác giữa các cộng đồng, hạn chế khả năng xảy ra những xung đột về mặt văn hóa và hỗ trợ tích cực tiến trình phát triển và toàn cầu hóa.
Để minh họa cho luận điểm trên, chúng ta hãy cùng nhau bàn về một thuật ngữ, đó là "sự sụp đổ của các nền văn minh".
Hiện nay, UNESCO đang thực hiện rất nhiều dự án hỗ trợ việc tái tạo các nền văn minh như nền văn minh Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ... Khi phân biệt tính lạc hậu tương đối của văn hoa đối với các đòi hỏi khác của cuộc sống, với tính lạc hậu tuyệt đối của các nền văn hóa đối với sự phát triển, thì sư sụp đổ của các nền văn minh là một khái niệm cần phải làm rõ. Chúng tôi cho rằng, con người không thể duy trì quá lâu một loại thành tựu bởi giá trị hữu hạn của nó, do đó, theo nguyên lý phát triển, những giá trị văn hóa tiến bộ hơn phủ định các giá trị đã lỗi thời so với đòi hỏi của cuộc sống là một điều dễ hiểu. Có thời, người Hy Lạp lấy kiến trúc để biểu đạt sự phát triển, nhưng đến nay, khi kiến trúc trở thành bất động sản và bản năng thực dụng của con người trỗi dậy, kiến trúc cổ xưa sẽ bị mất dần giá trị. Nói cách khác, theo thời gian, những giá trị văn hóa đã từng đại diện cho một quá khứ văn minh sẽ bị bỏ rơi khi chúng không còn cần thiết đối với cuộc sống hiện đại. Nếu không có du lịch thúc đẩy thì nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc sẽ không bỏ ra những khoản đầu tư khổng lồ để xây dựng lại những đoạn sụp đổ của Vạn Lý Trường Thành. Vạn Lý Trường Thành được tái tạo nhưng với động cơ hoàn toàn khác so với khi nó được xây dựng vào thời Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên, các cung điện của Hy Lạp, do mất dần giá trị sử dụng nên không được xây dựng lại. Nhầm lẫn trước hiện tượng mất dần giá trị sử dụng của một số thành tựu về văn hóa, con người đã coi nó là sự sụp đổ của nền văn minh. Phải hiểu rằng sự phát triển rực rỡ về mặt văn hóa hoàn toàn không đồng nghĩa với tính vĩnh hằng của các giá trị văn hóa, cũng như không có sự sụp đổ của các nền văn minh mà chỉ có trạng thái bị bỏ rơi của một nền văn minh đã từng là thành tựu trong quá khứ, khi nó không còn cần thiết đối với cuộc sống. Đó chính là sự lỗi thời của các nền văn minh. Tính lỗi thời của các nền văn minh là một thông điệp biểu hiện sự không cần thiết của nó đôi với cuộc sống. Nó, đồng thời là biểu hiện rõ nhất về giới hạn của các giá trị văn hóa.
2. Ảnh hưởng của tính lạc hậu tương đối của văn hoá đối với tiến trình phát triển và tiến trình toàn cầu hoá
Thất bại trong việc xúc tiến sự đồng thuận - Hệ quả của trạng thái không ngưng tụ các kinh nghiệm văn hóa
Văn hóa và phát triển có mối quan hệ biện chứng sâu sắc. Nếu có bề dày kinh nghiệm văn hóa, chúng ta sẽ có khả năng đồng cảm với những cộng đồng khác trong quá trình tương tác. Sự hiểu biết lẫn nhau sẽ khiến mỗi cộng đồng trở nên tinh tế hơn trong các hành vi tìm kiếm lợi ích của mình. Ngược lại, sự phát triển quá nhanh sẽ không tạo điều kiện cho sự ngưng tụ các kinh nghiệm văn hóa và tạo ra trạng thái hời hợt về mặt văn hóa. Điều này sẽ khiến cho các hành vi tìm kiếm lợi ích của mỗi cộng đồng trở nên khó chấp nhận trong mắt những cộng đồng khác. Nền văn hóa Hoa Kỳ là một ví dụ để chứng minh luận điểm này.
Nhiều người lầm tưởng rằng, một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ chắc chắn sẽ rất tiên tiến về văn hóa mà quên mất rằng, phát triển về mặt kinh tế và tiên tiến về mặt văn hóa, nhiều khi, không phải là hai phạm trù hệ quả của nhau.
Nhìn nhận một cách khách quan, Hoa Kỳ không phải là một quốc gia sâu sắc về văn hóa. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, Hoa Kỳ là một quốc gia luôn mới, nhập cư về hầu hết các phương diện như con người, khoa học công nghệ, kỹ thuật... nên về mặt văn hóa, Hoa Kỳ không có chiều sâu hay sự thâm trầm cần thiết. Thứ hai, Hoa Kỳ là một quốc gia phát triển quá nhanh khiến cho các kinh nghiệm văn hóa không có điều kiện ngưng tụ. Thứ ba, Hoa Kỳ là một quốc gia quá thành đạt và chính sự thành đạt này đã tạo nên tâm lý tự mãn của Hoa Kỳ.
Điều này khiến các nhà chính trị Hoa Kỳ có một nhược điểm phổ biến là thiếu các kinh nghiệm văn hóa. Mọi hành vi chính trị, mọi hành vi tìm kiếm lợi ích của Hoa Kỳ không được dẫn dắt bởi các kinh nghiệm văn hóa, khiến cho các hành vi ấy vừa thiếu duyên dáng, vừa thiếu thuyết phục và không nhận được sự ủng nộ từ phía cộng đồng quốc tế. Mặt khác, không giống với châu Âu, Hoa Kỳ luôn sử dụng chính sách áp đặt với mong muốn lãnh đạo toàn thế giới, do đó, gây ra phản cảm đối với phần còn lại của thế giới, hậu quả tất yếu là xu thế chống lại Hoa Kỳ xuất hiện như một phản ứng bản năng ở rất nhiều nước trên thế giới.
Nếu sự phát triển của Hoa Kỳ có khả năng tạo ra sự lắng đọng và ngưng tụ của văn hóa, họ sẽ thành công trong việc tạo cho phần còn lại của thế giới một không gian tinh thần đủ để nhận thức được vai trò lãnh đạo tất yếu của Hoa Kỳ đối với tiến trình phát triển của nhân loại. Khi đó, các nhà chính trị Hoa Kỳ sẽ thành công trong việc xúc tiến sự đồng thuận từ các cộng đồng khác; đó chính là tiền đề để Hoa Kỳ biến tham vọng của mình trở thành hiện thực.
Những cơ hội bị bỏ lỡ - Hệ quả của việc duy trì các giá trị văn hóa lạc hậu
Văn hóa là cái nôi nuôi dưỡng mọi sự phát triển. Văn hóa tạo ra môi trường sống và không gian tinh thần để nâng đỡ các không gian chính trị và không gian kinh tế. Chính bởi vậy, sự phát triển về kinh tế và chính trị phu thuộc đáng kể vào không gian tinh thần đó. Nếu không gian tinh thần lạc hậu, con người sẽ nảy sinh tâm lý tự mãn về những giá trị của mình, rất khó khăn trong việc nhận ra cái mới và tiếp cận với cái mới, và do đó, sẽ bỏ lỡ các cơ hội phát triển.
Các quốc gia đang và kém phát triển thường có khuynh hướng duy trì bản sắc văn hóa như một bằng chứng về sự khác biệt, thậm chí lo ngại rằng, toàn cầu hóa sẽ xói mòn bản sắc văn hóa và bản lĩnh văn hóa, quên mất rằng bản sắc văn hóa hay bản lĩnh văn hóa đều được hình thành sau những quá trình lâu dài, tự nhiên và không thể biến mất trước những tương tác về văn hóa.
Chính những lo ngại không có cơ sở và phản ứng tự vệ phi lý này đã gây ra những xung đột về văn hóa, thể hiện qua những xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phát triển và tạo nên những phản ứng cực đoan đối với vấn đề toàn cầu hóa. Đáng lo ngại hơn, thay vì kêu gọi con người vươn tới sự phát triển như một trong những lợi ích quan trọng nhất, các quốc gia đang và kém phát triển còn chủ động tập trung nhận thức của người dân nước mình vào sự phát triển quá nhanh, không nhận ra rằng điều đó có thể triệt tiêu nhu cầu về sự phát triển trong mỗi con người và thậm chí cả cộng đồng. Mặt khác, các quốc gia dang phát triển luôn cảm thấy mình bị thua thiệt khi tham gia vào quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, cho đến khi nhận ra rằng các cơ hội bị bỏ lỡ do sự dị biệt về văn hóa chính là thông diệp về ảnh hưởng của tính lạc hậu tương đối của văn hóa.
Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm thức tỉnh về ảnh hưởng của tính lạc hậu tương đối của văn hóa. Trong những thập kỷ gần đây Trung Quốc nổi lên như một hiện tượng của thế giới. Đương nhiên, sự phát triển của Trung Quốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, phản kể đến sự dũng cảm của người Trung Quốc trong việc nhận thức lại các giá trị của bản sắc văn hóa. Trung Quốc đã sớm hiểu rằng, sự khác biệt là yếu tố đầu tiên gây ra những xung đột cả về nhận thức lẫn những xung dột trong quá trình kiếm tìm các lợi ích về kinh tế và chính trị. Do đó, duy trì bản sắc văn hóa một cách thái quá, tức tâm lý tự mãn về sự khác biệt sẽ đem lại cho Trung Quốc sự thua thiệt trong tiến trình phát triển và toàn cầu hóa. Đối với trường hợp của Việt Nam, căm thù những kẻ đã từng xâm lược đất nước mình cũng là một trạng thái tình cảm tự nhiên, và đồng thời, là một giá trị văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không nên và không thể kéo dài lòng căm thù ấy đến tận ngày hôm nay, bởi điều đó sẽ tạo ra quá nhiều thất thiệt cho quá trình phát triển và hội nhập. Nhận ra sự thất thiệt của việc bảo lưu các giá trị lạc hậu về văn hóa, người Việt Nam đã và sẽ dũng cảm chia tay với những giá trị văn hóa lạc hậu và tham gia vào các quá trình hợp tác một cách tự tin và cởi mở. Có thể nói, thất thiệt chính là thông điệp về giới hạn của tính lạc hậu tương đối của văn hóa, và con người chỉ chấp nhận tính lạc hậu tương đối của văn hóa khi và chỉ khi nó không vượt qua ranh giới của sự hợp lý và không cản trở tiến trình phát triển.
Nhận thức về tính giới hạn của sự lạc hậu tương đối về văn hóa thể hiện sự khôn ngoan của con người trong việc phân loại những công cụ hỗ trợ sự phát triển. Có thể nói, sự lạc hậu về mặt văn hóa, nếu nhìn từ góc độ này, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình phát triển của mỗi cá thể, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc và thậm chí tạo ra những trở ngại rất lớn trên phạm vi toàn cầu.
3. Xác lập trạng thái cân đối động – giải pháp khắc phục tính lạc hâu tương đối của văn hoá
Phát triển, về bản chất, chính là sự tăng trưởng những giá trị của con người. Mục đích của phát triển là nâng cao chất lượng sống của con người. Nhưng chất lượng sống không chỉ tính bằng chất lượng của đời sống vật chất mà quan trọng hơn là tính bằng chất lượng của đời sống tinh thần và môi trường sống. Như vậy, văn hóa chính là thước đo sự phát triển của xã hội, chất lượng của một nền văn hóa phản ánh trình độ phát triển của mỗi quốc gia và là tiêu chí để xếp hạng các dân tộc trong thời đại mới.
Phát triển là phương thức để con người hoàn thiện cuộc sống nhằm tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng nếu chỉ để ý đến tăng trưởng hay phát triển thuần túy, thì cuộc sống bình thường của con người sẽ bị phá vỡ bởi bất kỳ sự phát triển nào, cũng cần những khoảng thời gian ngưng tụ nhất định. Vì mục tiêu phát triển, con người phải biết cân đối mọi yếu tố của cuộc sống. Trong mọi thời đại, mọi cộng đồng và ở mọi vùng địa lý, sự cân đối, sự hài hòa liên tục luôn là trạng thái lý tưởng của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc hưởng thụ trạng thái hài hòa đã được xác lập, con người sẽ rơi vào tình trạng chậm phát triển.
Văn hóa sẽ không thể hình thành và phát triển nếu thiếu đi tính cân đối, nhưng nếu không có yếu tố động ở trong đó, bản thân nền văn hóa sẽ phát triển chậm. Đến lượt mình, sự kém phát triển của văn hóa sẽ tạo ra sự kém phát triển về mặt nhận thức, làm giảm tốc độ tích luỹ kinh nghiệm văn hóa và ảnh hưởng đến các tiến trình phát triển khác. Do đó, nâng cao tính mở của nền văn hóa nhằm thải hồi những giá trị lạc hậu và tiếp nhận những
giá trị mới, là giải pháp duy nhất để xác lập sự cân đối động của nền văn hóa, cũng chính là xác lập trạng thái cân đối động trong mối tương quan giữa văn hóa và phát triển.
Sự hài hòa giữa phát triển và việc hình thành các giá trị văn hóa của con người là một trong những điểm mấu chết để tạo ra độ hợp lý của sự phát triển, theo cách nói của nhiều người là phát triển ổn định hay phát triển bền vững. Tuy nhiên, đến nay, rất nhiều người thường tách ổn định và phát triển thành hai cặp phạm trù riêng biệt, thậm chí xem chúng như những cặp phạm trù tính và độc lập. Xét về mặt triết học, không có cặp phạm trù kép đó, hay cụ thể hơn là không có ổn định để phát triển hay phát triển để ổn định, mà chỉ có phạm trù phát triển bền vững.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra một cách nhìn khác về phát triển bền vững. Tăng trưởng liên tục, thậm chí sự cân đối về phát triển cũng không phải là phát triển bền vững.
Ngay cả sự bền vững của các chỉ tiêu cũng không phải là tiêu chuẩn để xác lập sự bền vững. Tiêu chuẩn của phát triển bền vững chính là tìm ra được điểm hài hoà, điểm phù hợp, điểm tương thích giữa văn hóa và phát triển. Nói cách khác, phát triển bền vững chính là sự hài hòa giữa các giá trị văn hóa và giá trị phát triển. Nếu không tìm ra được sự phù hợp giữa văn hóa và phát triển thì mọi sự phát triển cũng chỉ là hình thức và tạm thời.
Việc xác lập trạng thái cân đối động sẽ giúp con người nhận thức lại sự phát triển. Đến lượt mình, sự phát triển sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với quá trình hình thành và phát triển các giá trị văn hóa cũng như đối với việc loại bỏ dần các giá trị văn hóa không còn phục vụ cuộc sống. Do đó, tính hợp lý và hữu dụng của các giá trị văn hóa bao giờ cũng phải đặt trong mối tương quan với sự phát triển và phải được thẩm định bởi thực tiễn; nói cách khác, chính thực tiễn sẽ quyết định giá trị của văn hóa và nhu cầu phát triển sẽ xúc tiến quá trình cập nhật các giá trị văn hóa tiến bộ.
Tất cả các cộng đồng đều tự nhiên phụ thuộc một cách tương đối vào dòng phát triển chính lưu; tuy nhiên, tầng lớp trí thức sẽ thẩm định tính hợp lý của dòng chính lưu và cảnh báo khi dòng chính lưu đó mất dần tính hợp lý và trở nên cực đoan.
Xác lập trạng thái cân đối động chính là duy trì tính hợp lý của dòng chính lưu. Cuộc sống vốn đa dạng nên nó luôn vận động theo các khuynh hướng khác nhau và chính sự đa dạng của các khuynh hướng đã tạo ra các pha phát triển khác nhau của cuộc sống. Tầng lớp trí thức phải đủ tỉnh táo để đánh giá mức độ chính xác của các dòng nhận thức chính lưu, và thức tỉnh xã hội khi các dòng chính lưu đó có nguy cơ hoặc đã trở nên cực đoan.
Phải hiểu rằng tính hài hoà, cân đối giữa các tiêu chí con người về mặt văn hóa với các tiêu chí con người về mặt phát triển chính là tiêu chuẩn để thẩm định mức độ hợp lý của dòng chính lưu.
Nếu không nhận thức được trạng thái cân đối động trong mỗi pha phát triển cũng như trong từng khuynh hướng cụ thể, con người sẽ không có khả năng khai thác các yếu tố của cuộc sống.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần áp dụng tự do như là một nguyên lý phát triển. Sức mạnh của tự do thể hiện ở chỗ nó khiến cho mọi khuynh hướng đều bình đẳng, và do đó, tạo điều kiện cho việc xác lập trạng thái cân đối động của quá trình phát triển, nới rộng không gian tinh thần cũng như không gian phát triển của mỗi con người và cả cộng đồng.
Lời Kết
Nhiệm vụ của mỗi người là phải hoạch định tương lai của mình. Trạng thái này phần nào giống với hình ảnh người kiến trúc sư đứng trước nhiệm vụ phác thảo kiến trúc của căn nhà. Người kiến trúc sư ấy phải đủ tỉnh táo để không quá mải miết với các chi tiết mà quên đi tính cân đối tổng thể của căn nhà. Con người, bên cạnh việc xác lập trạng thái cân đối động trong mọi quá trình phát triển của mình, còn phải đủ dũng cảm để vứt bỏ những kinh nghiệm văn hóa đã mất dần giá trị sử dụng. Chỉ khi ấy, con người mới mang trên luật hành trang phục vụ tốt nhất cho tương lai. Đó cũng chính là thông điệp mà bài viết này muốn truyền tải tới người đọc.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn